Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 37: Quyển 13 - Thiên thứ 6: Kính Phật - Thứ ba: Phần Quán Phật

Thứ ba: PHẦN QUÁN PHẬT

Trộm nghe:

Pháp vương pháp lực, Đạo cứu vô biên; đại từ đại bi, tiếng cao tột đỉnh. Tuỳ cơ mưa khắp, mát rượi mây lành; bình đẳng xét xem, sáng soi gương báu. Bởi thế, kim thân giáng hạ, khiến tinh tú giấu vẻ lu mờ; bạch nguyệt tỏa đầy, bắt hừng đông xếp sắc nhạt nhẽo. Bát âm vừa trổi, ngoại đạo bỏ chạy tan hoang; thất biện mới dương, ác quỷ dẹp cờ cuốn gói. Mới biết, thần uy vọng trọng, lợi ích sâu xa; hoan hỷ thấy nghe, thật là khó gặp. Khuyên các hành giả, quán Phật thường xuyên. Tâm niệm pháp thân, tựa hồ trước mắt; nghi dung tưởng nhớ, gang tấc cận kề. Pháp thân vốn chẳng có hai; thành ba, tuỳ duyên ứng hiện. Cơ mầu hóa độ, biến hóa rất nhiều.

Nay sẽ trích dẫn các kinh, sau đó, thuật lại những chuyện linh ứng. Vô số những điều chưa nói hết, hẳn trong chờ các bậc cao minh.

Lại nữa, kinh Quán-Phật-Tam-muội nói: “Vào vô lượng kiếp xa xưa, có đức Phật xuất thế, hiệu là Bảo Uy Đức Thượng Vương. Bấy giờ, có Tỳ-kheo cùng chín đệ tử đi đến bảo tháp lễ bái tượng Phật. Thấy bảo tượng trang nghiêm hiển hách, thật đáng quan chiêm. Đảnh lễ xong, quan sát thật kỹ và độc kệ tán thán. Về sau, khi mệnh chung, đều được hóa sinh ngồi kết gìa phu tọa trên đóa hoa sen xanh rất lớn ở quốc độ của đức Phật Bảo Uy Đức Thượng vương tại phương Đông. Từ đó, thường được gặp gỡ chư Phật. nhờ thế, tịnh tu Phạm hạnh, chứng

được phép niệm Phật Tam-muội hải. Xong xuôi, được chư Phật thọ ký và tất cả đều thành Phật khắp mười phương. Tỳ-kheo giáo thọ ấy chính là đức Phật Thiện Uy Đức ở phương Đông, chín đệ tử còn lại là 9 đức Phật ở 9 phương. Ấy là các đức Phật Vô Ưu Đức ở phương Đông nam, Chiên Đàn Đức ở phương Nam, Bảo Thi ở phương Tây nam, Vô Lượng Minh ở phương Tây, Hoa Đức ở phương Tây bắc, Tướng Đức ở phương Bắc, Tam Thừa Hạnh ở phương Đông bắc, Quảng Chúng Đức ở phương trên và Minh Đức ở phía dưới. Tất cả mười đức Phật này đều do qúa khứ đã lễ Phật xem tượng, đọc kệ tán thán, nên nay đều thành Phật ở khắp mười phương.”

Lại nữa, kinh Quán-Phật-Tam-muội nói: “Vào vô lượng kiếp xa xưa, có đức Phật xuất thế, hiệu là Không Vương. Sau khi nhập diệt, có bốn Tỳ-kheo cùng nhau học tập Phật pháp. Do phiền não che lòng, không giữ vững Chánh pháp, đã tạo nhiều ác nghiệp, chắc chắn sẽ bị đọa vào Đường ác. Giữa không trung có tiếng bảo các Tỳ-kheo: “Đức Phật Không Vương đã nhập Niết-bàn, tội lổi của các ngươi không còn ai cứu vớt nổi. Nay các ngươi nên vào bảo tháp quan chiêm bảo tượng, thì cũng như đức Phật còn tại thế, chẳng khác chút gì.” Nghe xong, các Tỳ-kheo vào tháp cung chiêm tướng sợi mày bạc tốt đẹp của đức Phật, suy nghĩ và bảo rằng: “Sắc thân sáng láng của đức Phật hồi còn tại thế, sánh với tượng này, nào khác chút gì! Cầu xin tướng tốt của đức Phật trừ khử dùm tội lổi cho chúng tôi.” Nói xong, như núi Thái sơn đổ xuống, liền dập đầu hành lễ, sám hối mọi tội lổi. Do duyên lành ấy, về sau, suốt tám mươi ức vô số kiếp, không đọa vào Đường ác. Đời đời thường gặp được chư Phật mười phương. Nhờ thế, thọ trì được phép niệm PhậtTam-muội sâu xa. Xong xuôi, được chư Phật mười phương hiện ra thọ ký. Đến nay, tất cả đều thành Phật. Phương Đông có nước tên Diệu Hỷ, đức Phật hiệu là A-súc, chính là vị Tỳ-kheo thứ nhất. Phương Nam có nước tên Hoan Hỷ, đức Phật hiệu là Bảo Tướng, chính là vị Tỳ-kheo thứ hai. Phương Tây có nước tên Cực Lạc, đức Phật hiệu là Vô Lượng, chính là vị Tỳ-kheo thứ ba. Phương Bắc có nước tên Liên Hoa Trang Nghiêm, đức Phật hiệu là Diệu Thanh, chính là vị Tỳ-kheo thứ tư. Từ nhân duyên này, hành giả cần phải thường xuyên quan chiêm đức Phật như thế.”

Lại nữa, kinh Ca-diếp nói: “Vào vô lượng kiếp xa xưa, có đức Phật xuất thế, hiệu là Quang Minh. Sau khi nhập Niết-bàn, có một vị Bồ-tát tên là Đại Tinh Tiến, tuổi vừa mười sáu, thuộc dòng dõi Bà-lamôn, đoan chính vô song. Có một Tỳ-kheo vẽ tượng đức Phật trên tấm vải trắng rồi đem đến chổ Bồ-tát Đại Tinh Tiến. Thấy tượng, Bồ-tát hết sức vui mừng, bảo rằng: “Hình tượng đức Phật đẹp đẽ đến thế, huống gì chân thân của ngài! Nguyện cầu mai sau tôi cũng sẽ thành tựu được thân tướng tốt đẹp như thế.” Nói xong, bèn suy nghĩ rằng: “Nếu ta vẫn ở nhà, làm sao có được thân tướng này?” Liền bẩm với cha mẹ, năn nỉ cầu xin xuất gia. Cha mẹ đáp rằng: “Chúng ta nay đã già yếu, chỉ có một mình con. Nếu con xuất gia, cha mẹ sẽ chết mất!” Đại Tinh Tiến bạch cha mẹ: “Nếu cha mẹ không chấp thuận, từ hôm nay, con sẽ không ăn uống, không ngủ ngơi và cũng chẳng nói năng!” Dứt lời, bỏ ăn một ngày. Đến sáu ngày, cha mẹ, bạn bè và tám vạn bốn nghìn thể nữ đều khóc lóc, đảnh lễ Đại Tinh Tiến, đồng ý cho xuất gia. Được phép, Đại Tinh Tiến mang tượng lên núi, lấy cỏ làm tọa cụ, ngồi kết già trước bức tượng vẽ, nhất tâm chiêm quan, chẳng khác đức Phật thật. Tượng Phật vốn chẳng có tri giác. Tất cả các pháp cũng đều như thế, vô tướng, lìa tướng, thể hình tịnh lặng. Quán tưởng như thế suốt một ngày đêm, liền thành tựu phép Ngũ thông, đầy đủ vô lượng. Chứng được phép Biện tài vô ngại và phép Tam-muội phổ quang, đầy đủ trọn vẹn. Dùng thiên nhãn thanh tịnh thấy được vô số chư Phật ở phương Đông. Dùng thiên nhĩ thanh tịnh nghe được hết thảy lời chư Phật thuyết pháp. Suốt sáu tháng ròng rã lấy trí tuệ làm thức ăn. Tất cả chư Thiên đều đến rải hoa cúng dường. Đại Tinh Tiến bèn xuống núi, vào trong thôn xóm thuyết pháp cho mọi người. Hai vạn chúng sanh phát tâm Bồ-đề. Vô lượng vô số chúng sinh thành tựu công đức Thanh văn Duyên giác. Cha mẹ và thân quyến đều an trụ ở cảnh giới Vô thượng Bồ-đề không thối chuyển. Đức Phật bảo Ca-diếp: “Đại Tinh Tiến ngày xưa ấy chính là ta hôm nay. Do nhân duyên quán tượng mà nay được thành Phật. Nếu có người học phép quán tượng như thế, mai sau cũng sẽ thành tựu Đạo Vô thượng.”

NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG:

Từ khi Phật pháp truyền sang dưới thời Đông Hán, giáo lý du nhập ở cõi Nam Ngô. Tượng Phật hiển linh, dẫy đầy Trung Quốc. Các bộ lục ghi chép có không, tuy chẳng giống nhau, nhưng xét về mặt linh tích, cũng chẳng có gì khác biệt. Nay hãy tuần tự kê biên, ít dựa theo thời đại. Vì đôi khi linh tượng có từ đời nhà Tấn, nhưng các lục ghi chép vào thời Tùy Đường. Đôi khi tượng được nắn tạo do người, nhưng lại rất hiển linh u ẩn. Thế nên, không thể lựa chọn theo thứ tự trong lục để biên tập lại. Sau đây, trích dẫn mười lăm nhân duyên cảm ứng:

1/ Tượng vẽ đức Phật Thích-ca ở Lạc dương dưới thời Đông Hán. 2/ Kim tượng phát hiện ở Kiến nghiệp thuộc đất Nam Ngô. 3/ Tượng đá nổi trên sông ở Ngô quận vào thời Đông Tấn. 4/ Kim tượng ở Thái sơn của Thất quốc dưới đời Tây Tấn. 5/ Kim tượng phát hiện ở bến sông tại Dương đô vào thời Đông Tấn. 6/ Kim tượng rong chơi trên núi ở Tương dương vào thời Đông Tấn. 7/ Kim tượng từ xa đi đến Kinh châu vào thời Đông Tấn. 8/ Kim tượng đổ mồ hôi ở Ngô Hưng vào thời Đông Tấn. 9/ Tượng tạc bằng gỗ tỏa mùi hương ở Cối kê thời Đông Ngô. 10/ Đúc kim tượng ở Ngô quận vào thời Đông Tấn. 11/ Kim tượng phát hiện ở cửa nhỏ phía Đông vào thời Đông Tấn. 12/ Kim tượng Văn-thù ở Lô sơn vào thời Đông Tấn. 13/ Ca sa xuất hiện ở Núi tượng đá tại Lương châu vào đời Nguyên Ngụy. 14/ Tạo tượng ở bờ Tây nam tại Hà nam vào đời Bắc Lương. 15/ Điềm lạ xuất hiện ở tượng bằng đá của chúa Tây hà vào đời Bắc Lương.

2/ Chuyện linh ứng này chép theo sách Minh-tường-ký của Vương Diễm đời Nam Tề, nội dung có thuật lại trong quyển 12, phần Nhân duyên cảm ứng.

3/ Đời Ngô, bắt gặp một pho tượng bằng kim khí trên mặt đất phía sau hoa viên. Hỏi nguồn gốc, thì do vua A-dục đúc để trấn ở bờ sông vào đầu thời Tây Châu. Làm sao biết được điều này? Bởi vì qua các đời Tần, Hán và Ngụy, Phật pháp chưa du nhập xuống phương Nam, lẽ nào có tượng được chôn dưới đất? Tôn Hạo thu giữ, nhưng không có đức tin, nên không tôn kính, đem đặt vào nhà xí, bắt cầm màn che. Đến ngày mồng tám tháng tư, Hạo nói đùa: Hôm nay ngày mồng tám là ngày tắm Phật.” Rồi tiểu tiện lên đầu. Âm vật lập tức sưng lên rất lớn. Đau đớn kêu rên, không thể chịu nổi. Thái sử bói rằng: “Bệnh gây ra do xúc phạm thần Thánh lớn.”Hạo bèn cho khấn vái khắp các thần thánh, nhưng không có hiệu quả. Có thị nữ trong cung, vốn sùng mộ Phật pháp, tâu rằng: “Đức Phật là bậc thần nhân lớn lao. Trước đây, bệ hạ làm ô uế ngài, nay nên cầu khấn gấp.” Hạo nghe lời, dập mình trên gối xin quy y, sám hối rất thành khẩn. Giây lát liền bớt đau, bèn cho xe đi rước Sa-môn Khang Tăng Hội vào cung, dùng nước thơm ấm áp tẩy rửa tượng, tỏ vẻ ăn năn xấu hổ và làm nhiều công đức ở chùa Kiến Nghiệp. Âm vật từ từ hết đau nhức.

4/ Chuyện linh ứng này có thuật lại trong quyển mười hai, phần Nhân duyên cảm ứng.

5/ Chùa Lãng công trong hang Kim dư tại Thái sơn vào thời Đông Tấn. Ngày xưa, Trung nguyên gặp loạn, Tấn Hoài đế băng hà, có vị Sa-môn tên Thích Tăng Lãng ở chổ núi non, thường có mây phủ. Người đời cho là điềm lạ. Danh tiếng truyền tụng đi xa, thiên hạ đều biết. Bấy giờ, giang sơn đang hồi vô chủ, anh hùng giong ruổi nuôi chí bá vương. Tông miếu của bảy nước đều được giao phó cho Sa-môn phụng thờ cầu phúc. Các nước tranh nhau cúng dường kim tượng và bảo vật. Sa-môn dốc lòng thờ phụng hộ trì. Thường hiện ra nhiều điềm linh ứng. Ngày nay, cửa Cư nhất đường thường mở rộng, chim chóc không tụ tập lại gần, ô uế không vấy. Xa gần đều tắm tắc cho là chuyện lạ lùng. Đến giờ, chùa ấy đã trải qua ngót ba trăm năm mươi năm.

6/ Giữa niên hiệu Hàm Hòa đời vua Thành đế nhà Đông Tấn, lệnh doãn Đan dương là Cao Khôi thường đi lại chốn kinh thành, thấy hào quang hay xuất hiện ở bến cầu Trương hầu, bèn sai thuộc hạ tìm kiếm, gặp được một pho tượng bằng kim khí đúc theo kiểu Ấn Độ xưa. Vòng hào quang và tòa sen đều mất. Cao Khôi xuống xe nhường chổ, chở tượng về. Đến đầu ngõ Trường can, trâu không chịu đi tiếp. Khôi bảo người đánh xe nghỉ tay, để mặc trâu kéo đi. Trâu bèn kéo thẳng đến chùa Trường can. Bởi thế, đem tượng tôn trí luôn trong đó. Dân chúng ở Dương đô ùn ùn tin theo rất đông. Vào nửa đêm, bỗng nhiên tượng phóng hào quang rực rở sắc vàng. Hơn một năm sau, ngư dân Trương Tôn Thế ở huyện Lâm hải thấy tòa sen bằng đồng trôi trên mặt biển, phát ánh sáng đỏ chói, liền giong thuyền vớt về, dâng lên triều đình. Nhà vua sai đem ráp thử vào đế tượng, thật khít khao vừa vặn. Ít lâu sau, có năm vị Sa-môn người Tây Vức chống tích trượng đến bảo Cao Khôi rằng: “Trước đây, sang thăm Thiên Trúc, gặp được tượng của vua A-dục, liền thỉnh về. Đến Nghiệp quận bị loạn lạc, phải đem giấu ở bờ sông. Ngày nay thanh bình, đường sá thông suốt, đến tìm lại thì đã mất dấu. Mới đây nằm mộng, nghe nói rằng ta đã đến Giang đông, do Cao Khôi tìm được, hiện ở tại chùa A-dục vương. Vì thế, bần Tăng mới lặn lội xa xôi đến đây, xin được chiêm bái.” Cao Khôi dẫn đến chùa, năm vị Sa-môn vừa thấy tượng, đều sụt sùi rơi lệ. Cảm xúc, tượng phóng hào quang chiếu diệu khắp cả điện đường. Khi đi vòng quanh, các vị Sa-môn bảo: “Tượng vốn có vòng hào quang. Nay đang ở xa, rồi cũng sẽ tìm đến!”Các vị Sa-môn bèn ở lại phụng thờ. Đến năm Hàm Hòa nguyên niên, Đổng tông Chi, người Hợp phố thuộc Giao châu ở Nam hải, làm nghề lặn ngọc trai, thường thấy ánh sáng dưới đáy biển chiếu lên mặt nước. Lần theo dấu, tìm được vòng hào quang, bèn đem tâu lên. Giản Văn đế truyền đem ráp vào tượng, lổ hổng vừa vặn, màu sắc không khác. Tổng cộng bốn mươi năm xa lìa hai chổ, hào quang và tòa sen mới được họp lại. Trên tòa sen có chữ Tây Vức. Trong Đạo ngoài đời đến tham quan, phần đông đều không đọc được. Pháp sư tinh thông Tây tạng Cầu-na-bạt-ma bảo rằng: “Đây là Phạm văn cổ, nói tượng do công chúa thứ tư của vua A-dục đúc nên.”

Bấy giờ, Sa-môn Tuệ Thúy ở chùa Ngõa quan muốn xin rập khuôn. Trụ trì sợ làm hỏng sắc vàng, bảo rằng: “Nếu có thể làm cho tượng phóng hào quang và quay mặt về phía Tây, thì ta sẽ xin nhượng bộ!” Tuệ Thúy thành tâm cầu nguyện. Đến nửa đêm, nghe có tiếng động lạ thường. Mở cửa ra xem, tượng phóng hào quang to lớn và ngoảnh mặt về phía Tây. Nhân thế, trụ trì hoan hỷ cho rập khuôn, sao lại mấy chục pho tượng đem lưu hành.

Đến đời Lương Vũ đế lại tạo thêm bảy nhạc công Trời và hai vị Bồ-tát trên vòng hào quang. Năm Vĩnh Bình thứ hai đời Trần, Vương Lâm đóng quân ở bến sông, sửa sọan tấn công Kim lăng. Vũ đế sai tướng cầm quân tiến ngược lên. Khi ra quân, thân tượng lau động không ngừng. Vì thế, phải đem tâu lên. Nhà vua kiểm tra lại, quả đúng thật. Chẳng bao lâu, chưa kịp giao chiến, quân của Vương Lâm đã tan rã. Vương Lâm phải bỏ chạy một mình. Miền trên nhờ thế được yên, nên tượng mới chuyển động báo hiệu. Giữa niên hiệu Thiên gia, miền Đông nam nổi loạn. Nhà vua đến trước tượng cầu nguyện bọn giặc rút lui. Vừa khấn xong, hào quang chiếu diệu mái thềm. Chẳng bao lâu, vùng Mân Việt ở Đông dương đều yên.

Sa-môn Tuệ Hiểu là sư trưởng chùa Trường Can, hành hóa đến đâu đều thuận lợi như gió đưa dùm, bèn xây dựng lầu gác, tô vẽ tuyệt vời, lên cao chót vót. Đầu niên hiệu Chí Đức, lại tạo thêm bệ vuông cho tượng. Từ đời Tấn đến đời Trần, vương hầu của thời Ngũ Đại đều đến quy y. Mỗi lần gặp hạn hán, lại rước tượng vào cung bằng xe ngự, trên phủ thêm rèm. Tượng làm giúp mưa, nửa đường chan chứ, thường chẳng sai chạy. Đôi khi báo hiệu điềm xấu, còn nhanh hơn lời đồng dao loan truyền.

Niên hiệu Trinh Minh thứ hai, tượng bỗng quay mặt về phía Tây, dù đã xoay lại, vẫn y như cũ, phải đem tâu lên. Nhà vua rước tượng vào điện Thái cực, bày trái lễ cầu nguyện. Trước đây, tượng có bốn mũ dát thất bảo, nặng chừng ba hộc, trên phủ thêm mũ gấm. Bỗng nhiên đến sáng hôm sau, mũ quý rơi mắc vào tay tượng, nhưng mũ gấm vẫn ở trên đầu. Nhà vua nghe tin, thắp hương cầu nguyện: “Nếu nước nhà có chuyện chẳng lành, xin lại lột mũ để báo điềm xấu.” Rồi lại đội mũ quý lên đầu. Sáng mai, mũ quý lại lột xuống trong tay như trước. Vua tôi đều thất sắc. Khi nhà Tuỳ diệt nhà Trần, cả nước đều để đầu trần, trói tay, chĩu đi đày về phương Tây, như trước đây tượng đã báo hiệu. Vua Cao tổ nhà Tuỳ nghe đến uy danh, cho rước tượng về thờ phụng trong đại nội. Nhà vua thân hành đứng hầu và ban sắc rằng: “Trẫm tuổi cao, không thể đứng lâu. Đình thần nên đúc tượng ngồi, sắc tướng thật giống. Đem tôn trí tượng đứng vào chùa Hưng Thiện.” Khi mới rước về đại điện, tượng lớn không thể an vị ngảnh về phía Nam, nên phải xoay về phía Bắc. Đến sáng, tượng đã tự xoay mặt về phía Nam! Mọi người đều kinh hãi, nhưng vẫn dời thử về phía Bắc. Sáng mai, tượng lại tự xoay mặt về phía Nam! Bấy giờ, tất cả đều sám hối lổi lầm. Hiện nay rất thịnh hành lối vẽ lại tượng này trên tranh.

6/ Sa-môn Thích Đạo An ở Chùa Đàn khê tại Tương dương là bậc đức lớn chói ngờitám thước, bằng đồng vàng tại tịnh xá Quách tây vào ngày mồng tám tháng tám năm Hiếu khang thứ ba thời Đông Tấn. Cuối mùa Đông năm sau, cộng tác chỉnh trang thành tựu viên mãn. Trấn quân tướng quân Khích Khôi Chi, thứ sử Ung Châu, mới đến Tương Châu nhậm chức, nhiệt thành tán thán Phật sự. Ban đêm, tượng ấy đi ngao du muôn ngàn non nước ở phương Tây, để lại dấu tích ăn sâu vào đá. Đạo đời tại địa phương đều kéo xem, sững sốt kinh ngạc, cùng rước về chùa thờ phụng. Đến đêm hôm đó, tượng lại ra đứng ở cửa chùa. Mọi người hết sức bàng hoàng. Thứ sử bèn đổi tên thành chùa Kim tượng.

Vào ngày mồng tám tháng Tư năm Phổ Thông thứ ba đời Lương, nhà vua sai đúc tòa sen bằng đồng vàng cao năm thước chín tấc, rộng chín thước tám tấc tại vườn Kiến hưng. Xong xuôi, chở lên ráp vào đế tượng và lập bia ca tụng công đức. Lưu Hiếu Nghĩa soạn văn, Tiêu Tử Vân viết chữ. Thiên hạ khen là tuyệt tác. Đến nay bia vẫn còn.

Qua đời Châu, Vũ đế ra lệnh tiêu diệt Phật pháp. Năm giáp ngọ, niên hiệu Kiến đức thứ ba, Thái nguyên công Vương Bỉnh làm thứ sử Tương châu, thượng tướng phó trấn Trưởng Tôn Triết, người Khai phu, không có đức tin, nghe tượng linh ứng, muốn ra tay phá hoại trước tiên. Tín đồ và Tăng ni ở địa phương bị bắt hoàn tục, nghe tin kêu khóc đầy đường. Triết thấy thế, càng thêm giận dữ, ra lệnh thuộc hạ mau mau tiêu hủy. Lần đầu, sai một trăm người lấy dây luộc cột vào cổ tượng kéo lôi, không nhúc nhích. Triết cho là không muốn thi hành, đánh bọn đốc công, mỗi người một trăm hèo. Tiếp tục kéo lôi, cũng bất động như trước. Liền Tăng lên ba trăm người, cũng bất động như trước. Triết càng thêm giận dữ, lại Tăng lên năm trăm người xúm lại kéo lôi, tượng mới ngã nhào. Tiếng ầm rung chuyển mặt đất. Mọi người đều rúng động.

Chỉ một mình Triết nhảy nhót vui mừng! Lập tức ra lệnh nấu chảy và la lớn: “Khoái thật! Khoái thật!” rồi quất ngựa phi báo cho thứ sử. Được khoảng một trăm bước, Triết bỗng nhiên té nhào, cứng họng trợn mắt, tay chân cứng đơ, đến đem thì tắt thở. Trong Đạo ngoài đời đồng thanh reo hò “Khoái thật!” càng dữ. Khi Triết đang phá tượng, áo dưới nách lật lên, lộ hàng chữ khắc rằng: “Ngày mồng 1 tháng… năm giáp ngọ, nhằm niên hiệu Thái khang nguyên niên. Tỳ kheo Đạo An đúc pho tượng cao một trượng tám thước tại Tinh xá Quách tây ở Tương dương. Tượng này trải qua ba vòng giáp tý một trăm tám mươi năm, sẽ bị tiêu hủy.” Tính lại ngày tháng đúc thành và nấu chảy đều linh nghiệm không sai. Mới biết ngài Đạo An là bậc Thánh sư không tiên đóan sai lầm. Nay chùa gốc tôn trí tượng đổi thành chùa Khải pháp. Chổ tượng ngã xuống, thợ đá đục lõm vào làm dấu tích, hiện vẫn còn.

Lại nữa, cuối đời Tuỳ, đất nước tan rã, mỗi địa phương đều nổi lên cố thủ. Quan lưu thú Tương dương là Đậu Lô Bao chiếm cứ địa phương, chịu lệ thuộc vào Vương Thế Sung. Đại sư Hiến ở chùa Khải pháp được nhân sĩ và dân chúng trọng vọng, mấy lần khuyên can họ Đậu nên quy phụ nước Đường. Họ Đậu không chịu nghe theo. Đại sư cùng mọi người âm thầm liên lạc. Kinh binh liền đưa binh đến Tương dương. Họ Đậu ra sức chống cự. Ba lần ra quân đều không thắng nổi. Sau đó, họ Đậu biết chuyện nội ứng, bèn ám sát đại sư. Khi lâm chung, đại sư bảo đệ tử Tô Phú Lâu rằng: “Ta và cha con từng chứng kiến cảnh pho tượng của pháp sư Đạo An bị tiêu hủy. Từ đó đến nay, chưa đức lại được. Sau khi ta mất, con nên theo kiểu đúc lại.” Đến năm Vũ Đức thứ tư, quan quân vay thành rất gấp, họ Đậu phải đầu hàng. Bấy giờ ân hận đã không nghe lời đại sư, giết oan quá tàn nhẫn. Đại sư có công với nước, nhưng chẳng có ai trần tình. Thành trì bình định xong, Phú Lâu hoàn tục, thâu thập hết của cải của đại sư. Vốn có lòng tạo tượng, không biết lấy kiểu vào đâu, nhưng vừa đúc là thành, không chút sai sót. Khi đang đổ khuôn, Trời làm mây mù, mưa rơi như hoa mận bay khắp chùa. Phú Lâu khôn ngoan, trở nên giàu có đúc thêm pho tượng Di-lặc cao hơn một trượng tôn trí trong nhà. Sau đó, mơ thấy đại sư bảo đúc thêm một pho tượng Phật nữa, liền đúc một pho lớn hơn cao năm mươi chín thước, đem tôn trí ở chùa Phạm Vân.

Ngày trước, vào đầu đời Tùy, Tần Hiếu vương Tuấn từng đến trấn thủ Tương Châu, nghe đồn kiểu cách pho tượng cũ của pháp sư Đạo An rất kỳ vĩ, liền sai vẽ hình và đúc lại ở chùa Diêm hưng tại Trường An. Đêm mới đổ khuôn cũng có mưa hoa và nhạc Trời. Tượng rất linh hiển, nay vẫn còn ở chùa ấy.

7/ Đêm mồng tám tháng hai năm đinh mùi, nhằm niên hiệu Vĩnh Hòa thứ sáu* đời vua Mục đế nhà Đông Tấn, có một tượng Phật xuất hiện tại phía Bắc thành Kinh Châu. Cao bảy thước năm tấc, gồm luôn hào quang và tòa sen, cao đến một trượng một thước. Chẳng ai biết từ đâu đến. Năm trước, có thượng khách người Quảng châu xuống hàng gần xong, nhưng thuyền vẫn nổi. Nữa đêm, phát giác có người nhảy lên thuyền. Giật mình, cùng nhau đổ xô tìm kiếm, rốt cuộc chẳng thấy ai. Tuy nhiên, thuyền hóa nặng khẳm, không thể chở thêm. Dù sửng sốt vì chuyện dị kỳ, nhưng cũng chẳng hiểu vì sao. Thuyền nhổ neo đi rất nhanh, thường dẫn đầu các thuyền khác, chẳng bao lâu đã đến bến Cung. Thuyền vừa ghé bến, đến đêm lại phát hiện có người bước lên bờ, thuyền nổi nhẹ như cũ. Kịp khi nghe tượng xuất hiện, mới hiểu ra manh mối. Bấy giờ, đại tư mã Hoàn Ôn đang trấn thủ đất Tây Thiểm, thân hành đến dập đầu hành lễ, gây xôn xao khắp địa phương. Tăng chúng các chùa đổ xô giành nhau khiêng rước, tượng kêu leng keng, không nhúc nhích.

Năm trước, niên hiệu Vĩnh Hòa thứ hai, thái thú Trường Sa là Đằng Tuấn (có sách chép Đằng Xá), người Giang lăng, biến phủ đệ thành chùa, lấy tên quận đặt biển làm tên chùa. Nhờ pháp sư Đạo An ở Tương châu cai quản và phân phối một viên giám tự. Ngài Đạo An bảo đệ tử Đàm Dực rằng: “Nhân sĩ và dân chúng vùng Kinh Sở đã muốn quy y Phật pháp. Hoàn thành Phật sự ấy, còn ai hơn ngươi? Ngươi nên đi thôi!” Đàm Dực vâng lời dạy, vác tích trượng về Nam hành hóa. Xây dựng một năm, chùa chiền đã xong, nhưng tượng chưa có, thường bay than thở: “Tượng của vua A-dục tùy duyên lưu hóa khắp nơi. Chỉ cần thành tâm không dứt, lo gì chẳng có ngày giáng hạ?” Khi nghe tượng đến Kinh châu, cảm xúc ngập lòng, thốt lên: “Tượng này vốn là tâm nguyện của ta, nay đã về tới Trường Sa! Đương nhiên chỉ do tâm cầu, khó bởi sức đạt!” Đại chúng đều thưa: “Đúng như lời dạy. Linh nghiệm nào có xá gì!” Đàm Dực đến thắp nhang lễ bái thỉnh cầu, sai đệ tử 3 người xúm lại bưng lên nhẹ nhàng, liền rước về chùa. Đại chúng đều hoan hỷ chúc mừng.

Đến niên hiệu Hàm An năm thứ hai đời vua Tấn Giản văn mới đúc tòa sen. Giữa niên hiệu Thái nguyên đời vua Tấn Hiếu vũ, Ân Trọng Kham làm thứ sử. Nữa đêm, tượng đi ra khỏi cửa Tây chùa. Lính tuần phòng cho là người, hỏi không trả lời, bèn lấy dao đâm. Nghe lẻng kẻng, nhìn lại, mới biết là tượng! Vết đâm vào bụng in rõ bên ngoài.

Sa-môn Nan-đà, người Kế-tân, học vấn uyên thâm, đi từ Tây Thục đến Kinh châu, vào chùa chiêm bái tượng rồi thở than hoài. Đàm Dực hỏi lý do, đáp rằng: “Gần đây bên Thiên-trúc mất pho tượng này. Không biết tại sao lại xuất hiện ở đây?” Tính lại ngày tháng thì đều đúng khớp. Xem Phạm văn khắc sau tòa sen, ghi rằng do vua A-dục đúc nên. Nghe đọc xong, đại chúng càng thêm kính ngưỡng. Công đức Dàm Dực chí thành cầu nguyện đã được ứng nghiệm vậy. Khi lâm trọng bệnh, bỗng nhiên vòng hào quang biến mất, Đàm Dực bảo rằng: “Đức Phật thị hiện điềm này, bệnh ta chắc không khỏi. Vòng hào quang đi đến chổ nào, ta sẽ đến đó gánh vác Phật sự!” Được một tuần bèn viên tịch. Vị Tăng kế nhiệm đúc lại vòng hào quang hiện nay.

Đời vua Tống Hiếu vũ, tượng phóng hào quang thật lớn. Phật pháp ở Giang đông nổi lên hưng thịnh một thời. Cuối niên hiệu Thái thủy đời Tống Minh đế, tượng tự nhiên rơi lệ, vua Minh đế đột ngột băng hà. Ngườikế vị cuồng bạo, gây nên chinh chiến giữa hai nước Tống Tề. Mới đầu, thứ sử Kinh châu Thẩm Du Chi không tin Chánh pháp, ra tay sa thải Tăng ni, chùa Trường sa có hằng nghin Tăng sĩ, số lượng phải hoàn tục lên đến mấy trăm. Đại chúng kinh hoàng, trẻ già đau buồn khóc lóc. Vì thế, tượng đổ mồ hôi suốt hôm không dứt. Có người đem bẩm với họ Thẩm, liền cho triệu pháp sư Huyền Sướng của chùa đến hỏi lý do. Pháp sư bảo: “Thánh Tăng chẳng nói sâu xa rằng ưu sầu nào rồi cũng tiêu tan. Xưa nay, Phật này tưởng niệm chư Phật. Phải chăng Phật này tưởng niệm chư Phật, tỏ ý muốn can gián tâm vô thần của đàn-việt, nên mới thị hiện ra như thế chăng?” Hỏi: “Lấy từ kinh nào?” Đáp: “Kinh Vô-lượng-thọ.” Du Chi lấy kinh ra tra, hết sức vui mừng, bèn đình chỉ chuyện sa thải. Năm Tề Vinh nguyên thứ hai, trấn quân Tiêu Dĩnh Trụ và Lương Cao cùng làm thứ sử Kinh châu. Khi Nam Khang vương Bảo Dung khởi nghiã, tượng bước ra khỏi điện, sửa soạn bước xuống thềm. Bỗng có hai Tăng sĩ trông thấy la lên, tượng bèn trở vào điện. Năm sau, Dĩnh Trụ chết đột ngột, Bảo Dung cũng bị phế bỏ vương tước và ngôi báu về tay Cao Tổ. Cuối niên hiệu Thiên giám đời Lương, tự chủ Đạo Nhạc cùng một tín chủ làm cỏ bên tháp, sau đó mở cửa bước vào, thấy tượng đi vòng quang khám thờ. Tự chủ âm thầm lễ bái, dặn tín chủ đừng tiết lộ. Khi trở về chùa, mở lớn cửa điện, thì tượng cũng đã trở về an vị trên bảo tọa. Bà dương vương đời Lương làm thế sử Kinh châu, nhiều lần rước tượng vào thành lập công đức lớn. Khi vương lâm bệnh, cho rước tượng về cầu khấn, gom sức nhiều người, nhưng không nhắc lên nổi. Được mấy hôm thì vương mất. Xưa kia, Khi Cao Tổ ở vùng Kinh Thiểm, nhiều lần tỏ rõ thành tâm xin rước tượng, nhưng không được. Đến tháng ba năm Đại Thông thứ tư, sai đại sư Tiến ở chùa Bạch Mã và chủ thư Hà Tư lặn lội mang hương hoa cúng dường và tuyên đọc chiếu thư bày tỏ thành tâm. Đến đêm, tượng phóng hào quang như ngỏ ý bằng lòng cùng đi theo sứ giả. Sáng mai cung nghinh, nhưng tượng trì lại không đi. Phải khấn thỉnh lại, tượng mới chịu lên đường. Đại chúng sùng kính, đưa đến bờ sông. Ngày hai mươi ba về tới Kim lăng, nhà vua thân hành ra đón, cách kinh thành tám mươi dặm. Dọc đường, tượng phóng hào quang không ngừng. Đạo đời chúc tụng, nhiều chưa từng thấy. An vị trong điện ba ngày, cúng dường vô cùng thành khẩn. Nhà vua mở trai lễ vô-già suốt hai mươi bảy hôm nữa, rồi mới cung nghinh từ cửa Đại thông về chùa Đồng thái. Đêm ấy, tượng phóng hào quang rất lớn. Nhà vua ban sắc dựng bảo điện ba gian hai chái ở phía Đông bắc đại điện trong chùa Đồng thái, để tôn trí tượng và đúc thêm hai vị Bồ-tát bằng đồng vàng. Đắp non đào hồ, trang trí cây lạ đá kỳ, làm cầu treo, lan can giáp hai bên thềm điện. Chưng thêm một cặp vạc đồng lớn ba mươi hộc. Ba mặt lầu gác, uyển chuyển lung linh. Tháng ba niên hiệu Đại thông thứ hai, nhà vua ngự đến chùa, mở pháp hội giảng kinh. Chiêm bái khắp các điện đền, đến chiều mới đến điện thờ tượng ấy. Nhà vua vừa bước lên thềm, tượng vụt phóng hào quang thật lớn, chiếu diệu sắc vàng óng ánh cả khóm trúc hồ non suốt nửa đêm không dứt. Về sau, khi chùa bị đốt, các đền đài đều cháy rụi, chỉ còn sót lại điện thờ tượng ấy mà thôi. Năm Thái thanh thứ hai, tượng bỗng đổ mồ hôi đầm đìa, đến tháng mười một năm ấy, Hầu Cảnh làm loạn. Năm Đại bảo thứ ba, giặc yên, đại sư Pháp Kính ở chùa Trường Sa rước tượng về lại chùa cũ ở Giang lăng. Sau đời Lương, yên ổn được bảy năm, tượng lại đổ mồ hôi. Tháng hai năm sau, vua Tống Tuyên đế băng hà. Đến năm Thiên bảo thứ ba, chùa Trường Sa bị cháy lan, toàn chùa rực cháy, khói lửa bốn bề. Muốn cứu pho tượng, không chổ di dời. Xưa nay, muốn nhắc lên phải có hằng trăm người. Thế mà hôm ấy, chỉ 6 người cũng nhấc lên nổi. Vào năm Thiên bảo thứ mười lăm, vua Minh đế nhà Hậu Lương rước tượng vào đại nội làm lễ sám hối cảm tạ. Năm thứ hai mươi ba, nhà vua băng hà. Vua kế vị Tiêu Tông đời tượng vào cung Nhân thọ, tượng lại đổ mồ hôi rất nhiều. Đến năm Quảng Vận thứ hai, nhà Lương bị tiêu diệt. Năm Khai Hoàng thứ bảy, đại sư Pháp Thiến ở chùa Trường Sa lại rước tượng về chùa. Năm Khai Hoàng thứ mười lăm, thứ sử Kiềm Châu Điềm Tông Hiển đến chùa lễ bái, tượng liền phóng hào quang. Thứ sử phát nguyện dựng đại điện phía chính Bắc gồm mười ba và chín gian phía Đông Tây giáp với đại điện. Vận chuyển cây gỗ từ thượng nguồn Kinh châu cách xa năm ngàn dặm. Chặt cây xong, kéo thả trên sông, trôi về Kinh châu, rồi tự tấp vào bờ. Dù sóng to gió lớn cũng chẳng trôi đi xa. Xong xuôi, huy động thợ đến làm. Đường kính cột lớn đến ba thước, đá kê rộng tám thước. Thật là xưa nay chưa từng có. Dùng trầm hương dát khắp đại điện. Bên trong thiết kế 13 bức trướng đính vàng ngọc. Đến nỗi rui mè cũng tô vẽ xen kẽ các loài hoa quý. Hai điện Đông Tây để tôn trí tượng cũng dát trầm hương. Trong có trướng quý và đuốc hoa đều làm bằng vàng thật, vô cùng hoành tráng, đứng đầu thiên hạ. Năm Tuỳ Đại nghiệp thứ hai, tượng thường đổ mồ hôi. Năm ấy, giặc Châu Xán cướp phá các châu, kéo đến Kinh châu, đóng quân trong đại điện để dòm ngó phía Bắc thành. Giặc lên nóc điện bắn vào thành. Lưu thú lo lắng, ban đêm phóng tên lửa đốt điện. Dân chúng đau buồn, sợ tượng bị thiêu hủy. Đêm ấy, tượng vượt tường vào thành, đến đứng ngoài cổng chùa Bảo quang. Thấy tượng vẫn còn, cả thành đều vui mừng. Đến khi giặc tan, nhìn lại chổ tôn trí tượng, không hề tổn thất chút nào, tro bụi chẳng bám. Ngày nay tuy dựng lại điện, nhưng quy mô không thể sánh được như xưa. Năm Phụng Minh thứ năm đời bọn giặc Lương Tiêu Tiển, giặc Tống Vương Dương và Đạo Sinh cùng đến chùa lễ bái, tượng đổ mồ hôi rất nhiều. Đầu thân ướt đẫm như mưa, suốt ngay không dứt. Tháng chín, quân lực Đại Đường theo Thục Giang kéo xuống. Ngày hai mươi, Sa-môn Pháp Thông trong chùa cho rằng đời Đường sắp mở vận, xin ban cho điềm lành, bèn đi quanh tượng cầu nguyện. Đêm ấy, tượng phóng hào quang rực rỡ khắp điện, đến ngày hai mươi lăm mới tắt dần. Hôm ấy, quân lực của Triệu quận vương vào thành. Đấy cũng là điềm lành hiện ra báo hiệu giang sơn thống nhất. Còn như đến kỳ khô hạn, trưởng quan thành tâm đến cầu khấn, đều được linh nghiệm. Tháng sáu năm Trinh quan thứ sáu, bị hạn hán. Đô đốc Ứng quốc công Vũ Hoạch cung nghinh tượng về lập trai đàn cầu nguyện suốt bảy ngày. Quan liêu lớn nhỏ đều đứng sắp hàng trước tượng, một lòng quán Phật. Hồi lâu, mây giăng khắp bốn phía, mưa đổ chan hòa. Năm ấy được mùa lớn. Đô đốc liền xuất vàng ròng thếp lại tượng, sắm sửa đầy đủ các thứ xe kiệu, tràng phan. Nay tượng vẫn còn tại chùa Trường sa ở Giang lăng.

Lại còn một pho tượng đồng kiểu ngoại quốc, cao chừng bảy thước, hình dáng cổ quái, nên không được tôn sùng lắm, do pháp sư Đạo An đưa từ Trường An Thạch thành về. Sai đệ tử lấy từ búi tóc một viên xá-lợi phát ra hào quang.

8/ Thời Đông Tấn, Châu Khởi tự là Tuyên Bội, người Dương tiên thuộc Nghĩa Hưng, là con thứ hai của bình Tây tướng quân Xử Chi, làm quan đến chức thái thú. Gia đình đời đời thờ Phật. Con gái ông tu tập càng tinh tiến. Người nhà đi đánh cá, bỗng thấy ánh hào quang xông lên sáng rực trên sông, liền thả lưới, bắt được một pho tượng đồng vàng cao chừng ba thước, sắc thái tôn nghiêm, nổi trên mặt nước. Lôi kéo chẳng lung lay, liền chạy về bẩm lại. Ông cho con hay và phái thuyền, người đưa con đi rước tượng. Từ xa nhìn thấy, cô gái đã vui mừng, đưa tay ra vớt được lên thuyền rồi đem về nhà thờ phụng. Đêm ấy, cô gái mơ thấy đầu gối trái của đức Phật bị đau. Sáng mai xem lại tượng, quả nhiên có chổ lủng, bèn chặt thoa vàng để vá lại. Về sau, ông đem con gả cho Trương Trừng ở Ngô quận. Cô gái đem theo pho tượng về nhà chồng. Khi cô chết, mọi người thấy đứng trên thành, dung nhan đẹp đẽ hơn cả ngày thường. Giây lát, có đám mây tía hạ xuống rước lên Trời rồi mất hút. Tằng tôn của Trương Trừng mãi lo việc quân lữ, dẹp loạn Tôn Ân, phế bỏ trai giới, không hay pho tượng mất đi. Chỉ còn lại vòng hào quang. Cả nhà dốc lòng sám hối. Có một bà lão mang tượng đến bán, dòi giá rất thấp. Xem lại, đúng là tượng ngày trước. Vừa sửa soạn chuộc lại, bà lão đã biến mất. Tượng ấy bèn mất luôn, chỉ còn lại vòng hào quang ở nhà Trương mà thôi.

9/ Pho tượng gỗ ở chùa Linh bảo tại Sơn âm thuộc Cối kê thời Đông Tấn là do ẩn sĩ* Đái Qùy người đất Tiều tạc thành theo quy cách cận cổ, hơi thô vụng không đủ sức thu hút, cảm xúc về mặt kính tin. Họ Đái vốn có đạo tâm thuần khiết và ý tứ khéo léo, bèn nghĩ cách sửa chữa lại nghi dung thật sống động, đập vào mắt người cầu Đạo. Dốc can tâm chí suốt năm mới hoàn thành. Danh thủ Toại Đông Hạ dù chế tác khéo léo đến mấy, cũng không hơn nổi tượng này, khiến khách chiêm quan bàng hoàng như được thân cận với chân thân của đức Phật. Khích Gia Tân ở Cao Bình cầm nhang khấn rằng: “Nếu nhang cháy bình thường, xin nguyện sẽ thường chiêm ngưỡng sắc tướng. Nếu nhang cháy không bình thường, xin nguyện sẽ gặp lại khi đức Phật Di-lặc giáng sinh!” Lạ lùng thay! Cây ngang đang nắm trong tay bốc khói thơm tho xông thẳng lên mây. Mùi thơm phảng phất tỏa lan khắp điện. Bấy giờ, tất cả đại chúng đều cảm động tán thán. Nay tượng vẫn còn ở chùa Gia tường tại Việt Châu.

10/ Niên hiệu Thái nguyên thứ hai đời Đông Tấn, Sa-môn Chi Tuệ hộ đúc pho kim tượng đức Phật Thích-ca-văn cao một trượng sáu ở chùa Thiệu linh tại Ngô quận. Cạnh phía Nam chùa, tạc huyệt để làm khuôn. Đúc xong, sửa sọan dời đi. Vào nửa đêm, trong đám mây trong lành nở ra sáu đóa hoa sắc trắng tươi, bay la đà khắp bốn phía, gần chạm mặt đất, lại bay lên mây. Đến sáng, mây trắng như khói phủ chổ tạc khuôn. Trong đó hiện ra con rồng trắng dài chừng mấy chục trượng, sáng rực như mây, nhẹ nhàng uốn lượn quanh huyệt, chập chờn như tỏ ý chiêm ngưỡng quy y. Cảnh tượng trong sáng thanh u ấy được điểm tô thêm cơn mưa nhỏ và mùi hương thơm ngát. Khi tượng đã an vị xong xuôi, rồng mới bay lên Trời.

Đầu niên hiệu Nguyên Gia, ẩn sĩ Đái Ngung, người đất Tiều, chê tượng cổ lổ vụng về, sửa lại tay và mặt. Sắc tướng trở nên uy nghi như thật. Từ vai trở lên, giảm bớt 6 tấc. Từ bàn chân trở xuống, giảm bớt một tấc.

11/ Niên hiệu Hy ninh đời Đông Tấn, tư đồ Vương Bột vào cung chầu vua. Đang đứng ở cửa Đông dịch, viên thái giám thấy hào quang ngũ sắc từ dưới đất xông lên. Lấy làm lạ, liền đào tìm, gặp được một mâm đồng kiểu cổ. Dưới mâm là pho kim tượng cao bốn thước, có đủ vòng hào quang và tòa sen. Tượng này cũng giống tượng do vua A-dục đúc ra của Tôn Hạo. Do đó, bèn kính cẩn rước vào cung. Lâu nay, Tống thái tổ chưa mấy tin tưởng chánh pháp. Nay được pho tượng này, càng thêm hoan hỷ kính tin, thân hành lễ bái thờ phụng. Tượng ấy vốn ở chùa Ngõa quan, về sau được đưa về chùa Long quang.

12/ Tượng Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi ở Lô sơn thời Đông Tấn. Ngày xưa, danh thần nhà Tấn là Đào Khản, tự Sĩ Hành đến cai trị vùng Hải Nam. Có ngư dân về đêm thường thấy ánh hào quang chiếu rực lên ở bờ biển, liền đem bẩm lại. Khản cho tìm kiếm, bỗng thấy pho kim tượng vượt sóng trôi đến bên thuyền. Xem chữ khắc, đúng là tượng Bồtát Văn-thù do vua A-dục đúc nên. Xưa đồn rằng khi vua A-dục thống trị châu này, bắt chước Quỷ vương đạt ra hình phạt rất tàn bạo. Bồ-tát Văn-thù hiện ra trong vạc lửa cháy phừng phừng, nhưng nước vẫn trong lành, êm đềm mọc lên đóa hoa sen xanh ngắt. Nhà vua chợt tỉnh ngộ, bỏ hết ngục hình, chế tạo tám vạn bốn nghìn bảo tháp và đúc nên ngần ấy số tượng. Đây chính là một pho tượng trong đó. Trước đây, Đào Khản chưa tin nhiều vào lý nhân quả, đến khi đã chứng kiến điềm lành, bèn hết sức tôn kính, xin cung nghinh tượng về chùa Hàn khê ở Vũ xương. Sau đó, rước về Kinh châu. Vì thế, mới sai đưa lên thuyền. Thoạt tiên, khi tượng còn ở trên kiệu, chỉ cần vài người là có thể nhấc lên. Nay muốn đưa lên thuyền, phụ thêm mấy chục tráng đinh, cũng không nhúc nhích nổi. Sau phải dùng đến sức xe nhỏ kéo đẩy mới lên thuyền. Thuyền lập tức chìm lỉm. Sứ giả chạy đi bẩm cùng Đào Khản, đành phải cho tôn trí lại ở chùa cũ. Lệnh vừa ban xuống, chỉ vài người là nhấc lên nổi! Sa-môn Tuệ Viễn kính ohục thần uy, sắm sửa đầy đủ nghi lễ, xin rước về Lô sơn, chẳng hề xảy ra trở ngại. Ay là do Thánh linh cảm ứng với bậc cao Tăng. Thế nên, lời ca ví von chuyện này rằng:

“Đào cậy kiếm bén,
Tượng hiển uy linh.
Theo mây thấp thoáng,
Vời vợi u minh.”

Cuối đời Tuỳ, giặc giải tán Tăng chúng. Một lão Tăng vô danh đến hành lễ Từ biệt tượng. Tượng bảo: “Nhà ngươi già cả, nên ở lại, không được bỏ đi!” Lão Tăng bèn ở lại. Bấy giờ, giặc Đổng Đạo Xung nổi lên cướp phá Giang châu. Đồ đảng xông vào chùa lục lọi tiền của, bắt bớ lão Tăng để đòi tiền. Lão Tăng bảo: “Chẳng lấy được gì đâu!” Giặc toan chất lửa thiêu sống. Lão Tăng bảo: “Thiêu thì cũng được, chỉ sợ ô uế nhà chùa. Sao không đem ra ngoài chùa?” Giăc lôi ra sắp giết. Lão Tăng bảo: “Tuổi đã bảy mươi, không bỏ Phật được. Đợi ta chánh niệm xong, đưa cổ ra sẽ hạ đao.” Giặc bằng lòng. Giặc thấy đã vươn cổ, liền thẳng tay chém xuống. Dao đâm ngược vào tim giặc, ló mũi tuốt sau lưng! Cả bọn kinh hoàng bỏ chạy về phía Đông, đến bên mộ ngài Tuệ Viễn. Bấy giờ, Trời đang trong sáng, bỗng nổi mây đen như cái tán chụp xuống, chớp nháng khắp bốn phía, sấm sét nổ rền, đánh chết một lượt sáu tên. Lâu nay, phần đông nam nữ ở Giang châu đều đem vật dụng cất giấu trong núi. Nhờ chuyện ấy, bọn giặc không dám bén mảng vào cướp lấy. Riêng vùng Quách Hạ thuộc gIang châu bị giặc đốt phá gần hết.

Hiện nay, tượng được tôn trí trên tầng gác ở chùa Đông lâm. Giữa niên hiệu Vũ Đức, cơn giông nổi lên từ Thạch môn thổi gác nghiêng về phía Bắc. Muốn bắn lại nhưng không có thế, chư Tăng bèn cầu nguyện sơn thần ban gió thổi lại cho ngay. Chẳng bao lâu, có cơn gió lớn từ hướng Bắc thổi đến, tháp liền đứng thẳng như trước.

13/ Chuyện núi nứt ra tượng ở Lương châu đời Bắc Ngụy. Năm Thái Diên nguyên niên (3) đời vua Thái Vũ, Sa-môn Lưu Tát-hà ở Ly thạch đi chơi vùng Giang nam, chiêm bái tháp Mậu huyện, đến Kim lăng mở tháp xá-lợi của vua A-dục. Xong xuôi, theo phía Tây đi mãi, cách Lương châu một trăm bảy mươi dặm, đến địa giới quận Phiên hòa, nhìn về núi Ngự cốc xa xa và đảnh lễ. Mọi người không hiểu vì sao. Sa-môn bảo: “Sườn núi ấy sẽ có tượng Phật xuất hiện. Nếu chân thân đầy đủ, thời thế sẽ được thái bình. Nếu khiếm khuyết, sẽ bị loạn lạc, dân chúng khổ sở.” Tám mươi bảy năm sau, đến niên hiệu Chính quang nguyên niên, nhân mưa to gió lớn, sấm đông hang núi, lộ ra pho tượng đá cao một trượng tám thước. Sắc tướng trang nghiêm nhưng không có đầu. Lập tức chọn đá gọi thợ điêu khắc xong, đặt lên lại rơi xuống. Nhà Ngụy sụp đổ, ứng nghiệm với lời của Sa-môn. Đầu đời Bắc Châu (7), tại khe Thất lý phía Đông thành Lương châu, đá bỗng phát ra hào quang chiếu diệu. Mọi người đến xem đều lấy làm lạ. Thì ra, là đầu của pho tượng. Cung kính rước về ráp thử lên thân tượng, thật vừa vặn khít khao. Tính lại, nghi dung khiếm khuyết hơn bốn mươi năm. Đầu thân cách nhau hai chổ khoảng hai trăm dặm. Tướng hảo trước thiếu nay đã đầy đủ. Bấy giờ, có ánh đèn sáng rực, ytiếng chuông ngân vang. Chẳng ai biết từ đâu phát ra cả. Đến niên hiệu Bảo định nguyên niên đời vua Châu Vũ đế (61), lập nơi ấy làm chùa Thụy Tượng. Qua niên hiệu Kiến đức, nhà vua sắp ra tay phá Đạo, đầu tượng lại rơi xuống. Nhà vua sai Tề vương đến xác minh, đặt đầu lên cổ và đem quân canh giữ. Sáng hôm sau, đầu lại rơi xuống như cũ. Ấy là điềm báo nạn phá Đạo và mất nước xảy ra sau đó. Chuyện có chép đầy đủ trong bia của ngài Đạo An đời nhà Châu. Nhà châu tuy phá Đạo nhưng không hủy tượng này. Niên hiệu Khai hoàng đời Tuỳ, vua Văn đế cho truyền bá Phật pháp, lại đặt tên chùa như trước. Năm Đại nghiệp thứ năm, vua Dạng đế đi chinh phạt phương Tây, thân hành đến chùa lễ bái và đổi tên là Cảm thông Đạo trường. Đến nay, tượng vẫn còn.

14/ Các linh tượng ở sườn núi đá tại Lương Châu. Vào niên hiệu Long An nguyên niên đời vua Tấn An đế (397), Thư Cừ Mông Tốn chiếm cứ Lương châu hơn ba mươi năm. Trong đám Ngũ Lương ở Lũng Tây, nhà Bắc Lương này cường thịnh lâu dài nhất, biết chuyên tâm vun trồng phúc đức. Cho rằng thành trì chùa tháp không thể trường tồn, cung thất đế vương cũng sẽ tiêu hủy. Nếu xây dựng nên, cũng đều như thế. Dùng đến vàng bạc, sẽ bị cướp phá. Nhìn lại núi non, có thể vỉnh cửu. Cách phía Nam Lương châu trăm dặm, sườn đá liên miên, Đông Tây dằng dặc không cùng. Chọn chổ đục hàng tạc tượng bằng đá bằng đất đủ nghìn vẽ muôn hình. Có tượng hành lễ, tâm thành mắt kính. Có tượng Thánh Tăng, giống hệt người thật. Tượng thường tản bộ, không chịu ngồi yên. Nhìn xa, thấy đi; đến gần, dừng lại. Nhìn kỹ dáng điệu, tựa hồ đang đi. Hoặc có nhiều tượng la liệt khắp nơi. Người vừa đi qua, chân liền bước xuống. Dấu vết rành rành, qua lại chẳng ngớt. Hiện tượng kỳ dị ấy xảy ra đã hơn cả trăm năm nay. Có người kể lại như thế.

15/ Đời Bắc Lương, Tây hà vương Mông Tốn tạc cho quốc mẫu một pho tượng Phật bằng đá cao một trượng sáu thước tại chùa trên núi và thờ phụng rất tôn nghiêm. Năm Nguyên gia thứ sáu đời Tống, sai thế tử Hưng Quốc đi đánh Bảo Hãn, bị thua to, thế tử chết ở Phật Chi. Mông Tốn giận dữ, cho rằng thờ Phật không linh nghiệm, hạ lệnh phá hủy chùa chiền, giải tán Tăng lữ. Sau đó, Mông Tốn đi đến núi Dương thuật, gặp chư Tăng nghinh đón bên đường. Vừa trong thấy đã nổi giận, giết liền mấy vị. Bấy giờ, tướng tá vào chùa lễ bái, tượng ấy bỗng nhiên rơi lệ đầm đìa. Mọi người kinh hoảng, chạy lại bẩm báo. Mông Tốn nghe xong, thân hành lên xem. Vừa đến cổng chùa, toàn thân run rẩy như có người níu kéo phải gọi tả hữu xốc đỡ bước lên. Thấy tượng rơi lệ chan hòa như suối, liền dập đầu lạy tạ, hết sức ăn năn. Cho mở pháp hội vô cùng chu đáo, triệu tập chư Tăng trở về tiếp tục tu hành.

Xét đức tin của Mông Tốn không mấy sâu xa. Chuyện đánh giết, há chẳng phải là giới cấm nhà Phật? Tính ưa cải cách, tàn ác hung hăng, gây đủ mọi tội. Lúc đầu kính trọng Sa-môn Pháp Sám dịch kinh ĐạiNiết-bàn, thề cùng nhau sống chết. Sau vì cơn giận nhỏ, lén sai người giết chết Sa-môn! Nay ra quân thất bại, lại đổ lổi cho đức Phật, phá hủy chùa chiền, giết hại Tăng lữ, thật là tàn bạo. Cuối cùng tuy biết sám hối, nhưng không thể bù đắp tội lổi.

Hiện tại, cách Sa châu ba mươi dặm về phía Đông nam, trên độ cao hai dặm ở sườn núi Tam nguy, có hai trăm tám mươi khám thờ tượng Phật luôn luôn rực rỡ ánh hào quang.

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây