1. Sách Phật Học Vấn Đáp
Tác Giả: Pháp Sư Tịnh Không
Nhóm Hoa Tạng Giảng Ký cung kính ghi chép
Download .doc: Phat-Hoc-Van-Dap-HT-Tinh-Khong-Nhom-Hoa-Tang-Ghi.doc
Download .pdf: Phat-Hoc-Van-Dap-HT-Tinh-Khong-Nhom-Hoa-Tang-Ghi.pdf
2. Học Phật Vấn Đáp 2004
Tác Giả: Pháp Sư Tịnh Không
Địa điểm: Hiệp Hội Phật Đà Giáo Dục Hồng Kông
Thời gian: 30-7-2004
Ý kiến bạn đọc
Câu hỏi 36 đến câu hỏi 40
Câu Hỏi 36: Thưa Hòa thượng! Giả như trong quá trình niệm Phật có gặp phải nghịch cảnh hoặc chướng ngại có thể niệm thêm một vài chú ngữ Mật tông hoặc uống vài viên cam lộ của Thượng sư Mật tông đã gia trì để giúp vượt qua khó khăn. Áp dụng phương pháp này có được hay không?
Đáp: Tôi trả lời với bạn là được. Tại sao được? Bởi vì bạn có niềm tin. Bạn tin vào sự gia trì của Thượng sư trong thuốc cam lồ. Niệm đó rất linh! Bạn chỉ cần tin thì linh, không tin thì không linh. Có câu nói rằng: "Tất cả pháp từ tâm sinh ra". Chỉ cần nắm vững nguyên lí này thì vấn đề được giải quyết rồi. Sự gia trì của Thượng sư, chú ngữ của Thượng sư linh hay không đều ở nơi tín tâm của bạn. Bạn có một phần tín tâm thì có một phần linh nghiệm. Bạn có mười phần tín tâm thì có mười phần linh nghiệm. Nếu bạn có tâm hoài nghi thì nó hoàn toàn không linh. Bạn chẳng cần phải để ý vật của Ngài có linh hay không? Mà chính cái tâm của chúng ta có linh hay không? Điều này tôi giảng nói quá nhiều rồi. Chẳng phải chỉ có việc này mà còn nhiều việc khác. Ví dụ như có bệnh, bạn đi đến bác sĩ khám, bác sĩ cho bạn uống thuốc. Bệnh của bạn có lành hay không? Đối với bác sĩ không liên quan, thuốc cũng không liên quan. Cái gì liên quan? Là tín tâm của bạn. Bạn có niềm tin vào bác sĩ cũng như những toa thuốc của bác sĩ đã cho thì sẽ đem lại kết quả trong chữa trị. Tín tâm sẽ chữa lành bệnh cho bạn. Vị thầy thuốc kia có giỏi đi nữa mà bạn chẳng có niềm tin, trong tâm luôn hoài nghi thì khi uống thuốc một chút công hiệu cũng chẳng có. Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: " Tín vi đạo nguyên công đức mẫu. Trưởng dưỡng nhất thiết chư thiện căn". Bạn có thể xây dựng tín tâm nơi chính mình. Chữ "Tín" trong nhà Phật khác với các tôn giáo khác. Chữ "Tín" của nhà Phật: Thứ nhất là tin vào chính mình; thứ hai là tin vào đối phương, vào thầy hướng dẫn chỉ dạy mình. Được vậy thì con đường học đạo của bạn mới thuận buồm xuôi gió! Đối với chính mình có tín tâm, mà với thầy không tín tâm thì không thể thành tựu. Còn đối với thầy có tín tâm, mà chính mình không có tín tâm thì cũng thất bại. Ngẫu Ích đại sư trong quyển Di Đà Yếu Giải nói đến 6 điều tín: Thứ nhất là tin vào chính mình. Thứ hai là tin vào tha lực (tức là thiện tri thức bên ngoài)- tức là tin vào thầy, vào Phật. Thứ ba là tin sự, tin lý. Thứ tư là tín nhân, tín quả. Thứ năm tín pháp thế gian. Thứ sáu là tín pháp xuất thế gian. Nếu bạn hiểu rõ ràng minh bạch sáu chữ tín này thì toàn bộ vấn đề đã được giải quyết. Khi chúng ta bị bệnh, có nên đi khám bác sĩ không? Nếu không đi, bệnh phát nặng thêm hoặc xảy ra vấn đề gì, họ sẽ nói bạn đã hại họ. Vì vậy, cần phải đi khám bác sĩ. Sao bạn khuyên họ đừng đi khám bác sĩ? Chúng ta không thể làm cách đó được. Riêng chúng tôi khuyên bạn nên đi tìm vị bác sĩ mà bạn tin tưởng để chữa trị. Bác sĩ làm tăng thượng duyên cho bạn, còn thân là nhân duyên chính. Nếu bạn thật sự biết đoạn diệt tất cả việc ác, tu tất cả điều thiện thì tốt lắm. Đây mới thật sự gọi là tiêu tai, thật sự gọi là tiêu trừ nghiệp chướng. Bệnh tật cùng nghiệp chướng có sự liên quan mật thiết. Nghiệp chướng tiêu trừ rồi thì bệnh tật tự nhiên thuyên giảm. Phải trưởng dưỡng tâm từ bi, nhất định không sát sinh, hại vật thì tai nạn của bạn sẽ giảm thiểu. Mọi sự khổ vui chẳng phải từ bên ngoài đưa đến mà đều do tự mình chiêu cảm. Điều này trong kinh luận, Phật, Tổ thường nói với chúng ta rất rõ.
Câu Hỏi 37: Bạch Hòa thượng! Con có quen một người bạn làm nghề đông lạnh nhưng anh ấy không trực tiếp sát sinh. Ban đầu, từ một cơ sở nhỏ, rồi phát triển thành một công ty lớn, có bảy tám chục công nhân làm việc. Những nhân viên công nhân làm việc ở đây rất nhiệt tình nên mới thành tựu được những kết quả như vậy. Nếu bây giờ không làm nữa thì toàn bộ công nhân, nhân viên trong công ty đều thất nghiệp. Vì vậy, anh ấy vẫn duy trì công ty vì mọi người, còn việc quan hệ làm ăn kinh doanh thì giao cho người quen quản lý thay. Anh ấy bây giờ tự mình mở ra một hội từ thiện. Có người gọi anh ấy là cư sĩ Phật tử. Vậy con kính hỏi Hòa thượng, anh ta có cần phải quy y Tam bảo không?
Đáp: Được! Quy y, nghĩa là trở về, là hồi đầu nên quy y là điều rất tốt. Đối với anh ta, cần phải hiểu, tại sao đời này mình có phước báu như vậy? Là do đời trước tu tạo rất nhiều việc thiện. Các vị đọc trong cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn sẽ rõ điều này. Xưa nay, từ cổ chí kim, con người sống cũng không ngoài vấn đề "miếng ăn miếng uống, đều do tiền định". Ai định cho mình? Chính là do mình cả, chẳng có ai định cho mình được.
Trong kinh có nói: "Làm người có hai loại nghiệp báo". Một là dẫn nghiệp. Sao là dẫn nghiệp? Tức là trong đời quá khứ, chúng ta đã làm các việc thiện hoặc ác, những hành vi đó, nó tích chứa vào tàng thức của mỗi người, tạo thành một động lực thúc đẩy họ đi đầu thai trong mười pháp giới. Dẫn nghiệp chính là năm giới, thập thiện giới. Đời trước, ta hành trì tu tập năm giới, mười giới nghiêm mật, không sai phạm thì nghiệm lực sẽ dẫn ta đầu thai lại cõi người, đầu thai vào một gia đình nào đó. Vậy ai là cha mẹ mình? Là những người có duyên với mình. Nhân duyên này rất phức tạp nhưng không ngoài bốn loại: báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Nếu như báo ân thì đứa con mà bạn sinh ra rất hiền hậu, hiếu thuận, thiên tính rất tốt. Còn báo oán thì nó làm tán gia bại sản, chết người. Còn đến đòi nợ thì mình nuông chìu, yêu thương, cung phụng, lo lắng mọi mặt trong cuộc sống sinh hoạt cho nó, đến khi khôn lớn thì nó chết mất. Đây là do kiếp mình thiếu nợ nó về tiền bạc, bây giờ đến đòi nợ xong là đi. Còn trả nợ thì đứa con đó sớm tối quan tâm chăm lo cung phụng cha mẹ những nhu yếu trong cuộc sống, nhưng trong tâm không cung kính, không hiếu thuận. Nếu không có liên quan đến bốn ân này thì không bao giờ đầu thai đến nhà mình. Sau khi hiểu rõ vấn đề này, Phật tử đem những nghiệp duyên đó chuyển thành pháp duyên. Đây chính là giác ngộ. Dù ở trong hoàn cảnh thế nào, chúng ta cũng khuyên họ niệm Phật, khuyến khích họ học Phật, tiếp nhận lời Phật. Bồ Tát đã dạy: Đây chính là chúng ta đem các nghiệp duyên ở trong quá khứ chuyển thành các pháp duyên, những móc xích oan thân trái chủ xóa trừ sạch, đều biến thành trí huệ chân chánh.
Thứ hai là mãn nghiệp. Sau khi chúng ta trở lại làm thân người như bao người khác nhưng trong cuộc sống, ta có tiện nghi đầy đủ để hưởng thụ, lại thành tựu con đường công danh sự nghiệp ở xã hội. Ở đây, các vị phải biết là do đời trước ta tu tạo phước đức rất nhiều. Người làm việc ác thì gặp quả báo ác. Người biết tu tạo phước đức là nhân, đưa đến sự giàu sang là quả. Dùng pháp bố thí là nhân, thông minh trí tuệ là quả. Dùng vô úy bố thí là nhân, sống lâu khỏe mạnh là quả. Nếu như bạn làm được cả ba loại bố thí này thì kết quả vô cùng thù thắng. Bạn vừa giàu sang, vừa được thông minh trí tuệ và được thân thể khỏe mạnh sống lâu. Bạn quan sát có nhiều người giàu có nhưng lại không thông minh trí tuệ, thậm chí học không hết tiểu học nhưng phước duyên của họ rất tốt, làm việc gì cũng thành công, lại được những thành phần trí thức, bác học phụ giúp làm nên sự nghiệp. Khi về già, các nhân viên thuộc hạ thay họ làm những việc kinh doanh buôn bán. Những công nhân, nhân viên này đến để báo ân cho họ vì do đời trước thiếu nợ họ. Do đó, làm người cần phải tu thiện tích đức, khi đầy đủ mãn nghiệp thì mọi việc vô cùng tốt đẹp.
Trong đời trước, chúng ta tu hành thiếu khuyết, thì đời này - về phương diện nào đó - ta gặp những khó khăn, khốn khó. Nhưng sau khi mình hiểu được Phật pháp thì ngay bây giờ, chúng ta nỗ lực tu tập vẫn còn kịp. Khi Phật tử hiểu rõ điều này thì nên cố gắng nỗ lực tu tập trong thời gian ba năm sẽ có kết quả tốt đẹp. Vận mạng nhất định có, nhưng chúng ta có thể cải đổi vận mạng được. Nếu tâm chúng ta nghĩ các việc thiện, làm các việc thiện, thì những điều xấu từ từ bớt đi, các việc tốt càng ngày càng thù thắng. Còn tâm chúng ta chứa những điều bất thiện, làm những việc bất thiện thì dù có phước báu nhiều bao nhiêu đi chăng nữa, nó cũng dần dần tổn giảm, hưởng phước một thời gian nào đó, phước sẽ hết. Khi phước hết rồi thì các ác nghiệp sẽ đến với mình. Chúng ta hãy thử quan sát và nhìn xem những gia đình giàu có ở xã hội bây giờ, bỏ tiền bạc ra kinh doanh buôn bán ít năm thì tiêu tan sự nghiệp. Đó chính là trong quá khứ họ có phước báu nhưng bây giờ không hành thiện tích đức, vì thế phước báu nhanh chóng hết. Đạo lý này chúng ta cần phải hiểu cho thấu đáo và rõ ràng.
Câu Hỏi 38: Kính bạch Hòa thượng! Con trai của con làm ở viện nghiên cứu sinh vật, nơi đó thường nuôi các loại chuột dùng để thí nghiệm. Nó không theo một tín ngưỡng tôn giáo nào nhưng mỗi tháng gửi cho gia đình một số tiền nhất định. Con dùng tiền này làm các việc công đức và hồi hướng hết cho nó. Vậy thưa Hòa thượng, làm như vậy có đúng không? Xin Ngài từ bi chỉ dạy cho con rõ!
Đáp: Rất tốt! Mỗi tháng, Phật tử nên đem số tiền của con mình ra mua các loài vật mà phóng sinh và hồi hướng công đức cho nó. Hiện tại, anh ấy chưa hiểu tội sát sinh sau này sẽ chịu quả báo rất nặng. Điều tốt nhất là khuyên anh ta không nên lấy nghề này làm sự nghiệp.
Tội sát sinh quả báo rất nặng, nhưng nặng nhất là tội nạo phá thai. Người phá thai giống như tội giết người, oán oán tương báo theo nhau hết đời này đến đời khác, rất là ghê sợ. Tại sao nó đến đầu thai làm con mình? Vì mình và nó có nhân duyên nhân quả với nhau. Ở trong kinh, Đức Phật nói có bốn nguyên nhân đến đầu thai vào gia đình mình: báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ.
Nếu cả hai không có nhân duyên với nhau thì nó không đến đầu thai làm con mình. Nếu nó đến báo ân mà mình giết nó đi thì đời sau kết thành oán thù. Còn đến báo oán mà giết họ thì oán oán chất chồng, hận thù càng thêm sâu nặng. Vì vậy, dù thế nào cũng không nên nạo phá thai. Người Phật tử chúng ta cần phải hiểu rõ vấn đề này hơn ai hết.
Câu Hỏi 39: Kính bạch Hòa thượng! Trong Cảm Ứng Thiên nói rằng: Người không thấy được ma quỷ, ma quỷ cũng không quấy phá được người. Nhưng tại sao nói, những ma quỷ thường vây quanh để quấy phá chúng ta. Ví như câu chuyện của quốc sư Ngộ Đạt, oán quỷ đã theo Ngài đến mười đời. Sao phải mất thời gian dài như thế, chẳng lẽ loài ma quỷ không đi đầu thai và thọ quả báo sao? Kính xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy cho đệ tử rõ!
Đáp: Sự việc này rất phức tạp. Loài ma quỷ mà theo Ngộ Đạt đến mười đời để chờ cơ hội trả thù không phải là loại ma quỷ bình thường. Nếu loại bình thường thì không có tâm kiên trì, nhẫn nại như thế và đã sớm bỏ đi đầu thai mất rồi. Tại sao phải theo mãi đến mười đời để chờ cơ hội trả thù? Điều này dễ biết thôi, đó là do kết oán thù quá sâu nặng, tâm báo thù quá mãnh liệt, cho nên nó cứ theo mãi cho đến khi nào nó trả thù mới được thôi. Nếu như tâm báo thù không mãnh liệt, đến một khoảng thời gian nào đó mà thấy không có cơ hội, thì họ bỏ đi mất rồi. Trường hợp này cũng rất nhiều.
Nếu có nhân duyên đặc biệt thì người với ma quỷ có thể gặp nhau. Thông thường, người không thấy được ma quỷ và ma quỷ cũng không gặp được người. Có trường hợp gặp bị quấy nhiễu, có trường hợp có duyên đặc biệt gặp thì không sao cả. Có những Phật tử gặp được các loại quỷ thần, những loại quỷ thần mà họ thấy được giống như trong kinh Đức Phật đã miêu tả, đều là đúng, không có hư dối gì cả.
Câu Hỏi 40: Kính bạch Hòa thượng! Trong gia đình, chỉ có mình con tu hành. Hiện tại, con theo thời khóa tu hành nhưng không biết đến lúc lâm chung có được sáng suốt tỉnh táo vãng sinh không? Xin Hòa thượng có mấy lời khai thị cho đệ tử rõ!
Đáp: Câu hỏi này rất hay. Người tu hành phải có ý hướng như vậy! Chúng ta thấy trong quá khứ cũng như hiện tại bây giờ, có nhiều người công phu đắc lực, niệm Phật, đến lúc lâm chung biết trước giờ chết, tự tại vãng sinh. Qua đó, chúng ta thấy rằng, pháp môn niệm Phật thật là thù thắng. Chúng ta phải tu như thế nào? Quý Phật tử chúng ta nên quan sát học hỏi cách thức tu hành của những người thành tựu kia, họ tu cách gì, hành trì như thế nào mà thành tựu như thế? Điều này rất đáng cho chúng ta tham khảo học tập. Trong cuộc đời tu hành của mình, tôi đã gặp nhiều vị niệm Phật, đến khi ra đi biết trước ngày giờ. Điều này để lại trong tôi những ấn tượng rất sâu sắc. Trong những vị đó, tôi gặp một vị đệ tử của pháp sư Đế Nhàn: Niệm Phật được ba năm, khi lâm chung biết trước ngày giờ và Ngài đứng mà vãng sinh. Đặc biệt, vị này khi chưa xuất gia là bạn của pháp sư Đế Nhàn. Sau này, được ngài Đế Nhàn giáo hóa nên giác ngộ đi tu và tôn ngài Đế Nhàn làm thầy bổn sư. Vì hoàn cảnh cuộc sống, trước đó ông làm nghề hàn vá soong nồi để kiếm sống qua ngày nên không biết chữ. Khi vào xuất gia có hai thời công phu sáng tối mà ông học hoài không thuộc. Ngài Đế Nhàn sợ nếu để ông ở đây thì khó hòa với chúng, nên dễ sinh ra phiền não làm thối thất Bồ đề tâm. Pháp sư bèn đưa ông về một ngôi chùa ở miền quê, thuộc huyện Ninh Ba tu học tại đó. Pháp sư bảo ông đừng đi thọ giới, khỏi học nghi thức, nghi lễ gì cả, chỉ học một câu "Nam Mô A Di Đà Phật", cứ như thế mà trì niệm. Ngài nói: "Ông phải thành tâm mà niệm, niệm mệt rồi nghỉ, nghỉ xong lại tiếp tục niệm. Tương lai chắc chắn có lợi lạc lớn". Ông ta chẳng biết có lợi lạc gì mà chỉ biết vâng lời thầy mà tu tập. Khi về ở ngôi chùa nhỏ, lão pháp sư Đế Nhàn đã nhờ vài Phật tử hộ trì và chu cấp thực phẩm cần thiết cho ông. Còn ông từ sáng đến tối cứ niệm "Nam Mô A Di Đà Phật", niệm mệt rồi nghỉ, nghỉ rồi lại niệm. Niệm được ba năm thì ông đã thành tựu, biết trước giờ chết. Hôm đó, ông nói với người nấu ăn trong chùa rằng: "Tôi lên thành phố để thăm mấy người bạn". Khi trở về ông dặn tiếp bà rằng: "Ngày mai, bà đừng nấu cơm cho tôi". Bà lão trong lòng nghi ngờ: Sư phụ thường ít ra ngoài, hôm qua chỉ đi ra ngoài một lần, có lẽ bạn bè mời ông ăn cơm nên ngày mai không cần mình nấu cơm. Ngày hôm sau, sắp đến giữa trưa, bà không an tâm nên vẫn đến chùa xem thử. Bà thấy Sư phụ đứng tần ngần trước sân, gọi ông, ông không trả lời. Bà chạy đến để nhìn kỹ, thì ra là ông đã chết! Đứng mà chết. Bà vội vàng tìm các Phật tử báo tin cho lão pháp sư Đế Nhàn ở chùa Quang Tông. Lúc bấy giờ, không có phương tiện giao thông, thế là đi bộ mất hết ba ngày. Ông ta vẫn đứng đó ba ngày. Có người hỏi ông ta tu tập tu tập thế nào mà thành tựu như vậy? Đó là nhờ không có vọng niệm, tạp niệm, ông chỉ chuyên tâm niệm A Di Đà Phật. Trải qua ba năm thì nghiệp chướng tiêu trừ, thành tựu viên mãn. Quả thật đây là người có bản lãnh công phu tu tập, chẳng có nguyên nhân nào khác, chỉ cần buông bỏ các duyên, tín tâm niệm Phật. Nếu còn một tơ tưởng vấn vương, lo lắng thì bạn chẳng được thành tựu vì chính bạn không được tự tại. Chỉ đơn giản như vậy thôi, liệu chúng ta có làm được hay không? Và người thứ hai mà tôi gặp đã để lại một ấn tượng sâu sắc là pháp sư Tu Vô ở chùa Cực Lạc, Cáp Nhĩ Tân. Bạn xem quyển Ảnh Trần Hồi Ký Lục trong đó có kể: Lúc chưa xuất gia, Ngài làm nghề thợ hồ, cũng xuất thân từ thành phần lao động nên không biết chữ. Sau khi xuất gia, Ngài làm công quả trong chùa, phục vụ đại chúng. Khi làm việc, Ngài không bao giờ buông bỏ câu A Di Đà Phật. Năm đó, ở chùa Cực Lạc, lão pháp sư Đàm Hư mở một pháp hội truyền giới. Đây là pháp hội lớn nhất trong Phật môn, có thỉnh Hòa thượng Đế Nhàn làm đàn đầu truyền giới. Lễ truyền giới rất cần người phụ giúp nên pháp sư Đàm Hư đi khắp nơi để tìm người. Lúc đó có pháp sư Tu Vô, pháp sư Định Tây hộ giúp đàn giới. Pháp sư Định Tây hỏi Ngài: " Thầy làm được việc gì?". Ngài nói: "Tôi phát tâm chăm sóc bệnh nhân tại giới tràng. Việc này rất quan trọng vì trong giới tràng có người đau ốm, cảm mạo, bệnh tật cần có người chăm sóc". Ngài phát tâm đến phục vụ được 2 tuần thì một hôm, Ngài đến tìm lão Hòa thượng Đàm Hư và pháp sư Định Tây đảnh lễ hai Ngài xin vắng mặt vài hôm. Ngài nói ngài phải đi. Đàm Hư hòa thượng rất từ bi không quở trách gì cả, lại nói: "Thầy có việc cần thì cứ đi". Pháp sư Định Tây ngồi bên cạnh nghe thấy không chịu được nên nói: "Thầy phát tâm đến đây chăm sóc bệnh nhân, chỉ phục vụ có 2 tuần, truyền giới phải mất 2 tháng. Ít nhất thầy phải chờ đến khi giới đàn viên mãn rồi mới đi! Sao thầy không có tí nhẫn nại nào cả?". Mặc dù bị trách móc nhưng Ngài chỉ nói: "Tôi không phải đi nơi khác mà là vãng sinh đến Cực Lạc Thế Giới". Hai vị Lão Hòa thượng thấy vậy, cho đây không phải chuyện bình thường, bèn hỏi Ngài: "Ngày nào đi vậy?". Ngài nói: "Có lẽ không ngoài nửa tháng, nên đến xin các Ngài nghỉ trước". Ngài còn thỉnh cầu pháp sư Định Tây chuẩn bị cho Ngài 200 cân củi nhóm lửa để chuẩn bị sau khi Ngài vãng sinh dùng cho việc hỏa thiêu. Hai vị Pháp sư đồng ý chuẩn bị cho Ngài. Đến hôm sau Ngài lại tìm đến lão Hòa thượng, lão Hòa thượng hỏi: "Việc gì vậy?" Ngài nói: "Thưa lão Hòa thượng! Hôm nay con phải đi đây". Lập tức mọi người ra phía sau chùa tìm một căn phòng kê tạm một chiếc giường. Ngài ngồi xếp bằng trên đó và nói với pháp sư Định Tây rằng: "Nhờ thầy tìm cho tôi vài Pháp sư trợ niệm để tiễn tôi đi". Mọi người rất vui lòng, họ đến rất đông để trợ niệm giúp Ngài. Lúc trợ niệm những người này nói với Ngài rằng: "Thường những người trước khi vãng sinh đều làm thơ hoặc kệ để lưu lại đời sau. Thầy Tu Vô, Ngài cũng nên để lại cho chúng tôi một bài kệ chứ!". Ngài Tu Vô nói: " Tôi không bằng họ vì tôi không biết chữ nên không biết làm thơ, cũng không biết làm kệ". Tuy nhiên, cuối cùng Ngài đã nói một câu rất sâu sắc là: "Tu hành nhất định phải chân thật. Việc này quyết định không thể làm giả được!". Lời khai thị này tuy ngôn ngữ đơn giản nhưng mọi người nghe cảm thấy như một lời sách tấn, rồi tiếp tục niệm Phật. Niệm chưa đầy một khắc thì Ngài đi. Đây là chuyện vãng sinh xảy ra trong thời này. Gần đây nữa là ở Đài Loan, chúng tôi nghe có mấy vị cư sĩ tại gia niệm Phật biết trước giờ chết, tự tại vãng sinh. Khoảng ba năm về trước, có lần tôi ở tại Phật Quang Sơn tham dự buổi giảng ở trường Đại Học Phật Học. Ban đêm trăng rất đẹp, chúng tôi thả bộ đi quanh khuôn viên chùa, rồi đến ngồi bên bờ hồ phóng sinh ngắm trăng. Chúng tôi ngồi ở đó thảo luận Phật pháp, liền đó có một công nhân đến chỗ chúng tôi kể rằng: Ở quê ông, tại thôn Tướng Quân, có một bà lão tánh tình hiền lương, từ bi hay thích giúp người. Khi còn sống, bà cũng không biết rõ ràng cái gì gọi là Phật, cái gì gọi là Thần. Phàm chỗ nào có chùa bà đến để lễ bái, thắp hương lạy Phật, lạy thần. Sau thời gian cưới vợ cho con trai, cô con dâu biết Phật pháp khuyên bà đừng đi lễ lạy lung tung nữa. Trong nhà có bàn thờ Phật, khuyên bà nên ở nhà niệm A Di Đà Phật cầu sinh Tịnh độ. Bà lão rất có thiện căn, nghe theo lời của nàng dâu nên không đi lễ lạy lung tung nữa, một lòng tinh tấn niệm A Di Đà Phật. Ba năm sau, một hôm, trong lúc ăn cơm tối, bà lão nói với con trai và con dâu: "Các con cứ ăn đi, đừng chờ mẹ! Mẹ đi tắm một chút". Người nhà vẫn chờ bà để cùng ăn cơm. Chờ quá lâu, người nhà thắc mắc: "Lạ lùng thay, sao mẹ tắm lâu như vậy? Chúng ta đi xem thử!". Mọi người tìm trong phòng tắm không thấy bà, bà đã tắm xong từ lâu rồi, vào phòng ngủ cũng không có. Sau cùng, họ thấy bà đang đứng trước bàn Phật, mặc áo tràng rất ngay thẳng, chỉnh tề, trên tay cầm xâu chuỗi, mặt hướng về tượng Phật, đứng yên không cử động, gọi bà cũng không trả lời. Nhìn kỹ lại thì biết bà đã vãng sinh. Bà đứng mà vãng sinh. Chỉ là một bà lão tại gia niệm Phật trong vòng ba năm mà thành tựu công phu như vậy. Ông ta kể rằng dưới quê ông mọi người đều biết chuyện này. Câu chuyện ông kể đã để lại trong lòng tôi một ấn tượng rất sâu sắc. Cho nên, làm thế nào mà niệm Phật để biết trước giờ chết, tự tại vãng sinh, đứng mà ra đi, ngồi mà ra đi. Chẳng có gì khác là muôn duyên buông xuống, nhất tâm hướng Phật thì bạn sẽ thành tựu. Nếu bạn còn dính mắc một tơ hào không buông được thì đó là ma chướng, làm chướng ngại việc vãng sinh, thậm chí còn làm chướng ngại công phu niệm Phật của bạn. Những việc này, chính mắt chúng tôi thấy và nghe được, có đến mười mấy vị.