Góc nhìn của phật tử về cá chết hàng loạt ở Miền Trung

Thứ hai - 15/02/2016 11:13 - Đã xem: 80
Cá chết hàng loạt khiến ngư dân ở Miền Trung lao đao, khổ sở,… bao đời nay, vì miếng cơm, manh áo, ngư dân bám biển mưu sinh. Cuộc sống đang yên bình, đùng một cái cá chết hàng loạt mà chưa rõ nguyên nhân, bên cạnh nỗi khổ mưu sinh bị ảnh hưởng còn là băn khoăn về tác nhân làm cá chết.
Góc nhìn của phật tử về cá chết hàng loạt ở Miền Trung
Việc tìm ra nguyên nhân cá chết, đó là trách nhiệm của các nhà Quản lý, các nhà Khoa học.

Chừng nào còn chưa tìm ra nguyên nhân đích thực, chừng đó các cơ quan quản lý, các nhà khoa học còn nợ nhân dân câu trả lời rõ ràng, minh bạch.

Ở góc nhìn nhân quả, cá chết nhiều như vậy, dù nguyên nhân tự nhiên hay nguyên nhân do yếu tố con người thì hậu quả đều xấu với môi sinh.


Cá chết, có người bảo đó là điều "bất thường", dưới góc nhìn nhân quả của Phật giáo, thì mọi sự sẽ không còn là "bất thường".

Vì mọi sự xảy ra trong tự nhiên hay trong xã hội, căn nguyên của nó đều phải có nguồn cơn rõ ràng. Bất thường sao được khi cá đang sống trong biển cả bỗng lăn đùng ra chết, phải có nguyên nhân chứ. Bất thường sao được khi biết bao nhà máy ở nước ta và trên thế giới coi biển như túi rác để xả thải ra đó những thứ làm hại môi sinh khủng khiếp. Nó phải có nguyên nhân chứ. Nguyên nhân từ phát triển công nghiệp quá đà, không coi trọng sinh thái. Còn rất nhiều những nguyên nhân khác, chưa tiện nêu ra.

Hiện tượng “bất thường” xét theo nhân quả thì mỗi hành vi xấu ác, đều phải chịu ác báo tương xứng hành vi đó. Nếu là nguyên nhân tự nhiên, suy cho cùng cũng là do chiêu cảm của con người làm mất cân bằng hệ sinh thái.

Nếu là nguyên nhân do con người gây ra thì chắc chắn kẻ gây ra tất cả những thảm họa môi sinh dù trực tiếp hay gián tiếp, dù đang sống ở bất kỳ đâu, cảnh giới nào rồi cũng sẽ phải đối diện trực tiếp trước công lý của luật nhân quả. 

Còn ai nữa, ai vì lợi ích riêng, ai không hoàn thành sứ mạng là công bộc của dân, nhắm mắt vì tiền, nhắm mắt vì vô minh, nhắm mắt vì phản bội để cho cái ác có cơ hội nảy sinh và hành động? Kẻ đó không phải là vô can.

Đừng nghĩ cá chết, chỉ ảnh hưởng đến cộng đồng mấy ngàn ngư dân, mấy chục công ty du lịch, và nguồn thu ngân sách của mấy tỉnh.

Mà suy rộng ra sẽ ảnh hưởng đến cả nước, cả khu vực biển Đông và lan dần ra cả môi sinh toàn cầu.

Vì sao? Vì môi trường mất cân bằng hệ sinh thái là mối quan hệ nhân quả của những tiến trình, chỉ mỗi trong những mắt xích đó "điên đảo" sẽ kéo theo hệ lụy của nó là động đất, lũ quét, sóng thần, băng tan,…xảy ra hàng năm, làm bao nhiêu con người liên lụy, nhà tan cửa nát, mất mẹ, mất cha,…mà không còn phân biệt của riêng quốc gia và dân tộc nào.

Môi trường và hệ sinh thái biến đổi nhanh đến sững sờ. Thế giới này rồi sẽ như thế nào nếu cái ác lấn át lương tri? Tất nhiên kẻ ác sẽ phải gánh hậu quả của cộng nghiệp, hậu quả mà kẻ ác phải gánh chịu sẽ khủng khiếp không gì có thể tính được, đó không chỉ là lời răn dạy suông mà là định luật ngàn đời chẵng đổi thay bao giờ.

Còn ai, còn ta khi đã ý thức được trách nhiệm của mình, xin hãy "quay đầu là bờ", "lập công chuộc tội", "đối diện sự thật" để dùng đèn tâm đốt cháy lòng tham và cái ác trong chính ta, nó đang dẫn ta đi từ sai lầm này đến sai lầm khác.

Hãy cùng chung tay bảo vệ hệ sinh thái của trái đất, trách nhiệm đó không phải của một tỉnh, một quốc gia mà của tất cả lương tri con người.

Vì cá chết, chúng sinh chết bất thường thì chúng ta liệu có vô can, nếu xét đến tận cùng của nguyên nhân?


Tâm Đạt
Ghi chú: Bài viết thể hiện góc nhìn, cách hành văn của một phật tử trẻ đang sinh sống tại Hà Nội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây