Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 20: Quyển 8 - Thiên thứ 5: Nghìn Phật - Bộ Thứ Ba: Chủng Tính

BỘ THỨ BA

 CHỦNG TÍNH
 

 

Gồm có bốn phần: Thuật Ý, Vương Tộc, Chủng Tính, Cầu Hôn.

Thứ nhất: Phần Thuật Ý.

Kính xét rằng: Vua Bạch Tĩnh kế thừa tiên tổ, xuất phát từ Vua Ý Sư Ma. Thánh Chúa nối nhau, muôn đời xán lạn. Bởi thế, đức Thích Ca mới mượn tạm để thị hiện giáng sinh. Tiên tổ càng được hiển vinh, cháu con càng thêm rực rỡ.

Do đó, Ngài đã nhập vào kim thân một trượng sáu ở nước Ca Tỳ, hiển lộ nghi dung đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, thống lãnh giáo hóa ba ngàn Thế Giới lớn lao. Thương xót chúng sinh bị bốn sông phiền cuốn lôi trôi nổi, quyết ra tay chóng thuyền từ Lục Độ cứu vớt đắm chìm.

Thứ hai: Phần Vương Tộc.

Theo Kinh Trường A Hàm nói: Khi Trời Đất mới vừa thành lập, do ăn vị đất mà biến hóa thành người. Nhân có tranh cãi nổi lên, mọi người bàn bạc lập nên người làm chủ để phân xử. Cùng nhau chọn lựa một người có dòng dõi đáng tôn kính nhất, phong làm Quốc Vương để cai trị nhân dân. Đấy là vị Vua Tổ Tiên của dòng họ Thích Ca trong thiên kiếp lượng trước đây, có nói đầy đủ.

Lại nữa, theo Kinh Lâu Thán nói rằng: Về sau, có Nhà Vua khác cai trị không bằng Vua trước, tuổi thọ liền giảm xuống. Từ sống đến chín vạn tuổi, lần lượt giảm xuống còn một vạn tuổi, thậm chí còn một trăm tuổi.

Từ đầu kiếp, có Vua tên là Tướng Khổng Lồ đến nay, theo tính tóan tổng quát của Luật Tứ Phần, gồm có tám mươi bốn ngàn hai trăm năm mươi ba vị Vua xuất thế. Trong số đó, có mười vị Đại Thánh Chuyển Luân Vương làm Vua thiên hạ. Ngoài các vị Vua này, không thể liệt kê đầy đủ.

Nay sẽ liệt kê tên thật Tổ Tiên bảy đời của Đức Như Lai, theo luật Ngũ phần, một cách cụ thể như sau: Thời quá khứ, có vị Vua tên là Uất Ma Vương, Luật Tứ Phần gọi là Ý Sư Ma.

Con thứ của Vua này có bốn tên:

1. Chiếu Mục Kinh Trường A Hàm gọi là Diện Quang.

2. Thông Mục các Kinh khác gọi là Thực Chúng.

3. Điều Tượng các Kinh gọi là Lộ Chỉ.

4. Ni Lâu các Kinh gọi là Trang Nghiêm. Vua Ni Lâu có con tên là Ô Đầu La. Vua Ô đầu La có con tên là Cù Đầu La. Vua Cù Đầu La có con tên là Thi Hưu La.

Vua Thi Hưu La có bốn người con: Thứ nhất tên là Tịnh Phạn, thứ hai tên là Bạch Phạn, thứ ba tên là Hộc Phạn, thứ tư tên là Cam Lộ Phạn.

Nếu theo Kinh Trường A Hàm và Luật Tứ Phần thì đều nói rằng: Vua Sư Tử Giáp có bốn người con:

Thứ nhất là Vua Tịnh Phạn, có hai người con một là Bồ Tát Thích Ca, hai là Nan Đà.

Thứ hai là Vua Bạch Phạn, có hai người con một là Điều Đạt, hai là A Nan.

Thứ ba tên là Vua Hộc Phạn, có hai người con một là Ma Ha Nam, hai là A Na Luật.

Thứ tư là Vua Cam Lộ Phạn, có hai người con một là Ta Bà, hai là Bạt Đề.

Theo Luận Trí Độ nói: Vua Sư Tử Giáp có một người con gái tên là Cam Lộ Vị.

Cam Lộ Vị có con trai tên là Thi Bà La.

Theo Kinh Tạp A Hàm nói: Con trai người cô của Đức Thế Tôn tên là Để Sa, làm Tỳ Kheo.

Theo Luận Phân Biệt công đức nói: A Nan có người em gái Xuất Gia làm Tỳ Kheo Ni không nói tên, hiềm giận Ca Diếp mắng A Nan làm trò trẻ con.

Lại nữa, Kinh Đại phương tiện nói: Từ đầu kiếp đến nay, dòng họ đích truyền của Vua Bạch Tĩnh đời đời nối ngôi làm Chuyển Luân Vương. Hai đời gần đây không còn làm Chuyển Luân Vương nữa, mà làm Vua cõi Diêm Phù Đề.

Lại nữa, Kinh Ưu Bà Tắc Giới nói: Ta Phát Tâm vào đầu thời Phật Thích Ca, mãn Tăng kỳ thứ nhất vào thời Phật Bảo Đỉnh, mãn Tăng kỳ thứ hai vào thời Phật Nhiên Đăng và mãn Tăng kỳ thứ ba vào thời Phật Ca Diếp.

Thứ ba: Phần Chủng Tính.

Như Kinh Thập Nhị Du nói: Vào vô lượng thời gian xa xưa, có một Bồ Tát làm Quốc Vương.

Cha Mẹ mất sớm, nhường đất nước cho em, bỏ ngôi Vua đi tìm Đạo.

Từ xa, thấy một vị Bà La Môn họ Cù Đàm, nên xin đi theo học Đạo.

Vị Bà La Môn nói: Phải cởi hoàng bào, ăn mặc như ta và mang họ Cù Đàm. Từ đó, Bồ Tát mang họ Cù Đàm, vào tận rừng sâu, ăn quả uống nước, ngồi Thiền, quán Đạo. Nhân đi khất thực, Bồ Tát bèn trở về nước. Quan dân cả nước không ai hay biết, gọi là Tiểu Cù Đàm. Bồ Tát cất Tinh Xá ở ngoài thành để ngồi một mình nhập định.

Bấy giờ, có năm trăm tên giặc lớn vào cướp của ở trong cung, chạy về theo đường bên cạnh Tịnh Xá. Sáng mai. Quan quân đi bắt giặc, tìm thấy dấu vết dưới Tinh Xá. Vì thế, bắt luôn Bồ Tát, trước sau đều ghép vào tội cướp bóc. Lấy cây xâu vào mình, dựng lên làm nêu, máu chảy xuống đất.

Vị Đại Cù Đàm dùng Thiên Nhãn xem thấy, liền vận dụng thần thông bay đến hỏi rằng: Ông làm tội nặng gì, đến nỗi như thế?

Ong lại chẳng có con cháu, biết lấy ai nối dõi?

Bồ Tát trả lời: Mạng sống chỉ còn giây lát, nói gì đến chuyện cháu con. Nhà Vua sai bọn tay chân tả hữu lấy cung nõ bắn chết. Đại Cù Đàm đau đớn khóc lóc, bỏ xác vào quan tài khâm liệm. Nhặt máu đọng trên đất, lấy bùn vo lại, đựng vào hai bình khác nhau, mang về đặt lại trong Tinh Xá máu bên trái đặt vào bình bên trái, máu bên phải cũng làm y như thế.

Đại Cù đàm nói rằng: Nếu tâm chí của đạo nhân này thành khẩn, Thiên Thần sẽ biến máu thành người!

Mười tháng sau, máu bên trái biến thành nam, máu bên phải biến thành nữ. Từ đó bèn gọi là họ Cù Đàm, hay một tên nữa là Xá di Xá di là danh hiệu của quý tộc ở phương Tây. Máu hóa thành người là chuyện đời trước. Sợ văn từ rườm rà, nên không thể nói đủ ngọn nguồn.

Lại nữa, Kinh Bồ Tát Bản Hạnh nói: Trước Vua Cam Giá, còn có Vua khác tên là Đại Mao Thảo, đem ngôi báu trao cho các Đại Thần. Mọi người vây quanh đưa Vua ra khỏi thành, cắt tóc cạo râu, mặc áo nhà tu. Sau khi Xuất Gia, Nhà Vua giữ giới thanh tịnh, chuyên tâm dũng mãnh, thành tựu được quả Tứ Thiền, đầy đủ năm phép thân thông, trở thành Vua tiên, có tuổi thọ hết sức lâu dài.

Về sau, đến khi suy yếu, thịt rút lưng còm, dù có chống gậy, cũng không thể đi xa. Bấy giờ Vua tiên có các đệ tử muốn đi lại đó đây để xin đồ ăn thức uống, bèn lấy cỏ mềm sắp lớp trong lồng rồi đặt Vua tiên vào, xong đem treo lên cành cây.

Họ làm như thế, vì sợ rắn rít thú dữ đến xâm phạm Vua tiên. Sau khi các đệ tử đều đi khất thực, có một thợ săn đi qua vùng núi ấy, xa xa nhìn thấy Vua tiên, cho là chim trắng, lập tức bắn vào. Vua tiên bị thương nặng, có hai giọt máu rơi xuống đất và chết ngay.

Khi các đệ tử đi khất thực về, thấy Vua tiên đã bị bắn chết, lại thấy có hai giọt máu in trên mặt đất, liền hạ lồng, đặt Vua tiên nằm xuống, gom góp củi lửa thiêu xác, thâu thập xương cốt làm Tháp.

Lại dùng đủ loại hương hoa quý báu cúng dường, tôn kính tán thán Tháp ấy. Mọi chuyện xếp đặt đều yên. Bấy giờ, trên mặt đất có hai giọt máu liền mọc lên hai chồi mía, cao lớn dần dần.

Đến mùa mía chín, Mặt Trời nung nấu nứt ra. Một cây lộ ra một đồng nam, cây kia lộ ra một đồng nữ, đoan trang khả ái, trên đời có một không hai. Khi ấy, các đệ tử bèn nghĩ rằng, thuở Vua tiên còn sống, không có con cái, thì hai Đồng Tử này chính là dòng dõi của Vua tiên.

Liền đem chăm sóc nuôi dưỡng và báo tin cho Triều Đình. Các Đại Thần triệu một vị Đại Bà La Môn đến nhờ bói giúp và đặt tên cho.

Vị ấy nói rằng: Đồng nam này do Mặt Trời nung nấu cây mía chín sinh ra, nên đặ tên thứ nhất là Thiện Sinh. Lại do từ cây mía sinh ra, nên đặt tên thứ hai là Cam Giá Sinh.

Hơn nữa, do Mặt Trời nung nấu cây mía mà sinh ra, nên cũng đặt tên là Nhật Chủng. Nhân duyên của đồng nữ cũng thế, nên đặt tên là Thiện Hiền, lại đặt thêm tên Thủy Ba.

Bấy giờ, các Đại Thần nghinh đón Đồng Tử do giống mía sinh ra còn đang niên thiếu ấy về làm lễ quán đỉnh, lập lên làm Vua. Khi đồng nữ Thiện Hiền đến tuổi trưởng thành, liền lập làm Vương Phi thứ nhất cho Nhà Vua ấy.

Thứ tư: Phần Cầu Hôn.

Bấy giờ, cách thành Ca Tỳ La không xa, lại có một thành khác tên là Thiên Tý. Trong thành ấy có một Trưởng Giả thuộc dòng dõi họ Thích Cao sang tên là Thiện Giác. Châu báu chất chứa, của cải dồi dào, uy đức đầy đủ, muốn gì được nấy, không hề thiếu thốn. Cửa nhà lộng lẫy như cung điện của Vua Tỳ Sa Môn, không khác chút nào.

Trưởng Giả ấy sinh ra tám người con gái: Thứ nhất là Vi Ý, thứ hai là Vô Tỷ Ý, thứ ba là Đại Ý, thứ tư là Vô Biên Ý, thứ năm là Phát Ý, thứ sáu là Hắc Ngưu, thứ bảy là Sấu Ngưu và thứ tám là Ma Ha Ba Xà Ba Đề đời Tuỳ dịch là Đại Tuệ hay cũng gọi là Phạm Thiên. Trong số đó, Phạm Thiên này tuổi tác nhỏ nhất.

Ngày mới ra đời, được các vị Bà La Môn giỏi tướng thuật xem giúp, bảo rằng: Nếu cô gái này lấy chồng sinh con trai, chắc chắn sẽ làm Chuyển Luân Thánh Vương cai trị thiên hạ. Thất bảo có sẳn, con cháu đầy đủ. Không cần dùng đến hình phạt trị dân.

Khi các cô gái của Trưởng Giả lớn lên, sắp sửa lấy chồng, Vua Bạch Tĩnh nghe đồn trong nước có nhà họ Thích hết sức giàu có, sinh được 8 cô gái đoan trang hiếm có, đến nỗi các Thầy tướng đưa ra lời tiên đoán sẽ sinh quý tử.

Nghe được tin này, Nhà Vua liền bảo: Nay ta phải cưới cô gái ấy làm Vương Phi để con cháu của Cam Giá Chuyển Luân Vương ta không bị đoạn tuyệt. Nhà Vua liền phái sứ giả đến nhà Trưởng Giả Thiện Giác hỏi cưới Đại Tuệ về làm Vương Phi.

Trưởng Giả nói với sứ giả: Sứ giả nhân từ!

Xin về hỏi giúp Nhà Vua rằng ta có tám đứa con gái.

Lớn nhất là Vi Ý, nhỏ nhất là Đại Tuệ.

Tại sao Nhà Vua lại hỏi cưới đứa nhỏ nhất?

Xin Nhà Vua hãy tạm thời chờ đợi đến khi ta đã gã xong bảy đứa kia. Bấy giờ sẽ gả Đại Tuệ về làm Vương Phi.

Nhà Vua lại sai sứ giả đến nói với Trưởng Giả rằng: Nay ta không đợi ông lần lượt gả xong bảy cô gái lớn, rồi mới cưới Đại Tuệ về làm Vương Phi. Tất cả tám cô gái con ông, ta đều cưới hết.

Thích Trưởng Giả nhờ báo lại với Nhà Vua: Nếu được như thế, xin tuân lệnh Nhà Vua, tùy tiện đón về. Bấy giờ, Vua Tịnh Phạn liền sai sứ giả đến nghinh đón tám cô gái cùng lúc về cung.

Xong xuôi, Nhà Vua thu nạp hai cô làm Vương Phi: Cô thứ nhất là Vi Ý và cô thứ tám là Đại Tuệ. Sáu cô còn lại, Nhà Vua đem ban cho ba người em. Mỗi người lấy hai cô làm vợ. Khi Vua Tịnh Phạn cưới xong hai chị em Vi Ý về cung, liền mặc tình vui chơi, hưởng thụ hoan lạc và cai trị bốn phương theo phép Chuyển Luân Vương.

Lại nữa, Kinh Bồ Tát Bản Hạnh nói: Bấy giờ, Vua Cam Giá có Vương Phi thứ hai đẹp đẽ đoan trang, sinh được bốn người con:

Thứ nhất là Cự Diện, thứ hai là Kim Sắc, thứ ba là Tượng Chúng và thứ tư là Biệt Thành.

Vương Phi thứ nhất chỉ sinh được một con là Trường Thọ. Đoan chính đáng yêu, nhưng tướng mạo không thể làm Vua.

Vương Phi Thiện Hiền suy nghĩ thế này: Vua Cam Giá có bốn người con là các anh em Cự Diện đều hùng dũng.

Nay ta chỉ có đứa con này, tuy rất đoan trang hiếm có, nhưng tướng mạo không thể làm Vua.

Ta phải làm cách gì để đứa con ta có thể được nối ngôi Vua.

Rồi lại suy nghĩ tiếp rằng: Nhà Vua Cam Giá nay ở bên ta, vô cùng yêu quý, nặng lòng say mê, tình ý phóng dật. Nay ta nên tận dụng mọi lối trang điểm của đàn bà, khiến Nhà Vua càng sinh thêm lòng say đắm ta.

Khi ấy, trong chốn phòng the, ta sẽ năn nỉ thỉnh cầu. Suy nghĩ xong xuôi, Vương Phi trang điểm thân mình vô cùng lộng lẫy, rồi đến với Nhà Vua. Thấy Vương Phi như thế, Nhà Vua càng thêm yêu quý, tâm thần phiêu dật. Biết được Nhà Vua đã thật sự say mê, hai người cùng ngủ.

Vương Phi tâu rằng: Xin Đại Vương biết cho, nay thiếp xin Đại Vương chấp thuận cho một nguyện vọng.

Nhà Vua nói: Vương Phi!

Chìu theo ý nàng mong ước, ta sẽ chấp thuận.

Bấy giờ, Vương Phi hỏi lại Nhà Vua: Nếu Đại Vương đã chấp thuận, xin đừng hối tiếc đổi thay.

Nhà Vua trả lời: Nhất quyết chấp thuận ý nàng. Nếu sau này hối tiếc, đầu ta sẽ bị vỡ thành bảy mảnh!

Khi ấy Vương Phi mới tâu rằng: Thưa Đại Vương, xin hãy đuổi bốn người con của Ngài là các anh em Cự Diện ra khỏi đất nước rồi phong cho con ruột của thiếp là Trường Thọ được làm Vua.

Bấy giờ, Vua Cam Giá nói với Vương Phi rằng: Bốn đứa con ta không phạm lỗi gì.

Trong đất nước có điềm gì không lành mà không cho anh em bọn chúng được ở?

Vương Phi tâu lại: Đại Vương đã thề rằng nếu có ân hận, đầu Ngài sẽ vỡ làm bảy!

Nhà Vua bèn bảo Vương Phi: Thôi thôi!

Ta sẽ giữ lời. Chấp thuận nguyện vọng của nàng!

Sau khi Nhà Vua đã trải qua đêm ấy với Vương Phi, đến sáng hôm sau, liền triệu tập bốn người con đến dạy rằng: Bốn đứa con nghe đây!

Hôm nay phải ra khỏi đất nước của ta, không được ở nữa. Hãy đi đến nước khác thật xa xôi.

Khi ấy, bốn người con đều quỳ xuống, chắp tay tâu với Vua cha rằng: Xin Đại Vương biết cho, bốn anh em chúng con không gây tội ác, không phạm lỗi lầm.

Tại sao Phụ Vương lại đuỗi chúng con ra khỏi đất nước?

Nhà Vua phán: Ta vẫn biết rằng các con thật sự không có lỗi lầm. Đây không phải là ý của ta muốn xua đuổi các con. Chính là ý của Vương Phi Thiện Hiền cầu xin mà ta không thể nào làm trái được, nên phải đuổi các con thôi!

Bấy giờ, mẹ ruột của bốn người con đều xin đi theo.

Nhà Vua thông báo: Tùy ý các nàng.

Quyến thuộc, gia thần của các Vương Phi và dân chúng đều tâu với Nhà Vua: Nay Đại Vương đuổi bốn người con này ra khỏi đất nước, bọn thần cũng xin phép được đi theo.

Nhà Vua phán: Tùy ý các người.

Khi ấy, Nhà Vua dạy các con rằng: Từ nay về sau, nếu muốn kết hôn, không được chọn lấy các dòng họ khác ở ngoài. Phải chọn lấy trong gia tộc. Đừng để dòng dõi Cam Giá bị đoạn tuyệt.

Sau khi đã nhận lời chỉ dạy của Phụ Vương, tất cả bốn người con đều dẫn mẹ ruột, bà con, của cải, lạc đà, xe cộ lập tức đi về phương Bắc, đến dưới chân núi Tuyết, tạm dừng nghỉ ngơi. Có một con sông lớn tên là Bà Kỳ Lạ Thế, vượt qua sông ấy, lên đỉnh núi Tuyết.

Qua nhiều gian lao mõi mệt, phải dừng lại nghỉ ngơi rất lâu. Thấy giang sơn rộng rãi bằng phẳng, không có chỗ gò đống gồ ghề. Chỉ mọc toàn cỏ mềm xanh mướt. Quang cảnh yên tĩnh đáng yêu.

Cây cối hoa quả sum sê tươi tốt. Các người con ngắm xong, cùng bảo nhau: Có thể xây dựng thành trì ở đây để khai hoá. Sau khi đã an cư xong xuôi, các người con nhớ đến lời Phụ Vương, tìm kiếm vợ khắp trong gia tộc không có, đều chọn lấy dì và các chị em để làm vợ chồng. Một là theo đúng lời Phụ Vương răn dạy, hai là sợ dòng họ Thích bị pha trộn tạp chủng.

Bấy giờ, Nhà Vua Nhật Chủng Cam Giá triệu vị Đại Bà La Môn Quốc Sư thứ nhất đến bảo rằng: Đại Bà La Môn!

Nay bốn Hoàng Tử của ta ở đâu?

Quốc Sư trả lời: Xin Đại Vương biết cho, bốn Hoàng Tử của Ngài đều ra khỏi nước, đi về phương Bắc, thậm chí đã có con cái đàng hoàng.

Khi ấy, Nhà Vua thấy mình rất thương yêu các Hoàng Tử.

Lòng rất trông gặp, hoan hỷ nói rằng: Các Hoàng Tử ấy biết lập thiết lập quốc kế, xây dựng dân sinh. Thế nên cho phép các Hoàng Tử ấy dựng nên dòng họ Thích Ca. Vì dòng họ Thích Ca ở dưới bóng mát của cây lớn có cành lá sum sê, nên gọi là Xa Di Kỳ Da.

Vì xây dựng căn bản ở chỗ cư trú của vị tiên Ca Tỳ La, do thành trì đặt ra tên, nên gọi là Ca Tỳ La Bà Tô Đô. Sau khi ba Hoàng Tử con Vua Cam Giá đã mất, chỉ còn lại một Hoàng Tử tên là Ni Câu La đời Tùy dịch là Biệt Thành.

Kinh Trường A Hàm nói: Cư trú dưới rừng cây thẳng, còn gọi là rừng Thích.

Nhân rừng lấy làm họ. Lại nữa, Phụ Vương nghe tin các con đoan chính, phán rằng: Các Hoàng Tử ấy đúng là con cháu của họ Thích!

***

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây