Tịnh Độ Vấn Đáp

1. Sách Phật Học Vấn Đáp
Tác Giả: Pháp Sư Tịnh Không
Nhóm Hoa Tạng Giảng Ký cung kính ghi chép
Download .doc: Phat-Hoc-Van-Dap-HT-Tinh-Khong-Nhom-Hoa-Tang-Ghi.doc
Download .pdf: Phat-Hoc-Van-Dap-HT-Tinh-Khong-Nhom-Hoa-Tang-Ghi.pdf

2. Học Phật Vấn Đáp 2004
Tác Giả: Pháp Sư Tịnh Không
Địa điểm: Hiệp Hội Phật Đà Giáo Dục Hồng Kông
Thời gian: 30-7-2004

Chương 4: Câu hỏi 16 đến câu hỏi 20

TỊNH ĐỘ VẤN ĐÁP CỦA HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG

Câu Hỏi 16: Thưa Hòa thượng! "Mật tông, tức thân thành Phật. Thiền tông, minh tâm kiến tánh thành Phật. Tịnh độ tông, vãng sinh bất thối thành Phật". Ba tông phái này có điểm nào khác biệt? Xin Hòa Thượng giảng giải cho đệ tử rõ!
Đáp: Hoàn toàn như nhau! Mặc dù phương pháp tu hành có khác nhưng Thành Phật thì hoàn toàn như nhau. Ba cách thành Phật này - nói một cách rõ ràng - Tịnh độ tông vãng sinh bất thối thành Phật là dễ dàng nhất. Đối với chúng ta, đây là pháp môn dễ tu nhất. Còn hai pháp kia hành trì rất khó khăn. Bạn nói Mật tông tức thân thành Phật. Năm xưa Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ cùng tôi thảo luận vấn đề này. Ngài nói: "50 năm sau khi Trung Quốc giải phóng, có đến 13 ức người tu học Mật tông, trong đó có sáu người thành tựu. Ngài Kim Cang Thượng Sư của Mật tông cũng nói chỉ 6 người thành tựu. Vì sao vậy? Tu Mật có thể thành Phật không? Ngài nói với tôi: "Không có". Tôi hỏi Ngài tại sao không? Ngài nói: "Phần nhiều chúng sinh thời nay chẳng có căn tánh học Mật". Đây là lời của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói với tôi, chứ chẳng phải tôi nói. Cho nên, suốt một đời Ngài đi đến khắp nơi tuyên dương Tịnh độ, khuyên người trì danh hiệu Phật. Chính Ngài lúc lâm chung nhờ niệm Phật mà vãng sinh, không phải niệm chú mà vãng sinh. Điều này các vị đồng tu ở Bắc Kinh đều biết cả. Nghe nói trước khi vãng sinh, Ngài đã nhập thất công phu niệm Phật đến sáu tháng. Mỗi ngày, Ngài niệm mười mấy vạn câu danh hiệu Phật. Do đó, Ngài niệm Phật mà vãng sinh, chứ không phải do trì chú. Ngài nói với tôi: Ngài tu theo Mật tông Kim Cang Thượng Sư nhưng không dùng Mật pháp để tu Tịnh độ, mà Ngài dùng phương pháp niệm Phật để tu Tịnh độ. Điều này mang đến cho chúng ta một khai thị rất hay!
Câu Hỏi 17: Kính bạch Hòa thượng! Nhà Phật nói: "Tướng tùy tâm chuyển". Hòa thượng lại nói: "Chúng con mỗi người có thể dựa vào tướng mạo để đối chiếu công phu tu tập của chính mình". Vậy con xin hỏi Hòa thượng: Người tu hành tướng mạo không được đẹp có phải do công phu tu tập của họ bị sai lệch không?
Đáp: Không nhất định như thế. Bởi vì tướng mạo của con người có được là do ảnh hưởng và liên quan đến phước báu đời trước của họ. Từ khi sinh ra đến 40 tuổi, tướng mạo của họ tươi tốt là do ảnh hưởng phước báu trong đời trước, từ 40 tuổi trở về sau, tướng mạo tốt hay xấu là do trách nhiệm của mình. Lời nói này nghĩa như thế nào? Nghĩa là từ khi sinh ra đến thời gian 40 tuổi, mình làm việc thiện hoặc việc bất thiện thì nó sẽ ảnh hưởng đến tướng mạo của mình. Cho nên, lúc trẻ tướng mạo xinh đẹp, cho đến về sau này tướng mạo có sự biến đổi, hoặc tốt hoặc xấu. Việc này hoàn toàn liên quan đến tâm ý, hành vi và việc làm thiện, ác của mình. Điều này hoàn toàn liên quan đến nhân quả.
Phật nói, từ địa vị Bồ Tát tu hành đến quả vị Phật phải mất thời gian là một trăm kiếp chuyên tu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Được ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp là do gieo trồng nhân lành mới có kết quả như vậy. Sao Phật nói thời gian dài như thế để tu tướng tốt? Đây là sự thị hiện để cho chúng ta thấy. Tâm lý chúng sinh đều muốn cho tướng mạo của mình tươi đẹp, cho nên Phật thị hiện tướng mạo đoan nghiêm, tươi đẹp, để chúng sinh biết rằng: Tướng của mình có tốt đẹp hay không là do tu các thiện nghiệp mà thành. Chúng ta hiểu được như thế thì nên tích cực tu các nhân lành, nhất định sẽ được quả báo lành.

Câu Hỏi 18: Thưa Hòa thượng! "Niệm Phật niệm đến công phu thành một mảng, làm sao biết được mình sẽ vãng sinh về Thượng phẩm hay Hạ phẩm? Thối chuyển hay không thối chuyển? Dưới tình trạng nào có thể thối chuyển? Tình trạng nào không thối chuyển?". Xin Hòa thượng giải bày cho đệ tử rõ!
Đáp: Niệm Phật, niệm đến công phu thành một mảng, biết được mình có vãng sinh hay không? Nếu tâm mình bị các thấy tình lục dục lôi kéo, làm cho mê hoặc thì sẽ không vãng sinh. Cho nên, đối với pháp thế gian hay pháp xuất thế gian mà tâm tưởng loạn động thì thối chuyển. Người công phu niệm Phật, dù là pháp thế gian hay xuất thế gian thảy đều buông bỏ thì bạn sẽ không thối chuyển. Việc thế gian với mình không liên quan gì cả, cả thảy vứt sạch hết. Chúng ta đến thế gian này làm khách, chúng ta ở nơi đây giống như là ở quán trọ vậy. Bất cứ đồ đạc gì đều là của quán trọ, chẳng phải là của ta. Sự việc gì đối với mình, chúng ta tập nhìn với thái độ không dính mắc. Nếu quý vị có cách nhìn như vậy thì khi sống ở thế gian này, tâm chúng ta rất an nhiên và thanh tịnh, không bị các thứ ngũ dục của thế gian làm mê hoặc. Có như thế mới không bị thối chuyển. Còn về phẩm vị Thượng hay Hạ? Điều này chúng ta chẳng cần phải quan tâm vì lo nghĩ nhiều quá thì sẽ phá mất tâm thanh tịnh của chúng ta.
Câu Hỏi 19: Bạch Hòa thượng! Có nhiều người tu tướng mạo không được đẹp. Vậy xin hỏi Hòa thượng: Làm cách nào xóa đi hết những tâm lý mặc cảm tự ti? Mong Ngài chỉ dạy cho con rõ!
Đáp: Muốn tiêu trừ những buồn phiền mặc cảm tự ti, chỉ cần nhất tâm niệm Phật, không còn nghĩ đến tướng mạo đẹp hay xấu. Chúng ta niệm Phật là "nhân", còn chứng được quả vị giải thoát rốt ráo viên mãn là "quả". Hiện tại hình tướng có xấu một chút cũng không có quan hệ gì cả, khi về đến thế giới Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà thì tướng mạo vô cùng tốt đẹp thù thắng. Phật tử nhìn 500 vị La Hán cùng với 18 tượng  vị La Hán, tướng mạo của mỗi vị đâu có giống nhau. Có vị nhìn tướng mạo rất là kỳ quái nhưng lòng từ bi và trí tuệ của Ngài khó ai bì kịp. Khi Phật tử hiểu rõ về đạo lý này rồi, thì không cần để ý đến tướng mạo, không sinh tâm phân biệt, chấp trước, chỉ một lòng chuyên tâm niệm Phật, thì tướng mạo từ từ chuyển đổi.
Kinh Vô Lượng Thọ nói rằng: "Khi hành giả vãng sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, thì tướng mạo của mọi người đều giống nhau". Tại sao tướng mạo lại giống nhau? Bởi vì ở thế giới khác, người có tướng mạo tốt đẹp thì sinh lòng cao ngạo, người có tướng xấu thì mặc cảm tự ti. Nên khi vãng sanh về thế giới Cực Lạc, đức Phật A Di Đà dùng thần lực của Ngài, khiến tướng mạo của mọi người đồng tươi đẹp giống như nhau. Ở Tây Phương, ai ai cũng có thân tướng tốt đẹp như Phật A Di Đà, mọi người ai cũng có tướng mạo giống nhau. Như vậy có lẫn lộn không? Không. Ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, mỗi người đều có trí tuệ và đầy đủ sáu loại thần thông. Do đó, tuyệt đối không có nhầm lẫn với nhau được.

Câu Hỏi 20: "Thế nào là Thượng phẩm?".
Đáp: Khi nãy tôi vừa nói: "Sinh tử tự tại" là Thượng phẩm. Quả thật, muốn đi lúc nào thì đi lúc đó. Đây là Thượng phẩm, là kết quả công phu niệm Phật gom thành một mảng của bạn. Đại khái vãng sinh về Thượng thượng phẩm, Thượng trung phẩm ở thế giới Tây Phương Cực Lạc có thể tùy theo ý nguyện của mình, bạn muốn lúc nào đi thì A Di Đà Phật đến tiếp dẫn lúc đó. Đây là Thượng thượng phẩm, Thượng trung phẩm. Còn nếu phẩm vị thấp hơn một tí thì bạn sẽ không tự tại được như vậy! Tuy nhiên, cũng biết trước giờ chết. Những người công phu giỏi thì đại khái biết trước đó 1 năm, hoặc 2 năm. Đó là vãng sinh về Trung phẩm. Trong Trung phẩm này, cũng có người biết trước nửa năm hoặc ba tháng mình sẽ vãng sinh, có vãng sinh và cũng có người biết trước 3 hoặc 4 ngày thì thuộc về Hạ phẩm. Từ chỗ này, chúng ta có thể thấy rất rõ ràng minh bạch. Song, chỉ cần chúng ta cầu vãng sinh là được rồi. Ngài Ngẫu Ích đại sư nói rất hay: "Chỉ cần được vãng sinh vào hạ hạ phẩm, tôi cũng thấy thỏa mãn lắm rồi, tuyệt đối không lưu tâm đến phẩm vị cao thấp". Bạn thử nghĩ xem tâm của Ngài khiêm tốn biết là bao! Thanh tịnh biết là bao! Nỗ lực tranh lấy Thượng phẩm, bạn vẫn còn cái tâm cạnh tranh thì phiền não của bạn vẫn chưa đoạn. Tại sao vậy? Vì bạn vẫn còn cái tâm muốn hơn người khác một bậc. Cái tâm này là chướng ngại. Cái tâm hơn thua vẫn chưa loại bỏ. Tâm hơn thua là phiền não, là cống cao ngã mạn. Cho nên, tu hành phải chân thành, thanh tịnh, bình đẳng. Tâm thanh tịnh thì tự nhiên hợp với đạo. Trong tông Tịnh độ có bộ Kinh Vô Lượng Thọ nghĩa là: Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh. Như thế nào gọi là thanh tịnh? Trong tâm có tạp niệm thì tâm không thanh tịnh rồi. Nếu có phân biệt, có chấp trước, đó là sự "không thanh tịnh". Do đó, cần phải buông bỏ hết những thứ này! Phật nói như thế chúng ta chỉ nghe là được rồi, nhất định không có nghi hoặc, phân biệt, chấp trước. Nhất tâm hướng Phật, nhất tâm niệm Phật, nhất định sẽ được vãng sinh.
/15
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây