Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 58: Quyển 20 - Thiên thứ 9: Trí Kính

PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 20

 

Thiên thứ 9: TRÍ KÍNH

Gồm có 7 phần: Thuật ý, Công năng, Phổ kính, Danh hiệu, Hội thông, Phu tọa, Nghi thức.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Vốn nghe: Đấng Thánh trí mở lượng Từ bi; bậc trí nhân làm lợi muôn vật. Ý muốn dẫn chúng-sinh về nơi giác ngộ, chở ba cõi bằng pháp đại thừa. Thầy trò khác nẽo nhưng cùng về; đạo đời riêng lối mà chung đích, nên mới dựng tượng để hiện chân dung mở lời để làm gương nhân thế, giơ ngón tay cốt chỉ mặt trăng, đưa chân lý ra làm phép tắc. Chỉ vì chúng-sinh tăm tối, cố chấp ngã nhân, rơi dòng ngã mạn, đắm chìm theo nghiệp, không biết sửa đổi. Do ở nhiều kiếp mê mờ, không tin Tam bảo, ám chướng ngu si, khó gặp thập Thánh. Thế nên, tính mệnh như đuốc tàn trước gió, không giữ được lâu; hình hài tựa mồi lửa lóe lên, chẳng vững bền được. Hơn nữa, ngũ trược xâm lăng, tứ khổ bức bách, cam tâm chịu đựng hưởng thụ kiếp trần, khiến cho đấng đại Thánh phải mở lượng Từ bi, rộng lòng dạy dỗ cảm hóa, xét kỹ đạo hạnh thiết yếu, cốt ở thực hành lễ sám. Vì thế, luận Thập-trụ của Long-thọ có nói: “Ngày đêm đều có ba thời, tức sáu thời ngày cũng như đêm, Bồ-tát tinh tiến lễ bái chư Phật mười phương, sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỷ, hồi hướng. Bồ-tát sẽ chứng được quả Bất thối. Nếu chúng-sinh theo đó tu hành, cũng sẽ chứng được quả ấy”. Như niệm danh hiệu đức Phật Đông Phương Thiện Đức, nhờ vào nguyện lực của chư Phật mười phương, nếu có chúng-sinh sớm gieo nhân lành vào đức Phật ấy, khi nghe danh hiệu của ngài, liền biết kính tin, đạo tâm sẽ không nghe tiếng niệm Nam-mô Phật, bỗng nhiên sửng sốt hân hoan, tâm địa trở thành an lạc, hết tội được phước. Do đó, kinh có nói: “Kính lễ đức Phật ấy, có thể tiêu trừ tội nặng phải sống chết hằng trăm vạn kiếp. Nếu không theo đó tu hành, máy động phàm tâm, sẽ mang lấy tội, gánh chịu lắm kiếp ương”. Vừa nghe tên Phật, phải nên xúc động: “Ta có tội gì, chẳng thấy được ngài?” Ràn rụa nước mắt, kính cẩn chắp tay. “Ta có phước gì, được nghe tên ngài?” Hân hoan thành kính, chiêm bái hình ngài, yêu kính chẳng rời. Thực hành cách ấy, đức tin sẽ Tăng, tình thức lâng lâng, đều được siêu thoát. Mỗi khi kính lễ, cần phải chí tâm. Thường thấy đạo đời, nghe xướng tên Phật, thân tuy hành lễ, tâm lại vọng động, nửa chừng chán nản, không biết ăn năn. Không tin không thẹn, không biết kiêng dè. Mang tội bất kính, ngày một nhiều hơn. Hoặc có đạo đời, lễ bái trước chúng, đông đảo Tăng tục, cất tiếng xướng đáp, hành lễ gấp gáp. Thân không theo lễ, tâm chẳng cung kính, giống hệt điểm danh, chỉ biết gật đầu, tựa chày giã gạo, mất công vô ích.

Phần trên đây, nói qua những tội do bất kính, vì ham danh lợi không giữ đức tin. Do tin, mới nhập vào đạo, phát ra trí tuệ, không có đức tin, rốt cuộc chẳng đến đâu cả. Phần tiếp theo, sẽ nói về năm điểm, dựa đúng chánh pháp, chỉ chổ đúng sai, cốt để phá vọng hiển chân, nhằm đạt cứu cánh Vô thượng.

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây