Chứng minh của Khoa học về nhân quả luân hồi

Kính thưa chư vị Pháp sư, chư vị Đại đức, chư vị đồng tu, xin chào mọi người!

Hậu học rất vinh dự lần đầu tiên được đến với quý đảo Đài Loan, có được pháp duyên thù thắng như thế này, có thể cùng với chư vị Đại đức ở nơi đây thảo luận: “Chứng minh của khoa học về nhân quả luân hồi”. Trong thời đại hiện nay, buổi thảo luận này rất là quan trọng.

Hậu học trước khi đến Đài Loan đã đi đến Hồng Kông để chúc tết Ân sư Tịnh Không thượng nhân. Ân sư Ngài đã ân cần dặn dò tôi: “Giáo dục nhân quả là giáo dục quan trọng nhất để cứu vãn thế đạo nhân tâm”. Vì vậy Ân sư Ngài cũng khuyến khích hậu học đi các nơi trên thế giới để thúc đẩy tuyên giảng nhân quả luân hồi. Cho nên hậu học cảm thấy rằng sứ mệnh giáo dục nhân quả vô cùng quan trọng, vì vậy không suy nghĩ, đã đi đến quý đảo để chia sẻ chủ đề này với mọi người, cũng là để thỉnh giáo với mọi người.

Chương 8: Tập 4 - Chứng minh của Khoa học về nhân quả luân hồi - Phần 2

Tiến sĩ Bacci mấy chục năm nay đã thực hiện rất nhiều lần (giống thí nghiệm này), mỗi lần đều có thể thu âm lại được những cuộc đối thoại khác nhau. Trong đó có một lần thành công nhất là vào ngày 5 tháng 12 năm 2004. Thứ nhất, ông thành công là lần thí nghiệm này những người tham gia cuộc thí nghiệm là các học giả nổi tiếng chuyên môn nghiên cứu về những hiện tượng siêu tự nhiên đến từ các quốc gia như Ý, Anh, Bồ Đào Nha. Thứ hai, địa điểm thí nghiệm thật đặc biệt. Thiết bị thu âm sau khi thu được âm thanh của quỷ thần, Tiến sĩ Bacci liền tháo bỏ bóng đèn điện tử thiết bị thu âm này, chỉ chừa lại cái loa, có thể nói thiết bị này không còn bị nhiễu bất kỳ sóng điện từ nào cả, bởi vì thiết bị thu âm đã bị tháo ra. Sau khi đã tháo ra, âm thanh tiếp tục nói chuyện bên trong chiếc loa không có gián đoạn, vẫn tiếp tục liền một mạch. Điều này đã chứng minh âm thanh đó không phải nhờ vào thiết bị thu âm đó mới có. Âm thanh này vốn có sẵn, là có tự nhiên, cho nên nó phát ra từ bên trong cái loa. Thí nghiệm này về sau do hơn ba mươi mấy vị học giả nổi tiếng tham gia thí nghiệm, cùng hợp lại viết thành báo cáo nghiên cứu khoa học rồi công bố ra, và được giới học thuật công nhận đây là điều có thật. Cho nên điều này đã chứng minh thực sự trong không gian không đồng duy thứ có sự tồn tại sự sống ở trong đó.

Học giả nghiên cứu về sự sống không gian không đồng duy thứ này cũng rất nhiều, vì thời gian không cho phép nên tôi chỉ có thể nêu tên của vài vị. Ở đây cũng có Tiến sĩ người Mỹ, David Fontan. Ông là Giáo sư của Trường Đại học John Moores thuộc Liverpool của nước Anh, chuyên nghiên cứu về việc giao lưu với sự sống của con người sau khi chết. Tác phẩm tiêu biểu của ông là “Thật Sự Có Tồn Tại Sự Sống Sau Khi Chết Không”. Ngoài ra còn có một vị tiến sĩ người Đức là ông Ernst Senkowski. Ông là Giáo sư vật lý học của Trường Đại học Kỹ thuật của Đức, nghiên cứu chuyên môn là dùng thiết bị thu âm thanh để thu âm những âm thanh của quỷ thần, của sinh vật có tánh linh. Một tác phẩm tiêu biểu của ông là “Sử Dụng Thiết Bị Thông Tin Để Đối Thoại Với Những Người Mà Mình Chưa Biết”. Còn có một vị tiến sĩ là Felice Masi người Ý, cũng là một chuyên gia nghiên cứu về tâm thần rất nổi tiếng, chuyên môn nghiên cứu về sự sống trong không gian không đồng duy thứ.

Khoa học trước mắt đã nghe được âm thanh của quỷ thần, chứng minh được bên trong không gian duy thứ không đồng có sự tồn tại của sự sống, nhưng hiện nay phải chụp ảnh lại sự sống của những sinh vật có tánh linh này, những vị quỷ thần này, hình tướng của họ cũng đang được tiếp tục nghiên cứu. Có những lúc, các trường hợp rất ngẫu nhiên, người ta có thể dùng máy chụp ảnh chụp lại hình ảnh của các vị quỷ thần, tuy nhiên trong khoa học vẫn chưa tiến hành xác minh chứng thực lần cuối cùng, nhưng tình huống này đã xảy ra.

Vào khoảng tháng 02 năm 2004, ở Ấn Độ có một trường hợp như thế này. Đây là một vị học giả người Ấn Độ. Một lần, ông phải đi vào một khu rừng rậm nguyên sinh ở Ấn Độ để nghiên cứu một bộ lạc của thổ dân. Bộ lạc của thổ dân này đang sinh sống ở trong một khu rừng rậm nguyên sinh rất hài hòa với thiên nhiên. Kế hoạch của vị học giả người Ấn Độ vào trong bộ lạc của thổ dân đó cùng sống với họ vài hôm. Trên đường đi ông gặp một nghiên cứu sinh người Nhật Bản. Vị nghiên cứu sinh người Nhật Bản này đang làm luận văn tốt nghiệp thạc sĩ. Anh ấy học ngành nhân loại học, cho nên cũng lên kế hoạch đi phỏng vấn người ở bộ lạc thổ dân Ấn Độ này. Hai người liền kết bạn đồng hành với nhau, khi đã đến bộ lạc đó thì cùng sống chung với những người thổ dân đó vài hôm. Những người thổ dân trong bộ lạc đó rất tin tưởng vào tổ tiên của họ nên họ sống ở trong một khu nghĩa địa. Khu nghĩa địa này là một vùng đất thiêng, không thể tùy tiện muốn vào là vào. Nếu như có người ở bên ngoài đi vào trong đó thì sẽ bị tổ tiên của họ trừng phạt. Vị học giả người Ấn Độ này và vị nghiên cứu sinh người Nhật Bản đều không biết quy luật. Một hôm vào lúc hoàng hôn, họ đã vô tình đi đến vùng đất thiêng liêng này. Nhìn thấy phong cảnh rất đẹp cho nên họ có ý định muốn chụp hình, và vị học giả người Ấn Độ liền chụp cho vị nghiên cứu sinh người Nhật Bản một tấm hình. Sau khi chụp hình xong, khoảng mấy phút sau thì vị nghiên cứu sinh người Nhật Bản đột nhiên hôn mê bất tỉnh và vị học giả người Ấn Độ này hoảng sợ liền bỏ chạy đi, nhanh chóng mời vị Tộc Trưởng của bộ lạc thổ dân này đến cứu giúp. Vị Tộc Trưởng này vừa mới nhìn thấy liền hiểu ra người này đã bị tổ tiên của ông trừng phạt. Ông cũng có rất nhiều kinh nghiệm, liền niệm cho vị nghiên cứu sinh người Nhật Bản này mấy câu thần chú, tiếp theo thì cho ăn chút ít thảo dược. Sau đó anh ấy tỉnh lại như chẳng có chuyện gì. Cuối cùng thì hai người cùng cáo từ để trở về.

Vị học giả người Ấn Độ tải tấm hình qua máy tính mà ông đã chụp hôm trước ra xem, bởi vì ông dùng máy ảnh kỹ thuật số để chụp, kết quả khi nhìn thấy cái bức ảnh đó liền giật mình, toàn thân đổ mồ hôi. Cái tấm ảnh đó hiện giờ được công bố rộng rãi trên mạng, tôi sẽ cho mọi người xem. Thì ra nhìn thấy phía sau lưng của vị nghiên cứu sinh người Nhật là một bóng ma. Cái bóng ma này nhất định là linh hồn tổ tiên của người thổ dân ở đó. Đứng ở phía sau lưng có lẽ như là muốn đánh anh ấy, cho nên anh đột nhiên hôn mê té nhào xuống đất. Bạn xem, cái bóng ma đó không có mắt, không có chân thật là đáng sợ.

Chúng ta hãy lật xem trang kế tiếp, nếu không sẽ in sâu vào tâm trí tối nay sẽ ngủ không được. Thật sự máy chụp ảnh kỹ thuật số có thể chụp được những hình ảnh mà mắt thường không nhìn thấy được, thực ra có nguyên lý của nó. Chúng ta biết, mắt thường của con người nhìn thấy được những ánh sáng này, gọi là khả kiến quang. Sóng áng sáng của khả kiến quang trong cả quang phổ chỉ chiếm có 2%, 98% bạn nhìn không thấy được. Bây giờ chúng ta biết hình chụp (giống như ngày xưa chúng ta dùng hình chụp bằng một loại phim nhựa) có thể cảm quang. Quang phổ mà nó cảm được so với ánh sáng mà chúng ta nhìn thấy được thì rộng lớn hơn. Ví dụ như tia X quang mắt thường nhìn không thấy nhưng dùng hình chụp nó có thể cảm quang. Còn có những loại sóng ánh sáng khác như tia tử ngoại, tia hồng ngoại, tia xạ gamma, tia xạ vũ trụ. Bên trong quang phổ có rất nhiều tia phóng xạ mà mắt thường của chúng ta không có cách nào nhìn thấy được. Hiện nay máy chụp ảnh kỹ thuật số đã phát triển, quang phổ mà máy ảnh kỹ thuật số cảm quang so với sự cảm quang của phim chụp ảnh trước đây càng rộng lớn hơn, vì máy ảnh kỹ thuật số đang dùng được gọi là mảng CCD bán dẫn. Cũng trong mảng này, mỗi hạt cảm quang, mỗi một đơn vị cơ bản của cảm quang gọi là điểm ảnh. Mỗi một hạt cảm quang, mỗi một đơn vị cơ bản của cảm quang chúng ta gọi là điểm ảnh. Cho nên bạn thấy máy ảnh kỹ thuật số còn gọi là năm triệu megapixel, đó chính là chỉ hạt cảm quang. So với máy chụp ảnh bằng phim thì máy chụp ảnh kỹ thuật số có thể cảm quang rộng lớn hơn, cho nên hiện nay được sử dụng để chụp ảnh thiên văn. Một số tia trong vũ trụ đều có thể dùng máy ảnh kỹ thuật số ghi hình lại, do đó nó có thể chụp lại ảnh những vật mà mắt thường của con người không thể thấy, điều này cũng có thể giải thích được.

Những điều chúng tôi đã nói trên đây chỉ là sự chia sẻ tóm tắt về “khoa học đối với đời sống tâm linh”. Những nghiên cứu về cuộc sống ở tầng không gian không đồng duy thứ chứng tỏ hình thức mà sự sống tồn tại rất đa dạng, con người đã từng luân hồi, đã từng đầu thai chuyển kiếp. Như chuyện vừa kể, tổ tiên của người thổ dân vốn là người nhưng bây giờ lại trở thành ma. Sự sống trong quá trình luân hồi chuyển kiếp thật sự đa dạng, Đức Phật nói có sáu đường luân hồi.

THỨ NĂM, NGHIÊN CỨU ĐẶC DỊ CÔNG NĂNG

Ở các nước Phương Tây, có những người có khả năng đặc biệt, tiếng anh gọi là “psychic”. Những người này có thể nhìn thấy được tiền kiếp của con người, cái gọi là biết trước được qua khứ vị lai, cho nên đối với việc nghiên cứu luân hồi trong nền khoa học hiện nay thì họ có rất nhiều cống hiến.

Nước Mỹ có một vị có khả năng đặc biệt rất là nổi tiếng, tên của ông là Edgar Cayce. Vị này sinh vào năm 1877, chết vào năm 1945. Trong lịch sử của nước Mỹ, có thể nói ông là một người có khả năng đặc biệt nổi tiếng nhất, dùng phương pháp thôi miên tự ngã quan sát tiền kiếp của con người. Phương pháp tự ngã rất nhanh đạt được trạng thái thôi miên. Sau đó, khi đang ở trong trạng thái thôi miên thường sẽ có một số sinh vật tâm linh cấp cao ở bên cạnh của ông ấy. Ông có thể nhìn thấy được tiền kiếp của bệnh nhân. Hoặc giả là ông sẽ cho một toa thuốc, thường toa thuốc rất linh nghiệm. Có rất nhiều những học giả đương thời đều hoài nghi ông Cayce này có phải là đang giở trò bịp bợm, làm điều gạt người hay không. Trong đó cũng có những nhà tâm lý học nổi tiếng của Trường Đại học Harvard - Tiến sĩ Huger cũng tiến hành kiểm tra nghiêm khắc đối với ông Cayce, nhưng cuối cùng cũng tin tưởng hoàn toàn vào khả năng đặc biệt của ông Cayce. Theo các số liệu thống kê của các chuyên gia, từ những bệnh nhân cũng như dự đoán, trong cả cuộc đời của ông Cayce có tổng cộng hơn 14.000 trường hợp, trong đó có 2.500 trường hợp liên quan đến chuyện luân hồi chuyển kiếp. Đối với nghiên cứu của Cayce vẫn còn rất nhiều tác phẩm của những chuyên gia khác, bao gồm một vị tiến sĩ tên là Gina. Bà đã xuất bản một tác phẩm tên là “Sự Sống Đa Dạng”, chuyên nghiên cứu và phân tích những trường hợp của Tiến sĩ Cayce.

Tiến sĩ Cayce quan sát tiền kiếp của con người vì ông muốn giúp đỡ trị bệnh cho con người. Khi trị bệnh ông thường tìm nguyên nhân trong tiền kiếp của họ. Ông nói: Trong đời sống của một người không phải ngẫu nhiên mà sinh ra bệnh. Căn bệnh này cũng là do nguyên nhân trong quá khứ. Ông dùng từ “nghiệp lực” để miêu tả nguyên nhân quá khứ này, tiếng Anh gọi là “Karma”. Karma chính là nghiệp lực. Ông Cayce giải thích khái niệm nghiệp lực này như thế nào? Ông Cayce nói, nghiệp lực này ví như người thổ dân Úc châu họ đã sử dụng một loại vũ khí gọi là hồi hoàn phi tiêu. Hồi hoàn phi tiêu này trong khi người ta ném nó ra xa thì nó sẽ tự động hồi chuyển quay trở lại chỗ của người ném nó đi. Hồi hoàn phi tiêu này được ví dụ như là nghiệp lực đang luân hồi đời này qua đời khác. Khi một người làm việc thiện thì anh ấy sẽ nhận được báo ứng thiện. Nếu như một người làm ác, việc ác đó cũng sẽ quay trở lại với người đó.

Chúng ta hãy xem xét những trường hợp ông Cayce giải thích về nghiệp lực như hồi hoàn phi tiêu mà ông đã nói.

Có một phụ nữ khoảng bốn mươi tuổi đi tìm ông Cayce để trị bệnh. Người phụ nữ này khi còn thơ ấu mắc phải một chứng bệnh quá mẫn cảm. Mỗi khi cô ấy ăn bánh mì hoặc ăn các loại ngũ cốc thì cô liền bị hắt hơi, vả lại mỗi lần khi cô ấy gặp phải vật dụng bằng da hoặc là bằng nhựa đều cảm thấy thần kinh trên thân cô đau buốt. Đã nhiều năm cô tìm bác sĩ trị bệnh nhưng chẳng có cách nào trị hết, sau đó cô mời Tiến sĩ Cayce để tìm nguyên nhân gây bệnh. Kết quả Tiến sĩ Cayce tìm ra được và nói với cô căn bệnh này là do nguyên nhân tiền kiếp. Thì ra người phụ nữ này tiền kiếp làm bên ngành hóa học, là nghiên cứu để chế tạo những sản phẩm hóa học. Những sản phẩm hóa học này đều mang cho người ta triệu chứng mẫn cảm, lúc đó có rất nhiều người bị ảnh hưởng. Hơn nữa, người phụ nữ này đã sản xuất ra những loại độc tố hòa tan vào trong không khí làm cho rất nhiều người bị ngộ độc, cho nên đời này cô phải cảm thọ cái quả báo này, suốt cả ngày cô phải chịu chứng bệnh này. Cho nên chúng ta mới nhận ra, hiện nay có rất nhiều nhà khoa học, nhà hóa học, nhà vật lý học sản xuất ra đồ vật nếu như có hại cho con người thì đều phải chịu quả báo, giống như sản xuất vũ khí hóa học, bom nguyên tử, quả báo trong tương lai nhất định vô cùng thê thảm.

Cho nên Đức Phật dạy chúng ta phải chọn nghề thiện lành, điều này rất là quan trọng. Ngoài ra, còn có một trường hợp của ông Cayce là một vị Giáo sư đại học. Vị Giáo sư đại học này là người trên trời tái sanh, nhưng bị mù. Vị này rất thông minh nhưng đôi mắt bị mù, nhìn không thấy. Có một hôm, vì ông nghe được chương trình phát thanh có một tiết mục “Kỳ Tích Của Ý Niệm”, trong đó có nói đến những trường hợp trị bệnh kỳ lạ của ông Cayce, cho nên ông mới đi tìm ông Cayce. Ông Cayce cũng xem xét tiền kiếp của vị Giáo sư, nhìn thấy được thì ra đôi mắt của vị Giáo sư này bị mù là có nguyên nhân trong tiền kiếp. Có một kiếp vào năm 1.000 trước Công Nguyên, vị Giáo sư đại học này sinh sống ở đất nước Ba Tư (hiện giờ là nước Iran). Ở nơi đó có một thành viên là người của một bộ lạc thổ dân nguyên sơ. Người của cái bộ lạc này rất dã man, rất tàn nhẫn. Những người trong bộ lạc này mỗi lần đánh nhau với kẻ thù, sau khi bắt được những người tù binh của bộ lạc kia sẽ dùng thanh thép nướng cho thật đỏ rồi đâm mù mắt họ. Vị Giáo sư đại học này ở trong kiếp đó làm công việc như vậy, chuyên dùng những cây sắt nướng cho thật đỏ rồi đâm mù mắt của kẻ thù, cho nên trong đời này ông vừa được sinh ra là cặp mắt bị mù. Những điều này được gọi là Thiện có thiện báo, ác có ác báo. Ông Cayce đã nói là hồi hoàn nghiệp lực, bạn đối xử với người khác như thế nào thì tương lai cũng sẽ gặp lại những quả báo giống y như vậy.

Không chỉ thân thể tạo ra những sự việc phải chịu quả báo, mà một ý niệm được sinh ra cũng sẽ có quả báo.

Ông Cayce cũng có một trường hợp nói đến suy nghĩ của con người cũng sinh ra quả báo. Điều này nói đến một cô gái. Cô gái này đang ở trong giai đoạn tuổi thanh xuân thì mắc phải một chứng bệnh phụ khoa, kinh nguyệt không đều. Chứng bệnh này khiến cho cô cứ mỗi bốn tuần lễ thì hết hai tuần lễ phải nằm trên giường bệnh. Chứng bệnh này làm cho cô rất xấu hổ, cho nên làm cho nội tâm của cô chỉ biết sống hướng nội, tính cách rất cô độc. Sau này cô mời ông Cayce quán sát tiền kiếp của cô, kết quả thấy được bệnh trong đời này của cô là do ý niệm không tốt ở trong tiền kiếp gây ra. Ông Cayce nói có một kiếp cô sống ở nước Pháp, vào đời thống trị của Vua Luis thứ 14. Trong thời đại đó, cô gái này là một nữ tu của đạo Thiên Chúa, rất thuộc Thánh Kinh. Đối với giới luật cô cũng nghiên cứu nhiều, nhưng cô chẳng chịu thực hiện lời giáo huấn ở trong Kinh điển. Những giới luật này để cho mình sống chuẩn mực, nhưng cô suốt ngày cô đem Kinh điển ra để soi mói người khác. Nhìn thấy người này phạm giới, nhìn thấy người kia làm việc vi phạm lời giáo huấn ở trong Kinh điển, cô liền chỉ trích rất khắc nghiệt, làm cho người ta bẽ mặt, vô cùng xấu hổ, cho nên phải cảm thọ quả báo đời này chính là cô thường bị xấu hổ vì mắc phải chứng bệnh này.

Bạn xem trong Phật giáo, Đại Sư Lục Tổ Huệ Năng của Thiền tông có dạy: Nếu thật sự là người tu hành thìkhông thấy lỗi của thế gian. Người tu hành chân chánh, cho dù bạn tu theo bất kỳ đạo nào, Thiên Chúa cũng tốt, đạo Phật cũng tốt, thật sự tu theo lời dạy của Thánh Hiền sẽ không đi bắt lỗi của người khác. Vì sao vậy? Những lời giáo huấn trong Kinh điển là để đối chiếu bản thân mình, là giúp cho chúng ta sửa chữa sai lầm. Tự mình tu dưỡng đạo đức vẫn còn không kịp, có sức đâu mà nhìn lỗi của người khác. Nếu như chúng ta đã xem Kinh điển mà không tu dưỡng đạo đức cho bản thân, toàn đi nói cái này đúng, cái kia sai thì tương lai sẽ gánh chịu quả báo.

Cuối cùng, vì thời gian không cho phép, tôi muốn trước khi kết thúc xin chia sẻ ngắn gọn với các vị. Chúng ta xem, hiện nay khoa học ở Phương Tây đã chứng minh con người tồn tại sự luân hồi. Trong quá trình luân hồi có quá nhiều sự đau khổ, cho nên rốt cuộc luân hồi diễn ra như thế nào? Có thể chấm dứt chuyện sanh tử luân hồi hay không? Nguồn gốc của luân hồi từ những trường hợp ở trên chúng ta có thể thấy đều không nằm ngoài hai câu nói của Đức Phật đã dạy chúng ta trong “Kinh Thủ Lăng Nghiêm”: “Nhữ phụ ngã mệnh ngã hoàn nhữ trái, dĩ thị nhân duyên kinh bách thiên kiếp thường tại sanh tử. Nhữ ái ngã tâm ngã lân nhữ sắc, dĩ thị nhân duyên kinh bách thiên kiếp thường tại triền phược”. Tại sao chúng ta phải luân hồi? Đều không ngoài đời đời kiếp kiếp nợ người. Nợ mạng thì phải trả mạng, nợ người ta tiền thì phải trả tiền. Ngoài ra thì còn có sự ham muốn giữa người nam và người nữ đã lôi kéo khiến cho con người muôn đời trầm luân trong sự luân hồi. Cho nên từ những trường hợp kể trên chúng ta thấy được, sự dâm dục của con người chính là cội rễ làm cho chúng ta đời đời kiếp kiếp cứ mãi trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi. Đức Phật nhắc nhở chúng ta, nếu như có một lực bằng với lực của dâm dục, chúng sanh thật sự không có cách nào để thoát ra khỏi sanh tử luân hồi. May mắn cái lực này có một, nếu như có cả hai thì chẳng có hy vọng thoát ly. Chúng ta đã nhìn thấy nhiều trường hợp như vậy, sự chi phối xuyên suốt quá trình luân hồi quyết định hoàn cảnh cuộc sống luân hồi của chúng ta và tình huống của chúng ta đó chính là nghiệp lực của nhân quả. Làm thiện thì tương lai gặp quả báo thiện, làm việc ác thì tương lai sẽ gặp quả báo ác.

Nếu đã hiểu, đã giác ngộ luân hồi là một loại luân chuyển nhân quả, thiện ác báo ứng là một loại quan hệ trả vay, thì chúng ta rồi nên suy xét, chúng ta có thể thoát ly luân hồi sanh tử trong đời này hay không? Có thể thoát ra khỏi biển khổ sanh tử hay không?

Thật ra ông Einstein - cha đẻ của nền khoa học đã trả lời cho chúng ta. Einstein là cha đẻ của nền khoa học hiện đại, là người phát minh ra thuyết tương đối, đã đặt nền móng cho ngành vật lý học hiện đại, cho nên ông được xem như là cha đẻ của nền khoa học hiện đại, và là vĩ nhân của thế kỷ 20. Bạn xem, ông trả lời cho chúng ta về vấn đề này như thế nào? Trong một tác phẩm của ông có tên “Tôn Giáo Và Khoa Học”, ông nói: “Tôn giáo trong tương lai sẽ là tôn giáo của cả vũ trụ, nó sẽ vượt qua các tôn giáo thần quyền, tránh sự giáo điều và thần quyền, bao gồm cả hai mặt tự nhiên và tâm linh. Nền tảng của nó phải được xây dựng trên ý thức của một tôn giáo nào đó. Ý thức tôn giáo có nguồn gốc từ vũ trụ vạn vật thể nghiệm hợp thành một”. Câu sau đây mới đặc sắc, ông nói Phật giáo chính là tôn giáo được mô tả ở trên: “Nếu như hỏi tôn giáo nào có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển nền khoa học hiện đại thì tôn giáo đó chính là Phật giáo”. Đây là nguyên văn của ông Einstein, cho nên ông thật sự xứng đáng là cha đẻ của nền khoa học. Ông đã nói cho chúng ta biết sự phát triển của khoa học trong tương lai nên dựa vào Phật giáo. Cho nên nền khoa học hiện nay tuy vẫn chưa thể nghiên cứu đến làm thế nào để chúng ta thoát khỏi sanh tử luân hồi, chỉ mới chứng minh cho chúng ta thấy sự tồn tại của việc luân hồi, nhưng Phật giáo đã cho chúng ta câu trả lời. Câu trả lời này mọi người đều biết rất rõ, chúng tôi cũng không cần phải nói lại nữa.

Đối với chúng sanh hiện đại, để một đời này của chúng ta có thể chấm dứt sanh tử luân hồi, đó chính là niệm “A Di Đà Phật” cầu sanh Thế giới Cực Lạc. Pháp môn Tịnh Độ, Đức Phật đã dạy cho chúng ta: “Tương lai chư thiên nhân dân, nhất thiết hàm linh đều nương theo pháp môn này mà được độ thoát”, chính là nói bạn chỉ có nhờ vào phương pháp này mới có thể dễ dàng thuận lợi, mới chắc chắn được sanh về Thế giới Cực Lạc, vĩnh viễn thoát ra khỏi biển khổ sanh tử.

Hôm nay thời gian đến đây đã hết. Hậu học tôi xin nguyện chúc cho mọi người thật sự không chỉ muốn chấm dứt sanh tử luân hồi, mà việc quan trọng hơn là phải nắm chắc nhân duyên trong cuộc đời này. Gặp được pháp môn Tịnh Độ, niệm “A Di Đà Phật” cầu sanh Thế giới Cực Lạc có thể vĩnh viễn thoát khỏi biển khổ sanh tử.

Buổi chia sẻ xin dừng tại đây, xin cám ơn mọi người! Trong buổi chia sẻ này, hậu học tôi không thể nào tránh khỏi sự bất cẩn sơ suất, xin chư vị Pháp sư, chư vị Đại đức, chư vị đồng tu nhiệt tình góp ý chỉ bảo. Xin kính chúc chư vị một đêm ngon giấc! Kính chúc chư vị năm mới Bình an - Kiết tường - Như ý. “Chư ác mạc tác, tuế tuế bình an; Chúng thiện phụng hành, niên niên như ý”. Xin cám ơn!

Hết

Giám định:  Lão Pháp Sư Tịnh Không

Người giảng: Tiến Sĩ Chung Mao Sâm

Địa điểm: Phòng 103, Hội Trường Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế Đài Bắc.

Thời gian: Ngày 17 tháng 02 năm 2006

Cẩn dịch: Phước Tịnh Cư Sĩ - Vọng Tây Cư Sĩ.

 
/8
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây