Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 32: Quyển 9 - Thiên thứ 5: Nghìn Phật - Bộ Thứ Mười Năm: Kết Tập - Phần 1

PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Giảng giải: Pháp Sư Đạo Thế, Đời Đường
 

THIÊN THỨ NĂM

NGHÌN PHẬT
 

TẬP MƯỜI SÁU

BỘ THỨ MƯỜI NĂM

 KẾT TẬP
 

PHẦN MỘT
 

Gồm có hai phần: Thuật Ý, Kết Tập.

 Thứ nhất: Phần Thuật Ý.

Xét rằng: Chân Đế huyền vi, pháp tính tịch lặng. Tuy nhiên, muốn khai thông vạn vật, hóa độ thế gian, không có ngôn ngữ, sẽ khó thành tựu.

Thế nên, bất nhị dạy ngầm, hướng đến cứu cánh không tính, nhất âm diễn giảng, hợp với cơ địa vạn loài. Từ lúc Đức Bổn Sư Năng Nhân giáng thế, tại Lộc Dã Thuyết Pháp lần đầu, ở Kim hà đúc kết lời cuối.

Đem Khế Kinh dạy dỗ kẻ sơ cơ, dùng Phương đẳng khuyến hóa bậc đại ngộ. Chánh Pháp vi diệu chia thành mười hai Bộ, Pháp Môn thiết yếu có đến tám muôn.

Kịp đến khi đức Thiện Thệ thâu thần, Chư Thánh theo thật tế kết tập Kinh Tạng. Trước tiên là Tứ A Hàm, bắt đầu kết tập vào Kinh là Luật Phần Ngũ Bộ. Pháp Bảo hình thành như thế, chúng sinh phải hết sức chú tâm, để nhổ phăng gốc khổ. Do đó, kim ngôn của Đức Bổn Sư, không thể để cho sai lạc.

Thứ hai: Phần Kết Tập.

Phần này chia ra bốn tiết: Kết tập Đại Thừa, kết tập năm trăm người, kết tập một ngàn người, kết tập bảy trăm người. Trong phần này, sẽ nói rộng các cuộc kết tập.

Gồm có bốn thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất, theo hai bộ Luận Trí Độ và Kim cương tiên, Đức Như Lai cùng Văn Thù Sư Lợi và Chư Phật Mười Phương kết tập Pháp Tạng Đại Thừa tại phía ngoài núi Thiết Vi này.

Thời kỳ thứ hai, theo Kinh Bồ Tát Xử Thai và Luật Tứ Phần, khi Đức Như Lai vừa nhập diệt được bảy ngày, Đại Ca Diếp và năm trăm vị La Hán truyền lệnh đến Mười Phương Thế Giới, triệu tập tám ức tám nghìn Thiên Chúng cùng đến kết tập Tam Tạng.

Thời kỳ thứ ba, theo Luận Trí Độ, sau khi Đức Như Lai nhập diệt, vào đầu ngày rằm trong mùa Hạ an cư, Đại Ca Diếp cùng một ngàn vị La Hán kết tập Tam Tạng trong thành Vương Xá.

Thời kỳ thứ tư, theo Luật Tứ Phần, trong khoảng một trăm năm sau khi Đức Như Lai nhập diệt, vì Bạt Xà Tử lộng hành mười chuyện, Đại Ca Diếp cùng bảy trăm vị La Hán phải kết tập lại Tam Tạng trong thành Vương Xá. Bốn tiết sau đây, dựa theo Kinh Điển, sẽ lần lượt trình bày, ngõ hầu các bậc minh triết sau này khỏi phải chất chứa nhiều ức đoán.

Tiết thứ nhất: Kết tập Đại Thừa.

Theo hai bộ luận Đại Trí độ và Kim cương Tiên bảo rằng: Trong cuộc kết tập, Văn Thù Sư Lợi nói rõ Đức Như Lai ở ngoài Thế Giới này, không đến các Thế Giới ở phương khác. Chư Phật Mười Phương đều đến Thuyết Pháp đông đủ. Cũng gọi là cật Kinh chất vấn Kinh Điển.

Sau cuộc kết tập, Văn Thù Sư Lợi triệu tập vô lượng vô biên Bồ Tát và A La Hán.

Các vị đều nói: Chính tôi nghe Kinh ấy từ Đức Phật.

Tu Bồ Đề nói: Tôi nghe Kinh Kim Cương Bát Nhã Từ Đức Phật.

Các Bộ Kinh có nhiều người cùng nghe thì ai nấy đều bảo: Chính tôi nghe từ Đức Phật. Do đó, không phải chỉ một mình A Nan nghe Kinh, nhưng A Nan được nghe tất cả các Kinh. Các đệ tử khác chỉ được nghe một số Bộ Kinh mà thôi.

Lại nữa, theo Kinh Niết Bàn, bậc Đại Thánh Thuyết Pháp vốn có ba Thừa, người truyền pháp cũng có ba vị.

Thứ nhất là A Nan Đà, nghĩa là hoan hỷ. Ngụ ý giữ gìn Pháp Tạng Tiểu Thừa.

Thứ hai là A Nan Đà Bạt Đà, nghĩa là Hoan hỷ Hiền. Ngụ ý giữ gìn Pháp Tạng Đại Thừa. Ba tên tuy khác nhau, nhưng xét bản chất thì chỉ là một.

Thế nên, Kinh Duy Ma nói rằng:

Xá Lợi Phất hỏi Thiên Nữ: Đối với Ba thừa, nhà ngươi chú tâm cầu thừa nào?

Thiên Nữ đáp: Nếu chọn đường lối Tiểu Thừa, tôi sẽ làm Thanh Văn. Nếu chọn đường lối Trung thừa, tôi sẽ làm Duyên Giác. Nếu chọn đường lối Đại Thừa, tôi sẽ làm Bồ Tát. Thế mới biết rằng A Nan là bậc thấu hiểu thông suốt cả Đại Tiểu Thừa.

Trong ba vị trên đây, hai vị đầu, có vị tự mình trực tiếp nghe Kinh, có vị được nghe nói lại.

Thế nên, theo Luận Trí Độ, đến cuối cuộc kết tập, A Nan bước lên giảng tòa nói kệ rằng:

Khi Phật mới Thuyết Pháp,

Bấy giờ, không nghe, thấy,

Lần lượt chuyển đến nghe,

Phật đến Ba La Nại,

Thuyết Pháp Tứ Diệu Đế, Cho năm vị Tỳ Kheo.

Tiết thứ hai: Kết tập có năm trăm người.

Theo Kinh Bồ Tát Xử Thai nói: Bấy giờ, Đức Phật nhập diệt đã được bảy ngày đêm.

Đại Ca Diếp bảo năm trăm vị La Hán đánh kẻng tập họp đại chúng, nói rằng: Năm trăm người các ông đều đến các Thế Giới của Chư Phật khắp Mười Phương, các vị La Hán có sáu phép thần thông, mời tất cả về tụ họp ở chỗ hai cây Sa La tại cõi Diêm Phù Đề này. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nhập diệt, đã xây nên Tháp Thất Bảo. Lần kết tập này cốt để diễn dương chân tính của Pháp Thân. Chư vị hãy kết tập để thâu thập pháp ngôn vi diệu.

Khi ấy, năm trăm vị La Hán vâng lời của Đại Ca Diếp, trong khoảnh khắc ngắn ngủi như co duỗi tay, liền đến hà sa Thế Giới khắp Mười Phương, triệu tập được tám ức tám nghìn vị La Hán cùng về tụ họp ở Thế Giới Ta Bà để nghe nhận pháp chỉ.

Lại nữa, Luật Tăng Chi nói:

Bấy giờ, đại Ca Diếp bảo: Các Tỳ Kheo phải kết tập Pháp Tạng, đừng để hủy diệt.

Mọi người muốn đến chỗ khác kết tập.

Ca Diếp bảo: Nên ở tại thành Vương Xá. Ở đó có đủ năm trăm đồ ngủ. Mọi người đều đồng ý. Bèn sai A Na Luật giữ gìn Xá Lợi của Đức Phật, không cho Chư Thiên lấy đi. Vào thời quá khứ, khi Đức Phật Ca Diếp nhập diệt, các đệ tử chỉ biết âu sầu, không hay Chư Thiên Mang Xá Lợi đi mất, khiến cho tất cả thế gian không được thờ phụng.

Bấy giờ, A Nan không đi theo. Ca Diếp bèn cùng một ngàn người đến núi Sát đế, trưng bày Xá Lợi của Đức Phật.

Mục Liên an vị xong, Ca Diếp bắt đầu kết tập suốt bốn tháng. Cắt dứt mọi nhân duyên với bên ngoài. Còn thiếu hai người, chưa đủ số năm trăm. A Na Luật lại đến. Vẫn còn thiếu một người Ca Diếp liền bảo Mục Liên cùng đi.

Ca Diếp dặn đệ tử là Trưởng Lão La Hán Lê Bà Đề: Ông hãy lên Trời Tam Thập Tam gọi La Hán Đề Na xuống đây.

La Hán Lề Bà Đề nghe tin Đức Phật nhập diệt, không nỡ nhìn thấy cảnh Ngài ra đi, nên đã nhập nước rồi. Sau đó, lại sai đến Thiên Cung Thi Lợi Sa sí, gọi La Hán Kiều Phạm Ba Đề và đến Thiên Cung Tỳ Sa Môn triệu La Hán Tu Mật Đa, nhưng cả hai vị này đều đã nhập diệt.

Lại nữa, Kinh Bồ Tát Xử Thai nói:

Bấy giờ, Ca Diếp thấy đại chúng đã tụ tập xong, liền bảo Ưu Bà Ly: Ông hãy làm Duy Na, gọi A Nan xuống đây. Ưu Bà Ly nhận lệnh, lập tức gọi A Nan xuống. Phạt A Nan về tội không cầu xin Đức Phật trụ thế thêm nữa.

A Nan hoang mang, trong lòng tự nghĩ: Đức Phật nhập diệt chưa được bao lâu, đã làm nhục ta thế này. Bèn tư duy về Tứ Đế, lập tức chứng được quả A La Hán ngay trước đại chúng. Mọi bụi trần đều tiêu tan, rỡ ràng đại ngộ. Các Thánh khen ngợi, Chư Thiên ca tụng. Bấy giờ, mặt đất chấn động liên tục sáu lượt.

Ca Diếp khiến A Nan bước lên bảo tọa thất bảo trên cao, bảo rằng: Những gì Đức Phật Thuyết Pháp, dù một lời một chữ, ông chớ để thiếu sót. Bồ Tát tạng kết tập một chỗ. Thanh Văn tạng kết tập một chỗ, giới luật tạng kết tập một chỗ. Bấy giờ, A Nan bắt đầu đề xuất Kinh Điển.

Thứ nhất là Thai hóa tạng.

Thứ hai là Trung âm tạng.

Thứ ba là Ma Ha Diễn phương đẳng tạng.

Thứ tư là Giới luật tạng.

Thứ năm là Thập Trụ Bồ Tát Tạng.

Thứ sáu là Tạp tạng.

Thứ bảy là Kim cương tạng.

Thứ tám là Phật tạng. Đấy là đầy đủ toàn thể Kinh Điển của Đức Phật Thích Ca Văn.

Bấy giờ, A Nan cất tiếng nói rằng: Ta nghe như thế này, đồng thời nói ra chỗ Đức Phật thị hiện Thuyết Pháp. Ca Diếp và tất cả Thánh Chúng đều rơi lệ khóc lóc bi ai, không dằn lòng được. Thấm thoát già chết đến nơi, như huyễn hóa.

Mới đây, vừa thấy Đức Phật, vậy mà đã nói: Ta nghe.

Lại nữa, Luật Tứ Phần nói: Bấy giờ, Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn trong rừng Sa La tại thành Câu Thi nước Mạt La. Các đệ tử Mạt La tắm rửa Xá Lợi của Ngài rồi cử hành nghi thức hỏa thiêu.

Khi đã xong xuôi, Đại Ca Diếp nhân đó, tập họp các Tỳ Kheo, tuyên bố rằng: Hôm nay chúng ta nên cùng nhau giảng luận pháp tỳ ni, đừng để những kẻ ngoại đạo có lời đàm tiếu phép tắc của Sa Môn Cù Đàm mỏng manh như mây khói.

Khi Đức Thế Tôn của họ còn trụ thế thì cùng nhau học tập Giới Luật. Sau khi Ngài nhập diệt đến nay, chẳng còn ai học tập nữa. Các vị Trưởng Lão nên lựa chọn những Tỳ Kheo thông thái, sáng suốt, xứng đáng là những A La Hán. Lựa chọn được bốn trăm chín mươi chín vị đều là những A La Hán có đầy đủ phẩm chất.

Các Tỳ Kheo bảo rằng: Nên lựa chọn A Nan vào trong số này.

Đại Ca Diếp bảo: Không được chọn A Nan vào.

Tại sao?

Vì A Nan còn yều, ghét, sợ sệt, sân si nên không được chọn vào.

Các Tỳ Kheo lại bảo rằng: A Nan là thị giả của Đức Phật, thường đi theo bên cạnh Ngài. Chính mình được thọ lãnh pháp ngữ của Ngài. Chắc hẳn những chỗ hoài nghi đều đem hỏi lại nơi Ngài. Vì thế, nên cho tham dự vào số ấy. Đại Ca Diếp bèn cho tham dự vào hàng ngũ ấy.

Các vị Tỳ Kheo đều suy nghĩ: Chúng ta sẽ kết tập ở đâu có nhiều thức ăn, không thiếu đồ ngủ để giảng luận giới luật?

Tất cả đều phát biểu: Duy thành Vương Xá có nhiều phòng ốc thực phẩm và đồ ngủ. Nay chúng ta nên cùng nhau kết tập ở đó để giảng luận giới luật. Đại Ca Diếp bèn công bố lệnh kết tập tại thành Vương Xá.

Khi ấy, A Nan đang tĩnh tư trên đường đi, trong tâm suy nghĩ: Giống như con nghé mới sinh, còn phải bú sữa và chạy theo năm trăm con trâu lớn. Ta nay cũng thế. Đã là trí giả có chủ trương còn phải đi theo năm trăm A La Hán. Các vị Trưởng Lão đến Tỳ Xá Ly.

A Nan cũng ở đó. Khi ấy, các vị trong đạo ngoài đời đều đến thăm hỏi A Nan, tụ họp rất đông. Bấy giờ, có Tỳ Kheo Bạt Xà Tử chứng được thần thông quảng đại, có Thiên nhã biết rõ tâm trí kẻ khác.

Vị này muốn biết A Nan còn dục chăng, liền quan sát và biết A Nan chưa đạt mức vô dục.

Cần phải giúp cho A Nan sinh tâm chán nản xa lìa dục vọng, liền nói kệ rằng:

Tĩnh tọa dưới gốc cây,

Tâm niệm đến Niết Bàn,

Tọa Thiền đừng phóng dật,

Nói nhiều được gì đây?

A Nan nghe nói kệ xong, liền ở riêng, tinh tiến không phóng túng, tịch lặng vô dục. Lúc ở ngoài Trời, đang đi tản bộ giữa đêm khuya, bình minh sắp ló dạng, thân thể hết sức mỏi mệt. Vừa mới dựa mình nằm xuống, đầu chưa đụng gối, ngay lúc ấy, liền chứng được quả giải thoát vô lậu. Đó là pháp A Nan chưa đắc.

A Nan chứng được quả A La Hán xong, bèn nói kệ rằng:

Nghe đủ các Pháp Bảo,

Thường hầu cận Thế Tôn,

Đoạn tuyệt xong sinh tử,

Cù Đàm nay muốn ngủ.

Khi đại Ca Diếp tập họp các Tỳ Kheo Tăng đông đủ, liền tuyên bố kết tập giảng luận giới luật.

Bấy giờ, A Nan từ chỗ ngồi đứng lên, bày vai bên phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay bạch Đại Ca Diếp rằng: Chính tôi nghe từ Đức Phật và ghi nhớ gìn giữ lời Ngài. Rồi bắt đầu Từ Thiên thứ nhất cho đến tất cả mọi phẩm thứ của các bộ luật Tăng nhất đều kết tập thành Luật Tạng.

A Nan kết tập tất cả những Kinh dài thành Trường A Hàm. Tất cả những Kinh trung bình thành Trung A Hàm. Từ một sự kiện đến mười sự kiện, từ mười sự kiện đến mười một sự kiện thành Tăng Nhất A Hàm. Kết tập những sự kiện loạn tạp loại thành Tạp A Hàm.

Như Kinh mới, kinh gốc cho đến kinh kệ đều kết tập thành Tạp tạng. Có vấn nạn, không vấn nạn, kèm theo những loại làm được tương đương như thế, kết thành Luận tạng. Lúc ấy bèn kết tập thành Tam Tạng tại thành Vương Xá. Vì có năm trăm vị A La Hán cùng kết tập Luật Tạng, nên mới gọi là Kết Tập Luật Tạng có năm trăm người.

Tiết thứ ba: Kết tập một ngàn người.

Theo Luận Trí Độ nói:

Bấy giờ, Đức Phật đã nhập Niết Bàn, đại Ca Diếp suy nghĩ thế này: Ta phải làm sao cho thời kỳ thứ ba dài vô số này, vốn khó gặp được Phật Pháp, trụ thế lâu bền.

Ngõ hầu chúng sinh mai sau có thể phụng trì?

Suy nghĩ xong xuôi, liền đứng trên đỉnh núi Tu Di, đánh kiền chùy đồng lên và nói kệ rằng:

Đệ tử của Đức Phật,

Nên nhớ đến Đức Phật,

Phải báo ơn Đức Phật,

Đừng vội nhập Niết Bàn.

Tiếng kiền chùy đồng ấy đưa âm thanh của Đại Ca Diếp vang dội khắp Đại Thiên Thế Giới. Tất cả đều nghe biết. Các đệ tử có thần thông cùng đến tụ họp. Đại Ca Diếp lựa chọn được một ngàn người. Trừ A Nan, tất cả đều là A La Hán thông thạo nội điển, ngoại điển, mười tám loại kinh lớn của hàng ngũ ngoại đạo và có khả năng biện luận, hàng phục tà giáo.

Đại Ca Diếp bảo: Trước đây, ta thường đi khất thực, hay gặp kẻ ngoại đạo cố ý đến vấn nạn, khiến phải bỏ dơ Pháp Sự. Nay thành Vương Xá đã thường xuyên cúng dường đủ cho một ngàn người ăn.

Không nên lấy nhiều hơn. Hãy báo cho Vua A Xà Thế cung cấp thức ăn cho chúng ta. Hằng ngày mang đến đều dặn, không để sai khác. đại chúng an cư suốt trong ba tháng mùa Hạ này.

Mười lăm ngày đầu kết tập giảng luận Giới Luật. Đại Ca Diếp nhập Định xong, dùng Thiên Nhãn quán sát đại chúng, xem ai còn phiền não chưa trừ, cần phải trục xuất. Chỉ có một mình A Nan chưa sạch phiền não. bốn trăm chín mươi chín vị còn lại, mọi phiền não đã hết, thanh tịnh vô cấu.

Đại Ca Diếp liền xuất Định lấy tay kéo A Nan ra khỏi đại chúng bảo rằng: Hôm nay, đại chúng thanh tịnh kết tập Kinh Tạng. Phiền não của ông chưa hết không được ở đây.

Bấy giờ, A Nan quá xấu hổ, buồn rầu khóc lóc và suy nghĩ rằng: Suốt hai mươi lăm năm, ta theo hầu cận bên Đức Thế Tôn, chưa từng nghe những lời gây nên khổ não đến thế. Đức Phật thật là một bậc Đại Nhân, Đại Từ, Đại Nhẫn.

Rồi bạch Đại Ca Diếp rằng: Tôi có khả năng đắc đạo đã lâu, chẳng qua Giới Luật không cho phép La Hán hầu hạ cung phụng nên mới lưu lại kết tập phiền não, không đoạn trừ sạch mà thôi.

Đại Ca Diếp bảo: Ông cũng có tội. Đức Phật không muốn cho nữ giới Xuất Gia. Ông cứ năn nỉ cầu xin. Đức Phật phải xiêu lòng chấp thuận. Vì thế, Chánh Pháp của Ngài lưu truyền năm trăm rồi sẽ suy vi.

Ông phải đi sám hối tội nhỏ này.

A Nan bạch rằng: Vì tôi thương xót Cù Đàm Di. Vả lại, Chư Phật ba đời đều có đủ tứ chúng.

Tại sao Đức Phật Thích Ca của chúng ta lại không thể có được?

Đại Ca Diếp lại bảo: Khi Đức Phật sắp nhập Niết Bàn gần thành Câu Di Na Kiệt, Ngài bị đau lưng, gấp áo giữa kê lên nằm nghỉ.

Ngài bảo ông: Ta muốn uống nước. Ông không chịu đi lấy. Đấy là một tội nhỏ.

A Nan trả lời: Bấy giờ, có năm trăm chiếc xe chạy qua sông làm cho nước đục bẩn lên.

Vì thế, tôi mới không đi lấy nước cho Ngài.

Đại Ca Diếp lại bảo: Dù cho nước đục bẩn, nhưng Đức Phật có thần thông quảng đại, có thể biến nước biển lớn từ đục hóa thành trong kia mà.

Tại sao ông không chịu đi lấy cho Ngài?

Đấy là tội của ông. Ông phải sám hối tội nhỏ này.

Đại Ca Diếp lại bảo: Đức Phật hỏi ông rằng, nếu có người được bốn phép thần thông, khéo tu, có thể thọ một kiếp hay gần một kiếp.

Như Lai có bốn phép thần thông, khéo tu, có thể thọ một kiếp hay gần một kiếp chăng?

Ông im lặng, không trả lời. Ngài hỏi ông đến ba lần, ông cố ý im lặng. Nếu ông trả lời, Ngài có thể thọ một kiếp hay gần một kiếp. Vì ông, nên Ngài đã sớm nhập Niết Bàn.

Ông phải đi sám hối tội nhỏ này.

A Nan bạch rằng: Do ma chướng che lấp tâm trí, nên tôi đã im lặng. Chẳng phải tôi có ác tâm không trả lời Ngài.

Đại Ca Diếp lại bảo: Ông xếp giúp áo Cà Sa cho Đức Phật, lấy chân dẫm lên. Đấy là tội của ông. Ông phải đi sám hối tội nhỏ này.

A Nan bạch rằng: Bấy giờ, có cơn gió lớn nổi lên. Không ai giữ dùm cho tôi. Khi gió thổi đến, áo rơi xuống chân tôi. Không phải tôi bất kính, cố ý dẫm chân lên áo của Ngài.

Đại Ca Diếp lại bảo: Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, ông đem tướng tốt âm vật giấu kín của Ngài cho các người nữ xem.

Thật đáng sỉ nhục vô cùng. Ông phải sám hối tội nhỏ này.

A Nan bạch rằng: Bấy giờ, tôi có suy nghĩ, nếu các người nữ thấy được tưóng tốt âm vật giấu kin của Ngài, họ sẽ tự hổ thẹn thân phận người nữ của họ và mong có thân tướng của người nam, tu hành đủ loại căn lành như Ngài. Vì thế, tôi đã đem cho các người nữ xem, chứ không làm điều vô sỉ phá giới.

Đại Ca Diếp bảo: Ông có sáu loại tội nhỏ này, cần phải đi sám hối tất cả giữa đại chúng.

A Nan bạch rằng: Vâng.

Xin theo lời chỉ dạy của Trưởng Lão Đại Ca Diếp và Tăng Chúng. Ca Diếp bèn quỳ dài, chắp tay, bày vai bên phải, lột dép da, thực hiện sáu phép sám hối tội nhỏ.

Đại Ca Diếp lấy tay kéo A Nan ra khỏi Tăng Chúng, miệng bảo A Nan rằng: Khi nào trừ sạch phiền não, mới được đến gia nhập. Kết tập chưa hết, ông đừng đến đây.

Nói xong, liền tự tay đóng cửa lại.

Bấy giờ, các vị La Hán bàn luận rằng: Ai là người có khả năng kết tập được Luật Tạng?

Trưởng Lão A Nê Lô Đậu nói: Xá Lợi Phất là Đức Phật thứ hai, có đệ tử tên Kiều Phạm Ba Đề Ngưu si ôn hòa nho nhã, sinh hoạt thanh nhàn, giữ tâm tịch lặng, hiểu rành Luật Tạng. Hiện đang ở trên Trời, trong vườn cây Thi Lợi Sa. Hãy sai sứ giả lên mời về đây.

Đại Ca Diếp bảo Tỳ Kheo bậc dưới: Phẩm bậc của ông thích hợp làm sứ giả cho Tăng Chúng.

Vui mừng hớn hở nhận lãnh sứ mệnh của Tăng Chúng, Tỳ Kheo bậc dưới ấy bạch Đại Ca Diếp rằng: Tôi đến đó trình bày chuyện gì?

Đại Ca Diếp bảo: Ông đến đó xong, hãy bạch với Kiêu Phạm Ba Đề rằng, các La Hán vô lậu Đại Ca Diếp cùng kết tập Tăng Chúng tại Diêm Phù Đề vì có Phật Sự.

Ngài nên mau mau đến cho. Tỳ Kheo cấp thấp dập đầu đảnh lễ Tăng Chúng, từ bên phải đi quanh ba vòng, rồi như chim Kim Sí bay vút lên Hư Không, đến ngay chỗ Kiều Phạm Ba Đề. Dập đầu đảnh lễ dưới chân, bạch lại cùng Kiều Phạm Ba Đề lời Đại Ca Diếp đã dạy.

Kiều Phạm Ba Đề lòng chợt sinh nghi, hỏi Tỳ Kheo ấy: Tăng Chúng hòa thuận, sao đến gọi ta?

Chẳng có tăng phá giới chăng?

Tỳ Kheo ấy trả lời: Đức Phật đã nhập diệt rồi.

Kiều Phạm Ba Đề bảo: Đức Phật nhập diệt quá nhanh.

Hai mắt thế gian đã mất.

Vị thống tướng kế tiếp Đức Phật để chuyển pháp luân, Hòa Thượng Xá Lợi Phất của ta hiện nay ở đâu?

Đáp rằng: Đã nhập Niết Bàn trước rồi.

Kiều Phạm Ba Đề bảo: Các vị thống tướng Đại Sư đều đã ra đi. Biết làm sao đây.

Ma Ha Mục Liên hiện nay ở đâu?

Đáp rằng: Vị này cũng đã nhập diệt.

Kiều Phạm Ba Đề bảo: Phật Pháp sắp tiêu tan. chúng sinh thật đáng thương.

Các vị Đại Sư đều đã ra đi.

Cứ thế, lần lượt hỏi thăm các vị La Hán xong, Kiều Phạm Ba Đề bảo: Ta đã mất các vị Đại Sư lìa dục. Các Ngài đã cùng nhập diệt hết rồi. Ta không trở lại Diêm Phù Đề. Ở đây để nhập Niết Bàn. Nói xong, thi triển đủ mười tám phép thần thông biến hóa, từ nội tâm phát lửa tự thiêu, thành bốn dòng nước đổ xuống bên đại Ca Diếp.

Trong đó phát ra tiếng kệ nói rằng:

Kiều Phạm Ba Đề dập đầu lễ,

Đệ nhất Cao Tăng của đại chúng,

Nghe Phật nhập diệt, tôi đi theo,

Giống voi chúa đi, voi con theo.

Bấy giờ, Tỳ Kheo bậc dưới mang y bát trở về, đem mọi chuyện cáo bạch cùng Chúng Tăng. Khi ấy, A Nan đang tư duy các pháp, mong sao trừ sạch kết tập.

Đêm ấy, ngồi Thiền xong, đi tản bộ, tinh thành cầu đạo. Chỉ hiềm trí tuệ của A Nan nhiều mà Định lực ít, nên không thể lập tức thành đạo. Đêm sau sắp tàn, A Nan mệt mỏi quá, muốn nghỉ ngơi, bèn nằm xuống.

Đầu chưa chạm gối, bỗng nhiên Đại Ngộ, như luồn điện chớp, khiến người trong tối thấy đường. Liền nhập Định kim cương, phá tan mọi núi phiền não. Vừa chứng được Lục Thông, đang đêm A Nan đến tăng đường lên tiếng gõ cửa.

Đại Ca Diếp hỏi ra: Ai gõ cửa đấy?

Đáp: Là A Nan tôi đây.

Đại Ca Diếp bảo: Ông đến làm gì?

A Nan đáp: Đêm nay, tôi đã trừ sạch mọi phiền não.

Đại Ca Diếp bảo: Không mở cửa cho ông đâu. Hãy theo lỗ khóa mà vào.

A Nan đáp: Cũng được. Rồi lập tức dùng thần lực luồn theo lỗ khóa vào phòng, lễ bái dưới chân Đại Ca Diếp xin sám hối.

Đại Ca Diếp chẳng trách móc gì nữa, lấy tay xoa lên đầu A Nan bảo rằng: Ta cố ý giúp cho ông được đắc đạo. Xin ông chớ giận hờn. Ta cũng thế, dùng ông để tự chứng đạo. Như lấy tay vẽ giữa không trung, chẳng thể đụng chạm vào đâu. Tâm của A La Hán cũng thế, trong tất cả các pháp, phải đạt được cảnh giới không chấp trước vào pháp nào cả. Ta phục hồi cho ông lại phẩm bậc như cũ.

Bấy giờ, Tăng Chúng lại bàn bạc rằng: Kiêu phạmba đề đã nhập diệt.

Liệu ai có thể kết tập Kinh Tạng?

Trưởng Lão Anê lô đậu bảo: Trưởng Lão A Nan này, trong hàng ngũ đệ tử của Đức Phật, thường hầu hạ cận kề. Nghe Kinh nhớ giỏi. Đức Phật hay khen ngợi. Trưởng Lão A Nan này có thể kết tập Kinh Tạng.

Trưởng Lão Đại Ca Diếp xoa đầu A Nan bảo rằng: Đức Phật trăn trối với ông, khiến giữ gìn Pháp Tạng. Ông nên báo đền công ơn của Ngài. Ngài Thuyết Pháp lần đầu tiên ở đâu, các đệ tử có khả năng giử gìn Pháp Tạng đều nhập diệt hết, chỉ còn lại một mình ông. Nay ông nên vâng theo tâm nguyện của Ngài và thương xót chúng sinh, cố gắng kết tập Pháp Tạng.

Liền đó, Đại Ca Diếp nói kệ rằng:

Phật là Sư Tử Chúa,

A Nan là đệ tử,

Ngồi trên ngai Sư Tử,

Đại chúng không có Phật,

Đại chúng đức lớn lao,

Không Phật giảng thần uy,

Như đêm không có Trăng,

Bầu Trời chẳng trong sáng,

Các Trưởng Lão đều nói:

Ông, con Phật, nên giảng,

Phật Thuyết Pháp ở đâu,

Nên đem ra Bố Thí.

Bấy giờ, Trưởng Lão A Nan dốc lòng, chắp tay, nhìn về chỗ Đức Phật nhập Niết Bàn, vừa nói kệ rằng:

Khi Phật mới Thuyết Pháp,

Bấy giờ, ta chưa thấy,

Dần dần chuyển đến nghe.

Phật tại Ba La Nại,

Giúp cho năm Tỳ Kheo,

Lần đầu ban sữa pháp,

Diễn giảng Tứ Diệu Đế,

Là Khổ, Tập, Diệt, đạo.

A nhược, Kiều Trần Như,

Trước tiên được thấy đạo,

Và tám vạn Thiên Chúng,

Nghe xong, được thấy đạo.

***

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây