Phật giáo Phú Thọ và Tết Trung Thu Thiếu Nhi

Thứ bảy - 14/10/2017 11:27 - Đã xem: 132
Trung thu đã qua, nhưng ánh trăng rằm vẫn còn âm hưởng đâu đâu nơi đây. Phật giáo miền Bắc với truyền thống hậu an cư nên kết thúc mùa hạ là ngày rằm tháng 8 AL thường niên. Ngày xuân của Phật giáo lại trùng hợp ngày tết trung thu của thiếu nhi.
Phật giáo Phú Thọ và Tết Trung Thu Thiếu Nhi

Đức Phật đã từng chỉ dạy cho người tu, muốn tu đến nơi đến chốn thì phải tập tâm mình không dính, không kẹt với sáu trần, giống như những đứa anh nhi. Anh nhi tức là trẻ nhi đồng. Đối với sáu trần nó không tham, không sân, không si. Thấy thì thấy, nghe thì nghe, biết thì biết, nó không đắm mê hay dính kẹt như người lớn.

Cho nên khi Quốc sư Huệ Trung ở núi, có người hỏi: “Hòa thượng ở núi bốn mươi năm làm những gì?” Ngài kêu một đứa bé lại, vò đầu nó nói: “Tỉnh, tỉnh, đừng để người lừa.” Đó là ý nghĩa gì? Người tu đến giai đoạn buông xả hết tâm điên đảo vọng tưởng rồi, luôn luôn hằng tỉnh hằng giác, không bị sáu trần làm mê hoặc, lôi kéo. Do đó khi chúng ta ngồi yên tu, mọi công hạnh nằm ở chỗ phải luôn luôn tỉnh, luôn luôn giác, không chạy theo, không dính mắc với sáu trần. Đó là hạnh của anh nhi, tất cả người tu cuối cùng cũng phải đến đó.

Người tu khi tâm đã trong sáng, thanh tịnh rồi, lúc nào cũng vui vẻ, tươi cười, không ưu phiền, bực bội, tức tối. Nếu là một vị tăng mà cứ bực bội việc này, tức tối việc kia, phiền não dồn dập thì chưa phải tu sĩ. Người Tu tâm ý luôn luôn vui hòa, có những cử chỉ thái độ hồn nhiên cũng như trẻ con. Tại sao được như vậy? Không phải vì các ngài hạn chế, bắt buộc hay là dằn ép, mà vì nơi các ngài tâm hồn đã trong lặng, không dính mắc cái gì bên ngoài, nên mới an ổn, vui tươi, hồn nhiên như bé thơ. Tâm hồn ấy nhà Phật gọi là hạnh anh nhi.

Người Tu Sĩ nhìn trẻ con ngây thơ, khờ dại, không buồn, không khổ, không lo. Chính những điểm ấy gần với người tu chúng ta.

Năm nay, dù bận rộn với công án sinh tử của Hạ trường chư Tăng, Ni trong tỉnh Phú Thọ đã hòa mình vào đêm trăng vui với cái vui của trẻ nhi đồng. Trên tinh thần tổ chức lễ Trung Thu cho các cháu ngồi lại hát lên những bài hát đồng dao, uống chén trà thơm, ăn chiếc bánh trung thu không phải vì ham vui mà vì muốn nhắc nhở nhau sống với tâm hạnh hồn nhiên, tươi đẹp của trẻ thơ. Đừng ai thắc mắc, đừng ai than phiền, đừng ai bực dọc, mới là hạnh chân thật của Thiền tăng.

Đúng đêm 14 tháng 8 Đại đức Thích Từ Hiệp trụ trì Chùa Khánh Nghiêm xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đã long trọng tổ chức đêm hội trăng rằm với sự tham dự của Ông Cao Xuân Hải- Thường vụ Huyện Uỷ, PCT UBND huyện Lâm Thao cùng quý đại biểu các ban ngành đoàn thể phái đoàn huyện ủy, xã Bản Nguyên, các khu dân cư sở tại. buổi lễ diễn ra trong không khí tưng bừng của ngày hội với chương trình văn nghệ đặc sắc cùng chị Hằng, chú Cuội, múa lân, kết thúc là màn phá cổ với 2000 chiếc bánh trung thu trao tặng cho các em. Trong dịp trung thu Đại đức đã Phát 200 quà trung thu cho các cháu mầm non khu Quỳnh Lâm xã bản nguyên vào sáng 15/8/ Định Dậu; Tặng 300 xuất quà trung thu cho học sinh khu dân cư Tân Tiến, Tân Trung, thị trấn lâm thao vào chiều cùng ngày; Phát 300 quà trung thu cho các cháu học sinh khu Lâm Nghĩa Thị trấn Lâm Thao; Bên cạnh đó Sáng 22/8/ Đinh Dậu, tặng 300 xuất quà cho các bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại bệnh viện tâm thần tỉnh Phú Thọ.

Đêm 15 tháng 8 Đại đức Thích Trúc Thái Quý - chùa Đại Bi, phường Bạch Hạc; Đại đức Thích Minh Tồn trụ trì chùa Tây Long- xã Tây Cốc… đã cho các cháu rước đèn trung thu phá cỗ đốt lữa trại quây quần sum họp.

Nói về đêm trăng, Trải qua hàng ngàn năm con người luôn cho rằng có mối liên hện giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên.

Trong ngày vui này, theo phong tục người Việt, tất cả các thành viên trong gia đình đều mong muốn quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên.

Khi đêm xuống, mặt đất ngập tràn ánh trăng vàng, xóm làng cùng nhau tụ họp uống nước chè xanh, ăn bánh, ngắm trăng và bày hoa quả, bánh kẹo cho trẻ em vui chơi, rước đèn, múa Lân, trông trăng, phá cỗ...

Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.

Nhiều năm qua, tại tỉnh Phú Thọ, không khí chuẩn bị tổ chức Tết Trung thu cho thiếu niên nhi đồng cũng đã được chư Tăng Ni và Phật tử chuẩn bị rất chu đáo. Bởi xác định đây chính là một dịp các em đến chùa, để tìm hiểu về ngày hội truyền thống dân tộc dành cho tuổi nhỏ, giúp các em quen với chốn Thiền môn, giúp các em được gieo duyên với Phật pháp, cùng nhau kết bạn trong môi trường Phật giáo.

 Việc tập họp thiếu niên nhi đồng đến chùa dịp này là cơ duyên hoằng pháp, Phật hóa gia đình, mang đậm ý nghĩa gắn kết việc sinh hoạt truyền thống dân tộc với nét sinh hoạt văn hóa Phật giáo. Tổ chức đón Trung Thu tại Nhà Chùa cũng có rước đèn, trông Trăng, cho các em phá mâm cỗ, văn nghệ, phát tặng quà bánh, nhưng trước tiên, tất cả phụ huynh, thanh thiếu niên nhi đồng  sẽ được lễ Phật, niệm danh hiệu Đức Phật, tụng Kinh ngày Rằm, nghe thuyết giảng Phật Pháp. Tất cả những điều đó sẽ mang đến cho các em nhân duyên với đạo pháp, góp phần ươm những mầm măng Phật giáo cho tương lai.

Với thông điệp yêu thương: Hãy dành tất cả tình thương, lòng từ bi gieo hạt sống thiện lành cho trẻ em chư Tăng Ni, Phật tử  các Chùa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã cố gắng hướng trẻ đến chùa hưởng niềm an vui dịp Trung Thu.

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận

Ban TTTT tinh Phú Thọ

Tin: Thích Quang Vũ; Ảnh: Thích Từ Hiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây