Tịnh Độ Vấn Đáp

1. Sách Phật Học Vấn Đáp
Tác Giả: Pháp Sư Tịnh Không
Nhóm Hoa Tạng Giảng Ký cung kính ghi chép
Download .doc: Phat-Hoc-Van-Dap-HT-Tinh-Khong-Nhom-Hoa-Tang-Ghi.doc
Download .pdf: Phat-Hoc-Van-Dap-HT-Tinh-Khong-Nhom-Hoa-Tang-Ghi.pdf

2. Học Phật Vấn Đáp 2004
Tác Giả: Pháp Sư Tịnh Không
Địa điểm: Hiệp Hội Phật Đà Giáo Dục Hồng Kông
Thời gian: 30-7-2004

Chương 10: Câu hỏi 46 đến câu hỏi 50

TỊNH ĐỘ VẤN ĐÁP CỦA HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG
Câu hỏi 46 đến câu hỏi 50
Câu Hỏi 46: Trong kinh Phật nói: "Thọ mạng của con người cứ trăm năm bị giảm xuống một tuổi". Ngày nay khoa học tiến bộ, ngành y học có thể giúp con người kéo dài thêm tuổi thọ. Như vậy những lời Phật nói có chính xác không? Kính xin Hòa thượng từ bi giải thích cho con rõ!
Đáp: Là đệ tử Phật, chúng ta phải tuyệt đối tin vào lời dạy của Ngài. Tuổi thọ của con người được kéo dài là nhờ thuốc, nếu cho rằng nhờ y học con người kéo dài được mạng sống là phủ nhận định luật nhân quả rồi. Phật nói thọ mạng con người trăm năm giảm đi một tuổi là nói chung cho loài người chứ không phải riêng cho một cá nhân. Mỗi người, trong đời quá khứ gây tạo các nghiệp thiện ác không giống nhau, do đó nghiệp báo và thọ mạng cũng không giống nhau.
Phật nói: Người có sức khỏe sống lâu là người đã tu hành vô úy thí trong đời quá khứ. Chúng ta muốn có thân thể khỏe mạnh, sống lâu thì phải hiểu đạo lý này. Việc này không cần đến thuốc men. Thuốc không phải là yếu tố chính, nó chỉ trợ duyên một phần, một khoảng thời gian mà thôi. Nếu thọ mạng không lâu dài thì dù thuốc tốt bao nhiêu đi chăng nữa cũng không có kết quả gì.
Trong lịch sử Trung Quốc có những vị vua nổi tiếng như Tần Thủy Hoàng, Hán Võ Đế đều muốn kéo dài mạng sống của mình, đi khắp mọi nơi tìm thuốc trường sinh bất tử. Thế nhưng đến lúc thời vận hết rồi thì cũng chết. Cho nên, chúng ta phải hiểu hai vấn đề: nhờ trợ duyên của thuốc thì chỉ sống thêm một khoảng thời gian nào đó thôi, còn người có sức khỏe thì không liên quan gì đến thuốc men mà là do tu tập. Ở Tân Gia Ba có cư sĩ Hứa Triết, năm nay đã được 101 tuổi. Bà không uống thuốc tăng lực, cũng không ăn các thức ăn bổ gì cả, hằng ngày bà chỉ ăn cơm với rau đạm bạc. Bình thường, người ta thấy vậy, cho là không đủ chất dinh dưỡng. Nhưng tại sao bà lại sống lâu như thế? Như vậy ta mới biết rằng trong đời quá khứ, bà đã tu pháp vô úy thí. Vấn đề này trong nhà Phật mới giải thích rõ ràng.
Ở Phương Tây, dù nền y học có tiến bộ nhưng cũng chỉ chữa bớt một số bệnh, đó là những trường hợp ngoại duyên. Nhưng thực sự có hết bệnh không? Không thể hết được. Bằng chứng là hiện nay, nhiều nơi trên thế giới phát sinh ra những dịch bệnh mà y học bó tay, không tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Do đó, muốn biết thọ mạng dân số toàn cầu là bao nhiêu cứ mở cuộc điều tra sẽ biết. Bình quân thọ mạng của con người trên thế giới theo người xưa nói: "Nhân sinh thất thập cổ lai hy" (đời người sống được bảy mươi tuổi là hy hữu). Đây là thọ mạng chung của con người. Lời Phật nói rất thực tế và rõ ràng.

Câu Hỏi 47: Kính bạch Hòa thượng! Nhà Phật nói: "Công và tội không được lẫn lộn với nhau". Điều này như thế nào con chưa hiểu rõ ràng? Xin Hòa thượng giải thích cho đệ tử rõ!
Đáp: Công và tội thực sự không lẫn lộn với nhau được. Thí dụ, chúng ta trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu. Hạt giống dưa là nhân, nếu nhân này không tốt thì khi gieo xuống đất sẽ thành quả không tốt. Nhân không tốt là ví dụ cho ác. Nhân tốt là ví dụ cho thiện. Khi chúng ta gieo hạt giống dưa xuống đất, biết đó là giống không tốt, chúng ta lại gieo tiếp hạt giống đậu xuống thì những hạt giống dưa kia có biến thành đậu hết không? Không thể được! Trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu. Rõ ràng công và tội không lẫn lộn được. Không phải chúng ta gieo đậu xuống nhiều thì dưa không có quả, từng loại đều có quả riêng.
Từ vô thỉ đến nay, chúng ta đã gieo trồng những nhân thiện - ác. Những hạt giống này tuyệt đối không mất và lẫn lộn với nhau được. Từ nhân đi đến quả đều có duyên, cho nên Phật nói duyên sinh là như vậy. Nhân ác chúng ta tạo quá nhiều thì chúng ta bị quả ác. Nếu muốn dứt sạch các nhân ác - thì giống như hạt dưa - ta không tạo duyên cho nó phát sinh bằng cách đem hạt giống đó bỏ vào trong bình đậy lại, không cho tiếp xúc với đất, nước, không khí. Trải qua một trăm năm cũng không bao giờ trổ quả vì không có duyên làm cho nó phát sinh. Nếu như Phật tử đem hạt giống ấy gieo xuống đất, có đầy đủ các yếu tố như nước, ánh sáng... thì nó sinh trưởng rất tốt. Do đó, chúng ta muốn thành tựu các điều thiện thì phải gieo nhân và duyên thiện, muốn đoạn trừ các điều ác thì phải đoạn trừ nhân và duyên ác, không cho hạt giống ác trổ quả.

Câu Hỏi 48: Bạch Hòa thượng! Con nhìn các pháp thế gian trôi qua như mây khói, chỉ mong cuộc sống có việc làm và thu nhập ổn định là yên tâm rồi, ngoài ra không có mong cầu gì cao xa cả. Vậy xin hỏi Hòa thượng: Cách suy nghĩ như vậy có đúng không? Hòa thượng từ bi chỉ dạy cho con rõ!
Đáp: Suy nghĩ của Phật tử vô cùng chính xác.  Người chân chánh học Phật phải giác ngộ ở chỗ này. Đời người chỉ cần có cơm ăn áo mặc là đủ rồi, tại sao lúc nào cũng thấy mình thiếu thốn, đau khổ? Lúc trước, chúng tôi có dịp đến Nam Dương thấy người dân ở Mã Lai làm một ngày nghỉ hai ngày, làm một ngày đủ ăn ba ngày, nghỉ ba ngày lại đi làm tiếp, chúng tôi thấy cuộc sống của họ an nhàn và hạnh phúc vô cùng. Quý vị nghĩ xem: Có người cả đời làm ăn, tích chứa vô số của cải nhưng đến khi chết thì buông tay trắng, không có một ngày được tận hưởng hạnh phúc và thành quả của mình làm ra. Quý vị thấy có uổng thay cho họ không? Không biết sau này ai sẽ dùng số tài sản đó, cho nên chúng tôi nghĩ dân tộc Mã Lai thật thông minh. Vì vậy, tôi nói với một số Phật tử rằng: Các vị hãy tích cực làm việc một năm, rồi nghỉ hai năm, dành thời gian hai năm này học Phật pháp là điều vô cùng lợi ích. Cách làm này rất hay, người thông minh nên áp dụng nó: quyết tâm làm việc, khi xong thì buông bỏ xuống, nỗ lực tu hành trong vòng hai năm, nhất định sẽ được nhiều kết quả hạnh phúc an lạc.
Câu Hỏi 49: Kính bạch Hòa thượng! Sau khi xem xong cuốn Vãng Sinh Luận, con không muốn quan hệ giao tiếp với những người bên ngoài và cả những người trong gia đình, chỉ muốn ở nhà tịnh tu niệm Phật. Vậy xin hỏi Hòa thượng như vậy có phải cố chấp không? Vì không làm việc giáo hóa chúng sinh. Kính mong Hòa thượng chỉ dạy cho con rõ!
Đáp: Người bước đầu học Phật điều tốt nhất là cần phải chấp trước. Bởi vì muốn cho công phu tu tập được thành tựu thì điều quan trọng là phải chấp vào sự tu trì. Nhà nho có nói: "Chọn thiện cố chấp". Do đó, người sơ học Phật cần phải cố chấp. Còn việc hóa độ chúng sinh thì khi nào? Đó là khi nào mình tu tập đủ định lực, không bị ảnh hưởng, bị mê hoặc bởi các cảnh duyên bên ngoài. Nếu khi tiếp duyên, xúc cảnh mà bị hấp dẫn bởi ngũ dục, lục trần, tâm niệm loạn động thì lúc đó mình tùy thuận tạo nghiệp chứ không phải hóa độ chúng sinh. Từ xưa đến nay những chuyện như vậy xảy ra không phải là ít.
Lúc còn trẻ, khi vào trường học, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam hạn chế tối đa việc giao tiếp của chúng tôi. Cho đến khi chúng tôi 40 tuổi, Ngài cũng không cho phép chúng tôi đi ra ngoài giảng kinh. Thời gian trước 40 tuổi, chúng tôi cũng có đi giảng nhưng chỉ là những đạo tràng ở Đài Trung. Còn ngoài thời gian học, chúng tôi vào thư viện ở Đài Trung để ôn luyện. Ngài sợ chúng tôi ra ngoài, không làm chủ được chính mình, bị các duyên trần làm mê hoặc rồi bị đọa lạc. Đây là một vị thầy, một thiện tri thức hết lòng quan tâm đến đệ tử. Chúng ta cần phải rõ đạo lý này: Tự mình luôn nhắc nhở với chính mình, xem lại mình như thế nào? Những điều trong giới luật phải giữ lấy. Chấp như vậy là việc tốt.

Câu Hỏi 50: Bạch Hòa thượng! Đệ tử đi chùa lễ Phật nhưng trong nhà có một người không chịu làm theo mà lại có ý kiến. Vậy xin hỏi Hòa thượng: Con nên yên lặng hay nói cho họ biết? Mong Hòa thượng chỉ dạy cho con rõ!
Đáp: Nếu như Phật tử có năng lực thì có thể giải thích cho anh ta hiểu. Còn nếu không, thì nên im lặng đợi nhân duyên, không nên tranh luận với họ. Bởi vì người ta chưa hiểu chân tướng của sự việc thì không nên tranh luận. Ở Tân Gia Ba, các cha bên Thiên chúa giáo cho phép các tín đồ của mình qua tụng kinh Phật là vì họ hoàn toàn hiểu Phật pháp, nên có một sự dung hòa rất tốt.
/15
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây