Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 27: Quyển 9 - Thiên thứ 5: Nghìn Phật - Bộ Thứ Mười: Yếm Khổ

PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Giảng giải: Pháp Sư Đạo Thế, Đời Đường
 

THIÊN THỨ NĂM

NGHÌN PHẬT
 

TẬP MƯỜI MỘT

BỘ THỨ MƯỜI

 YẾM KHỔ

 

Gồm có bốn phần: Thuật Ý, Quan Điền, Xuất Du, Yếm Dục.

Thứ nhất: Phần Thuật Ý.

Xét rằng: Ba Cõi chia riêng, bốn loài khác tính. Biển dục đắm đuối đều chìm, nhà lửa nhởn nhơ cùng dạo. Nhung nhúc sinh sôi, lóng ngóng kêu réo. Bởi vậy bậc Pháp Vương mang trọng trách giác ngộ chúng sinh, thường tuỳ theo cơ duyên ứng hiện, nhằm cứu cánh dẫn dắt trẻ rong chơi về nơi lạc cảnh. Thương xót lưới trần giăng bẫy, vui mừng giúp được thóat ly.

Thế nên, quán vũ nữ cũng tựa thây sình, ngộ cung cấm chỉ là mả thối. Thở than nỗi khổ bệnh của sinh già, hâm mộ cảnh thường lạc của xuất thế. Do đó, đã bỏ giang sơn để cầu giải thoát, hàng tà ma để thành Chánh Giác vậy.

Thứ hai: Phần Quan Điền.

Như Kinh Phật Bản Hạnh nói: Vua Tịnh Phạn và nhiều chàng trai họ Thích cùng đưa Thái Tử ra ngoài thành tham quan việc làm ruộng. Bấy giờ, tất cả những nông dân đang lao động trong đồng đều ở trần và cật lực cày cấy. Chim chóc cùng giết hại lẫn nhau.

Thái Tử nói lên:

Than ôi!

Than ôi!

Chúng sinh ỡ giữa thế gian chịu đựng quá nhiều đau khổ. Nào là sinh già bệnh chết, lại còn chịu đủ mọi thứ đau thương. Cứ lăn lóc trong đó, không thể thoát ly.

Tại sao không tìm cách dứt bỏ khổ đau?

Khi Nhà Vua đã tham quan xong, liền cùng các chàng trai đi vào một khu vườn. Bấy giờ, Thái Tử ung dung nhìn ngắm, đi dạo khắp nơi, muốn tìm cảnh tĩnh lặng. Bỗng thấy một chỗ có cây Diêm Phù rậm rạp xanh tươi, khiến lòng người ưa thích.

Tìm được chỗ, Thái Tử bảo người hầu, các ngươi hãy rời xa ta, rồi đi dần đến dưới bóng cây, ngồi già phu trên cỏ, chú tâm suy tư. Thương xót chúng sinh chịu đựng đủ mọi đau khổ về sinh già bệnh chết.

Phát khởi lòng từ bi, liền được định tâm, xa lìa dục lạc, xóa bỏ các điều xấu. Khi những phiền não của Dục Giới đều hết, bèn chứng được quả Sơ Thiền. Chư Thiên và Đế Thích thấy Thái Tử ngồi dưới bóng cây chứng xong quả ấy, cùng bay xuống tận nơi hành lễ, nói ke ca tụng công đức xong, mới trở về Thiên Cung.

Lúc ấy, chỉ trong giây lát không thấy Thái Tử trong lòng cảm thấy không vui, Nhà Vua liền hỏi: Thái Tử của ta hiên giờ ở đâu, tại sao không thấy?

Quần thần nghe hỏi, lập tức đổ xô đi tìm Thái Tử khắp bốn phía nhưng chẳng ai thấy ở đâu. Chỉ có một vị Đại Thần nhìn thấy Thái Tử ngồi tĩnh tư dưới bóng cây Diêm Phù xa xa. Lại thấy nhữngbóng cây khác đều dờikhỏi chỗ, duy còn bóng cây Diêm Phù che cho Thái Tử.

Chứng kiến sự kiện lạ lùng hy hữu không thể nghĩ bàn ấy, vị Đại Thần hết sức vui mừng không nén được, phải cấp tốc chạy đến bên Nhà Vua, quỳ xuống nói kệ đúng theo điều vừa thấy:

Thái Tử của Ngài hiện tại ngồi

Yên lặng dưới bóng cây Diêm Phù,

 Kết già tư duy nhập Tam Muội.

Hào quang chiếu sáng tự Mặt Trời.

Đấy chính là bậc đại trượng phu.

Bóng cây cao vút không lay động.

Kính mời Đại Vương đi quan sát,

Cung cách Thái Tử ngồi thế nào.

Giống hệt các Thiên Vương Đại Phạm,

Cũng giống Đế Thích Trời Đao Lợi.

Thần uy vòi vọi, hào quang sáng,

Hiển hách chiếu diệu khắp rừng cây.

Khi nghe xong, Nhà Vua đi đến bên cây Diêm Phù. Từ xa, nhìn thấy Thái Tử ngồi kết già dưới gốc cây, giống như đêm đen nhìn thấy ánh sáng phát xuất mãnh liệt từ một đống lửa lớn trên đầu núi. Uy đức hiển lộ, chiếu tỏ vòi vọi như vầng Trăng bỗng hiẹn giữa tầng mây hay như ngọn đèn lớn soi sáng gian nhà tối tăm.

Chứng kiến xong, Nhà Vua cảm thấy lạ lùng, hy hữu, khắp mình run rẩy, lông tóc dựng lên, bèn dập đầu hành lễ dưới chân Thái Tử và hớn hở nói rằng: Hay thay, hay thay. Thái Tử của ta đây có uy đức thật lớn lao.

Rồi Nhà Vua nói kệ ca tụng rằng:

Như đống lửa đêm trên đầu núi,

Tựa ánh Trăng thu giữa đám mây.

Nay thấy Thái Tử ngồi tĩnh lự,

Tóc dựng thân run, cũng chẳng hay.

Xong xuôi, Nhà Vua lại đảnh lễ dưới chân Thái Tử và nói thêm bài kệ:

Ta lại cúi mình một lần nữa,

Đảnh lễ dưới chân có tướng lành.

Từ lúc sinh ra đến hiện tại,

Mới có dịp thấy ngồi tĩnh lự.

Bấy giờ, có các trẻ nhỏ còn bồng ẳm, chạy theo Nhà Vua rúc rích cười đùa, bị vị Đại Thần rầy la:

Bọn các con đừng kêu réo ồn ào.

Các trẻ nhỏ trả lời: Tại sao không cho các con vui đùa thỏa thích.

Vị Đại Thần ấy nói kệ trả lời các trẻ con rằng:

Ánh nắng Mặt Trời tuy dữ dội,

Không thể thu hồi bóng cây mát.

Một trượng hào quang rất tuyệt diệu,

Uy đức, thế gian không sánh nổi.

Ngồi yên tĩnh lự dưới gốc cây,

Trang nghiêm bất động tựa Tu Di.

Trong tâm của Thái Tử Tất Đạt

Thích bóng cây này chẳng muốn rời.

Kinh Phật Bản Hạnh nói:

Thái Tử hướng về Vua Bạch Tịnh nói kệ rằng:

Giống hệt nhà vàng lửa cháy rực,

Tựa như mỹ vị pha độc dược,

Hay hồ đầy hoa có giao long,

Ngôi báu trước vui, sau rất khổ.

Thứ ba: Phần Xuất Du.

Như Kinh Phật Bản Hạnh nói: Bấy giờ, Thiên Tử Tác Bình kêu gọi Thái Tử ra ngoài thành tham quan vườn, chứng kiến chuyện tốt xấu để sinh lòng chán nản, khiến dần dần lìa bỏ thế gian.

Thái Tử nghe xong, gọi người đánh xe mau mau sửa soạn xe tốt, ta muốn đi thăm khu vườn. Vua Tịnh Phạn hay tin Thái Tử muốn đi chơi, liền ra lệnh cho tất cả trong ngoài thành Ca Tỳ quét dọn sạch sẽ, trưng bày hương hoa. Trai thanh gái lịch sắp hàng đứng đón. Những kẻ già bệnh chết chóc, khuyết tật đều bắt đuổi xa.

Sửa soạn xe cộ, thắng ngựa thuần thục vào xong, người đánh xe bẩm lên Thái Tử: Xin Thái Tử biết cho, xe đã chuẩn bị. Bấy giờ, Thái Tử theo cửa thành Đông, được tiền hô hậu ủng, đi tham quan khu vườn. Lúc ấy, Thiên Tử Tác Bình biến thành một người già cả xấu xí, xuất hiện trước mặt Thái Tử. Ơ ngay đầu đường.

Thấy xong, Thái Tử hỏi người đánh xe: Người này là ai mà thân thể nhăn nhúm gầy gò, mắt đỏ đầy ghèn, cực kỳ xấu xí dị dạng, không giống mọi người?

Rồi hướng về người đánh xe nói kệ rằng:

Đánh xe lành nghề, hãy nghe đây.

Đứng trước mặt ta là người nào?

Thân thể xiêu vẹo, đầu trụi tóc.

Sinh ra đã thế, hay vì già?

Bấy giờ, người đánh xe hướng về Thái Tử và nói kệ rằng:

Đây gọi là lúc đau khổ nhất.

Mất hết vẻ đẹp và hạnh phúc.

Thân thể hủy hoại, đầu lú lẫn.

Chân tay quờ quạng, không tự chủ.

Thái Tử hỏi người đánh xe: Người này là một trường hợp đặc biệt hay tất cả mọi người đều như thế?

Người đánh xe trả lời: Không phải chỉ là một trường hợp đặc biệt. Tất cả thế gian đều như thế cả. Thân phận sang hèn dù khác nhau, nhưng đều không thoát khỏi cái già.

Thái Tử nói: Nếu ta không thoát khỏi cái già này, hãy mau mau trở về cung.

Không thoát khỏi cái già làm sao phóng túng vui chơi?

Nhà Vua dò hỏi, người đánh xe bẩm lại mọi chuyện.

Nhà Vua phán: Ít có hình dung như thế. Sợ Thái Tử Xuất Gia, Nhà Vua cho tăng thêm các trò vui ngũ dục, nhưng thái tủ đã chán nản, muốn lìa bỏ những thứ này rồi, chỉ ngồi quán tưởng về nỗi khổ của cái già.

Lần khác về sau, Thái Tử từ biệt Nhà Vua, theo cửa thành Nam đi tham quan khu vườn. Nhà Vua ra lệnh dọn dẹp đường sá sạch sẽ còn hơn lần trước.

Bấy giờ, Thiên Tử Tác Bình lại biến thành một người bệnh xuất hiện trước mắt Thái Tử. Chỉ còn bộ xương khốn khổ thoi thóp sắp chết nằm giữa đống phân dơ, lăn lóc rên la, không ngồi dậy được. Cúi đầu cất tiếng nhờ đỡ dùm lên.

Thái Tử thấy xong,hỏi người đánh xe: Đây là người nào mà bụng trướng thật to, giống như nồi lớn, hơi thở khò khè, mình mẩy run rẩy.

Chạnh niềm cay đắng, không đành lòng nhìn?

Người đánh xe bèn nói kệ về nhân duyên này:

Thái Tử hỏi kẻ đánh xe rằng,

Tại sao người này khổ đến thế?

Kẻ đánh xe bẩm lên Thái Tử,

Tứ Đại không hòa nên sinh bệnh.

Lần khác về sau, Thái Tử theo cửa Nam thành đi tham quan khu vườn. Bấy giờ, Thiên Tử Tác Bình biến thành một tử thi nằm trên giường ở trước mắt Thái Tử. Mọi người xúm lại khiêng đi, vô số thân gia bà con vây quanh khóc lóc. Vỗ bụng đập đầu, nước mắt như mưa. Kêu gào thảm thiết, nghẹn ngào không chịu nổi.

Thái Tử thấy xong, động lòng thương xót, hỏi người đánh xe: Người này là ai mà mọi người khiêng đi và kêu khóc như thế?

Rồi nói kệ hỏi rằng:

Thái Tử tuyệt đẹp, thân đoan trang,

Hỏi kẻ đánh xe, này là ai,

Nằm ở trên giường, bốn người khiêng,

Người thân vây quanh khóc thảm thương?

Người đánh xe hướng về Thái Tử đáp kệ rằng:

Đã bỏ các căn tâm và ý,

Thi hài trơ trơ như gỗ đá.

Người thân khóc lóc, tạm vây quanh.

Ân ái từ nay đành vĩnh biệt.

Thái Tử lại hỏi: Ta cũng sẽ như thế chăng?

Người đánh xe đáp kệ rằng:

Tất cả chúng sinh có nghiệp này.

Trời người, sang hèn đều như thế.

Tuy sống thiện ác ở thế gian,

Khi vô thường đến đều không khác.

Lần khác về sau, Thái Tử theo cửa thành Bắc đi tham quan. Thiên Tử Tác Bình dùng sức thần thông, cách xe không xa, biến thành một người trước mắt Thái Tử. Cạo hết tóc râu, mặc áo Cà Sa, bày vai bên phải. Tay phải cầm tích trượng, tay trái mang bình bát đi trên đường.

Thái Tử thấy xong, hỏi người đánh xe: Người này là ai, ở trước mắt ta, uy nghi tề chỉnh, đi bộ an nhàn. Một mực nhìn thẳng, không ngó hai bên. Định thần giữ hạnh, không giống mọi người. Gọt tóc cạo râu, áo thuần màu đỏ, không giống người đời.

Màu bát tía xanh tựa như đá chàm?

Người đánh xe thưa Thái Tử rằng: Đây gọi là người Xuất Gia. Thường làm điều thiện, xa lìa việc ác. Biết giữ lục căn thanh tịnh, bố thí pháp vô uý, từ bi đối với muôn loài. Che chở, không sát hại chúng sinh.

Thái Tử nghe xong, bảo người đánh xe rằng: Nhà ngươi hãy đánh xe đến bên người ấy. Người đánh xe vâng lời, cho xe chạy đến nơi.

Thái Tử hỏi rằng: Ông là ai thế?

Người ấy đáp kệ rằng:

Xem thấy thế gian đều sinh diệt,

Muốn tìm cảnh Niết Bàn vĩnh cửu.

Tâm đã bình đẳng mọi ghét yêu,

Không hưởng dục lạc của trần thế.

Ở dựa núi rừng và gốc cây,

Hoặc ở giữa đồng hay gò mả.

Bỏ hết tất cả mọi sắc tướng,

Quán tưởng chân như, đi khất thực.

Bấy giờ, vì lòng kính nể, Thái Tử bước xuống khỏi xe, thân hành đến bên người Xuất Gia, cúi đầu hành lễ, đi vòng quanh ba vòng rồi trở lên xe và lập tức sai đánh về Hoàng Cung.

Lúc ấy, trong cung có một người đàn bà tên là Lộc Uyển, nhìn thấy Thái Tử trở về, động lòng ham muốn, liền nói kệ rằng:

Đức Vua Tịnh Phạn hưởng khoái lạc,

Ma ha ba xà chẳng muộn phiền.

Thể nữ trong cung đẹp lộng lẫy,

Biết ai được hầu Thái Tử đây?

Lại nữa, theo các Kinh Đại thiện quyền và Nhân quả nói: Bấy giờ, tuổi tác của Thái Tử lớn dần, đã đến lúc Xuất Gia, liền từ biệt Phụ Vương, đi tham quan khắp bốn cửa thành. Tại ba cửa đầu, gặp gỡ và sinh chán nản. Chỉ ở cửa thứ tư, mớivui mừng gặp được người Xuất Gia.

Các vị tướng sư lỗi lạc đều biết rằng, nếu bấy giờ Thái Tử không Xuất Gia, bảy ngày sau sẽ trở thành một bậc Chuyển Luân Vương cai trị thiên hạ, tự nhiên có đủ thất bảo.

Mỗi vị đều đem bẩm báo với Nhà Vua. Cho tăng thêm một ngàn người trấn giữ tại mỗi cửa thành. Chung quanh phía ngoài thành một Du Thiện Na, đặt thêm nhiều người canh gác đề phòng.

Bài tụng cảnh Già ở cửa Đông:

Thành lau rất dễ phá,

Bìm nghiêng lại sắp tàn.

Nương cành đã suy yếu,

Nửa đường thật lỡ làng.

Đã cùng ngựa trắng mất,

 Lại theo hoa đỏ tàn.

Một mai nhan sắc hết,

Đèn khuya ngồi bẽ bàng.

 Bài tụng cảnh Bệnh ở cửa Nam:

Nép gối tiếc ngày tàn.

Bệnh nguy thành dễ chết.

Còn đâu cỏ trên tuyết,

Đành về dưới núi Mang.

Đau nghẹn cả thân thể,

Khát cháy thấu tim gan.

Cớ sao trong phút cuối,

Đau khổ chẳng tiêu tan?

Bài tụng cảnh chết ở cửa Tây:

Trì hoãn tuy khác vẻ,

Diệt tướng cũng như nhau.

Gió nghiệp thổi tiêu hết,

Hư huyển thấy mà đau.

Năm Uẩn đều giả tạm,

Sáu Đường luôn bắt đầu.

Tất cả đều tàn tạ,

Phiền não kết dài lâu.

Bài tụng Tăng ở cửa Bắc:

Thế huyển sinh ảo ảnh,

Phiền não chắn tâm trần.

Tứ triền đầy dẫy đó,

Ra đi tìm Niết Bàn.

Dẹp bỏ tri kiến nhảm,

Mới thoát khỏi mê man.

Tướng không buồn đã lắm,

Trì quán lại đem làm.

Nguyên văn bốn bài tụng này quán uẩn súc. Nên chỉ có thể dịch theo ý. Vài chỗ chưa chắc đã chính xác. Xin dò lại nguyên văn.

Thứ bốn: Phần Yếm Dục.

Như Kinh Phật Bản Hạnh nói: Bấy giờ, Thái Tử nghe các bài kệ và tụng này xong, khắp mình run rẩy, nước mắt như mưa, hâm mộ sự an lạc của Niết Bàn làm cho các căn thanh tịnh, nên chỉ mong mỏi Xuất Gia, không thích sống ở thế gian. Nhà Vua cùng các quần thần mưu trí, cung nga thể nữ dùng đủ mọi cách mê hoặc Thái Tử.

Con trai của Quốc Sư Ưu Đà Di làm thị vệ cho Thái Tử, đã dạy đám phụ nữ phương pháp mê hoặc Thái Tử bằng bài kệ rằng:

Bọn thể nữ các ngươi

Có nhiều mánh khoé giỏi,

Khéo mê hoặc Thái Tử,

Bằng phô bày quyến rủ.

Giả sử kẻ lìa dục

Chân chánh như thần tiên,

Thấy được các ngươi rồi,

Cũng phải động lòng dục.

Huống gì là Thái Tử.

Nếu xem các ngươi chơi,

 Lại không ham hành dục.

Thật không có chuyện ấy.

Tình yêu lấy dục vọng làm căn bản. Thể xác của người vợ cốt lấy lòng yêu kính của người chồng làm hân hoan. Tâm không nhuốm bả vinh hoa là điều rất khó.

Rồi nói kệ rằng:

Vợ hiền lấy kính làm hoan lạc.

Kính là hoan lạc rất cao siêu.

Nếu không có kính, chỉ có sắc,

Cũng giống như cây chẳng nở hoa.

Thái Tử nghe được, liền đáp kệ rằng:

Cuộc sống vinh hoa tuy sung sướng,

Sinh già bệnh chết chất bên trong.

Nếu bốn khổ này không có mặt,

Lòng ta sao lại chẳng vui cùng?

Trong bốn khổ sinh già bệnh chết,

Ta bị sinh già bệnh xé lòng.

Nếu bám vào sinh để hoan lạc,

Khác gì cầm thú sống hoà chung?

Bấy giờ, Thái Tử và con trai của Quốc Sư Ưu Đà Di bàn luận qua lại đến chiều tối. Thái Tử thấy đã tối, liền vào cung cùng các thể nữ hưởng thụ hoan lạc ngũ dục. Tất cả đều quây quần bên nhau.

Ngay đêm hôm đó, Phu Nhân Da Du Đà La biết mình đã có thai.

Lần khác về sau, Thái Tử hết sức sinh lòng chán nản về hoan lạc ngũ dục này, chỉ muốn Xuất Gia, nên nó kệ rằng:

Mê hoặc ô uế ở thế gian,

Không gì hơn thể xác phụ nữ.

Châu báu y phục khéo che đậy,

Khiến kẻ ngu si đắm đuối ham.

Nếu có kẻ nào biết suy nghĩ,

Như mộng, như huyễn, rất chóng tàn.

Chừa bỏ si mê, không phóng túng,

Sẽ được giải thoát, thân nhẹ nhàng.

Lại nữa, Kinh Thụy Ứng nói: Năm lên mười bốn tuổi, Thái Tử bẩm Phụ Vương xin đi ra ngoài tham quan.

Kinh Nhân Quả nói:  Có người con của vị Bà La Môn tên Ưu Đà Di, thông minh sáng láng, được Nhà Vua cho làm bạn cùng Thái Tử.

Nhà Vua dặn dò: Nhà ngươi hãy thuyết phục Thái Tử đừng Xuất Gia.

Người ấy vâng mạng, đến bên Thái Tử thưa rằng: Thần vâng mệnh Nhà Vua đến đây làm bạn cùng Thái Tử.

Thưa Thái Tử, đạo bằng hữu có ba điều thiết yếu: Một là có chuyện lỗi lầm, phảikhuyên an giúp cho sáng tỏ. Hai là thấy có việc đáng mừng, phải hết sức tán thành. Ba là gặp lúc nguy nan, không thể bỏ mặc. Nay thần dâng lên mấy lời thành thật, xin Thái Tử đừng nỡ chê trách. Từ nghìn xưa, các vị Thánh Vương trước tiên đêu hưởng thụ hoan lạc ngũ dục rồi sau mới Xuất Gia.

Tại sao Thái Tử cứ khăng khăng dẹp bỏ tất cả?

Thái Tử đáp rằng: Các vị Thánh Vương ấy cuối cùng đều không thoát khỏi đau khổ, nên ta không chịu hành động giống các Ngài.

***

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây