1. Sách Phật Học Vấn Đáp
Tác Giả: Pháp Sư Tịnh Không
Nhóm Hoa Tạng Giảng Ký cung kính ghi chép
Download .doc: Phat-Hoc-Van-Dap-HT-Tinh-Khong-Nhom-Hoa-Tang-Ghi.doc
Download .pdf: Phat-Hoc-Van-Dap-HT-Tinh-Khong-Nhom-Hoa-Tang-Ghi.pdf
2. Học Phật Vấn Đáp 2004
Tác Giả: Pháp Sư Tịnh Không
Địa điểm: Hiệp Hội Phật Đà Giáo Dục Hồng Kông
Thời gian: 30-7-2004
Ý kiến bạn đọc
Câu hỏi 26 đến câu hỏi 30
Câu Hỏi 26: Kính bạch Hòa thượng! Người chết rồi có nhất định phải tụng Kinh Thọ Sinh không? Việc này con không được rõ lắm, kính xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy cho con hiểu!
Đáp: Đây là do ảnh hưởng của tập tục thế gian chứ trong kinh Phật không nói việc này. Đức Phật rất từ bi, Ngài biết rằng vào kỳ mạt pháp, các loại ma nổi lên quấy nhiễu rất nhiều, chúng sinh chẳng biết nương tựa vào đâu nên đức Phật chỉ dạy cho mọi người nương vào "Pháp tứ y".
Thứ nhất: Là y pháp bất y nhân. "Y Pháp" tức là nương tựa vào kinh điển, chúng ta không được tin vào kinh điển do ma thuyết. Kinh điển rất nhiều làm sao chúng ta biết bộ kinh nào do ma thuyết, bộ kinh nào do Phật thuyết? Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, chúng ta có vấn đề gì thì trực tiếp đến gặp đức Phật. Ngài giống như là bác sĩ, còn chúng ta là bệnh nhân. Ngài bắt mạch, kê toa bốc thuốc, chúng ta dựa vào những lương dược đó mà uống để lành bệnh. Bây giờ Phật không còn tại thế, kinh điển còn lại rất nhiều nhưng phần nhiều do người đương thời kê toa bốc thuốc cho chúng sinh. Chính vì thế, tự mình phải hiểu được căn bệnh của mình, cần phải uống loại thuốc gì, thuốc gì không được uống. Nhất định chúng ta không được dùng hết, nếu không nhất định sẽ chết không có nghi ngờ gì cả.
Phật chỉ cho chúng ta một phương thuốc tùy theo thời mà uống. "Thời kỳ chánh pháp là thời kỳ người tu thành tựu về giới luật, thời kỳ tượng pháp thành tựu về thiền định. Thời kỳ mạt pháp là thời kỳ thành tựu về pháp tu niệm Phật cầu sinh Tịnh độ". Chúng ta sinh vào thời này là đúng vào thời mạt pháp thì nên chọn pháp môn Tịnh độ để tu tập. Đây là lời chỉ dạy của đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
Pháp môn Tịnh độ có năm bộ kinh và một bộ luận làm chính. Chúng ta không nên lấy hết, mà chỉ chọn một bộ trong số đó là đủ rồi. Trong sáu bộ này, chúng ta coi bộ nào hợp với mình, xem thấy vui thích, hiểu được nghĩa lý thì dựa vào đó mà tu hành. Cần phải thâm nhập một môn thì mới có khả năng thành tựu được. Chúng ta không nên tham quá nhiều, người ta thường nói: "Ăn nhiều thì nhai không kỹ". Trong năm bộ kinh và một bộ luận đó, chúng ta chọn một, nắm vững đạo lý trong kinh và phương pháp hành trì, thì nhất định sẽ thành tựu.
Câu Hỏi 27: Thưa Hòa thượng! Nhân quả chuyển biến tương tục. Ngài nói: Muốn chuyển nhân quả phải từ trên duyên mà đoạn. Vậy thì tại sao Phật, Bồ Tát hoặc chư vị đại đức xưa nay chẳng đem duyên này để đoạn cho xong, lại còn phải thọ các thứ nghiệp báo? Phải chăng các Ngài chỉ là biểu diễn cho chúng ta xem? Xin Hòa thượng giải thích cho đệ tử hiểu!
Đáp: Đúng như vậy! Chư Phật và Bồ Tát đến thế gian để thị hiện cho chúng ta thấy. Việc thị hiện là để biểu diễn cho chúng ta xem. Những người nhìn ra bí quyết này đều khai ngộ cả, đều được lợi ích. Những người không nhìn ra bí quyết, cho dù họ chưa rõ ý của Phật cũng trồng được thiện căn. Chúng ta phải biết ý nghĩa này! Từ trên duyên mà đoạn. Ý nghĩa câu nói này rất sâu. Chữ duyên không phải là trên sự tướng cũng như các duyên bên ngoài, mà là sự phan duyên trong ý thức tâm lý. Cho nên, đoạn trừ là đoạn trừ chỗ này, chẳng phải ở nơi cảnh tướng bên ngoài mà đoạn. Nếu đoạn sự cảnh tướng bên ngoài là sai lầm. Đoạn trên sự tướng, còn trong tâm chẳng đoạn thì vẫn còn tạo nghiệp, vẫn phải thọ báo. Cho nên, phải từ trong tâm mà đoạn, trên niệm mà đoạn, sau đó mới có thể nhập cảnh giới của Phật. Cảnh giới của Phật trong Kinh Hoa Nghiêm giảng rất rõ ràng: "Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại". Có thể thấy rằng trên sự tướng chẳng có chướng ngại, chướng ngại là ở tại tâm, tức là vọng tưởng phân biệt chấp trước. Vậy thì chư Phật Bồ Tát, Tổ sư, đại đức xưa nay thị hiện từ trên sự tướng là thế. Thật ra, các Ngài đã đoạn trừ trong tâm cả rồi, chúng ta nên lãnh hội ý nghĩa này. Nếu họ từ trong tâm mà đoạn thì chúng ta nhìn không ra. Do đó, từ trên sự tướng các Ngài biểu diễn cho chúng ta xem. Chúng ta nhìn từ trên sự tướng mà thể hội vào tánh, như vậy thì mới được lợi ích. Nếu người học Phật một mực nhìn sự tướng thì không được, phải thể hội về tánh. Cho nên nhìn thấy sự phải rõ lý. Nhìn thấu lý từ trên sự, phải thông đạt như thế, thì học Phật mới đạt được lợi ích chân thật.
Câu Hỏi 28: Kính bạch Hòa thượng! Con người sau khi chết linh hồn sẽ đi về đâu? Xin Hòa thượng giả thích cho chúng con hiểu!
Đáp: Điều này, lời Phật dạy trong kinh rằng: "Muốn biết con người khi chết sẽ đi về đâu, chúng ta thử nghiệm như thế này sẽ biết được. Khi người chết tắt hơi, mà thần thức xuất ra dười lòng bàn chân thì biết người này đọa vào địa ngục. Sao lại biết họ đi vào địa ngục? Vì khi đó toàn thân phía trên lạnh hết, chỉ có hơi ấm giữ lại dưới bàn chân. Nếu đi ra nơi đầu gối thì biết họ sinh vào loại ngạ quỷ; nếu thoát ra ngay bụng thì biết họ sinh vào loại súc sinh; nếu thoát ra ngay ngực thì biết họ sinh lại làm người; nếu thoát ra trên đầu thì biết họ sinh về cõi trời, còn thoát ra trên đỉnh đầu thì biết họ vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc". Nếu quả thực sinh thiên hoặc vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc thì thần thức đi rất nhanh. Còn sinh vào các cảnh thiện thì thân thể rất mềm, không khô cứng có khi để cả hai tuần mà thân thể vẫn tươi , không có mùi hôi.
Câu Hỏi 29: Thưa Hòa thượng! Phật, Bồ Tát có phải nhận chịu nhân quả báo ứng không?
Đáp: Ồ, xưa kia, có một lão hồ ly biến thành người đến hỏi Tổ Bá Trượng rằng: "Người đại tu hành vẫn rơi vào luật nhân quả không?". Câu hỏi này hoàn toàn giống như câu hỏi của bạn. Người đại tu hành còn rơi vào luật nhân quả không? Lão hồ ly này trong kiếp trước là một Pháp sư, giảng kinh nói pháp. Có người hỏi ông ta câu này. nhưng ông ta đã đáp sai. Ông ta nói: "Bất lạc nhân quả" (chẳng rơi vào nhân quả). Kết quả là ông bị đọa vào súc sinh làm loài chồn đến 500 năm. Năm trăm năm sau, ông tu luyện được thân người, đến gặp Tổ Bá Trượng để thỉnh giáo rằng: "Làm cách nào để thoát ly súc sinh đạo?". Tổ Bá Trượng nói: "Ngày mai khi tôi thăng tòa thuyết pháp, ông đem câu hỏi ngày xưa mà người ta hỏi ông đến hỏi lại tôi một lần nữa". Hôm sau, ông ta đến hướng về Pháp sư đảnh lễ xong, sau đó cung kính thỉnh giáo Ngài và đưa ra câu hỏi này: "Người tu hành còn rơi vào nhân quả không?". Tổ Bá Trượng trả lời rằng: "Bất muội nhân quả" (không mê lầm nhân quả). Chỉ sửa đi một chữ mà ngay đó ông ta hiểu được. Hôm sau, ông ta chết thoát ly được thân chồn. Qua ngày hôm sau đại sư Bá Trượng dẫn một số người đến sau núi tìm con hồ ly đó thì phát hiện ra nó đã chết và đem chôn cất. Ngài nói với mọi người rằng: "Con hồ ly này là ông lão hôm qua đến hỏi chuyện tôi đó". Cho nên, chuyển ngữ sai đi một chữ mà bị đọa làm thân chồn 500 năm. Bất muội nhân quả là gì? Là các bậc giác ngộ đối với nhân quả báo ứng đều rõ ràng, minh bạch, không có lầm lẫn nữa, nên nói là bất muội nhân quả. Còn vị tăng kia nói: "Người tu hành khi giác ngộ không còn rơi vào nhân quả". Câu trả lời này sai rồi! Bất muội nhân quả tức là giữa chư Phật, Bồ Tát và phàm phu thế gian vẫn còn bị nhân quả. Nhưng những sự thọ báo nhân quả của Thánh nhân và phàm phu hoàn toàn khác nhau. Các bậc Thánh nhân khi đến thế gian, họ biết rất rõ ràng nhân quả. Tuy họ vẫn còn thọ nhận những quả báo thiện hoặc ác ở trong đời quá khứ do họ tạo nên nhưng khi thọ quả báo họ biết rõ ràng quả báo này là do đời nào, kiếp nào đã gây tạo? Tuy thọ khổ báo, nhưng họ lại an nhiên trả quả, chẳng bao giờ than oán lo sợ. Đây là người đại tu hành, đại giác ngộ. Còn phàm phu thì sao? Mê lầm gây tạo những tội nghiệp không biết trước được nhân quả báo ứng đến lúc nào. Khi thọ khổ báo thì không cam tâm, không tình nguyện, oán trời trách người, thêm tội lại thêm tội. Thánh nhân và phàm phu khác biệt ở chỗ một bên là biết và một bên là không biết. Sự việc là như thế.
Câu Hỏi 30: Kính bạch Hòa thượng! Đệ tử quyết một đời niệm Phật cầu sinh về thế giới Tây Phương Tịnh độ. Nhưng hiện tại đệ tử còn cha mẹ nên trong lòng không thể buông được. Nhưng lại sợ bây giờ không tinh tấn tu hành mà gây tạo tội nghiệp, đến khi lâm chung bị đọa lạc, không biết đời sau có nhân duyên gặp lại Phật pháp nữa hay không? Nên đệ tử rất lo sợ. Hiện tại, con muốn tu tập, mong sao không có gì chướng ngại, phiền não xảy ra. Nếu có thì con phải làm thế nào? Mong Hòa thượng từ bi chỉ dạy cho con rõ!
Đáp: Phật tử mỗi ngày phải phân ra thời khóa tu tập nhất định, như giờ tụng kinh niệm Phật, nghe kinh. Điều quan trọng là phải một tiếng đồng hồ trở lên. Ngày nào cũng duy trì thời khóa đều như vậy, không cho gián đoạn, đến khoảng nửa năm hoặc một năm thì nhất định sự tu tập của Phật tử có sự chuyển đổi và vượt qua các chướng ngại. Nói tóm lại, điều này là do mình chưa hiểu giáo lý và nhìn nhận một cách thấu triệt. Nếu Phật tử có sự hiểu biết giáo lý một cách rõ ràng, thấu triệt bằng tín tâm thanh tịnh kiên cố thì dù hoàn cảnh nào mình cũng không nghi ngờ về sự tu tập của mình, nguyện vọng của mình nhất định sẽ đạt được.