Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký

Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Sa môn Thích Trí Minh



Phàm Lệ

1. “Phạm Võng Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký”: Ðề mục bộ kinh này có chín chữ. Bảy chữ trước ở đây xin gác qua, vì trong phần giải thích đề mục kinh, và đề mục phẩm có nói rõ, nên ở đây chỉ nói qua hai chữ “giảng ký”. Giảng là do Pháp Sư Diễn Bồi y trong Bồ Tát Giới Bổn, tức là năm mươi tám giới (58) gồm có 10 giới trọng (10) và bốn mươi tám giới khinh (48) (Ở đây chỉ nói qua 58 giới, là thuộc về phần giới tướng, còn phần trước và sau, không nói, vì không cần).

Chương 7: Kinh văn 

Kinh văn 

Ngồi trên bảo tòa Kim Cương Hoa Quang Vương. 


 


Lời giảng: 

Căn cứ theo kinh thì bảo tòa Kim Cương Hoa Quang Vương này ở cách phía Tây thành Vương Xá nước Ma Kiệt Ðà của Ấn Ðộ chừng khoảng hơn 100 dặm. Nơi ấy, có một cây đại thọ trước đó gọi là Tất Bát La. Về sau, do vì Ðức Phật ngồi dưới cây đại thọ ấy chứng quả Vô Thượng Bồ Ðề nên được mọi người gọi là Bồ Ðề thọ. Ðức Phật ngồi nơi bửu tòa Kim Cương Hoa Quang Vương dưới đại thọ này mà thành Vô Thượng Chánh Giác.

Chẳng những Bổn Sư Thích Tôn ở thế giới này, ngồi nơi tòa ấy thành Phật, mà nghìn Ðức Phật trong Hiền kiếp này thành Phật đều ngồi nơi Bửu Tòa ấy mà nhập Kim Cương Ðịnh, phóng đại quang minh, thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.

Vả lại, theo sự tương truyền thì lúc thế giới này mới thành lập, bảo tòa này xuất hiện cùng một lúc với đại địa và chiếm cứ ngay trung tâm của Tam Thiên Ðại Thiên thế giới. Phần hướng xuống phía dưới thấu tột đến kim luân, phần hướng lên trên ăn liền đến địa tế (mặt đất). Toàn thể thuần là kim cương tạo thành, chu vi ước chừng hơn một trăm bộ.

Chư cổ đức giải thích: “Kim cương sắc bén lại thêm cứng rắn, có ngàn quang minh và rất rộng lớn. Chữ Vương là ý nghĩa của sự tôn quý, dùng để biểu thị cho bảo tòa, do chính hàng ngàn Ðức Phật truyền lại, không lay động, không hư hoại, không bị mờ tối, cũng không có một thứ gì có thể sánh được”. Cho nên gọi là Kim Cương Hoa Quang Vương tòa.

Về phương diện Phật pháp:

– Kim Cương dùng chỉ cho Ðịnh.

– Hoa Quang chỉ cho Huệ.

Ðịnh, Huệ tương ứng, đoạn hẳn phần vi tế sinh tướng vô minh rốt sau, được rốt ráo tự do, tự tại, nên gọi là Vương. Như vị Quốc Vương thời xưa có quyền tự do tuyệt đối.

Trong kinh Pháp Hoa thuyết minh: “Phật vi pháp vương, ư pháp tự tại” (Phật là pháp vương, đối với tất cả các pháp đều được tự tại).

Chữ Pháp ở đây biểu thị cho Chân Lý, tức ý nói Ðức Phật lúc bấy giờ đã thể ngộ chân lý một cách rốt ráo, ở trong chân lý sinh hoạt một cách tự do, tự tại.

Lưu ý: 

Trong bổn Việt văn dịch: “Từ trên bửu tòa Kim Cương Hoa Quang nơi đạo tràng Tịch Diệt”.

Nếu quý đại sĩ nào tham cứu giới bổn Hán Văn sẽ thấy nguyên tác ghi: “Ư Tịch Diệt đạo tràng, tọa Kim Cương Hoa Quang Vương tòa”. Ðiều này thực ra không phải là sự nhầm lẫn của dịch giả mà chính vì cách diễn đạt khác nhau giữa Hán văn và Việt văn.

Theo cách nói của người Việt thì nhóm từ chỉ vị trí, nơi chốn (ngữ trạng từ chỉ nơi chốn), thường được đặt cuối câu. Do đó, Hòa Thượng Trí Tịnh đã đảo vị trí hai phần của câu Kinh văn để phù hợp với phong cách Việt văn.

Trong bổn Việt văn dịch thiếu chữ “vương”.

Kinh văn: 

Nhẫn đến nơi cung của trời Ma Hê Thủ La (trong giới bổn Việt văn dịch: “Nhẫn đến nơi cung của Ðại Tự Tại Thiên Vương. 

Lời giảng: 

Ma Hê Thủ La là tiếng Ấn Ðộ, Trung Văn dịch là Ðại Tự Tại, Ðại Oai Ðức hoặc Tam Mục.

Trong bộ Phụ Hành Ký nói: “Vị thiên vương ở Sắc giới có ba mắt, tám tay, cỡi bạch ngưu, cầm cây phất phủ trắng, có oai đức rất lớn. Ngài an trụ nơi trụ xứ của Bồ Tát. Trí huệ của Ngài có thể suốt thấu tất cả mọi việc dù khó hiểu đến đâu, chẳng hạn cả cõi đại thiên đồng thời có mưa, tất cả những hạt mưa Ngài đều biết rõ, không sai lầm. Ngài còn có khả năng thống nhiếp khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới. Ở Sắc Giới, vị thiên vương này là vị trời độc tôn, là vị chúa thống lãnh các vị Ðại Phạm Thiên Vương”.

Thực tế mà nói, vị trời Ma Hê Thủ La này an trụ nơi “xả niệm thanh tịnh địa” đệ tứ thiền thuộc cõi Sắc, còn gọi là Hữu Ðảnh thiên hay Sắc Cứu Cánh thiên.

Thông thường trong kinh nói Pháp Vân Ðịa Bồ Tát phần nhiều an trú trong cung trời này mà thuyết pháp giáo hóa thiên chúng.

Kinh văn: 

Trong mười nơi ấy, Ðức Phật tuần tự ngự đến thuyết pháp. 

Lời giảng: 

Ðây ý nói Ðức Phật ở mười nơi khác nhau giảng nói mười pháp môn khác nhau.

Cảnh giới của Ðức Phật khi thành Phật, căn cơ của Ðại Thừa và Tiểu Thừa nhận thức không đồng. Hàng Ðại Thừa Bồ Tát thì thấy Ðức Phật khi mới thành đạo đến nơi cung trời Ðại Tự Tại thiên vương ở Ðệ Tứ Thiền, phóng quang tiếp dắt đại chúng ở thế giới này đi về trong cung Bách Vạn Ức Tử Kim Cương Quang Minh ở thế giới Liên Hoa Ðài Tạng, để ra mắt Ðức Phật Lô Xá Na và nghe Ngài giảng pháp môn Tâm Ðịa. Sau đó, trở lại cõi nhân gian này, ngồi dưới cội Bồ Ðề, xuất định, giảng nói chánh pháp. Mười nơi Ðức Phật tuần tự đến thuyết pháp:

1. Ngồi nơi tòa Kim Cương Thiên Quang Vương và Diệu Quang Ðường, giảng nói pháp môn Thập Thế Giới Hải, tức là hội đầu tiên của pháp môn Thập Tín.

2. Lại từ bảo tòa đứng dậy, đến cung trời Ðế Thích, tuần tự giảng nói pháp môn Thập Trụ.

3. Từ bảo tòa đứng dậy, đến cõi trời Diệm Ma, tuần tự giảng pháp môn Thập Hạnh.

4. Từ bảo tòa đứng dậy, đến cõi trời Ðâu Suất, tuần tự giảng nói pháp môn Thập Hồi Hướng.

5. Từ bảo tòa đứng dậy, đến cõi trời Hóa Lạc, tuần tự giảng nói pháp môn Thập Thiền Ðịnh.

6. Từ bảo tòa đứng dậy, đến cõi trời Tha Hóa Tự Tại, tuần tự giảng pháp môn Thập Ðịa.

7. Từ bảo tòa đứng dậy, đến cõi trời Sơ Thiền, tuần tự giảng nói pháp môn Thập Kim Cương.

8. Từ bảo tòa đứng dậy, đến cõi trời Nhị Thiền, tuần tự giảng nói pháp môn Thập Nhẫn.

9. Từ bảo tòa đứng dậy, đến cõi trời Tam Thiền, tuần tự giảng nói pháp môn Thập Nguyện.

10. Cuối cùng Ðức Phật đến cung Ðại Tự Tại thiên ở Ðệ Tứ Thiền, giảng nói pháp môn Tâm Ðịa, do đức Lô Xá Na Phật đã giảng ở Liên Hoa Ðài Tạng thế giới trước kia.

Ðối với vấn đề Ðức Phật thuyết pháp ở mười nơi, kinh này nơi quyển thượng có giảng giải và chư cổ đức đối với đoạn kinh văn này cũng đã giải thích tường tận. Nơi đây tôi chỉ nói sơ lược.

 

 
/12
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây