Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 30: Quyển 9 - Thiên thứ 5: Nghìn Phật - Bộ Thứ Mười Ba: Thuyết Pháp

PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Giảng giải: Pháp Sư Đạo Thế, Đời Đường
 

THIÊN THỨ NĂM

NGHÌN PHẬT
 

TẬP MƯỜI BỐN

BỘ THỨ MƯỜI BA

 THUYẾT PHÁP
 

Gồm có ba phần: Thuật Ý, Phó Cơ, Thuyết Ích.

Thứ nhất: Phần Thuật Ý.

Vốn nghe: Bậc Đại Thánh giáng đúng cơ duyên, hóa tích không phân riêng xứ sở. Mỗi nơi thị hiện đều vì lợi sinh. Thế nên, sự có tướng, tâm, để chia chân, tục.

Mượn vào thật để chinh phục kẻ thượng căn, nương theo quyền để tùy thuận bọn hạ trí. Sinh lão bệnh tử vốn chẳng thấy kỳ hạn thoát ly, Bồ Đề Niết Bàn may có cơ duyên thể nhập. Song lẽ Kinh Điển vô biên, tùy cơ diễn giảng. Khiến cho, chuyển pháp luân thì Lộc uyển trước tiên, độ Tỳ Kheo thì Kiều trần thứ nhất.

Đến như Ca Diếp anh em, Mục Liên bằng hữu, Tây Vực đại thế, Đông độ loan truyền, Chúa tể hai mươi tám Cõi Trời, Quốc Vương mười sáu lãnh thổ, ai chẳng quỳ mọp giữa đường quy phục, hưởng ứng uy danh chắp tay?

Nhờ thế, Thập Địa giảng giữa Tha hóa Thiên Cung, Tam thừa hợp nhất trên đỉnh núi Xà Quật. Chân tông vô đắc, bàn bạc với Tu Bồ Đề, ý chỉ vô ngôn, xiển dương cùng Duy Ma Cật. Hàng phục mười Tiên Nhân ngoại đạo, chế ngự sáu đoàn thể Tỳ Kheo. Trước ngực, thao túng sông hồ, trong tay, lay chuyển hang động.

Bàn đại kiếp thì khối đá lau mòn, luận số nhỏ thì vi trần tính trọn. Vậy mới xứng là đạo Sư của Tam Giới, Chúa tể của muôn đời.

Bần tăng là kẻ tầm thường, bình phẩm ngọn nguồn sao cạn?

Giả sử Châu Công làm Nhạc chế Lễ, Khổng Tử chép Dịch chọn Thi, Tể Ngã Tử Cống ngôn từ, Tử Hạ Tử Du văn học, cho đến các vị Tả Nguyên Phóng, Cát Thần Tiên, Lão Tử, Hà Thượng Công, Trang Tử đều chỉ hạn hẹp ở địa phương, có gì đáng kể?

Như Chánh Pháp của Đức Bổn Sư, vốn làm tiêu chuẩn khắp cả Trời người. Ba nghìn phép tắc lưu truyền thấm nhuần Hoa Hạ, ích lợi sâu xa. Tam độc chửa sạch làu làu, Trăng đèn chiếu soi sáng láng.

Kế thừa bất tận, sao nói cho cùng!

Thứ hai: Phần Phó Cơ.

Như Kinh Hoa Nghiêm nói: Đức Như Lai ra đời giống như Mặt Trời mọc. Trước tiên chiếu diệu các núi Chúa. Kế đó, chiếu diệu các núi lớn. Kế đó, chiếu diệu núi báu kim cương. Sau mới chiếu diệu tất cả đất đai.

Tuy nhiên, Mặt Trời không suy nghĩ thế này: Trước tiên ta phải chiếu diệu núi lớn, rồi sau mới chiếu diệu đất đai. Vì núi có cao thấp khác nhau, nên chiếu diệu mới có trước sau không cùng lúc. Đức Như Lai cũng thế, cứu độ chúng sinh bình đẳng như nhau, nhưng do căn cơ có lợi độn, nên cảm thụ Phật Ân mới có trước sau. Kiến giải bất đồng, lớn nhỏ khác biệt.

Theo Luật Di Sa Tắc nói: Sau khi Đức Phật đắc đạo bảy ngày, được an vui giải thoát. Có năm trăm xe chở đường phèn ra nước ngoài buôn bán kiếm lời, đi ngang qua cây Bồ Đề. Hai anh em chủ xe là Ly Vị và Ba Lợi cúng dường đường phèn trước tiên. Bốn Thiên Vương dâng bát. Đức Phật nhận xong, giảng phép Tam Quy.

Bảy ngày sau, Long Vương Văn liên lại cúng dường thức ăn của Bát Bộ. Bảy ngày sau, bốn chị em co Trưởng Giả Tử Na cúng dường thức ăn, được thọ phép Tam Quy. Qua bảy ngày sau, Phạm Vương lại đến xin Đức Phật Thuyết Pháp.

Lại nữa, Kinh Phổ Diệu nói: Bấy giờ, Phạm Vương và tám vạn sáu nghìn thân thích cùng đến bên Đức Phật, đảnh lễ dưới chân, xin Ngài Thuyết Pháp.

Nghe thỉnh cầu xong, Đức Phật bảo: Vào thời tiền kiếp, ta từng cúng dường sáu trăm ức Chư Phật ở Ba La Nại nên phải chuyển pháp luân ở đó. Vì còn phải ngồi dưới gốc cây này quán tưởng bảy ngày để báo ân Chư Phật ấy, nên chưa thể Thuyết Pháp.

Lại nữa, Luận Trí Độ nói: Đức Phật thành đạo xong, chưa Thuyết Pháp ngay. Suốt năm mươi bảy ngày kiểm điểm cơ duyên rồi mới Thuyết Pháp. bảy ngày đầu, suy nghĩ cách Hoằng Pháp Đại Thừa. Bốn mươi chín ngày sau, Ngài chọn cách dùng Tiểu Thừa để thích ứng với chúng sinh.

Lại nữa, Kinh Bồ Tát Anh lạc nói: Phải chuyển pháp luân ở vườn Lộc Uyển trong sáng, giúp những chúng sinh đói khát lâu ngày được thấm nhuần sữa pháp cam lộ.

Lại nữa, Kinh Trung Bản Khởi nói: Đức Thế Tôn suy nghĩ, trước đây, ta đi qua chỗ hai Sa Môn A Lan và Ca Lan, được họ đối xử có lễ nghĩa. Nay nên đến đó Thuyết Pháp độ họ.

Vị Trời từ không trung bảo rằng: Hai vị ấy mệnh chung đã bảy ngày rồi. Ngài lại suy nghĩ, nên độ cho Uất Đầu Lam Phất.

Vị Trời lại bảo: Đã mệnh chung hôm qua rồi.

Lại suy nghĩ, ngày xưa, phụ hoàng đã sai năm người: Một là Câu Lân, hai là Át Bệ, ba là Bạt Đề, bốn là Ca Diếp thập lực, năm là Ma Ha Nam cùng đến hầu hạ ân cần. Nên đến độ họ.

Lại nữa, Kinh chuyển pháp luân nói: Khi Đức Phật ngồi dưới gốc cây ở Lộc Dã, giữa không trung có vầng pháp luân tự nhiên bay đến, xoay chuyển trước Ngài.

Ngài lấy tay vỗ về cho đứng yên và nói: Từ vô thủy đến nay, ta vì danh sắc xoay chuyển pháp luân.  Nay ái nhiễm đã hết, thôi đừng xoay chuyển nữa!

Pháp luân liền dừng lại.

Lại nữa, Kinh Thập Nhị Du bảo: Từ ngày mồng tám tháng tư đến rằm tháng bảy, Đức Phật ngồi tĩnh tọa dưới gốc cây là năm đầu.

Năm thứ hai, ở trong vườn Lộc Dã Thuyết Pháp cho năm người.

Năm thứ ba, Thuyết Pháp cho ba anh em Uất Bề, Ca Diếp, đông đủ hàng nghìn Tỳ Kheo.

Năm thứ tư, tại núi Yượng đầu, Thuyết Pháp cho Long thần Ngạ Quỷ.

Năm thứ năm. Độ Xá Lợi, Mục Liên. Xá Lợi chỉ bảy ngày chứng được thượng quả. Mục Liên mất mười năm ngày chứng được thượng quả.

Năm thứ sáu, Tu Đạt và Kỳ Đà lập Tinh Xá cho Đức Phật. Có mười hai ngôi Chùa vẽ tượng của Đức Phật, bảy mươi hai giảng đường, ba ngàn sáu trăm gian phòng, năm trăm lầu gác.

Năm thứ bảy, tại vườn Câu Da Ni, giảng Kinh Bát Nhã cho nhóm Bồ Tát Bà Đà Hoàn gồm tám vị.

Năm thứ tám, tại núi Liễu, Thuyết Pháp cho hoàng đệ của Vua Đồn Chân Đà La.

Năm thứ chín, tại Đầm dơ, Thuyết Pháp cho A Quật Ma.

Năm thứ mười, đến nước Ma Kiệt Đà, Thuyết Pháp cho Vua Phất Sa.

Năm thứ mười một, dưới cây Lo sợ, giảng Kinh Bản khởi cho Di Lặc.

Năm thứ mười hai, trở về nước của phụ hoàng, Thuyết Pháp cho tám vạn bốn nghìn thân nhân dòng họ Thích.

Lại nữa, Kinh Trung Bản Khởi nói: Đức Thế Tôn ở tại nước Ma Kiệt Đà sáu năm, sắp trở về cố quốc. Phụ hoàng phái Ưu Đà Diên đi nghinh đón Ngài. Nghi ngờ Ngài không phải là Thái Tử trước đây, song chưa biết nhờ ai xác định.

Lại nữa, Kinh Phổ Diệu nói: Có vị Sa Môn tên Ưu Đà, được phụ hoàng sai đi đón Đức Phật. Xa cách đã hai mươi năm, thương nhớ mong được gặp mặt. Bảy ngày sau, Đức Phật trở về cố quốc.

Lại nữa, Kinh Phân Biệt Công Đức nói: Đức Phật trở về cố quốc, chân đi giữa Hư Không, ngang với đầu người. Ngài để phụ hoàng chạm vào chân mà thôi, không cho khom mình hành lễ.

Lại nữa, Kinh Đại Tập nói: Đức Phật thành đạo được mười sáu năm, biết các Bồ Tát đã nắm chắc được Pháp Tạng liền bày ra một thang báu giữa các cõi Dục Giới và Sắc Giới. Đại Chúng đều bước vào đó và thăng lên giữa Hư Không.

Lại nữa, Kinh Phân Biệt Công Đức nói: Nếu có chỗ không Thuyết Pháp được, thì chỉ nói tại Xá Vệ. Vì Đức Phật ở trong nước ấy suốt hai mươi lăm năm, so với các nước khác, Ngài ở đấy lâu nhất. Vì trong nước ấy có nhiều của báu, người ở đấy có nhiều lễ nghĩa. Tinh Xá Kỳ Thọ có nhiều linh ứng thần kỳ.

Khi mọi người tụ tập, vượn lớn chim chóc họp thành đàn cùng đến nghe Thuyết Pháp. Im lặng không gây tiếng ồn ào. Hết buổi liền đi, loài nào về chỗ nấy. Kẻng hiệu vừa đánh, lại đến tụ họp. Ấy là do trong nước có nhiều nhân đức, nên các loài quý hiếm đều quy tụ lại.

Bởi thế, Luận Trí Độ mới nói rằng: Thành xá vệ có chín ức gia đình. Ba ức thấy rõ Đức Phật. ba ức tin theo nhưng không thấy Đức Phật. Ba ức không thấy không nghe. Đức Phật ở đó suốt hai mươi lăm năm mà còn đến thế.

Nếu có người tín mộ hơn nữa, lợi ích sẽ lên đến vô cùng!

Thứ ba: Phần Thuyết Ích.

Theo Kinh Bồ Tát Xử Thai nói:

Bấy giờ, Đức Thế Tôn thị hiện cảnh tượng kỳ lạ: Biến tất cả các Bồ Tát thành thân Phật. Có đầy đủ hào quang. Cùng cất tiếng Thuyết Pháp. Cùng thành kính nhau. Mỗi vị đều ngồi trên tòa sen thất bảo rất cao.

Thuyết Pháp lần đầu, chỉ có nam, không có nữ.

Thuyết Pháp lần thứ hai, chỉ có nữ không có nam.

Thuyết Pháp lần thứ ba, chỉ độ người có chánh kiến.

Thuyết Pháp lần thứ tư, chỉ độ người tà kiến, Thuyết Pháp lần thứ năm, nam nữ bằng nhau.

Thuyết Pháp lần thứ sáu, tà chánh cũng bằng nhau. Lúc bấy giờ, các Pháp đều thành tựu, đạo quả thuần thục, không có vẻ xa vời. Chánh Pháp như như của Chư Phật, ý nghĩa thật vi diệu thần thông.

Lần thứ bảy, có tám vạn bốn nghìn Pháp Môn không hành.

Lần thứ tám, có tám vạn bốn nghìn Pháp Môn vô tướng.

Lần thứ chín có tám vạn bốn nghìn Pháp Môn Vô nguyện. Mỗi một Pháp Môn đều có vô lượng nghĩa.

Giống như người có trí tuệ sáng láng. Thân có nghìn đầu. Đầu có nghìn lưỡi, lưỡi có nghìn nghĩa. Dẫu muốn hiểu thấu ý nghĩa của chín Pháp Môn này, cũng chưa thể hiểu được một phần trong trăm nghìn phần. Đấy là Pháp Tạng bí yếu của Chư Phật. Đều nhờ vào công đức tu học từ tiền kiếp mới thành tựu được.

***

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây