Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 44: [THƯ 44]: Trả lời thư cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ hai)

Hòa thượng Pháp Tràng xưa đã sẵn linh căn, thoạt đầu là bậc chân Nho, sau thành bậc chân Thích, có thể nói là chẳng uổng công đọc sách học đạo vậy! Đời có bậc chân Nho nên mới có chân Tăng. Bọn vô lại xuất gia kia cố nhiên đều là ma vương ngoại đạo phá hoại Phật pháp! Ngữ lục của Hòa Thượng thống khoái thẳng chóng, mở rộng tâm mắt con người, đáng nên khắc in lưu thông làm pháp bảo cho Thiền gia, nhưng sách ấy chỉ phát huy đạo “chỉ thẳng tâm người, kiến tánh thành Phật”, chúng ta chuyên tu Tịnh nghiệp chớ nên sờ soạng, dò lường lời Ngài đến nỗi đánh mất lợi ích cả hai bên. Không thể không biết điều này! Điều được nhà Thiền đề xướng là chỉ hướng về bổn phận, ngoài ra [mọi chuyện khác] đều không xiển phát. Chuyện tu nhân đạt quả, đoạn Hoặc chứng chân của họ đều là tự ngầm tu trì. Người ngoài thấy nhà Thiền chẳng đề xướng những đạo lý tu chứng ấy bèn bảo nhà Thiền không dùng đến những pháp đó, thành ra hủy báng Thiền, báng Phật, báng pháp.

Mã Tăng Ma[24] kiến địa cao siêu, văn tự khéo léo, đẹp đẽ, cũng đáng nên khắc bản lưu thông. Vương Huyễn Như không thấu hiểu Tông môn chỉ vì không chịu nghiên cứu sâu xa giáo lý và cũng do chưa hề thân cận tri thức, vì thế chỉ thành một kẻ hiểu biết Tông Môn trên mặt văn tự mà thôi. Năm Quang Tự hai mươi mốt, tức mùa Xuân năm Ất Mùi (1895), người ấy đến Phổ Đà, được thế phát bởi hòa thượng Hóa Văn trụ trì chùa Pháp Vũ, chưa thọ giới, sống được nửa năm bèn trở về nhà, lại trở thành cư sĩ. Trong cuốn đầu, ông ta viết năm Bính Thân (1896) đến Phổ Đà làm tri kỷ của sư Hóa Văn, toan muốn xuất gia, nhưng vì gia sự thúc bách phải quay về. Từ chỗ này có thể thấy ngôn hạnh chẳng tương ứng!

Quang từng gặp người này, chưa hề nói với nhau một lời. Hỏi đến những người ông ta thường gặp gỡ xem ông ta hành trì những gì; họ nói ông ta không niệm Phật mà cũng chẳng xem kinh. Những gì chép trong sách Minh Tâm Lục của ông quá nửa là những câu dựa theo sách Kính Hoa Tập xưa kia. Ông ta có sở đắc nơi ý Thiền Tông, nhưng hạnh nhà Thiền chưa từng thực sự tu tập. Do vậy mới đến nỗi chẳng biết thời vụ, trao xằng pháp dược, khiến cho những kẻ vô tri vô thức học phải những lời sáo rỗng ấy bèn quay ra bài bác, vứt bỏ những lý thật, sự thật trong kinh, khiến mình mù, làm cho người mù, từ đầu đến cuối sách chẳng hé lộ triều đại và niên hiệu với thâm ý khiến người đời sau tưởng mình là bậc cao nhân thời thượng cổ mà thôi! Toàn thể sách ấy là cái tâm phàm phu sanh tử kết nghiệp, chớ hề có ý nghĩa tùy duyên mặc lòng tự vui Thiên Chân. Hạng người như vậy chẳng nên tán thán; chỉ sợ do tôi tán thán [người đời] bèn tưởng ông ta hoàn toàn đúng, mà cũng không nên báng bổ vì sợ do tôi gièm báng người khác bèn cho là ông ta hoàn toàn sai! Nhưng ông giữ pháp của ông, tôi giữ đạo của tôi mà thôi! Rảnh công đâu bàn chuyện rỗi hơi của người ta chẳng ăn nhập gì đến mình!

Bài tiểu tự của sách Vạn Liên Tịnh Độ Thi, hai dòng đầu nêu lên thuyết “nhất tâm được biểu hiện hay che lấp” chính là lý luận sai lầm. Lời dạy chuyên tu Tịnh Nghiệp của ngài Thiện Đạo có thể gọi là “tỏ rõ tâm chuyên nhất”, nhưng ngài Vĩnh Minh dạy “vạn thiện đều tu” há có thể gọi là “ngăn lấp tâm chuyên nhất” ư? Đúng là sai lầm đến cùng cực! Phải nói là pháp môn Tịnh Độ có Chuyên và Viên. Do căn khí của chúng sanh bất nhất, nên chư Tổ lập pháp bất đồng. Ngài Thiện Đạo dạy người nhất tâm trì danh, không dạy tu tạp nghiệp là vì sợ người căn tánh trung hạ do tạp nghiệp đến nỗi tâm khó quy nhất. Do vậy, Ngài dạy Chuyên Tu. Ngài Vĩnh Minh dạy người vạn thiện đều tu, hồi hướng Tịnh Độ là vì sợ bậc thượng căn hạnh chấp vào một bên, đến nỗi phước huệ chẳng thể xứng tánh viên mãn nên dạy Viên Tu.

Nếu là người chưa đạt đến địa vị đại triệt đại ngộ thì lập ngôn quyết khó khỏi mắc điều tệ. Ví như ếch ngồi đáy giếng chỉ thấy được khoảng trời xanh chừng bằng miệng giếng mà thôi! Bài tựa giảo chánh tái bản sách Tùy Tự Ý Tam Muội, nếu nói thông thường thì đại tâm phàm phu là Sơ Phát Tâm Bồ Tát, và nói đúng ra thì phải hiểu Sơ Phát Tâm Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Trụ trong Viên Giáo. Hiểu như thế sẽ không mắc cả hai lỗi Ngã Mạn và Thoái Khuất.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT- Phần 3

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây