Thái Thượng Cảm Ứng Thiên

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên là một quyển sách khuyến thiện đệ nhất trong kho tàng kinh điển của Đạo gia, được Ấn Quang Đại Sư hết sức tán thán. Ấn Quang Đại Sư một đời cung kính ấn tống “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” ước khoảng có hơn ba triệu bản. Hơn nữa Lý Bỉnh Nam cư sĩ, Tịnh Không Lão Pháp Sư cũng đều khích lệ thế nhân “Khuyến đọc, khuyến hành, khuyến in, khuyến giảng”. Quyển sách này cùng với Đệ Tử Quy, Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh là ba căn bản của Nho-Thích-Đạo, bất luận là ai cũng phải từ ba căn bản này mà học tập vun bồi cọi rễ, như thế mới có thể đạt được thành tựu chân thật trong một đời.

Chương 2: Bảo Vệ Môi Trường Tâm Linh

Bảo Vệ Môi Trường Tâm Linh



Trong Phẩm Phật Quốc, Kinh Duy Ma Cật, có nói: “Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”. Phẩm Dạ Ma Thiên Cung Tự Tại trong Kinh Hoa Nghiêm cũng nói: “Tâm như người họa sĩ có thể vẽ ra các pháp thế gian, ngũ uẩn từ đây nảy sinh, không pháp nào không tạo”. Lại trong Phẩm Thế Giới Thành Tựu, Kinh Hoa Nghiêm, cũng nói: “Các chúng sanh nhiễm ô, nghiệp hoặc trói buộc đáng sợ, tâm kia khiến đất nước, tất cả thành nhiễm ô. Vô lượng các chúng sanh đều phát tâm Bồ đề, tâm kia khiến đất nước, kiếp trụ luôn thanh tịnh.” Trong quyển một của Kinh Lăng Nghiêm cũng có nói: “Tâm linh của mọi người, tất cả đều sáng tỏ.” Do đây có thể biết Phật pháp dạy rằng nếu muốn thay đổi hoàn cảnh, trước tiên chúng ta phải biết sửa đổi tự tâm.

Hòa Thượng khai thị về việc bảo vệ môi trường tâm linh:

Người nương vào đất, đất sanh ra vạn vật như động vật, thực vật v.v.. Đất lại nương vào trời, cho nên nói: “Trên thì trời che chắn ta, dưới thì đất chuyên chở ta.” Gần đây một phần của tầng ô-zôn quanh Bắc Cực bị phá vỡ dẫn đến việc nhiệt độ xung quanh nơi này tăng cao. Đây là bằng chứng chứng minh việc con người phá hoại sự cân bằng sinh thái, từ đó cũng phá hoại luôn công năng bảo hộ của trời đất dành cho chúng ta.

Phép trời vốn theo lẽ tự nhiên. Cái gọi là “tự nhiên” là chỉ cho chân lý của tất cả hiện tượng. Sức sống vĩnh hằng này vốn không tăng, không giảm, và cũng có thể được gọi là Phật tánh, là cái mà tất cả chúng sanh đều có đầy đủ như nhau. Phật vốn không hề cao hơn chúng sanh, vấn đề là xem chúng sanh có thể tự giác và giác tha được hay không?! Phật đã trở về nguồn cội, còn chúng sanh bị dục vọng sai sử tạo nghiệp, làm cho quên mất trí tuệ vốn có, nên không thể tự phản tỉnh. Phương pháp tối ưu để cứu vãn môi trường chính là từ bỏ cái bên ngoài và trở về lại với bản chất-không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối.

Ở thế giới hiện tại của chúng ta, không khí đều đã bị ô nhiễm. Tại sao không khí bị ô nhiễm? Có người nói là do bom nguyên tử, bom hơi, xe hơi, các nhà máy công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng đã thải khói tạo thành. Đúng vậy, chính là như thế! Nhưng, chủ yếu vẫn là tâm nhiễm ô của con người chúng ta quá nặng! Bên trong bị ô nhiễm nặng nề nên bên ngoài không khí cũng không còn được trong lành nữa.

Trong Kinh Phật thường đề cập đến hiện tượng chấn động của quả đất. Nguyên nhân nào gây ra động đất? Đất động cũng có thể nói là “người động”, bởi vì con người và đất vốn tương thông–khi người động, thì đất cũng động; lúc người không động, thì đất cũng không động. Bởi vì thất tình([1]) lục dục trong tâm xao động nên đất cũng chấn động theo. Bên trong có rung chuyển, thì bên ngoài mới rung chuyển theo; trong động, thì ngoài cũng động; bên trong có cái gì, bên ngoài đều có cái đó. Trong và ngoài lúc nào cũng tương quan, có mối quan hệ liên đới với nhau.

Nếu tâm chúng ta không trong sạch thì cả vũ trụ Pháp Giới đều bị ô nhiễm; nếu như tâm chúng ta được trong sạch thì không khí ô nhiễm cũng không còn. Khi tâm con người chúng ta không thanh tịnh thì sẽ làm cho toàn cả thế giới đều bị ô trược. Cho nên điều cấp bách nhất hiện nay là làm trong sạch cái tâm này của chúng ta; hễ tâm thanh tịnh thì tất cả đều thanh tịnh! Trong tâm chúng ta không có nhiều vọng tưởng thì thế giới này sẽ được bình an hơn; trong tâm ta không có nhiều chiến tranh thì trên thế giới cũng không có chiến tranh. Tất cả đều do tâm tạo, mọi thứ hiện có trên thế giới đều do tâm niệm của chúng sanh tạo thành.

Cho nên những đệ tử quy y với tôi, hoặc xuất gia, hoặc tại gia, nếu là người có lòng tin nơi tôi thì nên ra sức sửa đổi những thói quen sai lầm của mình, hãy làm sạch “thùng rác” của chính mình, quét sạch mọi hận, oán, não phiền, giận dữ đang chất chứa trong tâm! Được như thế thì con người trong thời Mạt Pháp này sẽ được nương nhờ vào ánh sáng của quý vị, quý vị có thể hộ trì cho cả một thời đại con người.

Thế giới này sớm muộn gì cũng sẽ bị hủy diệt. Có điều nếu trong chúng ta có người chân chánh tu hành thì sẽ có nhiều thêm một luồng chánh khí, giảm bớt được một luồng ma khí; nhiều thêm một luồng sức mạnh của Phật, ít đi một luồng sức mạnh của ma, đây là một đạo lý tất nhiên! Những lời tôi nói đây, quý vị không nên xem như gió thoảng qua tai, bởi đối với vấn nạn hiện nay thì điều tôi nói rất quan trọng.

Cái gọi là “tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”, nghĩa là trong tâm thanh tịnh thì thế giới bên ngoài cũng sẽ thanh tịnh. Phải nỗ lực ra sao để bảo vệ môi trường tâm linh? Phải làm sao để tâm được thanh tịnh? Phần trên đã nêu ra sự dạy bảo của Đức Phật và của các bậc thiện tri thức, tôi tin rằng quý vị cũng đã tìm ra được đáp án – đó là trong cuộc sống thực tiễn hằng ngày, mọi người nên thực hành theo sáu đại tôn chỉ: “không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối”.

Không tranh: Trong tâm không nên tranh đấu, phô trương thanh thế với người khác, không so đo, tranh đấu với bất kỳ ai. Một khi trong tâm không có nhiều chiến tranh như thế, thì trên thế giới cũng sẽ không có chiến tranh; hễ thế giới không có chiến tranh, thì vũ khí giết người cũng sẽ không xuất hiện, địa cầu sẽ không bị hủy diệt.

Không tham: Trong đời sống vật chất, chúng ta không nên ham hưởng thụ như ăn ngon, mặc đẹp, ở nơi sang trọng. Ít ham muốn và biết đủ, chúng ta hãy quý trọng tài nguyên thiên nhiên, tập thành thói quen tích phước, điều này đồng nghĩa với việc xúc tiến bảo vệ môi trường. Nên sống thật đơn giản, càng trở về gần với thiên nhiên càng được tự tại. Từ đây sống thật mạnh khỏe, hạnh phúc, viên mãn! Chúng ta càng phải không tham tiện nghi, không tham nhiều, không tham hư danh; nhất cử nhất động, mỗi lời nói mỗi hành vi đều làm theo lẽ thật.

Không cầu: Không mong cầu bên ngoài, những vật không nên có thì tuyệt đối không cầu. Qúy vị không có chỗ mong cầu, đó mới là an vui thật sự, đó mới thật sự là sự vững chãi, bình an lưu xuất từ tự tánh. Nếu như con người tiếp tục chạy theo mô thức phát triển của thế kỷ hai mươi mà tiến tới, không ngừng tìm cầu một xã hội tiêu dùng mới mẻ hơn, nhanh chóng hơn, thoải mái hơn, thì con cháu chúng ta có khả năng sẽ không được nhìn thấy mùa xuân của thế kỷ sau.

Không ích kỷ: Thế giới vì sao bị hủy hoại đến mức độ như hiện nay? Đó đều là vì con người quá ích kỷ. Ích kỷ về địa vị, danh dự, quyền lực, tiền bạc. Tóm lại, tất cả đều vì lòng ích kỷ mà tạo ra ác nghiệp. Con người tồn tại trên thế giới này phải nên giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, học theo tinh thần Bồ Tát, tập quên mình, nghe chúng sanh chịu khổ liền đến cứu nạn.

Không tự lợi: Không nên vì lợi ích của bản thân mà không từ một thủ đoạn nào để làm ra các việc phi pháp hoặc làm tổn hại người khác. Chúng ta sống thì cần phải tập quan tâm đến người khác, càng không nên vì lợi ích của riêng mình mà phá hoại toàn bộ môi trường.

Không nói dối: Bất luận việc gì cũng nên đối đãi bằng lòng tin chân thành, nói lời thẳng thắn ngay thật, tuyệt đối không được dối gạt người khác, như thế sẽ không phát sanh ra những buồn bực không cần thiết.

Rất nhiều người đến Vạn Phật Thánh Thành đều cảm thấy đây quả là một nơi an lành, hòa thuận, tự nhiên, hiền hòa, thật là một cõi Tịnh độ tại nhân gian! Không chỉ có thú vật là hạnh phúc, mà ngay cả hoa cỏ cây cối đều thế cả. Đúng thế! Ở đây mọi người đều dùng tâm bình đẳng, từ bi, thấu hiểu để đối đãi với tất cả. Bởi vì trong chùa mỗi ngày đều được huân tu Sáu Đại Tông Chỉ, trong thời kinh sớm chiều đại chúng đều cùng nhau niệm: “Hỏi lại chính mình có phải là mình không tranh hay không? Hỏi lại chính mình có phải là mình không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối hay không? Đây là gia phong của Vạn Phật Thánh Thành, bất kỳ ai đều không được thay đổi.”

Chúng ta dùng sáu đại tông chỉ này làm quy tắc tu Đạo, mỗi ngày tự mình kiểm nghiệm. Thực hành điều này nơi thân, ghi nhớ nơi tâm, thời thời khắc khắc làm tốt công việc bảo vệ môi trường tâm linh thì tất nhiên hoàn cảnh bên ngoài sẽ không bị ô nhiễm. Đây chính là hành động thực tiễn bảo vệ môi trường xanh tươi, trong lành mỗi ngày ở Thánh Thành, là nguyên nhân chính yếu để ngày ngày được hưởng thụ cuộc sống trong một môi trường xanh tươi, sạch sẽ.

Đức Phật nói: “Tất cả sơn hà đại địa, phòng ốc, nhà cửa, cho đến cây gai, cỏ độc, đất cát, sỏi đá trên thế giới này đều do tâm tạo.” Đã biết do tâm tạo thì tại sao không chịu quét sạch rác rưởi trong tâm? Bắt đầu từ việc ăn, mặc, nhà ở, phương tiện di chuyển, học hành,… ra sức thực hiện cuộc sống xanh tươi, trong sạch, làm tốt công việc bảo vệ môi trường tâm linh, bảo vệ trái đất.

Chỉ cần cuộc sống mỗi người đơn giản một chút, mỗi người đều tiết chế một chút, trở về với cuộc sống thanh đạm–sống như thế là đã giúp đỡ rất lớn cho công việc gìn giữ môi trường. Khi chúng ta cống hiến một phần công sức và thời gian của mình cho việc bảo vệ môi trường, thì ta có thể cảm nhận được thế giới đang nằm trong sự quan tâm của chúng ta, cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp biết bao. Bấy giờ, con người có thể an toàn, vui vẻ sinh sống trong thế giới tự nhiên rộng lớn này.

Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng

/16
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây