Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 38: Quyển 14 - Thiên thứ 6: Kính Phật - Nhân Duyên Cảm Ứng - Phần 1 - 26

PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 14

 

Thiên thứ sáu: KÍNH PHẬT

NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG (Tiếp theo)

1/ Chuyện kim tượng Văn-thù ở kinh đô nước Tống. 2/ Chuyện tượng đồng phát hiện dưới đất ở Đông dương đời Tống. 3/Chuyện phát hiện kim tượng trong bến đời Tống. 4/ Chuyện kim tượng trong đầm Thượng minh ở Giang lăng đời Tống. 5/ Chuyện vẽ trên vách, xóa xong lại hiện ra tại Giang lăng đời Tống. 6/ Chuyện thề nguyện cùng kim tượng ở Chi giang thuộc Giang lăng đời Tống. 7/ Chuyện nhờ cảm ứng được gỗ ngô đồng làm vòng hào quang cho pho tượng ở Tương châu đời Tống. 8/ Chuyện tượng đá bị hỏa hoạn bưng đi hóa nhẹ ở Phiên ngung đời Tề. 9/ Chuyện kim tượng đổ mồ hôi báo điềm ở Bành thành đời Tề. 10/ Chuyện kim tượng Quán Âm ở Dương đô đời Tề. 11// Chuyện chiên-đàn của vua Ưu-điền ở Kinh châu đời Lương. 12/ Chuyện kim tượng ở chùa Quang trạch tại Dương đô đời Lương. 13/ Chuyện tượng bằng vàng và bạc lớn bằng người thật của Lương Cao tổ. 14/ Chuyện kinh Cao-Vương và kim tượng Quán Am ở Định châu đời Nguyên Ngụy. 15/ Chuyện điện Trùng vân và tượng bay ra biển đời Trần. 16/ Chuyện tượng đá ở chùa Linh thạch tại Tấn châu đời Châu. 17/ Chuyện tượng bằng đá quặng ở Bắc sơn thuộc Nghi châu đời Châu. 18/ Chuyện tượng biết đi ở chùa Hoa Nghiêm tại Hiện sơn thuộc Tương châu đời Châu. 19/ Chuyện chùa Hưng hoàng ở Tưởng châu bị hỏa hoạn, tượng tự di chuyển. 20/ Chuyện tượng có hình ảnh biến hóa trong đá thạch anh ở chùa Nhật nghiêm tại kinh đô nhà Tùy. 21/ Chuyện tượng bốn mặt ở chùa Sa-hà tại Hình châu đời Tuỳ. 22/ Chuyện đức Phật Thích-ca mặc áo vải gai dày ở chùa Ngưng quán tại Ung châu đời Tuỳ. 23/ Chuyện tượng đá phát hiện ở Phương châu đời Đường. 24/ Chuyện hào quang của Phật tích chiếu rõ tại Giản châu đời Đường*.25/ Chuyện trên núi ở Lương châu xuất hiện trụ đá có chữ Phật vào đời Đường. 26/ Chuyện Phật tích xuất hiện trên đá tại chùa Tương tư ở Du châu đời Đường. 27/ Chuyện Phật tích ở chùa Linh khám tại Tuần châu đời Đường. 28/ Chuyện tượng đồng vàng cứu mạng Lý Đại An ở Ung châu đời Đường. 29/ Chuyện huyện Ngư dương ở U châu bị hỏa hoạn nhưng tượng không cháy vào đời Đường. 30/ Chuyện tượng lớn ở chùa Đồng tử tại Tinh châu phóng hào quang báo điềm lành vào đời Đường. 31/ Chuyện trộm tượng vàng ở chùa Thanh thiền tại Tây kinh vào đời Đường. 32/ Chuyện tượng biết đi ở Phủ châu và Đàm châu vào đời Đường. 33/ Chuyện kim tượng phát hiện trong đá ở Lam điền tại Ung châu đời Đường. 34/ Chuyện kim tượng phát hiện ở sông Lễ tại huyện Hộ thuộc Ung châu đời Đường. 35/ Chuyện tượng đá phóng hào quang chiếu sáng “hang động” trên núi ở Thấm châu vào đời Đường. 36/ Chuyện chùa Pháp tụ ở Ích châu vẽ tượng Bồ-tát Địa Tạng. 37/ Chuyện tượng vẽ phóng hào quang ở Kinh châu đời Đường. 38/ Chuyện tượng trên núi Ngũ đài thuộc Đại châu biến hóa nói năng vào đời Đường.

1. Năm Nguyên gia thứ hai đời Tống, Lưu Thức Chi đúc kim tượng Văn-thù, sớm chiều lễ bái, được một thời gian thì mất. Tiếc nuối cầu nguyện, sớm chiều không nguôi. Trải qua năm năm, vào lúc sẩm tối, bỗng thấy trên bàn Phật phát hào quang chiếu lên nóc nhà. Nhân thế, Thức Chi thắp nhang, lau quét trần màn, liền phát hiện tượng ấy hãy còn rành rành.

2. Năm Nguyên gia thứ mười hai đời Tống, Lưu Nguyên Chi là người Trường Sơn ở Đông dương, gia đình làm nghề trồng đay. Thường đốt nền ruộng làm phân, có một chổ cỏ không cháy. Nhiều lần đều như thế, lấy làm lạ, nên không khai phá nữa. Sau đó, thử đào nhẹ xuống thì bắt gặp một tượng Phật bằng đồng, cao chừng ba tấc. Rà xét lại, chổ đất ấy xưa nay không hề có làng mạc. Chẳng biết gốc gác của tượng ấy từ đâu đến.

3. Năm Nguyên gia thứ mười bốn đời Tông, Tôn Ngạn Tăng, đời đời thờ Phật. Người thiếp tên Vương Tuệ Xưng quy y từ thuở nhỏ, trưởng thành càng thêm kính tin, thường tụng kinh Pháp Hoa. Chợt thấy dưới bến phát ra hào quang đủ màu, bèn sai người đào sâu xuống hai thước, bắt gặp một kim tượng, tính cả vòng hào quang và tòa sen cao hai thước một tấc. Trên tòa sen khắc rằng: “Kiến Vũ năm thứ sáu, canh tý, đạo nhân chùa quan là Tăng Hành, hiệu Pháp Tân đúc.”

4. Năm Nguyên gia thứ mười lăm đời Tống, La Thuận làm quan võ ở phủ Bình Tây, đóng quân tại Thượng minh. Vào tháng chạp, thả chim ưng mồi vào săn trong đầm hoang. Bạn bè đều thấy chim ưng và trĩ cùng sa xuống. Bấy giờ, lửa nổi lên, thiêu cháy hết cỏ đồng, chỉ còn một khoảnh chừng ba trượng vuông không bắt lửa. Thấy chuyện lạ, bèn vạch cỏ tìm kiếm, bỗng phát hiện một pho kim tượng Bồ-tát ngồi, gộp cả vòng hào quang và tòa sen cao một thước kỹ thuật đúc chế hết sức tinh xảo. Bấy giờ, quan huyện Định tương cho là do bọn trộm cắp đem giấu, bèn thông báo khắp địa phương, nhưng không có ai bị mất. Vì thế, mới giữ lại để thờ phụng.

5. Đời Tống, Lâm xuyên Khang vương làm vệ quân, xây Tinh xá ba gian trong thành Kinh châu để thờ phụng kinh tượng. Trên tường, vẽ nhiều tranh Bồ-tát. Khi Hành dương Văn vương đến thay, phá bỏ Tinh xá làm phòng ngủ. Tô quét tất cả tranh trên tường. Vừa khô, các bức tranh lại hiện lên rõ ràng như cũ. Tô lại, cũng đều như thế. Vương vốn không có đức tin, cho là chuyện tình cờ, sai tô lại đậm hơn, nhưng các bức tranh vẫn hiện lên rành rành từng nét một. Chẳng bao lâu, vương lâm bệnh. Hễ nhắm mắt, liền thấy các hình tượng chi chít hiện đầy. Đến lúc đó mới chịu từ bỏ ý định phá hủy, không dám ở đó nữ và cho phép tiếp tục làm chổ thờ phụng.

6. Giữa niên hiệu Tống Nguyên gia, em gái của Trương Tăng Định, người Chi giang thuộc Giang lăng, tuổi nhỏ nhưng đã tôn sùng Phật pháp, nuôi chí xuất gia. Thường thờ phụng pho kim tượng nhỏ, chọn làm của báu về sau. Cha mẹ ép gả chồng, cô kiên quyết không chịu. Cha mẹ lén hứa với nhà họ Bỉnh. Mới đầu, cô không hay biết. Đến khi nhà trai đem sính lễ đến, cô kêu khóc, không chịu về nhà chồng, thắp nhang nằm lì dưới đất chờ chết. Pho tượng ấy bỗng phóng hào quang vàng sáng, rực khắp cả làng. Cha mẹ hoảng sợ trước điềm linh ứng nên đình lại, không gả nữa. Vì thế, hai họ Trương Bỉnh hết sức kính tin Tam bảo. Tăng Định liền cho em gái xuất gia. Khi thừa tướng nhà Tống là Nam quận vương đến trấn thủ đất Thiểm, cho xây cất Tinh xá trên nhà cũ của cô.

7. Giữa niên hiệu Thái Thủy đời Tống, Hà Kính Thúc ở Đông hải, tuổi nhỏ đã sớm tôn kính Phật pháp. Theo thứ sử Tương Châu Lưu Uẩn làm huyện lệnh, gặp được cây trầm hương, tạc thành pho tượng, xong rồi nhưng chưa có vòng hào quang. Sốt sắng tìm mãi, vẫn không gặp được. dựa ghế thiu thiu như ngủ, gặp vị Sa-môn mặc pháp phục, chống tích trượng đi đến bảo: “Trầm hương quý hiếm khó gặp, các cây tạp thớ thô khó đẽo. Chỉ có cây ngô đồng của nhà họ Hà ở phía sau huyện lỵ có thể làm nên. Họ dù tiếc của, nan nỉ hoài cũng sẽ bằng lòng!” Tỉnh dậy, hỏi người hầu, quả đúng như lời Sa-môn chỉ bảo. Do đó, tìm đến hỏi mua. Họ Hà nói: “Có cây ngô đồng rất thích. Sợ người xin mất nên giấu giếm chưa nói cho ai hay. Tại sao quan huyện biết rõ đi đến hỏi mua?” Kính Thúc kể lại nhân duyên. Họ Hà kính mộ, xin dâng tặng để chế vòng hào quang. Sau đó, Kính Thúc lên phủ trực, nửa đêm mơ thấy tượng bảo rằng: “Chuột cắn chân ta!” Sáng mai vội quay về xem lại tượng, quả đúng như thế.

8. Giữa niên hiệu Kiến nguyên đời Tề, Tinh xá Tỳ-da-ly ở Phiên Ngung từ lâu đã có pho tượng đa của nước Phù Nam. Chẳng ai biết được gốc gác. Hình dáng hết sức dị kỳ. Bảy tám chục người mới có thể khiêng đi nổi. Chùa ấy bằng tranh, gặp lửa lan đến, lại ở dưới gió, bốc cháy đỏ phừng. Ni chúng hơn 10 người hốt hoảng nhìn nhau, chẳng biết làm sao. Trong đó, có vị không chịu bó tay, thử cùng ba, bốn tỉ muội bưng tượng lên. Lạ thay, cất lên thật nhẹ nhàng, không nặng bằng một tạ! Khi tượng được dời đi, chùa cũng cháy hết. Mỗi khi có chuyện đáng mừng, tượng phóng hào quang chiếu diệu. Mỗi khi có việc binh đao cướp phá, tượng lại đổ lệ, toát mồ hôi ướt đẫm thân mình. Xứ Lãnh nam xem đó để đoán trước điềm tốt xấu. Về sau, thứ sử Quảng châu là Lưu Thuân dâng biểu xin rước về kinh đô. Hiện nay, tượng có thể ở trong chùa cổ Tường châu.

9. Đời Tống, thứ sử Từ châu là Vương Trọng Đức đúc pho kim tượng cao một trượng tám thước ở chùa Tống vương tại Bành thành. Sắc tướng đẹp đẽ trang nghiêm. Đây là một tuyệt tác về đúc chế ở vùng Giang Tây. Mỗi lần phương Bắc nổi binh hay đày đọa Tăng đồ, tượng liền đổ mồ hôi, nhiều ít tùy theo họa hoạn lớn nhỏ. Có thể đoán biết trước được. Người trong quận thường theo đó dự đoán thời cuộc. Đầu niên hiệu Kiên Sơ, tượng lại đổ mồ hôi. Mùa Đông năm ấy, quân Bắc Ngụy đánh phá vùng Hoài thượng. Đương thời, mấy quận ở Duyên châu nổi lên theo phe phương Nam, tụ tập rất đông, đồng thời cũng ép buộc các Sa-môn phải tham gia chiến dịch. Khi quân Ngụy thắng, san bằng đồn lũy, có ý muốn tiêu diệt tất cả, bèn làm biểu tâu lên, vu cáo Tăng đồ hùa theo loạn đảng, sửa soạn đem ra xử chém. Bấy giờ, tượng đổ mồ hôi đầm đìa, ướt cả nền điện. Thứ sử Từ châu là Ngụy Lương vương giữ gìn phép nước rất nghiêm, thân hành đến chùa, sai người lấy khăn vải lau khô. Vừa lau xong lại đổ ra không dứt. Đến nổi mấy chục người cùng liền tay lau cũng không hết nổi. Vương phải thắp nhang lễ bái, cầm khăn khấn rằng: “Chư Tăng vô tội, đệ tử xin thề sẽ đem thân ra bảo vệ khỏi vòng tai họa. Nếu linh thiêng chứng giám cho tấm lòng thành, đệ tử lau xong, sẽ không đổ ra nữa!” Khấn xong, vương tự tay lau lấy. Quả thật, vương vừa lau xong, tượng lập tức khô ráo. Vương thảo biểu dâng lên, bẩm báo đầy đủ mọi chuyện. Vua Ngụy hạ chiếu tha tội cho tất cả chư Tăng.

10. Đầu niên hiệu Kiến nguyên đời Nam Tề, Vương Diễm, người Thái nguyên, từ nhỏ đã thọ ngũ giới với Thiền sư Pháp Hiền tại Giao chỉ. Được Tăng cho tượng Quán Am đem về thờ phụng, liền mang đến Dương đô, gửi vào chùa Nam giản. Diễm ngủ trưa, mơ thấy tượng đứng bên cạnh chổ ngồi, lòng rất lấy làm lạ, liền rước tượng về. Đêm ấy, chùa Nam giản mất hơn mười pho tượng, bị đánh cắp đem đúc tiền. Vào đêm Thu năm Đại minh thứ bảy đời Tống (63), tượng phóng hào quang chiếu diệu khoảng ba thước, sắc vàng óng ánh lóa mắt. Cả nhà đều chứng kiến. Sau lại đem tượng gửi vào chùa Đa bảo. Diễm sang vùng Kinh Sở gần mười năm, không nhớ nơi để tượng. Đến khi về lại Dương đô, mơ thấy tượng ở giữa các pho tượng nhỏ tại phía Đông đại điện. Sáng mai lên chùa, tìm theo giấc mơ thì gặp lại tượng. Bấy giờ, nhằm ngày mười ba tháng bảy năm Kiến nguyên thứ` nhất (79). Vì thế, Diễm làm bài tự sách Minh-tường-ký, nói rằng:

“Ta thường thờ phụng pho tượng này, nguyện xin mãi mãi làm nguồi cứu độ. Nhắc lại câu chuyện về pho tượng, lòng nôn nao xúc động dạt dào. Bèn nương theo tình tiết, viết nên bộ ký này. Than ôi! Xem lại tình cảnh gần đây, chẳng có gì hơn hình tượng. Điềm linh ứng hiện, đa số từ đó phát sinh. Kinh nói: “Nếu đúc tạc vẽ tô thật giống sắc tướng, sẽ biến hóa và phóng hào quang.” Hai pho tượng Thích-ca và Di-lặc kiểu Tây vức nay sáng láng như thật, vì đúng với chân tướng đó chăng? Các Thánh tượng to lớn ở Trung Quốc hiện nay linh nghiệm rất nhiều, cũng do chúng sinh thời ấy gom hết thành tâm gửi vào gỗ đá nên mới hiển dị. Chẳng phải do tướng hảo quang minh mà trở nên như thế. Bởi vậy, tượng đá nặng nổi phều, cốt để giáo hóa đất Mân Ngô thêm rộng rãi; kim thân xưa đẫm lệ, cốt để nhà Lưu Tông chậm chịu tai ương. Các pho tượng khác, thị hiện nhiều cách, tuy khó nói cùng, nhưng xét đại khái, cũng đều đưa về chổ kính tín. Còn như kinh tháp linh thiêng, ý chỉ cùng giống, tình tiết chẳng khác, nên được xếp vào cuối sách.”

11. Ngày mồng tám tháng giêng năm Thiên giám nguyên niên (02) Lương Vũ đế mơ thấy tượng Phật bằng chiên-đàn giáng hạ trong nước, liền ban chiếu mộ người đi nghinh đón. Theo Phật-du-ThiênTrúc-ký và kinh Song-quyển-Ưu-điền-vương nói rằng: “Đức Phật lên Thiên Cung Đao-lợi thuyết pháp cho mẫu hậu suốt mùa hạ. Phụ hoàng và quần thần thương nhớ, mobng được gặp mặt. Quốc vương Ưu-điền bèn sai ba mươi hai họa sư mang gỗ chiên-đàn, nhờ Đại Mục-kiềnliên dùng thần lực đưa lên vẽ tượng đức Phật mỹ mãn như nguyện rồi mang về. Tượng ngồi, cao năm thước, hiện còn thờ phụng tại Tinh xá Kỳ-hoàn.” Vũ đế muốn thỉnh tượng này. Bấy giờ, Quyết thắng tướng quân Hách Khiên, Tạ văn Hoa và tùy tùng tám mươi người vâng mệnh đi thỉnh, dâng tờ trạng cầu xin. Vua Xá-vệ phán rằng: “tượng chỉ ngự ở nước trung ương, không thể ở nước bên cạnh.” Rồi sai ba mươi hai họa sư khắc lại trên gỗ tử đàn. Mỗi người một bức, bình minh ra tay, đến trưa thì hoàn thành. Tướng hảo viên mãn, đỉnh đầu phóng hào quang. Trời đổ mưa hoa và hương thơm thoang thoảng. Vì thế, kinh Ưu-điềnvương có nói: “Chân thân đã khuất, đến lượt tượng thứ hai xuất hiện, làm nhiều lợi ích cho tất cả chúng sinh.” Chính là tượng này vậy. Đoàn của Hách Khiên mang pho tượng đi mấy vạn dặm, trải đủ gian lao không thể tả nổi. Lại vượt biển cả, xong pha sóng gío, trôi nổi đến chổ núi non, lương thực hết sạch. Đám thuộc hạ và liên lạc chết chóc rất nhiều. Bỗng đâu gặp bầy thú dữ, chỉ còn biết chuyên tâm niệm Phật. Nghe có tiếng áo giáp mũ trụ lẻng kẻng khua vang sau tượng, lại có tiếng chuông dộng liên hồi. Một vị Sa-môn ngồi uy nghiêm dưới bóng cây bên động. Hách Khiên đỡ pho tượng xuống, đặt trước mặt ngài. Vị Sa-môn đứng lên chiêm bái tượng. Đoàn Hách Khiên phủ phục hành lễ. Ngài trao cho bình nước, bảo uống đi. Lập tức tiêu tan đói khát. Ngài dạy: “Tượng này tên là Tam-miễu-Tam-Phật-đà. Có Kim-tỳ-la-vương hộ vệ sang bên ấy làm nhiều Phật sự lớn lao.” Nói xong, liền biến mất. Đêm ấy, cả đoàn đều mơ thấy vị thần hộ pháp. Sáng mai, cùng xúm nhau vẽ lại hình tượng. Ngày mồng năm tháng Tư năm Thiên giám thứ mười (11), đoàn về đến Dương đô. Nhà vua và quần thần thân hành đi bộ ra ngoài kinh thành bốn mươi dặm, cung nghinh linh tượng về điện Thái cực. Lập trai đàn cứu độ, đại xá, không sát sinh. Tất cả cung đao giáo mác đều đem nấu làm nóc tháp Liên hoa. Từ đó, nhà vua ăn chay, diệt dục. Đến tháng năm năm Thái thanh thứ ba (9) thì băng hà. Tương Đông vương lên nối ngôi ở Giang lăng, lấy hiệu là Nguyên đế Thừa Thánh, sai người rước tượng từ Dương đô về thờ phụng trong điện Thừa quang tại kinh đô. Vào năm Đại định thứ tám* (61) đời Hậu Lương, nhà vua lập chùa Đại Minh tại Tịnh lăng ở phía Bắc kinh thành và cho rước tượng về đây. Hiện nay vẫn còn. Có nhiều bức được vẽ lại lưu hành khắp nước.

12. Đầu niên hiệu Thiên giám, Lương Vũ đế xây chùa Quang trạch trên phủ cũ và đúc pho kim tượng cao một trượng tám. Làm khuôn xong, hoàn hảo từng ly tấc. Khi sắp đúc, sợ đồng không đủ số, sửa soạn dâng sớ xin thêm. Bỗng sứ giả chở đến mười lăm xe đồng, bảo rằng: “Phụng sắc đem giao cho nhà chùa.”Lập tức nấu đồng đổ vào khuôn thì thành kiệt tác đứng đầu cả nước. Thấy tượng hơi cao lớn, thử đo lại, đến hai trượng hai thước. Bèn làm tờ tâu lên rằng tượng đã đúc xong, đúng với mô hình. Lượng đồng ban thêm cũng đều dùng hết. Đo lại kích cỡ, Tăng thêm bốn thước. Nhà vua ban sắc: “Nếu không đưa đồng thêm, sao được như thế. Phải chăng nhờ chân thân cảm cách, nên mới thị hiện thần uy? Hãy khắc rõ vào tòa sen để ghi lại linh tích.” Nhà chùa dâng sớ xin vâng mệnh và đem khắc dưới đế tượng. Đến nay hãy còn.

13. Sau khi lên ngôi, Lương Vũ đế sùng mộ Phật giáo, phế bỏ Lão giáo. Thường rước cao Tăng vào cung bàn luận diệu lý, đúc hai pho tượng bằng vàng và bạc lớn bằng người thật tôn trí ở điện Trùng vân. Sớm chiều thân hành lễ bái, đêm ngày công phu tinh tiến suốt năm mươi năm. Nhà vua đi lại, không kể nắng mưa, dấu mười ngón chân in rõ lên đá trên nền điện. Khi Hầu Cảnh đoạt ngôi, cũng tiếp tục thờ phụng. Thái úy Vương Tăng Biện giết Hầu Cảnh. Nguyên đế bị vây ở Giang lăng. Đất Giang nam trở thành vô chủ. Rồi Tăng Biện ngoại giao với Tề, rước Trinh Dương hầu Tiêu Uyên Minh lên ngôi. Bấy giờ, đất Giang đông chưa yên mấy, Tăng Biện sai rể là Đỗ Khám cai quản cấm cung. Khám bản tính tham tàn, muốn nấu hai pho linh tượng thành thoi. Trước tiên, sai mấy chục tay chân lên gác Tam hưu toan đục cổ tượng. Dùi đục vừa giơ, bất ngờ hai pho tượng quay đầu lại trừng mắt nhìn. Bọn thuộc hạ kinh hoảng, rụng rời tay chân, đứng không vững chổ, ấm ớ như ngây! Đỗ Khám cũng thế. Một hồi lâu mới tỉnh lại, bị roi đánh sưng vù, mình mẩy xanh tím. Chỉ thấy lực sĩ Kim Cương uy nghi đáng sợ, cùng xông lên đánh. Bọn chúng đau đớn kêu la, thân thể nát tan, máu me chảy đầy, lủng da lòi xương mà chết. Chuyện này xảy ra gần đây, trong Đạo ngoài đời đều biết.

14. Giữa niên hiệu Thiên bình đời Bắc Ngụy, tráng sĩ Tôn Kính Đức, người Định châu, đi trấn thủ biên thùy miền Bắc, có đúc một kim tượng Quán Am. Mãn hạn, mang theo về nhà, hằng ngày kính lễ. Sau đó, bọn cướp vu oan là đồng đảng, bị bỏ vào ngục ở kinh đô. Không chịu nổi tra khảo, đành nhận tội bừa và bị kết án xử trảm, sáng mai sẽ thi hành. Đem ấy, Kính Đức lễ bái sám hối, nước mắt như mưa bạch rằng: “Kiếp này chịu tội oan, do kiếp trước đã ép người oan ức. Nguyện trả nợ xong, thề không tái phạm nữa!” Rồi phát thêm nhiều lời đại nguyện. Giây lát, mơ màng như mộng, thấy một vị Sa-môn bảo tụng kinh QuánThế-Âm-cứu-sinh và niệm một nghìn biến danh hiệu đức Phật trong kinh ấy thì sẽ được cứu thoát. Kính Đức tỉnh dậy ngồi tụng, không hề sai vấp. Đến bình minh, chỉ được một trăm biến. Đội thi hành án đến trói giải ra chợ, Kính Đức vừa đi vừa tụng. Kịp khi sắp hành hình, vừa đủ một ngàn biến. Đao vừa hạ xuống, chưa chạm đến da thịt, liền gãy làm ba đoạn. Thay đao khác, chém cũng gãy. Đến lượt thứ ba, cũng y như thế. Quan giám trảm vô cùng kinh dị, làm tờ tâu lên. Thừa tướng Cao Hoan dâng biểu xin giúp, được nhà vua tha tội chết và ban sắc sao lại kinh ấy đem lưu hành. Ấy là kinh Cao-vương-Quán-Thế-Âm. Kính Đức được thả về, lập trai đàn cảm tạ. Đem tượng ra xem, thấy trên cổ có 3 vết chém. Cả làng cùng kéo đến chiêm bái và ca tụng uy linh. (Những chuyện trên đây được rút từ Tề-chí và Tinh-dị-ký)

15. Trần Vũ đế băng hà, con của anh tên Thiến lên ngôi. Thiến muốn lo liệu tang lễ, chế tạo xe êm, nhưng vận nước mới yên, chưa thể tổ chức linh đình. Nhớ thuở trước Lương Vũ đế cất điện Trùng vân, trong đó kinh tượng đều trang sức toàn châu báu lộng lẫy đứng đầu các nước. Ngôi vua tuy đã thuộc nhà Trần, nhưng cung điện nhà Lương vẫn còn uy nghi như cũ. Thiến muốn lấy các màn trướng quý giá trong điện làm đồ tống táng. Nhân lực tụ tập hùng hậu, từ bốn phía đồng loạt xong lên. Chỉ thấy mây che kín điện Phật, mọi chổ khác đều sáng trưng. Dân chúng lấy làm lạ, kéo nhau đi xem. Giây lát, mưa giông đổ xuống, sấm sét nổ rền. Chớp giăng khói tỏa, khắp cả thấp cao. Bỗng thấy điện Trùng vân, hai pho tượng, tứ bộ long thần và bảo tọa nhất tề bay lên. Khói lửa bốc theo, càng lúc càng xa. Cả nước cùng đổ ra xem, đều dốc lòng kính tín. Cơn mưa vừa tạnh, nhìn lại chổ cũ, chỉ thấy còn trơ nền không. Hơn một tháng sau, có người từ Dương châu đi đến, bảo rằng: “Vào hôm ấy, thấy điện và tượng cùng bay ra biển.” Đến nay, thỉnh thoảng có người nhìn ra biển còn thấy. Lại nữa, tháp chùa Vĩnh ninh đời Ngụy cao đến nghìn thước, do Trời lay động, tương Phật ở đây cũng bay đi như thế. Có người đôi khi cũng thấy tung tích ngoài biển Đông hải.

16. Cuối đời Bắc Tề, Sa-môn Tăng Hộ ở chùa Linh thạch tại Tấn châu, ngay thẳng giữ đạo, không ham trí tuệ. Phát nguyện tạo một pho tượng đá cao một trượng tám thước. Chư Tăng đều trách ngài nói viễn vông. Sau đó, trong hang núi về phía Bắc chùa có một khối đá nằm, dài khoảng một trượng tám. Ngài bèn thuê thợ đến tạc, gần trọn một năm, nhưng mặt và bụng vẫn còn thô tháp, lưng còn nằm đụng trên đất. Dùng đồ xeo nạy, không hề nhúc nhích. Ban đêm tự nhiên lật dậy. Sáng mai thấy thế, mọi người vui mừng, ra tay đẻo tạc và rước vào điện Phật. Ngày Tấn châu bị vây hãm, tượng đổ mồ hôi đầy nền. Khi quân nhà Châu xâm lăng, ra tay thiêu hủy chùa tháp trước tiên, tượng bị đốt cháy, nhưng không biến màu, chỉ bị tổn thương 2 ngón tay. Sau đó, giặc muốn kéo đổ, dùng sức 60 người và trâu, cũng chẳng thành công. Bỗng có vị Tăng xa lạ, không ai quen biết, lấy ngói, gỗ chất đậy chung quanh, nhấp nháy đã xong rồi biến mất. Sau đó, tượng giáng mộng bảo tín đồ rằng: “Ta đau ngón tay.” Người ấy biết được, mới đến sửa lại. Nhà Tuỳ nối vận, cho truyền Đạo như xưa. Năm Khai hopàng thứ mười lăm, có tên trộm lấy mất tràng phan bảo cái. Tượng giáng mộng thành người cao một trượng tám đến nhà trách cứ. Tên trộm xấu hổ sợ sệt đem trả lại. Tượng đến nay vẫn còn.

17. Năm Kiến Đức thứ ba (7), Châu Vũ đế đố kỵ Phật pháp, quyết tâm tiêu diệt. Thiên hạ tối tăm. Có Khương Minh ở Nghi châu, đêm đi tuần tra trong núi cách phía Bắc châu hơn một trăm dặm, thấy trên núi thỉnh thoảng phát sáng. Lấy làm lạ, liền lên tận nơi xem xét. Gặp một tảng đá nằm, hình dáng như pho thượng, bèn đẽo vào tìm kiếm. Chỉ là một khối quặng sắt, không thể đục chạm, nên mới có hình dáng thô tháp, cao chừng 3 trượng. Dù muốn mài bóng, cũng không thể được. Tìm dần xuống đất, gặp một tòa sen đá, có lổ mộng đầy đủ. Hiệp sức cùng người làng dùng đòn bẫy lên, tượng bỗng nhiên lăng xuống, lọt đúng vào tòa sen. Mọi người cho là điềm lạ kỳ, dâng biểu tâu lên. Bấy giờ, theo Trời nối vận, Phật pháp sắp hưng, Tịnh đế lên ngôi, đổi thành Đại tượng nguyên niên (79) và cất chùa Đại tượng ở đó. Nhà Tùy dựng nghiệp, sửa lại chùa xưa, gọi là chùa Hiển trừ. Truy tìm chổ ấy, không phải xóm làng, lại không có đá lớn và quặng sắt. Phải chăng do thần lực của vua A-dục mà dáng hiện? Đời Đường noi theo không đổi. Cuối niên hiệu Trinh quan, cất cung ở phía Tây chùa, gọi là Ngọc hoa. Tượng vẫn tôn trí ở chổ cũ trong ngự uyển, cách cung ba mươi dặm về phía Đông. Vua Thái tông Thường hay đến chiêm bái, cho là chưa đẹp, liền bỏ tiền của trang hoàng lại. Giữa niên hiệu Vĩnh huy, đổi cung làm chùa, gọi là chùa Ngọc hoa. Nay thuộc về Phương châu. Mỗi khi tối trăng, thường phát hào quang. Mọi người thường thấy nên cũng chẳng lấy làm lạ.

18. Tượng đổ nước mũi ở chùa Hoa nghiêm tại Hiện sơn thuộc Tương châu. Pho tượng này bằng gỗ, xưa nay chẳng ai rõ gốc gác, nhưng đầu và mặt tuyệt đẹp, cứ thích chiêm ngưỡng hoài không thôi. Cao chừng năm trượng, linh hiển đã lâu. Khi nhà Bắc châu tiêu diệt Phật giáo, người ta lấy đầu tượng lén đem cất giấu. Đến niên hiệu Khai hoàng nhà Tùy (81), lại lấy ra trang hoàng thành pho tượng ngồi, gọi là đức Phật Lô-xá-na. Hằng năm dân chúng đến cầu phúc, xem như biểu tượng kính tín của mọi người. Tùy Văn đế sắp băng hà, mũi tượng chảy nước, thấm ướt khắp ngực, làm bong lớp vàng thếp. Nước mũi óng ánh có hào quang. Lau xem trong veo không bợn. Tháng Tư năm Trinh quan thứ hai mươi ba (69), nước mũi chảy không ngừng, thấm ướt khắp ngực, vuông vứt một thước. Thoạt tiên, chẳng ai hiểu chuyện gì. Đến lúc vua Thái tông băng hà, mới biết là tượng báo điềm. Vào tháng sáu năm ấy, tượng lại đổ nước mũi. Toàn châu đều lo sợ, không biết sẽ xảy ra tai họa gì. Qua tháng bảy, sông Hán dâng nước lớn, tràn ngập thành quách, sâu hơn một trượng, người chết rất nhiều. Tượng hiện vẫn ở chùa cũ. Tín đồ đến cầu đảo rất đông. Đất Tương dương có kẻ hiếm muộn con cái thường đến vái xin, trai gái đều được linh nghiệm.

19. Chuyện tượng biết đi. Giữa niên hiệu Khai hoàng đời Tùy, điện Phật chùa Hưng hoàng ở Tưởng châu bị cháy. Pho tượng bằng đồng vàng lớn và hai tượng Bồ-tát cao một trượng sáu thước do Đái Ngung đúc, đang ở dưới nóc điện. Bấy giờ, thế lửa quá mạnh, đại chúng đành bó tay than vãn, sợ tượng sẽ cháy tiêu. Bỗng tượng đứng lên, bước tới một bước về phía Nam, vừa lúc nóc điện đổ ập xuống. Nhờ thế, tượng được toàn vẹn. Bốn bề gạch gỗ tro than đều cách tượng một khoảng chừng năm, sáu thước. Tuy bị lửa hun, nhưng sắc vàng không đổi. Đại chúng đều sững sờ kinh hãi, reo hò ca tụng đầy đường. Nay tượng dời về chùa Bạch mã. Chim chóc không bay đến đậu lên. Nam Vĩnh huy thứ hai (61), bọn trộm muốn kiếm đồng, đã cưa đứt song cửa, mưu toan kéo tượng đi, liền bị kẹp cứng tay, không thể rút ra được. Đến sáng, chư Tăng cật vấn, trả lời rằng: “Có một người mặc áo trắng đứng trong điện nắm chặt tay lại, nên không thể rút ra được!”

20. Tượng có hình ảnh hiện ra trong đá tại chùa Nhật nghiêm ở kinh đô đời nhà Tùy. Tượng ấy có hình bát giác, bằng đá thạch anh, cao tám tấc, lớn năm tấc, trong suốt, nhìn thấu hai bên. Ngày xưa, giữa niên hiệu Thái thanh đời Lương Vũ đế (7-8), có nhà sư mang từ Tây Vức sang, gặp loạn Hầu Cảnh, bèn cất trên đầu pho tượng ở chùa Tây lâm tại Lô sơn thuộc Giang châu. Năm Khai hoàng thứ mười đời Tùy (90), Dạng đế trấn thủ vùng Dương Việt, ra tay sưu tầm báu vật. Phàm các văn ký vùng Giang nam đều bị thâu tóm. Trong tạp ký, tình cờ thấy bút lục ghi chép về tượng có ảnh này, bèn sai kẻ thân tín Vương Diên Thọ đến chùa sưu tầm về. Từ khi trở thành trọng thần của nhà Tấn, mỗi lần đi xa, Dạng đế thường đựng tượng vào hộp sơn đen, sai người cưỡi ngựa bưng đi phía trước. Sau khi lên ngôi thái tử, bèn tôn trí vào chùa Nhật nghiêm, dặn dò giám tự xem xong, khóa kỹ, không cho người khác thấy. Chùa do nhà vua dựng nên. Cuối niên hiệu Đại nghiệp, thiên hạ náo động. Tăng chúng ở kinh đô thường đến chiêm bái. Cũng có vị ở trong chùa, nhưng chưa kính tín, cho rằng vì thấy ánh sáng lấp lánh trong đá, ngỡ là hình tượng đức Phật, nên đồn đãi thanh danh! Lời chư Tăng kể lại tuy chẳng giống nhau, nhưng đều bảo rằng đã thấy diện mục sắc tướng hiển hiện rành rành, không chút tăm tối. Nếu nhìn không thấy, lại trai giới sám hối bảy ngày, sau đó nhìn vào, sẽ thấy bảo tháp bằng bạc. Nhìn nữa, thấy có tượng Phật bằng bạc. Đạo đời cùng nhìn, sẽ thấy khác nhau. Hoặc thấy tháp Phật, Bồ-tát, hoặc thấy Tăng chúng ngồi đầy. Hoặc thấy tràng phan bảo cái, hoặc thấy bát bộ Thiên long. Hoặc thấy cảnh khổ ở ba Đường, hoặc thấy bảy 7 kiếp sinh diệt. Cảnh tượng nhìn thấy, hoặc cố định hoặc biến hóa vô thường. Tuy thiện ác cùng hiện nhưng thiện tướng chiếm nhiều. Thế nên, những kẻ đến cầu xem, đều có phát nguyện từ trước. Đầu thai loài nào, vãng sinh chổ nào, y nguyện đều thấy hiện rõ. Thật là kính báu soi rọi nghiệp quả ở chốn u minh vậy. Tháng bảy năm Trinh quan thứ sáu (632), nhà vua ban sắc rước vào đại nội để thờ phụng.

21. Tượng Phật bốn mặt ở chùa tại huyện Sa-hà thuộc Hình châu. Đời Tùy Văn đế, có người lên núi gặp vị Tăng giữ tượng Phật bằng đồng, cao hơn ba thước, bèn xin thỉnh về. Vị Tăng bằng lòng rồi biến mất. Các nơi nghe đồn, tranh nhau đến lôi kéo nhưng tượng không chút nhúc nhích giở lên. Chỉ vị Tăng ở chùa Sa-hà đưa tay ra dắt, liền theo về chùa! Người đời sau nhặt được một thỏi vàng bên cạnh chùa, trên có hình hai con quạ, khắc rằng: “Dùng để mạ tượng Phật bốn mặt.” Bèn đem mạ tượng. Trên thân tượng toàn là hình quạ. Sau đó, bỗng dưng tượng biến mất. Trong khúc suối quanh co bên chùa thường phát hào quang. Dò theo tìm thì gặp lại tượng! Tùy Hậu chủ nghe tiếng, sai thợ đúc mô phỏng chế tạo pho khác, nhưng vội quá không thành. Phải mất ròng rã hơn hai trăm ngày mới xong, tuy nhiên vẫn chưa hoàn mỹ, bèn ra lệnh đình chỉ.

22. Năm Khai hoàng thứ ba đời Tùy, Sa-môn Pháp Khánh đúc pho tượng đức Phật Thích-ca mặc áo gai dày, cao một trượng sáu thước, ở chùa Ngưng quán. Phật sự chưa thành, Sa-môn đã viên tịch. Hôm ấy, ở chùa Bảo xương, Sa-môn Đại Trí cũng viên tịch. Ba ngày sau bỗng sống lại, kể với Tăng c húng trong chùa rằng: “Ta thấy Sa-môn Pháp Khánh đứng trước mặt vua Diêm La, đầy vẻ âu sầu. Một lát, thấy tượng đi đến, nhà vua vội rời ngai, chấp tay hành lễ. Tượng bảo: “Pháp Khánh tạo ta đến nay vẫn chưa xong, tại sao lại bắt chết?”Nhà vua quay lại gọi một người, hỏi rằng: “Pháp Khánh đúng số chết chưa?” Người ấy bẩm: “Số chưa đáng chế, nhưng lương thực đã hết.” Nhà vua phán: “Nên cho ăn lá sen để hưởng hết phước báo.” Thấp thoáng, ta không thấy Sa-môn Pháp Khánh nữa.” Kể xong, Sa-môn cho người sang chùa Ngưng quán dò la. Một lúc, liền thấy Sa-môn Pháp Khánh sống lại và thuật chuyện y như Sa-môn Đại Trí vừa kể. Từ đó, Sa-môn Pháp Khánh thường ăn lá sen, cho là ngon lắm. An phải thứ khác thì nuốt không trôi. Tượng hoàn thành, Sa-môn sống thêm mấy năm mới viên tịch. Nghi dung tượng ấy thật đầy đặn và hay phóng hào quang. Chùa cũ tuy đã đổ nát, nhưng tượng vẫn còn đến nay.

23. Giữa niên hiệu Vũ đức đời Đường (618-62), tại sông Từ ô phía Tây nam Phương châu có Hách Tích, vốn mộ đạo, thấy trên núi có chổ bầy nai thường bỏ đi rồi lại trở về tụ tập nghỉ ngơi. Lấy làm lạ, Hách Tích đào thử lên xem, bắt gặp một pho tượng đá cao chừng một trượng bốn thước, liền chuyển về làng ở sông Từ ô, đến nay vẫn còn. Từ khi lấy tượng, bầy nai bèn bỏ đi chổ khác. Các bậc kỳ lão kể rằng: “Vào thời đức Phật Ca-diếp, có bốn mươi pho tượng được đem chôn. Nay đã phát hiện hai pho. Số còn lại vẫn trên núi. Hình dáng cũng giống như pho tượng bằng quặng sắt ở phía Đông cung Ngọc hoa, không thể sơn phết châu sa được.”

24. Tháng chín năm Trinh quan thứ mười bảy đời Đường, đô đốc Lương châu Lý Tập Dự, nhân đi thị sát địa phương, đến địa giới huyện Xương tuyền thuộc phía Đông nam Lương châu, gặp một trụ bia gồm có một trăm mười chữ chép tên của bảy vị Phật và tám vị Bồ-tát tạo phước lớn chứng được thượng quả. Đô đốc vội làm tờ tâu lên. Nhà vua ban sắc sai xác minh lại, quả đúng với lời tâu, bèn sai nội thần giáng chiếu miễn dao dịch một năm và tha cho kẻ có tội ở Lương châu.

25. Đời Đường, chùa Tương tư ở cách Du châu một trăm dặm về phía Tây. Trên núi đá tại phía Bắc chùa có mười hai Phật tích, đều dài chừng ba thước, rộng một thước một, sâu chín tấc, trong chạm hình vảy cá, nằm cách điện Phật chừng mười bước về phía Bắc, được chư Tăng gìn giữ. Đến tháng mười năm Trinh quan thứ hai mươi, giữa dòng suối bên chùa tự nhiên mọc lên hoa sen màu hồng, có đủ đài và nhụy, lớn bằng gương mặt ba thước. Vớt lên, rưng rưng như đổ lệ, thả xuống lại nở ra thành hoa. Ghe thuyền qua lại đều trầm trồ. Suốt một tháng liền không tàn. Chùa Tương Tư nhờ thế, trở lên nổi tiếng. Có người nói rằng ở Phù châu cũng có chùa này. Chùa vốn nghèo nàn, nhờ chuyện ấy, 0 được cúng dường nhiều, trở thành giàu có đến nay. Thuở xưa, dưới đời Tề, Giếng Thiên tử ở phía Đông Kinh Châu có gấm nổi lên. Bấy giờ, trai gái đua nhau lấy dùng, giống như gấm thật không khác. Suốt tháng mới hết. Thế nên, các vật lạ xuất hiện, cũng chẳng có gì đáng lấy làm lạ. (Các sách Tề-xuân-thu của Ngô Quân và Kinh-Nam-chí của Tiêu Thành, đều chép những chuyện này).

26. Chuyện mười ba Phật tích trên đá, lớn từ năm thước trở lại ở phía Bắc chùa Linh khám tại huyện Hưng ninh thuộc Đông bắc Tuần châu vào đời Đường. Tuần châu nằm ở lưu vực sông Tuần. Đông Tây rộng hai trăm dặm, Nam Bắc rộng một trăm dặm. Phong quang chùa rất hưng thịnh. Gần đây phát hiện được một kho đồng có một lò và hơn một trăm cái mâm. Trên đó khắc rằng: “Tăng sĩ bắt gặp, sẽ được phước đức; người đời bắt gặp, sẽ bị tai ương.” Xưa đồn rằng: “Vào đời Tấn, có nhà sư người phương Bắc ẩn tu ở núi này. Một lần, vân du núi Đại hồng, đến chổ Phật tích, gặp một động lớn đầy hoa quả xanh tươi, liền ở lại. Sơn thần hiện ra hăm dọa. Nhà sư giữ vững Chánh niệm bất độn. Sơn thần bảo: “Chổ này không thể ở yên, quỷ thần thường hay quấy phá.” Nhà sư nhìn núi đá phía trước, mây bay che kín mặt Trời, liền leo lên tham quan. Nhìn xuống dưới chân, bờ đá cheo leo, vực sâu thăm thẳm. Biết không thể vượt qua, đành trở về huyện Hưng ninh kể lại mọi chuyện. Đến đời Tống, có hai vị Tăng tiếp tục hành hương, không thành công, liền quyết chí tìm phương cách. Một vị chuyên tụng kinh Pháp-hoa, giữ gìn giới hạnh tinh tiến, hàng phục được qủy thần, bắt phải hiện hình thọ giới cùng với gia quyến. Vị Tăng nhìn lên sườn núi trước mặt, có ánh sáng lạ thường. Phía dưới là vực sâu hun hút. Chỉ cách một trượng, vị Tăng bắt cây làm cầu bước sang, liền bắt gặp mười Phật tích trên đá, có màu sắc sống động như thịt người. Năm Trinh quan thứ ba, lại xuất hiện them một Phật tích. Tất cả đều phóng hào quang và có vòng tròn đầy đủ. Nay có ít nhiều người chiêm bái nên phải thiết lập khám thờ để giữ lấy niềm linh dị. Dò hỏi nguồn gốc của chùa, vốn do một vương gia đời Tống hiến vườn cây để lập nên. Hiện tại vẫn còn dấu tích ngôi chùa cổ ấy.

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây