Báo Cáo Tâm Đắc Học Tập Nữ Đức

Báo Cáo Tâm Đắc Học Tập Nữ Đức

Chương 5: Báo cáo tâm đắc về việc học tập Nữ Đức (Tập 3) - Phần - 1

Các vị thầy cô giáo tôn kính, xin chào mọi người!

Hôm nay, tôi xin tiếp tục chia sẻ với mọi người về những thể hội trong quá trình  học tập “Nữ Đức”. Năm nay tôi bắt đầu căn cứ vào quyển “Nữ Giới” của Ban Chiêu thời Đông Hán để học tập đức hạnh của phụ nữ. Phụ nữ tốt là do dạy, do học mà ra. Kỳ thực bản thân tôi rất khó có thể ngộ ra được điều này.

Hai ngày trước chồng tôi có nói: Nếu sớm biết em là một học sinh ngoan như vậy thì anh đã tìm thầy giáo và tài liệu cho em rồi”. Sau khi tôi xem xong quyển “Nữ Giới” của Ban Chiêu, lúc mới bắt đầu thì ý niệm đầu tiên của tôi chính là làm không được, nó quá xa vời so với xã hội hiện nay. Bởi vì năm nay tôi ba mươi tám tuổi, trước khi chưa được huân tập văn hóa truyền thống tôi là một nữ doanh nhân khá hiện đại, nên đối với giá trị quan của Phương Tây tôi cũng khá tán thành  một số việc . Nhưng năm ngoái khi tôi bắt đầu tiếp xúc với văn hóa truyền thống, đặc biệt là năm nay, sau khi bắt đầu học tập “Nữ Đức”, bản thân tôi phát hiện ra rất nhiều thứ, đặc biệt là những lời giáo huấn của lão tổ tông đích thực có thể giúp chúng ta đạt được một cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn. Hôm nay tôi xin chia sẻ với mọi người chương thứ ba của “Nữ Giới” là chương “Kính Thuận”.

Một gia đình có thể hưng vượng hay không, có thể hài hòa hay không, mấu chốt là phải xem gia đình này có thể giữ vững được chữ “kính” không? Giữa người với người thương kính lẫn nhau thì tự nhiên có thể hài hòa, gia đình tự nhiên liền có thể hưng vượng. Có câu: “Gia hòa vạn sự hưng”.

Gia đình hiện nay chủ yếu có ba mối quan hệ tương đối khó xử lý là: quan hệ vợ chồng, vấn đề giáo dục con cái, mẹ chồng nàng dâu. Nếu ba mối quan hệ này không hài hòa thì lý do căn bản nhất chính là ở chỗ thiếu tâm cung kính, ái kính và lễ kính. Ba mối quan hệ này phải bắt đầu làm từ người phụ nữ, vì phụ nữ là cái gốc của gia đình.

Trước đây tôi cũng không ý thức được điểm này, sau khi học tập “Nữ Đức” thì bản thân thực sự đã có sự thay đổi rất lớn. Chỉ cần bạn giữ tâm “kính” thì có thể xử lý ba mối quan hệ này rất hài hòa, ổn thỏa. Trước khi chia sẻ nguyên văn của “Nữ Giới”, tôi xin chia sẻ với mọi người một câu chuyện xảy ra hai ngày trước trong gia đình tôi.

Hai ngày trước là sinh nhật của mẹ chồng tôi. Trước ngày sinh nhật của mẹ một tháng thì bà rất nghiêm túc nói với người trong nhà chúng tôi là bà kiên quyết không ra ngoài ăn cơm vì bà rất tiết kiệm, nhưng người trong nhà tôi đều phản đối. Bởi vì năm nay bà đã bảy mươi ba tuổi, chúng ta đều nói bảy mươi ba, tám mươi tư Diêm Vương không mời cũng tự mình đi, cho nên mọi người đều rất xem trọng việc này. Già trẻ trong nhà có khoảng hơn hai mươi người đều bất đồng quan điểm với bà. Bà nói: “Trong nhà có người giúp việc mà”. Nhưng lúc đó cô giúp việc có vẻ không vui lắm, bởi vì cô phải làm cơm cho nhiều người, vả lại đang là mùa hè nên thực sự tương đối khó khăn. Sau đó ở trước mặt bà, lúc đó có chồng tôi, chị chồng thứ hai của tôi đều hỏi tôi. Kỳ thực, phản ứng đầu tiên của tôi chính là sự “kính thuận” mà tôi đã học ở trong “Nữ Giới”. Tôi nói: “Mẹ nói rất đúng, chúng ta nên tiết kiệm, cứ làm theo ý của mẹ đi. Nếu không được thì chúng ta có thể xuống bếp mỗi người một tay”. Mẹ nghe vậy thì vô cùng vui mừng, sau đó liền nói: “Đúng vậy! Con xem Tịnh Du nói chúng ta sẽ ăn cơm ở nhà”. Sau đó không ai nói gì nữa. Khi trở về nhà, tôi bị chồng mắng cho một trận. Anh nói: “Nhiều người như vậy, cái bàn ăn nhỏ thế kia thì phải chia thành mấy nhóm ăn đây? Trời nóng như vậy, mẹ lại không cho bật điều hòa”. Bởi vì còn cách ngày sinh nhật gần một tháng, nên tôi nói: “Anh nói chuyện này trước hơn hai mươi ngày sẽ làm mẹ không thoải mái, tâm mẹ sẽ luôn nghĩ đến chuyện đó. Trước tiên chúng ta cứ thuận theo ý mẹ đi, đợi đến lúc đó sẽ tính tiếp, dù sao thì xe đến trước núi ắt sẽ có đường mà”. Chồng tôi nói: “Vậy đến lúc đó em chịu trách nhiệm giải quyết việc này nhé”. Tôi nói: “Được!”.

Trước ngày sinh nhật của mẹ một ngày, chồng tôi, chị chồng của tôi đều gọi điện thoại cho tôi nói: “Em chẳng phải nhận lời xử lý việc này hay sao? Vậy em nói với mẹ sao để mẹ đến nhà hàng ăn cơm đi, dù thế nào thì chúng ta cũng không ăn ở nhà”. Tôi nói: “Được! Để em nói”. Sau đó tôi nghĩ đi nghĩ lại rồi gọi điện thoại cho mẹ nói: “Mẹ à! Ngày mai đến sinh nhật mẹ rồi. Đúng lúc có người tặng cho con một thẻ ưu đãi ăn cơm ở nhà hàng, trong thẻ này đã có sẵn tiền rồi. Mẹ xem, nếu chúng ta không dùng thì thẻ ưu đãi đó sẽ hết hạn, bởi vì nó có kỳ hạn ạ. Hay là lúc tổ chức sinh nhật cho mẹ chúng ta sẽ dùng nó. Còn một điều nữa là, nhiều người như vậy ngộ nhỡ làm cô giúp việc mệt, có thể sau này cô ấy làm việc sẽ không thấy thoải mái”. Mẹ tôi nghe thấy thẻ ưu đãi này được ăn cơm miễn phí, thì rất vui vẻ nói: “Dù sao thì tiền ăn nhà hàng chúng ta cũng không phải trả, vậy thì đi thôi!”.

Sau đó toàn bộ chúng tôi rất vui vẻ tụ họp ở một gian phòng lớn của nhà hàng để dùng cơm. Sau khi chồng tôi và chị chồng thứ hai đến, họ đều rất kinh ngạc nhìn tôi. Tôi nói: “Mọi người đừng nhìn em nữa, dù sao thì mẹ cũng rất vui vẻ đến đây ăn cơm rồi”. Họ nói: “Em dùng cách gì vậy?”. Tôi nói: Đây là trí huệ. Sau đó mọi người đều ăn uống rất vui vẻ.

Bởi vì sinh nhật năm nay của mẹ chồng tôi cảm thấy không giống trước đây, đặc biệt là sau khi tôi học tập “Nữ Đức”. Trước đây sinh nhật thì tôi chỉ đơn thuần cho mẹ tiền, cảm thấy tuổi tác của mẹ lớn như vậy rồi cũng không biết nên mua gì, có khi mua đồ về còn bị nói. Năm nay, trước khi đến ngày sinh nhật tôi đã thương lượng với con trai rằng: “Con trai! Sinh nhật lần này của bà nội con rất quan trọng, chúng ta phải làm cho bà nội con vui vẻ, hài lòng, nếu chỉ mừng tiền cho bà thôi thì không được”. Sau đó con trai tôi nói: “Mẹ à! Con phụ trách hát một bài. Con sẽ hát chúng ta là người một nhà tương thân tương ái. Sau đó mẹ với Nhị Bảo (chính là con trai út của tôi) sẽ phụ họa”. Tôi nói: “Việc này mẹ không biết làm”. Con trai lớn của tôi nói: “Vậy con sẽ dạy hai người”. Tôi nói: “Được!”.

Sau đó chúng tôi ở nhà luyện tập một buổi chiều. Luyện tập xong rồi thì viết bao đỏ, lần đầu tiên tôi để con trai lớn viết. Tôi nói: “Con viết cho bà nội mấy câu để đại diện cho cả nhà chúng ta nhé”. Sau đó con trai lớn của tôi vô cùng nghiêm túc viết lên bao đỏ là: “Cháu nội Trương Khôn Bằng đại diện cho toàn thể thành viên gia tộc họ Trương chúc bà nội sinh nhật vui vẻ, thọ tỉ nam sơn, phúc như đông hải!”, viết rất là nghiêm túc. Nó vừa mới lên tiểu học, đang học lớp hai.

Hôm đó chúng tôi ăn cơm xong, khi chuẩn bị cắt bánh kem, tôi liền nói với mẹ chồng là: “Mẹ à! Trước đây đến sinh nhật thì chúng con chỉ tặng mẹ bao đỏ, hôm nay trước khi tặng bao đỏ thì chúng con muốn biểu diễn một tiết mục tặng cho mẹ”. Mẹ tôi rất bất ngờ, bởi vì bình thường tôi là một người khá hướng nội, không biết hát, hát sai điệu. Mẹ tôi hỏi tiết mục gì vậy? Tôi nói: “Mọi người đứng nghiêm túc nhé, chúng tôi chuẩn bị biểu diễn đây”.Tôi cùng hai con trai biểu diễn. Con trai lớn thì hát, tôi và con trai út ở bên cạnh phụ họa. Tôi phát hiện có một dòng lệ trong khóe mắt mẹ, bà vô cùng vui vẻ. Sau đó hai con trai của tôi đã lạy bà ba lạy. Tiếp theo, con trai lớn của tôi lại đặt bao đỏ vào trong tay của bà. Bà rất hạnh phúc! Tôi cảm thấy điều này thực sự không có quan hệ gì với việc tặng bao nhiêu tiền.

Chồng tôi nhìn thấy cảnh này, vì đây là việc chưa từng xảy ra, nên lần đầu tiên anh đã chủ động xin phát biểu. Anh nói: “Con muốn nói hai câu”. Trước tiên, anh ấy phản tỉnh chính mình về những điều đã làm không tốt. Bởi vì anh mở công ty nên vô cùng bận rộn, rất nhiều việc trong nhà không thể chăm nom, đặc biệt nhiều năm nay ba mẹ chồng đều do tôi phụ trách chăm sóc. Sau đó chồng tôi đã nhận lỗi với ba mẹ và cũng xin ba mẹ có thể thông cảm. Thứ hai, cũng là lần đầu tiên trước mặt toàn thể người trong nhà anh đặc biệt tán thán tôi, nói tôi rất hiền đức, cho nên anh ấy làm việc tâm trạng rất vui vẻ, gặp rất nhiều áp lực nhưng khi về nhà thì không còn cảm thấy nữa. Quan trọng nhất chính là anh ấy đã tán thán văn hóa truyền thống rất tốt, bởi vì lúc mới bắt đầu anh ấy có chút không hiểu rõ nên không tán thành.

Sau đó mẹ chồng tôi đã nói: “Mẹ chưa bao giờ cảm thấy thoải mái như vậy, vui vẻ như vậy”. Tôi nói : “Mẹ à! Xã hội hài hòa trước tiên bắt đầu từ sự hài hòa của gia đình chúng ta, từ sự hài hòa từ thân tâm mỗi người chúng ta, như vậy thì chúng ta cũng xem như đã cống hiến cho quốc gia rồi”. Mẹ tôi vô cùng vui mừng. Lúc đó chị chồng thứ hai của tôi nói, bởi vì năm 2004 tôi tiếp xúc Phật Pháp thì chị ấy rất phản đối. Lúc đó chị nói: “Tịnh Du à! Chị luôn nghĩ em học Phật là rất mê tín, hiện tại chị mới cảm thấy học Phật thật sự rất tốt. Nhìn thấy em bây giờ rất thoải mái, rất vui vẻ, rất hạnh phúc”. Tôi nói: “Kỳ thực mục đích học Phật chính là vì muốn gia đình chúng ta hài hòa hơn, thân tâm đều khỏe mạnh hơn, quan hệ giữa người với người viên mãn hơn và không xảy ra xung đột”.

Sau đó, còn có một chi tiết nhỏ trong ngày sinh nhật mẹ chồng tôi. Mẹ chồng tôi hơn bảy mươi tuổi, còn mẹ tôi đúng sáu mươi tuổi, trước lúc sinh nhật mẹ chồng, tôi đã nói với mẹ ruột của tôi mấy câu là: “Mẹ à! Bởi vì mẹ nhỏ tuổi hơn mẹ chồng con, nên mẹ chồng con là chị của mẹ. Sinh nhật lần này người trong gia đình con rất xem trọng, nên con sẽ gói một bao đỏ, đó là tiền của con, mẹ cứ nói đây là bao đỏ của mẹ. Sau đó lúc ăn cơm mẹ đem cái bao đỏ này tặng cho mẹ chồng con, mẹ chồng con nhất định sẽ rất vui”. Mẹ tôi cũng rất vui, mẹ tôi nói: “Được! Dù sao thì cũng không phải tiền của mẹ, mẹ sẽ mượn hoa cúng Phật vậy”. Mẹ tôi liền nhận lấy. Kết quả, ngày hôm đó lúc sắp ăn cơm xong mẹ tôi liền lấy cái bao đỏ đó ra tặng cho mẹ chồng tôi. Chồng tôi lại đứng dậy phát biểu một đoạn cảm nghĩ, đặc biệt cảm ơn ba mẹ tôi. Cho nên, kỳ thực tất cả những điều này tôi cảm thấy đều xuất phát từ tâm cung kính. Nếu như bạn không có tâm cung kính đối với chồng, không có tâm cung kính đối với ba mẹ chồng, thì bạn sẽ không chân thành làm. Chỉ là hình thức trên bề mặt, như vậy thì bạn làm những điều này cũng không thể làm tâm họ cảm động. Lúc ban đầu tôi cũng không phải như vậy.

Do vậy, đoạn thứ hai trong chương “Kính Thuận” Ban Chiêu viết một câu rất quan trọng là: “Tu thân không gì hơn cung kính, tránh sự cang cường không gì bằng nhu thuận” (Tu thân mạc nhược kính, tỵ cường mạc nhược thuận), cũng chính là nói tâm cung kính của bạn là do tu mà sanh ra. Chúng ta thường nói, tánh đức nếu không tu thì nó sẽ không hiển lộ được, ngọc không mài thì không sáng được.

Vậy tu là gì? Tu kỳ thực chính là không ngừng sửa sai, không ngừng chuyển ý niệm, không ngừng chuyển tâm phiền não của mình thành tâm trí huệ, không ngừng đem những thứ mà mình mê hoặc chuyển thành thông suốt. Phương pháp duy nhất, tôi cảm thấy hơn nửa năm nay tôi đặc biệt được lợi ích, chính là do mỗi ngày nghe lời giáo huấn của Thánh Hiền. Ở nhà tôi nghe thời gian dài nhất là hơn mười giờ đồng hồ, thật sự là không ăn không uống. Nếu như bạn nghe ít, thời gian ít nhất là phải nghe bốn giờ một ngày, phải để tâm mình tịnh lại. Trong quá trình nghe, bản thân phải không ngừng hiểu, phải đi thể hội. Ví dụ, bản thân tôi có lúc ở nhà tôi luôn nghĩ đến chữ “kính” này. Tôi nghĩ, “kính” không đơn thuần thể hiện ở trong tâm, quan trọng hơn là thông qua tâm nó được biểu hiện qua ngôn ngữ, hành vi của bạn.

Ví dụ trước đây tôi đã sai lầm, khoảng ba - bốn năm trước tôi vẫn còn như vậy. Chồng tôi gọi tôi vào trong thư phòng, anh ấy nói: “Việc này em làm sai rồi, em nói xem có phải vậy không?”. Tôi cũng biết mình sai nhưng tôi không có cái tâm cung kính đó, tương đối ngạo mạn, lại ngại ngùng không thừa nhận. Tôi liền gật đầu nói: “Đúng! Em sai rồi”, nhưng tôi lại không cho là như vậy. Sau đó anh ấy nói: “Vậy em nói xem, em sai ở đâu?”. Lúc đó tôi liền nói: “Chỗ nào cũng sai”. Anh ấy nói: “Làm sao có thể chỗ nào cũng sai. Em nói xem sự việc này sai ở đâu”. Tôi nói: “Xin lỗi em không nói được”. Sau đó anh ấy rất tức giận nói: “Thái độ này của em không nghiêm túc”. Tôi nói: “Chính là cái thái độ này đấy, anh còn nói nữa thì em sẽ không nói gì thêm”. Tôi từ chối trả lời, dùng im lặng để kháng cự. Sau đó anh ấy cũng không còn cách nào khác.

Hai ngày trước cũng như vậy. Tức là có một chuyện anh ấy cũng phê bình tôi, sau đó tôi thực sự cảm thấy mình sai, tôi liền rất nghiêm túc xin lỗi anh ấy. Tôi nói: “Thật sự xin lỗi anh, sự việc này em thật đã làm sai rồi, xin anh tha thứ, về sau em không tái phạm nữa. Sau này em nhất định sửa đổi”. Đó là một chuyện trong công việc có liên quan đến chính sách quyết định phát hành một loại sản phẩm mới và tôi đã quyết định không đúng. Tôi nói xong thì chồng tôi nói: “Thái độ hiện tại của em rất tốt, anh nghe rồi thấy rất thoải mái”. Thực ra, đó là dựa vào sự chuyển đổi ý niệm của bản thân, sau đó thông qua những lời giáo huấn của Thánh Hiền để huân tập, không phải tự động tự phát bạn có thể thay đổiđược. Căn tánh của tôi rất kém, không thể thay đổi ngay được.

Vậy thì trong quá trình cung kính, trong quá trình học tập, chúng ta cần phải tránh ba điều sai lầm. Sai lầm gì vậy? Đừng nên chỉ vì thích cái gì đó mà đi học. Ví dụ chúng ta rất thích nghe giáo huấn của Thánh Hiền, cũng rất thích ngồi đó để học tập, nhưng chúng ta nên nghĩ xem mục đích chúng ta học những thứ này là gì? Mục đích chúng ta học những thứ này không phải vì bản thân, mà vì để người trong nhà hạnh phúc hơn, để cuộc sống của con cái có được một nền giáo dục tốt đẹp hơn, đồng thời cũng có thể trợ giúp tốt cho chồng. Do vậy, khi mới bắt đầu học tôi không phải suy nghĩ như vậy. Ví dụ ba tôi muốn gọi tôi đi tản bộ, tôi liền nói: “Không được! Không thể đi tản bộ được, con còn phải học, con vẫn chưa học đủ”. Sau đó chồng tôi lại nói: “Em xuống đây nói chuyện với anh”. Bởi vì nhà tôi có mấy tầng lầu, tôi ở trên lầu. Tôi nói: “Em không xuống được, em còn phải học”. Chồng tôi nói: “Có phải em học thành ngốc rồi không?”. Sau đó có một ngày tôi tự mình ở đó nghĩ: “Mình học những thứ này là vì cái gì? Nếu mình học như vậy thì thành mọt sách rồi”. Có một hôm tôi tự mình ngồi đó suy nghĩ, sau đó tôi đã nghĩ thông. Ngày hôm sau, khi ăn cơm xong ba tôi nói: “Hôm nay con cùng mọi người ra ngoài tản bộ nhé, có hai đứa nhỏ cùng đi nữa”. Tôi nói: “Dạ được ạ!”. Tôi liền đem bát đũa thu dọn hết, vô cùng vui vẻ cùng ba mẹ tôi ra ngoài. Ba mẹ tôi rất là vui vẻ. Ba tôi nói: “Hôm nay sao con không ôm mấy quyển sách đó nữa, đã nghĩ thông rồi hả?”. Tôi nói: “Con đọc sách cũng chỉ vì muốn mọi người vui vẻ hơn, chỉ cần ba mẹ muốn thì bất cứ lúc nào con cũng có thể đi cùng mọi người”. Khi ba mẹ không cần thì chúng ta mỗi người đều tự mình học tập. Ví dụ ban ngày xem đĩa giảng của cô Lưu Tố Vân, tôi ở trên lầu nghe, mẹ tôi ở dưới lầu nghe. Đến buổi trưa lúc nấu cơm chúng tôi cùng nhau tụ hợp lại trong bếp, sau đó mẹ tôi nói những cảm nhận học tập của bà, tôi nói những cảm nhận học tập của tôi. Nói xong thì chúng tôi lại tự mình kiểm điểm xem còn chỗ nào làm chưa tốt. Buổi tối thông thường chúng tôi đều ra ngoài tản bộ hơn một tiếng. Do vậy chúng ta đừng nên chết cứng trong sách vở mà phải thường xuyên nghĩ mục đích học của chúng ta là gì? Ví dụ nói, chúng ta cho dù là niệm Phật cũng được, học kinh giáo cũng được, mục đích là gì? Nếu như chúng ta chỉ học, hoàn toàn quên mất mục đích là gì thì sẽ dễ dẫn đến sai lầm.

Sai lầm thứ hai là gì? Chính là không được đối lập. Sự đối lập này không chỉ đơn thuần là đối lập với người, có lúc chúng ta đối với những giáo huấn của lão tổ tông vẫn chưa học thì đã đối lập trước rồi. Ví dụ tôi quen rất nhiều bạn bè, họ căn bản chưa từng xem qua “Nữ Giới”, tôi vừa mới nhắc đến họ liền nói “đó là lễ giáo phong kiến, cái này cổ hủ rồi, đã thời đại nào rồi mà cô còn học cái này chứ”. Bạn vừa đối lập thì trên thực tế tâm cung kính của bạn đã mất rồi, tâm ngạo mạn sẽ khởi lên, bạn sẽ không đạt được lợi ích.

Tôi phát hiện văn hóa của cổ Thánh tiên Hiền trong xã hội hiện nay chúng ta có thể dùng một câu thành ngữ để biểu đạt, gọi là: “Tích phi thành thị” (sai riết thành đúng). “Tích” là tích trong từ tích cóp, “phi” là phi trong từ phi thường, “thành” là thành của thành tựu, “thị” là thị trong từ thị phủ. Ý nói những thứ không đúng, nhưng tích lũy quá nhiều rồi thì mọi người sẽ cho rằng nó là đúng. “Nữ Đức” cũng giống như như vậy. Rất nhiều người không học sẽ cảm thấy học xong “Nữ Đức” rồi thì sẽ giống như những phụ nữ chân nhỏ thời xưa, ở nhà vâng vâng dạ dạ, cái gì cũng không đúng, đó hoàn toàn đều là sai lầm. Cho nên khi bạn buông cái tâm đối lập xuống, bạn dùng tấm lòng rộng mở để tiếp nhận những lời giáo huấn của Thánh Hiền, của lão tổ tông, thì sự thọ dụng của chính bạn không cách gì có thể diễn tả được. Cũng giống như chữ “kính” trong phẩm này. Bởi vì sau khi học xong “ Nữ Giới” thì tôi lại cùng thầy Chung tiếp tục học “Nữ Luận Ngữ”. “Nữ Giới” chủ yếu giảng lý, “Nữ Luận Ngữ” chủ yếu giảng sự, từng phần trong các sách đó đều giảng cụ thể những việc nhỏ nên làm như thế nào.

Tôi có một thể hội rất lớn trong quá trình học tập. Cả đời này của tôi có thể không có bản lĩnh gì, cũng không có năng lực làm những chuyện vĩ đại, nhưng làm một người phụ nữ có thể dùng một phương thức vĩ đại để làm những chuyện nhỏ trong cuộc sống, đó chính là chúng ta giữ một cái tâm hết sức kiền thành và cung kính để làm tốt từng việc nhỏ nhất trong nhà. Đó là bắt đầu từ chính mình làm ra một tấm gương tốt, làm một người vợ tốt, thê tử tốt, người mẹ tốt, con gái tốt. Từ việc học tập “Nữ Đức” có thể tôi không thể ảnh hưởng đến toàn thế giới, toàn Trung Quốc, thậm chí những người bên cạnh, nhưng chí ít tôi có thể thay đổi bản thân mình, có thể khiến cho chính mình sống cuộc đời vui vẻ. Bởi vì từ sau khi học tập “Nữ Đức”, cảm xúc lớn nhất của bản thân tôi chính là những lời nói oán giận dường như không còn nữa, rất ít hoặc dường như không còn nữa. Bởi vì mỗi lần sắp nói ra thì tôi đột nhiên liền nghĩ “điều này không giống một người phụ nữ học tập “Nữ Đức” nên có”, tự nhiên liền chuyển trở lại. Sau khi chuyển trở lại thì tâm sám hối, tâm xấu hổ có thể sanh khởi. Do vậy, huân tập một thời gian lâu dài thực sự có thể làm cho con người biết hổ thẹn, khiến con người có thể dũng cảm sửa sai, khiến họ có thể không ngừng đổi mới.

Chữ “kính” này không chỉ đơn thuần là đối với người, mà còn bao gồm đối với vạn vật. Tôi xin lấy một ví dụ cho mọi người xem. Ví dụ trước đây khi tôi thu dọn đồ thì tôi chỉ thu dọn ở bên ngoài, còn những chỗ góc nhỏ thì tôi không chú ý, hoặc có lúc bỏ mặc không quan tâm. Nhưng sau khi học “Nữ Giới”, tôi liền bắt đầu thu dọn những góc nhỏ. Bởi vì nhà chúng tôi có một vườn hoa, sau đó tôi luôn nói với ba tôi rằng: “Ba à! ra ngoài ba đừng dẫm lên cỏ, mà hãy bước trên những tấm đá đó nếu ba muốn tỉa cành cho những hoa cỏ này thì...” .Bởi vì nhà tôi có rất nhiều cây, ở trước vườn có khoảng sáu cây đinh hương, phía sau vườn còn có cây hạnh, cây anh đào. Thời gian trước ba tôi muốn tỉa cành. Tôi nói: “Trước khi cha muốn cắt cành thì phải thương lượng, phải nói rõ với chúng. Nói là tôi cần phải cắt cành, chủ yếu muốn giúp bạn chỉnh sửa thông thoáng một chút, để quá dày như vậy không tốt”. Ba tôi liền cười và nói: “Con đang nói gì với nó vậy?”. Tôi nói: “Vạn vật đều có linh tánh nên phải nói rõ với nó”.

Hai ngày trước tôi đi tham gia một diễn đ[pk1] àn, vừa gặp mặt thì họ liền tặng tôi rất nhiều hoa. Nếu như trước đây, ví dụ họ tặng hoa cho tôi thì tôi sẽ không chăm sóc cẩn thuận cho chúng, bạn tặng xong rồi thì tôi liền đặt chúng ở trong phòng. Bởi vì không có nước, nên qua mấy ngày thì những bông hoa đó có thể sẽ khô héo hết. Hôm đó, tôi nhìn những bông hoa đó và nghĩ “chúng nhất định cũng có sanh mạng, chúng ta nên có tâm cung kính đối với chúng”. Tôi nói với một vị thầy giáo nghĩa công là: “Có thể giúp tôi tìm hai bình hoa được không”. Sau đó cậu ấy nói: “Những bông hoa này qua một hai ngày nữa thì sẽ héo hết, không cần bình hoa đâu”. Tôi nói: “Hay là chúng ta cứ tìm một bình hoa, bởi vì chúng cần nước”. Sau đó, cậu ấy tìm giúp tôi hai bình hoa lớn. Tôi liền cắt tỉa cành chỉnh sửa từng bông một rồi cắm chúng vào bình hoa. Kết quả, tôi ở lại buổi luận đàm khoảng ba - bốn ngày, đến hôm tôi về thì hoa vẫn nở rất đẹp. Buổi sáng tôi thay nước một lần, buổi tối thay nước một lần. Do vậy, hôm tôi đi vị thầy giáo nghĩa công còn nói: “Những bông hoa này tại vì sao lại nở đẹp như vậy?”. Tôi nói: “Bởi vì nó biết tâm ý của thầy mà, thầy đừng vứt đi nhé. Sau khi tôi đi thì thầy lấy chúng mang qua văn phòng của thầy nhé!”, chính là phòng riêng, phòng làm việc của thầy ấy. “Thầy hãy cầm sang phòng của thầy rồi lại đặt ở đó, chú ý mỗi ngày thay nước cho chúng”. Do vậy, tâm cung kính của bạn có thể sanh ra tình yêu thương đối với vạn sự vạn vật, tình yêu thương này cũng có thể giúp bạn sinh trí huệ mà không sinh phiền não.

“Tránh sự cang cường không gì bằng nhu thuận”. Vì sao “thuận” lại ở phía sau “kính”? Bởi vì bạn có cái tâm cung kính này rồi thì bạn vô cùng dễ dàng làm được thuận. Hơn nữa, trong quá trình bạn thuận thì nhất định không phải thuận một cách ngu ngốc, mà phải thuận một cách rất trí huệ.

Trước tiên chúng ta nói về “thuận” với chồng. Bởi vì chồng tôi là một người theo chủ nghĩa đại nam tử, khá là có chủ kiến. Chủ kiến của anh ấy rất kiên định. Thời gian trước có xảy ra một sự việc. Vào mùa hè thì có rất nhiều muỗi, muỗi thường xuyên đốt anh ấy. Tối hôm đó anh ấy trở về nhà thì không vui, anh ấy liền nói với tôi: “Em phải đuổi muỗi đi, đám muỗi này quá ngông cuồng rồi”. Bởi vì phía trước nhà tôi có vườn hoa nên nhất định sẽ có muỗi. Trước đây anh ấy cũng biết tôi không đập muỗi. Anh ấy nói: “Hôm nay em nhất định phải đập muỗi cho anh, chúng đốt anh không chịu nổi”. Sau đó tôi nói với anh ấy rằng: “Anh à! Anh có thể thương lượng với những con muỗi này”. Anh ấy vừa nghe nói thế liền cười rồi nói: “Đầu óc em có vấn đề rồi phải không?”. Tôi nói: “Không có, anh xem”, liền lấy quyển “Nước Biết Câu Trả Lời Về Cuộc Sống” của Tiến sĩ Giang Bổn Thắng (Masaru Emoto), vì nhà tôi có quyển sách này. Tôi nói: “Anh xem, những điều này nước đều biết. Dán cho nước những thông tin không giống nhau, nước đều có thể nhận được. Đây là thí nghiệm của một nhà khoa học người Nhật Bản không có tín ngưỡng tôn giáo. Đây là thực nghiệm khoa học”. Tôi nói: “Anh nghĩ xem, những con muỗi này thông minh hơn nước rất nhiều, nó biết bay, còn biết hút máu của anh, chắc chắn là máu của anh rất ngon”. Sau đó tôi nói: “Hơn nữa, em có thể chứng minh cho anh xem”. Bởi vì hai hôm lúc tôi nghe giáo huấn của Thánh Hiền thì muỗi đều bay ở đó, âm thanh của chúng rất lớn, tôi liền thương lượng với chúng. Tôi nói: “Các Bồ Tát muỗi, các vị có thể đừng bay quanh quẩn ở đây được không? Nếu các vị đói rồi thì các vị hãy đốt tôi một vết, nhưng với điều kiện là đừng đốt ở phía trên của tôi. Con người tôi vẫn còn khá chú trọng đến ngoại hình, các vị hãy đốt phía dưới chân đi, cắn chân không nhìn thấy. Ngoài đốt chân ra các vị đừng làm tôi bị ngứa, bởi vì ngứa thì tôi không có cách gì nghiêm túc nghe Kinh được”. Tôi nói xong thì sau đó muỗi cũng không bay nữa. Tôi cũng không chú ý. Đến sáng hôm sau tôi phát hiện hai chân tôi, mỗi một chân có hai nốt đỏ. Những nốt đỏ đó không có sưng lên. Nốt đó chính là do muỗi cắn, hơn nữa không ngứa một chút nào. Tôi vô cùng cảm ơn các Bồ Tát muỗi, tôi nói: “Vô cùng cảm ơn các vị! Nếu các vị muốn đốt thì có thể đốt nhiều một chút, dùng phương thức này để đốt thì không có vấn đề gì”. Sau đó tôi liền đem việc này kể cho chồng tôi nghe. Chồng tôi rất vui mừng nói: “Ừm, muỗi nhà mình cũng học văn hóa truyền thống rồi. Em có thể nói chuyện với đàn muỗi trong phòng của anh được không? Trước tiên phải giáo dục chúng mới được, nếu đốt như vậy thì anh cũng đồng ý”. Sau đó tôi nói: “Đúng rồi! Quan trọng là đốt anh hai vết anh cũng không bị sao. Chúng đói như vậy thì anh cứ để chúng đốt một chút”. Việc này sau đó anh ấy cũng không nói với tôi nữa.

Sau đó, ba tôi rất thương anh ấy liền mua một cái máy đuổi muỗi đặt ở trong phòng anh ấy. Đương nhiên trước khi đặt máy tôi đã vào phòng và nói với chúng. Tôi mở hết cửa ra và nói: “Mùi trong phòng này không tốt, các vị đổi sang phòng khác nhé! Sang phòng của tôi đốt tôi, còn phòng này thì nhường cho anh ấy”. Do vậy bạn nói xem, đây có thể xem là “thuận” không? Có lúc tôi cảm thấy, trong lúc “thuận” bạn nhất định phải tâm bình khí hòa. Bởi vì nếu bạn không tâm bình khí hòa, mà trước tiên đã đối lập và có một số những cảm xúc khác, vậy thì họ sẽ không chấp nhận cái “thuận” này của bạn, cho dù bạn “thuận” nhưng họ cũng không xem trọng bạn.

Chồng của tôi mở công ty làm kinh doanh, có thể là chồng của nhiều người bạn của chúng tôi cũng vậy. Tôi có một nguyên tắc lớn, bởi vì anh ấy mở công ty mười mấy năm rồi. Nguyên tắc của tôi trước khi chưa học văn hóa truyền thống đều là như vậy.

Thứ nhất, tôi chưa bao giờ hỏi qua bất cứ việc gì trong công ty của anh ấy. Tất cả những quyết định tôi đều không hỏi đến.

Thứ hai, tôi chưa bao giờ hỏi anh kiếm được bao nhiêu tiền, anh ấy đưa hay không thì tùy ý.

Thứ ba, tất cả những nhân viên, công nhân trong công ty của anh tôi không bình luận. Bởi vì từng có một số lãnh đạo cấp trung của công ty họ đã tìm riêng tôi, nói với tôi chuyện này chuyện nọ trong công ty, hy vọng tôi ở trước mặt Giám đốc Trương nói thế này thế nọ. Chồng tôi họ Trương. Sự việc này đại khái cũng có khoảng hai lần như vậy. Tôi liền nói với họ rằng: “Tôi không tham dự vào bất cứ việc gì trong công ty của chồng tôi, bản thân anh ấy có năng lực và trí huệ để xử lý. Tôi chỉ phụ trách quản việc trong nhà”.

Bởi vì, trước đây khi tôi chưa học văn hóa truyền thống thì chồng tôi đã quy định rất rõ ràng, anh ấy lo việc bên ngoài, tôi quản việc trong nhà. Tôi dùng điều này để nói vòng vo cho qua chuyện. Từ đó về sau không ai đến tìm tôi nữa, nhưng tôi cảm thấy công ty của chồng tôi càng làm càng lớn. Hơn nữa càng làm càng thoải mái, không có những lời to nhỏ, không có. Nhưng thỉnh thoảng anh ấy trở về cũng có hỏi ý kiến của tôi. Khi anh ấy hỏi tôi, tôi chỉ kiến nghị những điều có tính nguyên tắc.

Ví dụ, năm ngoái anh ấy bắt đầu xây dựng một viện dưỡng lão, anh ấy đã hỏi tôi một số ý kiến đối với viện dưỡng lão. Tôi liền lấy một đoạn khai thị đối với viện dưỡng lão của sư phụ thượng nhân. Sau khi mở đoạn khai thị ra tôi liền nói: “Kiến nghị tốt nhất chính là cái này”. Tôi nói: “Kiến nghị của em là không thể lấy tiền của người già, cần phải vì những người già này làm một số việc thiện. Toàn bộ là tích công lũy đức. Nếu như cần em làm nghĩa công, lúc nào em cũng có thể đến đó làm nghĩa công”. Sau đó anh ấy nhìn tôi và không nói gì nữa.

Sau đó tôi xem một chút, chính là trong quá trình học tập “Nữ Đức” tôi đã học được rất nhiều tấm gương tốt trong thời cổ đại. Giống như những câu chuyện “Giáo Dục Đức Hạnh” vậy, trong đó có một câu chuyện. Không phải trong những câu chuyện “Giáo Dục Đức Hạnh”, mà là câu chuyện tôi xem ở trên mạng nói về Trưởng Tôn Hoàng Hậu và Lý Thế Dân. Khi Trưởng Tôn Hoàng Hậu giúp đỡ Lý Thế Dân chính là như vậy, bà không bao giờ tham dự vào bất cứ công việc nào của quốc gia. Lý Thế Dân nếu như hỏi bà ý kiến liên quan đến bất cứ chuyện lớn nào của quốc gia, bà chỉ nói một câu. Ví dụ như: “Bệ hạ hãy tiếp nhận lời khuyên nhủ của hiền thần tài đức, thần thiếp chỉ biết điều này thôi”. Nhưng nếu khi Ngụy Trưng và Lý Thế Dân có mâu thuẫn thì bà liền dùng phương pháp vô cùng trí huệ để đi hòa  giải. Tôi vô cùng kính phục những phụ nữ như vậy. Mặc dù bà là hoàng hậu của một nước, nhưng tôi cảm thấy đối với những gia đình nhỏ của chúng ta kỳ thực cũng không có gì khác biệt, bởi vì nó đều cùng một đạo lý. Nam giới họ thực sự có thể chống đỡ được bầu trời ở bên ngoài, nhưng nếu như bạn luôn không tín nhiệm họ, bạn cứ muốn can thiệp vào việc của họ, vậy bạn cứ giúp đi, bản thân bạn cũng sẽ rất mệt. Mặt đất của bạn không có ai gánh vác nó sẽ vô cùng lỏng lẻo. Do đó chúng ta phải làm tốt bổn phận là “đất” của mình, để người nam đi làm “trời”. Giữ tốt bổn phận của mình như vậy thì rất tốt.

Trong quá trình học tập tôi cũng gặp rất nhiều phụ nữ vô cùng mạnh mẽ, tôi xin nêu một ví dụ cho mọi người. Ví dụ này cũng đã nhận được sự đồng ý của cô ấy. Cô ấy đã mắc một căn bệnh cực kỳ hiếm thấy trên toàn thế giới, mười một năm rồi. Đó là bệnh teo cơ mức độ cao, đại khái là một loại bệnh như vậy. Biểu hiện bên ngoài của cô ấy chính là triệu chứng toàn bộ thân thể từ trên xuống dưới đều không có sức lực, toàn bộ xương cốt đều bị mềm. Ví dụ cô ấy muốn ngồi xuống thì cô ấy không thể đứng lên được mà phải có người giúp cô ấy, đỡ cô ấy lên. Cô ấy muốn đứng dậy thì sẽ không ngồi xuống được, lại phải có người giúp cô ấy ngồi xuống. Bệnh này nếu mắc phải thì thông thường sau khoảng bốn năm, không tới bốn năm sẽ nằm liệt, sau đó nếu muốn đút cơm thì cần phải kéo miệng ra và đổ thức ăn lỏng vào. Nhưng ý thức của cô ấy vô cùng rõ ràng, lục phủ ngũ tạng tất cả các cơ quan đều rất tốt, nhưng cô ấy một chút cũng không thể động đậy được. Căn bệnh này rất đau khổ.

Bạn nghĩ xem, một người còn sống, thân thể rất tốt, lục phủ ngũ tạng đều rất tốt, ý thức rất rõ ràng, cô ấy cũng không phải người thực vật, nhưng cô ấy lại không thể có bất cứ một năng lực hành vi nào. Mắc bệnh này không bao lâu thì cô ấy học Phật. Cô bị bệnh này đến nay là mười một năm, nhưng sau khi học Phật cô vẫn có thể đi lại. Trạng thái mà tôi đang nói ở đây là đứng lên ngồi xuống được đều rất khó khăn, ở đâu cũng phải dựa vào người khác. Cô ấy nói với tôi, cô ấy rất mạnh mẽ, tất cả mọi việc đều do cô ấy làm chủ: chống đối với ba mẹ, chống đối với chồng. Cô đã ly hôn vài lần, chống đối với ba mẹ chồng, nhìn ai cũng không thuận mắt. Trong thời gian sinh bệnh, em gái nấu cơm cho cô ăn, có chút không vừa ý thì cô liền gạt đổ hết cả bát cơm xuống đất, một miếng cũng không ăn. Cô ấy vô cùng cang cường. Sau đó cô ấy khóc, nói với tôi là: “Cô Tịnh Du à! Nếu tôi học tập “Nữ Đức” thì tôi sẽ không như thế này. Đây có phải, đơn giản là vì tôi muốn làm đàn ông hay sao? Nhưng rõ ràng tôi là thân một người phụ nữ”“Ông trời thật tốt, ông ấy đã cho chị quả báo hiện tại chính là làm cho chị hoàn toàn mềm ra, chị muốn mạnh mẽ cũng mạnh mẽ không nổi”. Hiện nay, điều mạnh mẽ duy nhất chính là cô ấy đi vệ sinh phải đứng giống như nam giới vậy, vô cùng đau khổ. Sau đó tôi nói: “Chị hãy từ từ học, vẫn có thể chuyển hóa được từng chút. Cảnh do tâm chuyển, nhất định có thể chuyển được!”. Do vậy, phụ nữ nhất định phải học kính, học nhu, học thuận, để tâm và thân của chúng ta có thể thuận với tất cả các cảnh giới ở bên ngoài, không xảy ra xung đột.

“Thuận” với chồng chỉ là một phương diện. Trong nhà không chỉ có chồng, thể hội của bản thân tôi là đối với con cái cũng phải kính thuận. Chúng ta là bậc làm ba mẹ thường xuyên có chút không vừa ý, con cái không phù hợp với cách nghĩ của bạn thì hoặc chửi bới, mắng nhiếc hoặc ra tay đánh đập. Bởi vì tôi nhìn thấy rất nhiều phụ huynh ở trước mặt con cái, ở trước mặt rất nhiều người đều trách mắng và chửi bới con cái, không biết tôn trọng con trẻ. Đứa bé đó sau khi lớn lên tâm tình của chúng sẽ rất không tốt. Bởi vì có một số ví dụ đã xảy ra ngay bên cạnh tôi.

Vị phụ huynh đó ở trước mặt tôi chỉ vào đứa con trai của anh ấy nói những lời rất khó nghe, nên cậu bé đó đã biểu hiện tâm trạng không tốt. Lúc đó tôi đã xoa đầu cậu bé đó, tôi nói: “Đứa bé này rất tốt, thực sự rất tốt, anh đừng nói nữa, nó thật sự rất tốt mà”. Sau đó tôi nói với nó rằng: “Con nghe lời của cô, qua bên kia chơi, qua phòng bên kia chơi nhé”. Sau đó tôi nói với vị thầy giáo này là: “Thầy nhất định đừng mắng con cái như vậy, con trẻ chúng đều có lòng tự tôn”. Bởi vì tôi đã từng trải qua chuyện như vậy, đã nếm mùi tổn hại và đã nhận được một bài học kinh nghiệm rồi.

Trước đây tôi rất nghiêm khắc đối với đứa con trai lớn, bất luận là trước mặt đông người hay ít người. Thỉnh thoảng nếu như nó làm không tốt; trẻ nhỏ làm sao có thể gọn gàng ngăn nắp, tôi lại rất nghiêm khắc trách mắng nó. Việc này xảy ra vào khoảng năm - sáu năm trước. Chồng tôi nói nhưng tôi không nghe. Kết quả, lúc ba tuổi đứa con trai lớn của tôi đã mắc một trận bệnh, là bệnh nháy mắt liên tục, không ngừng chớp mắt. Sau đó chồng tôi vô cùng lo lắng nói: “Em xem! Cảm mạo, phát sốt đều có thể trị, em nói xem chứng nháy mắt liên tục này làm sao để trị đây?”. Tôi đã  hỏi qua rất nhiều bệnh viện ở Bắc Kinh, sau đó họ nói nguyên nhân của bệnh chính là tâm lý của đứa bé bị kiềm nén rất lớn, mà nó lại không có cách nào điều giải và giải tỏa. Bởi vì đứa trẻ còn rất nhỏ, nên sẽ phản ứng lên các cơ quan của nó, sẽ thông qua cách này để phản xạ, để điều giải. Nó hai - ba tuổi tôi đã đánh nó, dùng cây chổi lông gà để đánh nó rất là nghiêm khắc. Bởi vì lúc nhỏ tôi đã được giáo dục như vậy nên tôi cảm thấy trẻ nhỏ hiện nay cũng nên dạy như vậy, nhất định phải nghiêm, không thể vì gia đình có điều kiện tốt mà không nghiêm khắc với chúng. Sau đó tôi phát hiện mình sai. Sai lầm căn bản nhất mọi người biết là gì không? Bởi vì tôi là phụ nữ, nó là nam, nó là con trai, phụ nữ từ nhỏ nhất định phải được dạy nghiêm khắc. Bạn xem thiên thứ nhất trong “Nữ Giới”, sanh xong con gái thì đặt chúng xuống dưới đất cho chúng đùa nghịch với con thoi dệt vải[DTNT2] , con trai thì không như vậy, con trai thì cho chúng viên ngọc làm đồ chơi. Nam - nữ không giống nhau. Đàn ông họ đại biểu cho trời, là tôn quý ở phía trên. Lúc đó tôi không biết, nhưng lúc đó thực sự là chí thành cảm thông, cũng là từ lúc đó tôi bắt đầu chăm chỉ học Phật, bởi vì lúc đó tôi đã cầu Quán Thế Âm Bồ Tát, nhất tâm cầu Ngài, niệm danh hiệu Ngài hai mươi bốn giờ không gián đoạn. Tôi nói nếu Ngài thật sự có thể trị khỏi bệnh cho con trai tôi, tôi sẽ phát tâm chăm chỉ học Phật. Tôi tin tưởng có Phật Bồ Tát. Thực sự là con trai tôi đã khỏi bệnh, nhưng sau đó tôi đã nhận được một bài học, chính là không được quá nghiêm khắc như vậy đối với nó. Đặc biệt là sau khi học “Nữ Đức”, bạn phải hiểu được cách tùy thuận thiên tánh của chúng, sau đó mới biết cách để giáo hóa chúng.

Tôi xin kể cho mọi người một ví dụ hai ngày trước, đều là những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống. Tôi lại lấy ví dụ này bởi vì còn có một ví dụ của một cô giáo khác, lấy nó để so sánh một chút. Có người tặng cho con trai tôi mấy viên kẹo, nó liền đặt trên tủ trong phòng của nó. Nó đang ngồi  làm bài tập, nhìn thấy viên kẹo đó tôi liền nghĩ răng của nó không tốt, nên tôi không muốn để cho nó ăn. Tôi liền nói với nó: “Viên kẹo này chắc là rất ngon, mẹ lấy ăn nhé con”. Nó đương nhiên không nói gì. Nó nói “Được ạ! Mẹ ăn đi”. Tôi liền lấy và ăn viên kẹo đó. Ăn xong, kỳ thực tâm nó rất không thoải mái. Đợi đến buổi tối nó buồn buồn, không vui tới tìm tôi. Nó nói: “Mẹ à! Con muốn nói chuyện với mẹ một chút”. Tôi nói: “Được! Con nói đi, có chuyện gì vậy?”. Nó nói: “Mẹ học văn hóa truyền thống tại sao mẹ lại không có tâm cung kính vậy?”. Tôi nói: “Vì sao vậy?”. Nó nói: “Mẹ lấy kẹo của con nhưng mẹ không nói cảm ơn con,, sau đó ăn xong mẹ cũng không có phản hồi gì”. Lúc đó tôi đã sững người ra. Nếu như trước đây tôi nhất định sẽ nói: “Đúng, nên như vậy!”, nhưng hôm đó tôi cảm thấy không đúng. Sau đó tôi liền nghĩ, bởi vì “ Hiếu Kinh” nó đã học thuộc lòng rồi, nhưng tôi không để nó đọc thuộc tôi nói:“Con mở  quyển “ Hiếu Kinh” này ra, con đem chương một đọc qua một lần, mẹ ngồi đây nghe con đọc”. Nó cũng không biết ý của tôi là gì, nó liền đọc “Khai tông minh nghĩa chương đệ nhất”. Sau khi nó đọc xong, tôi nói con giải thích cho mẹ xem cái gì gọi là: “Thân thể phát phu, thọ chi phụ mẫu”. Nó nói: “Chính là thân thể của con, tóc của con đều là nhận được từ mẹ, từ ba”. Tôi nói: “Thân thể của con đều là ba mẹ ban cho con, có viên kẹo con cho mẹ, mẹ có phải nói lời cảm ơn con không?”. Tôi nói: “Con có viên kẹo này, suy nghĩ đầu tiên của con nên làm gì? Mẹ mình có muốn ăn không? Bà ngoại ông ngoại mình có muốn ăn không? Mình trước tiên nên hiếu thuận họ, chứ không phải trước tiên nên bỏ vào trong bụng mình. Khi mẹ dạy dỗ con, con nên sanh tâm hổ thẹn”. Sau đó nó đứng đó không nói gì. Một hồi lâu nó nói một câu: “Được ạ! Mẹ à, sau này có đồ ăn ngon con sẽ đưa mẹ ăn trước, mẹ cũng không cần nói cám ơn con”.

Vì sao tôi lại nói ví dụ này cho quý vị? Bởi vì trong quá trình tôi dạy “Nữ Đức”, có một cô giáo khoảng năm mươi tuổi ở trước mặt tôi khóc nức nở cả một buổi sáng. Con gái của cô ấy làm việc tại một công ty nước ngoài, lương mỗi tháng rất cao, nhưng một đồng cô ấy cũng không cho mẹ. Mua đồ ăn ngon mang về nhà thì xách vào trong phòng, ngồi trong phòng ăn một mình. Nếu mẹ cô ấy vào nếm thử một ít thì cô ấy liền trách mắng mẹ mình là: “Ngay đến một tiếng cảm ơn mẹ cũng không biết nói hay sao?”. Mẹ cô ấy liền mau chóng nói: “Cảm ơn con con gái! Món này rất ngon”. Người mẹ này đã khóc và nói với tôi rằng: “Tại sao nó có thể như vậy chứ?”. Tôi nói: “Việc đó sao cô lại hỏi tôi, cô nên hỏi chính bản thân mình”. Tôi nói: “Ông bà mình chẳng phải đã nói hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ hay sao? Đứa con gái này của cô có phải từ nhỏ cô rất cưng chiều, chiều chuộng nó phải không?”“Đúng vậy! Tôi yêu thương nó, thương nỗi đến hơn hai mươi tuổi tôi vẫn còn giặt quần lót cho nó, việc gì cũng không để nó làm, không để nó phải lo lắng chuyện gì cả. Đối với nó vô cùng tốt, nhưng tại vì sao nó có thể đối xử với tôi như vậy chứ?”. Tôi nói: “Cô đã yêu sai rồi, cô đối tốt với nó, nhưng cách cô đối tốt với nó lại là sai, không phù hợp với giáo dục luân lý đạo đức. Bởi vì “mẹ nhân từ, con hiếu thảo”. Chữ “từ” này tuyệt đối không phải là cô chăm sóc cho nó từng li từng tí mọi mặt trong cuộc sống. “Từ” chân thật chính là cô làm thế nào để dẫn dắt con trẻ nâng cao linh tánh, để chúng có thể trong tương lai khi đối người, tiếp vật, đối nhân xử thế, khi đối diện với quan hệ ngũ luân, chúng hoàn toàn căn cứ vào ngũ luân để ứng xử. Cô phải làm gương cho chúng”.

Tôi xin kể thêm một ví dụ nữa cho mọi người, cũng là câu chuyện xảy ra giữa tôi và con trai tôi. Bởi vì bản thân tôi có sự thay đổi rất lớn, do đó tôi sẽ chia sẻ với mọi người. Có một lần vào buổi tối, tôi cũng dẫn con trai đi tản bộ (không phải ngày nào cũng vậy) qua nhà hàng xóm. Cô hàng xóm này không có con nên rất thích hai đứa con trai của tôi. Sau đó cô ấy lấy bánh ngọt, kẹo, kẹo mè rất ngon cho hai con trai tôi ăn. Hai đứa con tôi rất vui mừng, bởi vì những thứ này ở nhà chúng tôi đều không có. Sau đó chúng mỗi đứa ăn một cái, trên tay lại cầm thêm một cái rồi đi ra. Sau khi đi ra, cô hàng xóm muốn đưa cho chúng những thứ này cầm đi ăn, nhưng tôi ngăn lại, tôi nói: “Những thứ này cứ để ở nhà chị, đợi hôm nào đi tản bộ chúng muốn ăn thì lại tới ăn nữa, đừng để chúng tập thành thói quen ăn rồi lại còn mang về”. Sau đó chị hàng xóm này nói: “Được!”. Sau khi ra về, con trai lớn của tôi mau chóng ăn hai viên kẹo vào bụng. Kết quả bởi vì đứa út còn nhỏ, nó vẫn chưa ba tuổi, vừa ăn hết một viên kẹo mè, trong tay thì vẫn còn cầm một viên kẹo mè khác. Đứa con lớn liền đến nói với tôi: “Mẹ à! Mẹ xem Nhị Bảo còn nhỏ như vậy phải giữ gìn răng cho tốt, nên viên kẹo kia con ăn giúp em một nửa có được không ạ?”. Tôi nói: “Được!”. Tôi mới nói “được”, vẫn chưa nói xong, vẫn chưa nói câu tiếp thì nó đã bước nhanh xông tới dành viên kẹo của Nhị Bảo muốn bẻ làm đôi. Bạn nghĩ xem, trẻ con mà. Nhị Bảo nhỏ như vậy nó chắc chắn nắm chặt, chết cũng không chịu đưa. Sau đó đứa lớn bắt đầu khóc lớn, rồi nhảy dựng lên nói: “Mẹ nói rồi, phải chia mỗi người một nửa”. Lúc đó chúng tôi vẫn chưa rời khỏi sân nhà cô hàng xóm. Sau đó cả hai cũng không chịu, đều bắt đầu khóc, khuyên thế nào cũng không được. Cô hàng xóm liền chạy ra nói: “Đừng khóc nữa, mỗi người một hộp mang về nhà từ từ ăn nhé”. Nếu như trước đây tôi nhất định sẽ nổi nóng, bởi vì tôi cảm thấy rất mất thể diện, nhưng lúc đó cơn tức giận của tôi lại không nổi lên. Bởi vì tôi nghe đĩa giảng của cô Lưu Tố Vân, tôi nhớ một từ, đó là hoán đổi vị trí để suy nghĩ. Tôi nghĩ nếu tôi là đứa lớn, tôi có thể cũng sẽ như vậy, tôi nghĩ viên kẹo đó nhất định rất ngon nên nó mới có thái độ như vậy. Tôi liền cười và nói với đứa lớn rằng: “Con trai à! Con đừng kích động, sự kích động này chính là ma quỷ. Con vừa kích động thì mà quỷ sẽ xuất hiện đấy!”. Con trai lớn của tôi lớn tiếng nói: “Con chính là muốn để ma quỷ xuất hiện, ma quỷ không xuất hiện thì viên kẹo này có thể xuất hiện không?”. Sau đó tôi không nói gì nữa. Cô hàng xóm lấy hộp kẹo đưa cho chúng tôi, sau đó chúng tôi liền ra về. Sau khi trở về tôi rất nghiêm túc, tôi nói với mẹ tôi rằng: “Hộp kẹo này mẹ giữ lại mang về cho con của em trai con ăn, hai đứa chúng không được ăn nữa”. Hai đứa con tôi trở về nhà đều biết mình sai rồi nên không ai nói lời nào. Khi tôi nói câu này, hai đứa đều mở to mắt không dám nói lời nào. Mẹ tôi liền cầm lấy hộp kẹo rồi đi. Tôi nói: “Mẹ à! Mẹ khóa cẩn thận lại nhé, để vào trong tủ của mẹ ấy”. Sau đó tôi không nói gì, xuống chuẩn bị nước tắm. Sau đó tôi nói: “Nhị Bảo, đi tắm thôi!”. Sau đó, đứa con trai lớn đi theo sau nhưng tôi cũng không nói chuyện, giống như không nhìn thấy nó vậy. Tôi tắm xong cho Nhị Bảo rồi đi ra. Khi tôi lên lầu mặc quần áo cho Nhị Bảo thì tôi phát hiện trên bàn có một mẩu giấy. Trên mẩu giấy đó viết: “Mẹ thân yêu! Con xin lỗi, con sai rồi, sau này con sẽ không nói to hét lớn nữa. Con trai lớn của mẹ!”. Sau đó tôi giữ lại mẩu giấy đó. Sau khi giữ lại thì con trai lớn cũng xuống tắm. Nó tắm xong, đi lên lầu nhìn vẻ mặt của tôi vẫn không có gì thay đổi, nó liền nói: “Mẹ à! Mẹ có nhìn thấy thứ gì ở trên bàn không?”. Tôi nói: “Mẹ không thấy gì cả”. Tiếp theo nó nói: “Mẹ không nhìn thấy thì thôi vậy! Mẹ đừng giận nữa, sau này con sẽ không để ma quỷ xuất hiện nữa đâu”. Tôi nói: “Được. Con trai à! Con người phải có thể khống chế được chính mình. Đặc biệt là con trai, nếu một viên kẹo đã có thể lôi con đi, tương lai con lớn lên liệu có bị những thứ khác kéo đi mất không? Lúc đó con không còn là chính mình nữa đâu”.

Vì sao tôi lại kể ví dụ này cho mọi người? Với tính cách trước đây của tôi, nếu con cái như vậy thì tôi rất dễ nổi giận, đặc biệt là ở trước mặt người ngoài. Nhưng tôi cảm thấy nổi nóng không thể giải quyết được bất cứ vấn đề gì. Giống như có người nói oán hận, oán hận không thể đối trị được oán hận, mà chỉ có yêu thương mới có thể chấm dứt oán hận. Nhưng tình yêu thương này không chỉ đơn thuần nói trên miệng, mà phải chân thành từ tận đáy lòng tôn kính con trai mình, xem chúng chính là thầy của bạn. Tôi đã xem hai đứa con trai của mình thành thầy giáo của tôi, ngày ngày đưa ra đề thi, thật sự là càng ngày càng khó. Chúng thường xuyên ra đề thi cho bạn, đề thi vừa phát ra bạn phải nhìn vào đó mà làm. Sau đó, quay đầu nhìn lại chúng vẫn rất yêu bạn. Cho nên tôi nghĩ, rất nhiều phụ nữ có thể người mà cả đời họ qua lại nhiều nhất, thường không nhất định là ba mẹ, có thể là chồng mình, con mình, cho nên nếu giải quyết tốt hai vấn đề này thì có thể cả đời này họ sẽ rất hạnh phúc, rất thoải mái. Những chuyện này đều là những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày, nhưng bản thân chúng ta phải điều chỉnh từng li từng tí một.

Chúng tôi đang chia sẻ chương “Kính Thuận” trong sách “Nữ Giới”, đoạn tiếp theo nói: “Phu kính phi tha”. Ý nói ngoài việc kính chồng ra thì không có gì khác. “Trì cửu chi vị dã”, mấu chốt là có thể kính trọng dài lâu. “Trì cửu giả, tri chỉ túc dã”, chính là bạn biết dừng lại, biết được đủ. “Trì cửu”, hai chữ này rất quan trọng. Cái gì là “chỉ”? Chính là cái gì cũng đều phải biết dừng lại đúng lúc.

Tôi xin lấy một ví dụ đơn giản nhất, như có đồ ăn ngon không thể ăn mà không biết dừng, có những thứ thú vị không thể chơi mà không biết chán, không thể vừa nổi giận thì giận mãi không nguôi. Thường khi phụ nữ nổi giận thì giống như hiệu ứng Domino vậy, vốn dĩ cãi nhau với chồng là vì chuyện này, nhưng cãi tới sau cùng đã lôi cả những chuyện mười năm trước ra nói. Bởi vì tôi từng nghe một phụ nữ ngồi đó than phiền với tôi, vốn dĩ là cô đang oán trách về chuyện này, đến cuối cùng sau khi nghe một giờ đồng hồ thì cô ta đã lôi cả những chuyện mấy năm trước ra kể. Thường thường đều là như vậy. Cho nên chúng ta phải đem hai chữ này học cho tường tận. Chữ “chỉ” này trong cuộc sống thực tế chỉ có hai loại hoàn cảnh mà chúng ta thường xuyên gặp phải, một loại là thuận cảnh, một loại là nghịch cảnh. Thuận cảnh chính là ngày hôm nay mọi việc đều hài lòng vừa ý, gặp thấy đều là những người mình thích, nghe thấy đều là những lời mình muốn nghe, làm việc gì cũng đều vui vẻ, ưa thích, hy vọng ngày ngày đều như vậy. Sai rồi! Bạn phải biết được dừng lại. Khi thuận cảnh không khởi tham luyến, không có tâm muốn chiếm hữu liên tục bất cứ thứ gì, như vậy là đúng! Tôi luôn dùng những lời trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” để đối trị với cái 

/8
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây