Tịnh Độ Vấn Đáp

1. Sách Phật Học Vấn Đáp
Tác Giả: Pháp Sư Tịnh Không
Nhóm Hoa Tạng Giảng Ký cung kính ghi chép
Download .doc: Phat-Hoc-Van-Dap-HT-Tinh-Khong-Nhom-Hoa-Tang-Ghi.doc
Download .pdf: Phat-Hoc-Van-Dap-HT-Tinh-Khong-Nhom-Hoa-Tang-Ghi.pdf

2. Học Phật Vấn Đáp 2004
Tác Giả: Pháp Sư Tịnh Không
Địa điểm: Hiệp Hội Phật Đà Giáo Dục Hồng Kông
Thời gian: 30-7-2004

Chương 12: Câu hỏi 56 đến câu hỏi 60

TỊNH ĐỘ VẤN ĐÁP CỦA HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG
Câu hỏi 56 đến câu hỏi 60
Câu Hỏi 56: Bạch Hòa thượng! Chồng con hay đi nhậu, uống rượu, ăn thịt. Con đã nhiều lần khuyên mà không có tác dụng. Vậy kính xin hỏi Hòa thượng: Có phương thuốc gì để giúp cho anh ấy bỏ thói quen xấu đó không? Mong Hòa thượng giúp cho con biết!
Đáp: Có! Phương thuốc đó chính là cô, chính cô không cứu được anh ấy thì ai cứu? Mình là người học Phật, cần phải có trí tuệ, vận dụng những phương tiện thiện xảo, khéo léo và tâm nhẫn nại mới cứu anh ấy được. Anh ấy là người đáng để cho cô thực hành hạnh độ sinh đấy.
Câu Hỏi 57: Bạch Hòa thượng! Nếu trong gia đình không ai tin Phật, thì làm sao có thể hoằng dương Phật pháp? Về sau trong nhà có hậu sự thì phải làm thế nào? Kính xin Hòa thượng chỉ dạy những việc trên cho con rõ!
Đáp: Việc lớn nhất của người Phật tử là giúp đỡ tất cả chúng sinh bằng cách hoằng truyền Phật pháp. Phật tử hãy xem mọi người là đối tượng để mình độ sinh và gieo trồng công đức, đặc biệt những người trong gia đình vì họ là những đối tượng rất khó độ. Tuy nhiên, đã là người trong gia đình thì có nhân duyên với nhau. Nếu không có duyên thì không thể trở thành người thân thích với nhau. Vì vậy, Phật tử phải khéo léo dùng những phương tiện thiện xảo để giúp đỡ họ. Điều trọng yếu là ngay bản thân mình tu học Phật pháp làm sao để khi mọi người nhìn vào thì thấy và cảm nhận được sự thanh thoát, hiền hòa ở nơi mình, khiến họ vui vẻ, ngợi khen thì xem như bạn giúp họ đến với Phật pháp rồi. Trên con đường hóa độ chúng sinh, chúng ta phải biết áp dụng "Tứ nhiếp pháp" mới có thể thành tựu. "Nhiếp" là nhiếp thọ cảm hóa chúng sinh. Đây là phương pháp rất căn bản. Người học Phật phải biết áp dụng vào đời sống của mình cho có hiệu quả, nhất là đối với người thân trong gia đình. Có như vậy, mới giúp họ được, cũng chính là chúng ta thực hành hạnh bố thí. Điều quan trọng cần phải biết là không nên phê phán, chỉ trích những lầm lỗi, mà phải biết khen ngợi, tán dương những việc tốt đẹp của họ. Khi họ cảm nhận mình tu học Phật pháp, hiếu thuận đối với cha mẹ, tôn trọng sư trưởng và các bậc tiền bối, hòa nhã với anh em, nhường nhịn người dưới, chăm lo những người tật bệnh, lúc nào bạn cũng thương yêu chan hòa với mọi người thì họ sinh lòng cảm động mà đem lòng cầu thị học Phật. Lúc này, bạn hãy đem Phật pháp ra giảng giải cho họ hiểu. Được như thế, có nghĩa là họ hoàn toàn được "độ".
Một người mới học Phật, vừa thọ Tam quy ngũ giới, khi thấy mọi người trong gia đình có sai phạm gì liền nói: "Không được! Bạn phá giới rồi, tương lai sẽ đọa địa ngục". Những người trong gia đình sẽ nhìn người ấy là oan gia đối đầu. Vì vậy, người học Phật cần phải có trí tuệ: Đối với người, nên nói và không nên nói những gì? Phải thận trọng trong lời nói, phải biết chừng mực. Một người học Phật chân chánh nếu biết vận dụng Phật pháp vào trong cuộc sống thì cả gia đình sẽ có phước thật sự. Phật tử làm thế nào để cảm hóa mọi người đây? Đó là phải biết áp dụng lời Phật dạy vào cuộc sống cho khế lý, khế cơ, khế thời thì có lợi lạc thực sự.

Câu Hỏi 58: Bạch Hòa thượng! Làm thế nào để lợi nhuận mà mình có được trong kinh doanh được hợp lý, tránh gây tạo nghiệp? Kính xin Hòa thượng chỉ dạy cho đệ tử rõ!
Đáp: Là Phật tử, chúng ta cần phải hiểu rõ vấn đề này. Không luận là chúng ta làm nghề gì nhưng lợi nhuận chúng ta làm ra nên đem cứu giúp những chúng sinh khổ nạn trên thế gian này, chỉ cần cuộc sống của mình đơn giản, nhẹ nhàng là đủ rồi. Thực tế mà nói, chúng ta sống càng đơn giản thì đời sống càng thanh thản và nhẹ nhàng. Ở Tân Gia Ba có lão cư sĩ Hứa Triết sống hơn một trăm tuổi nhưng cả đời không tật bệnh, tâm hồn rất thanh thản, hiền hòa, từ bi. Cuộc sống của bà rất thanh đạm, mỗi ngày ăn có một bữa, thức ăn lại đơn giản, không ăn các thức ăn có dầu mỡ, đường cùng các thứ hóa chất khác. Bà chỉ dùng toàn thứ rau quả tự tay bà trồng lấy. Quần áo cũng đơn giản, bà lượm đồ người ta bỏ đi về giặt sạch và mặc lại. Cư sĩ Lý Lâm Nguyên hỏi bà rằng: "Sao bà cụ không may một bộ đồ mới để mặc?" Bà nói "Tôi hằng ngày cùng sống với những người nghèo khổ, tôi mặc đồ mới thì chẳng gần gũi, giúp đỡ họ được". Đây đúng thật là bậc Bồ Tát, không phải là phàm phu.
Phàm phu thì thích hưởng thụ, tham cầu miếng ăn miếng uống để nuôi tấm thân bệnh tật này. Cư sĩ Hứa Triết một đời mạnh khỏe, sống tự tại đây là bài học giúp chúng ta thức tỉnh. Do đó, người học Phật nhất định phải rõ lý, hiểu sự. Lý sự viên dung thì sự tu học mới đúng như pháp, như lý cả khi làm việc trong đời sống hằng ngày. Hiểu và sống có tiết độ như vậy thì vô cùng tốt.

Câu Hỏi 59: Kính bạch Hòa thượng! Người xưa nói: "Tu học không nên nhìn ngó lỗi người". Sống trong một tập thể cùng tu học, nếu người bạn đồng tu của mình có sai phạm thì có nên nhắc nhở họ không? Xin Hòa thượng chỉ dạy cho đệ tử rõ!
Đáp: Đây là tình đồng đạo, lỡ ai có sai phạm thì mình nên nhắc nhở và giúp đỡ họ để cùng tiến tu. Điều quan trọng là phải có trí tuệ, khéo léo khi nói năng, nhắc nhở khuyên bảo. Và điều tốt nhất là không quá ba lần, nếu không thì dễ làm người ta khó chịu và mất tình cảm, làm thương tổn đến lòng tự ái của họ.

Câu Hỏi 60: Bạch Hòa thượng! Con có gặp một vị tuổi lớn và biết vị này tu hành mà không giữ giới luật, tạo các nghiệp xấu. Vậy thưa Hòa thượng: Có nên nói cho ông ta biết hay là nên yên lặng? Xin Hòa thượng chỉ dạy cho con rõ!
Đáp: Điều tốt nhất là Phật tử không nên để ý đến chuyện này, như vậy thì vô lượng công đức mà tâm mình được thanh tịnh. Nếu một lần mình nghĩ họ phạm giới thì chính bản thân mình phạm một lần; một lần nghĩ họ tạo nghiệp thì một lần chính mình tạo nghiệp. Họ tạo nghiệp bằng thân và khẩu còn Phật tử tạo nghiệp bằng ý. Lục tổ Huệ Năng nói rằng: "Người chân chính tu hành, không nhìn thấy lỗi thế gian". Nếu như biết áp dụng lời dạy này thì sự tu tập của Phật tử nhất định được thành tựu. Con người ta vốn vô minh, khi thấy người khác có lỗi thì đem nó chứa vào tâm mình, hủy hoại và làm chướng ngăn con đường tu tập của mình, tương lai nhất định đọa vào tam ác đạo. Tâm mình không thanh tịnh đã là một lỗi rất lớn.
/15
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây