Sự Tích Đức Phật Thích Ca

(Phiên bản 2017, tu chính toàn bộ)

 

Đọc quyển Sự Tích Đức Phật Thích Ca này quý vị sẽ biết rõ về :

1 - Cuộc đời đức Phật,

2 - Giáo lý giác ngộ và giải thoát,

3 - Các pháp môn tu để đi đến giác ngộ và giải thoát.

Chương 6: B- ĐỨC PHẬT ĐẢN SANH - 1- Lai lịch họ Gotama và bộ tộc Sākya

B- ĐỨC PHẬT ĐẢN SANH

Một vị Phật ra đời là một nhân duyên lớn rất hiếm có, là một niềm vui vô tận cho tất cả muôn loài chúng sanh. Đức Phật là bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, có trí tuệ và lòng từ bi rộng lớn cùng tột, vì thông cảm nỗi khổ triền miên vô bờ bến của chúng sanh mê lầm nên ngài dùng phương tiện thị hiện đản sanh để chỉ dạy và dìu dắt chúng sanh ra khỏi vòng sanh tử luân hồi, đạt đến niết bàn an lạc thanh tịnh.

Về phương diện lịch sử, chúng tôi xin trình bày trước huyền thoại về 5 họ của đức Phật là Gotama (Cồ Đàm), Sujāta (Thiện Sanh), Okkāka (Cam Giá), Suriyavamsa (Nhật Chủng) và Sākya (Thích Ca), sau đó mới nói đến lúc Phật đản sanh.

 

1- Lai lịch họ Gotama và bộ tộc Sākya[15]

Vào thuở xa xưa, ở thủ đô Sāketa[16] xứ Kosalā, thuộc miền Trung Ấn Độ, có giống dân Aryan. Theo kinh Phật Bản Hạnh (Abhinikramana sutra), kinh Lalitavistara (Tiểu Sử Đức Phật), kinh Ambattha (Trường Bộ 3) và kinh Mahāvastu (do ngài Buddhaghosa chú giải vào thế kỷ thứ năm sau tây lịch), thì xưa kia nơi đây có vị vua tên là Mahā Sammata (Đại Mao Thảo) nhường ngôi cho em, xuất gia theo đại tiên Gotama (Cồ Đàm)[17] tu trong rừng. Để người đời không nhận ra mình là vua, ông lấy họ thầy là Gotama làm họ mình. Từ đó người ta gọi thầy ông là Mahā Gotama (Đại Cồ Đàm) và gọi ông là Cūla Gotama (Tiểu Cồ Đàm).

Hai thầy trò tu trong rừng, ở trong một cái am bên cạnh một vườn mía (Cam Giá, Okkāka) lớn. Một hôm có 500 tên cướp đánh cướp tài sản của quan, trong lúc chạy trốn băng qua vườn mía, đánh rơi những đồ cướp được trong vườn. Quan quân theo dấu tìm đến, cho Cūla Gotama (Tiểu Cồ Đàm) là giặc cướp, liền dùng tên bắn chết, máu chảy lênh láng xuống đất. Mahā Gotama đang có việc đi xa, dùng thiên nhãn nhìn thấy, buồn bã rơi lệ. Ông liền bay về đến nơi, gom máu trộn lẫn với bùn trên mặt đất, vo thành hai viên lớn bằng nắm tay, đặt lên bàn thờ giữa trời, rồi chú nguyện rằng :

 Cồ Đàm tôi thành tâm cầu nguyện chư thiên biến hai hòn máu này thành người.

Qua 10 tháng, nhờ hấp thụ ánh sáng mặt trời, viên bên trái hóa thành một bé trai, viên bên phải hóa thành một bé gái, đều lấy họ Gotama (Cồ Đàm). Các quan đại thần trong triều nghe tin, rước về cung nuôi dưỡng[18]. Bé trai được đặt tên là Sujāta (Thiện Sanh)[19], còn gọi là Okkāka (Cam Giá)[20] hay Suriyavamsa (Nhật Chủng)[21]. Bé gái được đặt tên là Bhattā (Hatthā, Thiện Hiền).

Về sau các đại thần lập Sujāta (Thiện Sanh) làm vua hiệu là Iksvāku (Ý Ma vương), và Bhattā (Thiện Hiền) làm hoàng hậu, sanh được bốn người con trai tên là Okkāmukha, Karakanda (Karakandu), Hatthinika, Sinipura (Sinisūra),  và năm người con gái là Piyā, Suppiyā, Ānandā, Vijitā và Vijitasenā. Sau đó hoàng hậu Bhattā qua đời, vua Iksvāku cưới thêm một công chúa trẻ đẹp tên Cittā phong làm hoàng hậu sanh được một người con trai tên là Jantu.

Vì muốn lập Jantu lên làm vua nên vị hoàng hậu thứ nhì là Cittā xui giục vua Iksvāku đày bốn người con trai của hoàng hậu Bhattā ra khỏi xứ Kosalā. Bốn hoàng tử này cùng với năm chị em gái đi về hướng đông bắc, đến gần chân núi Himalaya, gặp nhà hiền triết rất giỏi thiên văn địa lý tên Kapila khuyên nên ở lại đây lập nghiệp. Nơi đây lần hồi trở nên phồn thịnh. Vua Iksvāku được tin này, thốt lời khen rằng “Sākya vata bho Rāja Kumāra”, có nghĩa là “Các vị hoàng tử này quả thật là những người có khả năng”. Từ đó bộ tộc của các hoàng tử và vương quốc của họ sáng lập mang tên là Sākyā (Sākiyā, Thích Ca), có nghĩa là “người có khả năng hay người anh hùng”. Để nhớ ơn nhà hiền triết Kapila, các hoàng tử Sākya đặt tên thủ đô xứ Sākyā là Kapilavatthu (S:Kapilavastu, Ca Tỳ La Vệ). Ít lâu sau, người chị cả là Piyā mắc bệnh cùi, vào rừng ở. Trong khi đó vua xứ Kāsi ở Benares là Rāma cũng mắc bệnh cùi, truyền ngôi cho con trai cả rồi vào sâu trong rừng núi ở, thời may gặp thuốc hết bệnh. Hai người gặp nhau, vua Rāma chỉ thuốc cho bà Piyā được lành bệnh, hai người ăn ở với nhau, thành lập xứ Koliyā, lên làm vua[22].

Ở Kapilavatthu, bốn hoàng tử con vua Iksvāku (Okkāka) không thể lập gia đình với người bản xứ vì không có ai thuộc giai cấp quý tộc (Khattiya) nên phải sống chung với bốn chị em gái còn lại như vợ chồng[23]. Trong số bốn hoàng tử này có ba người chết, hoàng tử còn lại là Okkāmukha (Ni Câu La[24]) lên làm vua. Sau truyền ngôi cho con là Sīhassara (Câu Lô[25]). Sīhassara truyền ngôi cho con là Jayasena (Cù Câu Lô[26]). Jayasena truyền ngôi cho con là Sīhahanu (Sư Tử Giáp). Vua Sīhahanu sinh được bốn người con trai là: Suddhodana (Tịnh Phạn) , Dhotodana (Hộc Phạn) , Sukkodana (Bạch Phạn)  và Amitodana (Cam Lộ Phạn) ; và một người con gái là Amitā (Cam Lộ vương phi)  gả cho vua Suppabuddha (Thiện Giác vương)  xứ Koliyā. Vua Sīhahanu truyền ngôi cho con là Suddhodana. Vua Suddhodana (Tịnh Phạn vương) và hoàng hậu Mahā Māyā (Ma Da, Đại Hòa) sinh ra thái tử Siddhattha (Sĩ Đạt Ta) về sau thành Phật hiệu là Sākyamuni (Thích Ca Mâu Ni).

Do đó đức Phật có cả thảy năm họ: Gotama (Cồ Đàm), Okkāka (Cam Giá), Sujāta (Thiện Sanh), Suriyavamsa (Nhật Chủng) và Sākya (Thích Ca). Nhưng người thời bấy giờ thường dùng tiếng Gotama để chỉ họ của đức Phật, tiếng Sākyā để chỉ dòng dõi, bộ tộc hay tên xứ, và tiếng Sākyamuni để chỉ Phật hiệu của ngài.

Phật hiệu Sākyamuni có nghĩa là “năng nhơn tịch mặc”. Sākya là “năng nhơn”, là bậc anh hùng có khả năng hơn người. Muni là “tịch mặc”, tịch tĩnh, vắng lặng, cũng có nghĩa là nhơn từ. Sākyamuni cũng có nghĩa là “bậc anh hùng hoàn toàn”.

 

/18
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây