Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 28: Quyển 9 - Thiên thứ 5: Nghìn Phật - Bộ Thứ Mười Một: Xuất Gia

PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Giảng giải: Pháp Sư Đạo Thế, Đời Đường
 

THIÊN THỨ NĂM

NGHÌN PHẬT
 

TẬP MƯỜI HAI

BỘ THỨ MƯỜI MỘT

 XUẤT GIA
 

Gồm có mười phần: Thuật Ý, Ly Tục, Thích Phát, Cụ Phục, Sử Hoàn, Giáo Tử, Sai Thị, Phật Phát, Thì Tiết, Hội Đồng.

Thứ nhất: Phần Thuật Ý.

Thiết nghĩ: Nhân duyên giả tạm vốn do độn căn của các chúng sinh, pháp tính thường tồn chính là diệu lý của bậc giác ngộ. Thế nên, khắp Tam Giới Lục đạo, các chúng sinh luôn tạo nghiệp để đắm chìm, đủ bát giải thập trí, bậc giác ngộ mới dẫn dắt đến giải thoát.

Do đó, Đức Bổn Sư Năng Nhân đã tuỳ duyên hóa độ. Xót nhà lửa bốc cháy phừng phừng, thương sông dục trôi phăng cuồn cuộn. Nương cung điện của Vua Bạch Tĩnh, phóng hào quang rực rỡ sắc vàng. Chịu đựng trong Tam chướng nặng nề, chỉ đãy xác điểm tô không thật, ra dạo bốn cửa thành đồ sộ, sợ mây nổi biến hóa vô thường.

Tự chua xót sao nhân sinh trầm luân đến thế. Bởi vậy, Thiên Vương bồng ngựa trắng vượt khỏi cấm thành, kẻ hầu đem mũ quý về lại đại nội. Thoát thế tìm chân, vốn là như thế. Tuy Tiêu Sử đời Tần, Tử Tấn đời Châu, hay Hứa Do rửa tai dưới núi Ky, Trang Tử kéo đuôi bên sông Bộc, giả thiết đem ra so sánh, vẫn quá nhỏ bé hẹp hòi.

Khiến cho kẻ ngưỡng mộ đức hạnh, đã bỏ ác lập thân, người kính mến uy nghi, đã giữ giới tu thiện. Hủy hoại hình hài để hoàn thành đại nguyện, Ngài đã gọt tóc râu trên dung nhan đẹp đẽ, thay đổi phàm tục để thể hội chân lý, Ngài đã cởi bỏ áo gấm của bậc quân vương.

Xem bề ngoài, tuy thiếu sót sự thân, nhưng trong đó vẫn chứa chan chữ hiếu, xét lễ nghĩa, dù lỗi đường thờ Chúa, song nội tâm vẫn giấu diếm ân tình.

Đức ban khắp cả oán thương, đều được hoà thuận, phước thấm chan hoà trên dưới, chẳng chấp lỗi lầm. Bậc thượng trí tin lời Ngài dạy, hẳn nhiên được lợi, kẻ phàm phu thiếu thốn bảo ban, phải chịu thiệt thòi. Răn ác thì kẻ phóng túng mới canh tân, khuyến thiện thì người sáng suốt biết hoán cải.

Thế nên, ở rừng tiên vừa liệng trâm xuống đất, bờ Ni Liên khổ hạnh đã bắt đầu. Tắm kim thân bằng nước trong lành, nhập Đạo Tràng dưới bóng cây mát. Thọ bát cháo cúng dường pha sữa, ngồi kết già trên thảm cỏ mềm. Nhờ đó, thập lực tăng đầy, Lục Thông phát đủ. Tà ma cuốn gói, Chánh đạo thành tựu vậy.

Thứ hai: Phần Ly Tục.

Như Kinh Nhân Quả nói:

Bấy giờ, Thái Tử tự tâm niệm: Tuổi ta đã lên mười chín. Hôm nay là ngày mồng bảy tháng hai. Thích hợp ra ngoài để Xuất Gia cầu đạo, chính là lúc này. Suy nghĩ chín chắn xong, thân phóng hào quang chiếu sáng đến các Thiên Cung Tứ Thiên và Đao Lợi, nhưng không cho mọi nguời thấy được ánh hào quang này.

Khi các Thiên Vương thấy ánh hào quang, biết đã đến lúc Thái Tử đã Xuất Gia, liền giáng hạ xuống bên Thái Tử, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi chắp tay thưa rằng:

Hạnh Nguyện tu tập của Thái Tử từ vô lượng kiếp đến đây, hôm nay đã được thành tựu.

Thái Tử đáp rằng: Đúng như lời của Chư Thiên. Chính là hôm nay, nhưng Phụ Vương đã ra lệnh canh giữ nghiêm mật khắp trong ngoài. Ta muốn ra đi mà không có cách.

Chư Thiên đáp bạch rằng: Chúng tôi sẽ tạo phương tiện để Thái Tử ra đi không ai hay biết. Lập tức dung thần lực khiến mọi người đều ngủ say.

Bấy giờ, trong lúc ngủ, Da Du Đà La thấy ba giấc mộng lớn: Một là thấy Mặt Trăng rơi xuống đất. Hai là thấy răng rụng. Ba là thấy mất cánh tay phải. Quá kinh hoảng, Phu Nhân giật mình thức dậy, bẩm cùng Thái Tử và kể lại đầu đuôi.

Thái Tử trấn an: Nàng xem, Trăng còn trên Trời. Răng thì không rụng. Tay cũng hãy còn. Nên nhớ mọi giấc mộng đều hư huyển không thật. Nàng không nên lo sợ quá.

Phu Nhân lại thưa: Theo thiếp suy nghĩ, những giấc mộng ấy là điềm Thái Tử Xuất Gia.

Thái Tử đáp rằng: Nàng hãy ngủ yên, đừng lo âu điều ấy. Phu Nhân nghe lời, yên tâm nằm ngủ.

Lại nữa, Kinh Phổ Diệu nói: Bấy giờ, Bồ Tát xem các vũ nữ ca múa ban đêm. Nhìn qua hằng trăm tiết mục như cọng lá chuối khô bay lượn vô hồn. Tất cả chín khiếu đều dơ dáy, chẳng có gì đáng ham say. Đến khi sao đêm vừa hiện, liền bảo Xa Nặc thức dậy, chuẩn bị sẳn ngựa Kiền Trắc.

Khi Thái Tử vừa ra lệnh xong, bốn vị Thiên Vương cùng vô số các Dạ Xoa Nữ và loài rồng đều trang bị đầy đủ áo giáp, từ bốn phương bay đến, cúi đầu hành lễ trước Thái Tử rồi thưa rằng:

Nam nữ trong thành đều hết sức mệt mỏi. Bọn khổng tước cũng hết sức mệt mỏi, nên đã ngủ say cả rồi.

Lại nữa, Kinh Bản Khởi nói:

Chư Thiên đều bảo: Thái Tử nên đi liền, sợ bị ngăn cản. Xin Ngài hãy mau mau đi khỏi thật xa đống lửa lớn này.

Khi Thái Tử đã suy nghĩ thấy thật sự như thế xong, Trời đã về khuya, Thiên Vương Tĩnh Cư và Chư Thiên cõi Dục Giới đều tề tựu đông đảo giữa Hư Không, cùng đồng thanh bạch Thái Tử:

Tất cả hoàng gia trong ngoài đều đã nằm ngủ say sưa. Bây giờ chính là lúc Xuất Gia. Thái Tử bèn thân hành đến bên Xa Nặc, nhờ thần lực nên Xa Nặc liền thức dậy.

Thái Tử ra lệnh: Nhà ngươi hãy dẫn ngựa Kiền Trắc đến đây cho ta. Xa Nặc nghe xong, khắp mình run rẩy, lòng đầy do dự: Thứ nhất là không muốn trái lệnh của Thái Tử. Thứ hai là lo sợ sắc chỉ nghiêm khắc của Nhà Vua.

Suy nghĩ rất lâu, Xa Nặc rơi lệ thưa rằng: Đại Vương đã ban sắc chỉ như thế. Bây giờ không phải la lúc đi chơi, cũng không phải là lúc đi đánh dẹp quân địch.

Làm sao giữa đêm hôm khuya khoắt, bỗng dưng Thái Tử lại đòi thắng ngựa đi đâu?

Thái Tử đáp lại: Bây giờ ta muốn đi tìm phuơng cách chế ngự mọi kết tập phiền não cho tất cả chúng sinh.

Nhà ngươi đừng trái ý ta. Bấy giờ, Xa Nặc cất tiếng khóc lớn, mong cho Phu Nhân Da Du Đà La và hoàng gia đều biết Thái Tử sắp sửa ra đi. May nhờ thần lực của Chư Thiên, tất cả đều ngủ vùi như cũ. Xa Nặc đành phải dắt ngựa đến.

Thái Tử từ từ bước tới, bảo Xa Nặc và ngựa Kiền Trắc rằng: Tất cả mọi yêu thương rồi sẽ ly biệt. Sự nghiệp thế gian dễ dàng xây dựng, nhân duyên Xuất Gia rất khó hoàn thành. Xa Nặc nghe xong, im lặng không nói nửa lời. Do đó, ngựa Kiền Trắc không hí lên nữa.

Bấy giờ, Thái Tử thấy Trời hé sáng, trên thân liền phóng hào quang chiếu khắp mười phương, cất tiếng Sư Tử nói lớn: Theo gương Chư Phật thời quá khứ, hôm nay ta cũng Xuất Gia.

Liền đó, Chư Thiên bồng chân ngựa và đở Xa Nặc, Thích Đề Hoàn Nhân cầm lộng theo hầu. Chư Thiên lập tức ra lệnh mở cửa thành Bắc thật nhẹ nhàng, không nghe tiếng động.

Xa Nặc lại buồn, cửa đóng chặt then, ai mở được đây?

Khi ấy, các Quỷ Thần và A Tu La nhẹ nhàng mở cửa. Thái Tử nhờ đó ra được ngoài thành. Từ giữa không trung, Chư Thiên ca hát theo hầu. Đến khi Trời sáng, đoạn đường đi qua đã được ba Du Xà Na. Bấy giờ, Thiên Chúng theo hầu Thái Tử đến đây, mọi việc giúp đỡ đã xong, liền bỗng nhiên biến mất.

Thái Tử tiếp tục ra đi, đến chỗ Tiên Nhân Bạt Già ở giữa rừng, bèn dừng lại, bước xuống vỗ lưng ngựa và nói rằng: Chuyện khó làm, ngươi đã làm xong.

Rồi lại bảo Xa Nặc rằng: Chỉ có một mình nhà ngươi đơn độc đi theo ta. Thật là hiếm có.

Bây giờ, ta đã đến được chỗ bình an. Nhà ngươi và Kiền Trắc cùng có thể trở về Hoàng Cung. Vừa nghe Thái Tử nói xong, Xa Nặc kêu gào khóc lóc, té xuống nằm mê man dưới đất, không gượng lại được. Kiền Trắc nghe nói phải trở về, bèn co gối quỳ xuống liếm chân Thái Tử, nước mắt rơi xuống như mưa.

Nay ta làm sao có thể bỏ mặc Thái Tử để trở về cung một mình?

Thái Tử đáp lời: Định luật của thế gian là sống một mình, chết một mình.

Há lại có bạn?

Nay ta vì muốn diệt trừ mọi nguồn cội đau khổ nên mới đến đây. Khi mọi khổ đau đã chấm dứt, ta sẽ cùng tất cả chúng sinh kết làm bè bạn.

Lại nữa, Kinh Phật Bản Hạnh nói rằng: Bấy giờ, bốn Thiên Vương hộ thế và Trời Đế Thích biết giờ Xuất Gia của Thái Tử đã đến, mỗi vị tuỳ theo địa vị của mình, sửa sọan trang nghiêm, thống lãnh các thân thuộc đông đến hằng trăm vạn, tiền hô hậu ủng, cử hành âm nhạc, từ bốn phương kéo đến, bao bọc ba lớp chung quanh thành Ca Tỳ. Tất cả đều cúi đầu chắp tay, khom mình hướng về Thái Tử, đứng chật khắp Hư Không.

Khi ấy, lại thấy sao Quỷ và Mặt Trăng cùng tụ họp, Chư Thiên đồng thanh nói lớn: Thưa Đại Thánh Thái Tử, sao Qủy đã họp mặt. Nay vừa đúng giờ. Muốn cầu diệu pháp, xin dừng ở đây. Thái Tử nghe xong, nhìn lại các thể nữ ô quế dơ dáy, ngũ say không thức, liền lấy tay kéo tóc bảo tỉnh dậy, rồi lấy chân hất vào mình, nhưng bọn thể nữ ấy vẫn không hay biết trừ phần này, các phần khác điều giống như trên.

Khi Thái Tử đã ra khỏi thành, liền cất tiếng Sư Tử nói lớn: Ta thề phải chứng được chân như Bồ Đề mới trở về lại trong thanh này để hoá độ.

Tuy nhiên, ở đó có vị thần cuả cây Ni Câu Đa giống cây đa to lớn nhất nói kệ với Thái Tử rằng:

 Nếu người muốn đốn ngã cây cối

Chắc chắn phải chặt hết gốc rễ.

Như món vật này cần dứt bỏ,

Qua sông phải đến được bờ nọ.

Một lời đã nói không được sai,

Chuốc oán vừa xong, chớ mừng rỡ.

Bấy giờ, Thái Tử nói kệ trả lời thần cây đa rằng:

Núi Tuyết có thể di chuyển được,

Nước biển có thể tát cạn được,

Bầu Trời có thể rơi xuống đất,

Lời ta đã thốt, quyết không sai.

Khi cởi mũ quý trao cho Xa Nặc đưa về bẩm lại với Phụ Vương, Thái Tử nói kệ rằng:

Giả sử thương yêu cùng tụ họp,

Đến thời rồi cũng phải chia ly.

Thấy rõ vô thường ngắn ngủi ấy,

Tìm phương giải thoát quyết ra đi.

Xa Nặc nghe xong, đáp kệ rằng:

Giả sử lấy sắt đúc thành kim,

Rồi đem ra nghe lời thề ấy,

Người nào chẳng thấy tim tê tái,

Huống tôi là kẻ sinh cùng ngày.

Bấy giờ, Thái Tử nói kệ trả lời lại Xa Nặc:

Giả sử huyết nhục cuả ta đây,

Cho đến da dẻ và gân cốt,

Tất cả đều bị nghiền tan nát,

Hay là tính mạng không bảo toàn,

Nếu ta không trút được gánh nặng,

Vượt mọi đau khổ, đạt căn nguyên,

Chưa chứng giải thoát, ngồi đạo trường,

Quyết sẽ không về gặp ngươi nữa.

Khi ấy, Xa Nặc oà lên khóc lớn, thưa Thái Tử rằng: Con ngựa này tuy là loài vật, nhưng vẫn còn biết đau thương, rơi nước mắt khóc lóc, quỳ xuống hai bàn chân của Thái Tử. Huống chi là người thân thích ruột thịt, sẽ phải đau khổ đến dường nào.

Bấy giờ, Thái Tử lấy tay vuốt đầu ngựa chúa Kiền Trắc và nói kệ rằng:

Thái Tử lấy tay có văn lưới,

Tướng tốt Pháp Luân chữ vạn rõ,

Bàn tay mềm mại ánh sắc vàng,

Ve vuốt trên đầu ngựa Kiền Trắc.

Giống hai người thân ngồi tâm sự:

Người cùng ngày sinh, ngựa Kiền Trắc.

Chớ nên hí buồn, thêm áo não.

Người đã lập công xong xuôi cả.

Nếu ta chứng được pháp Cam lộ,

Công lao xứng đáng đã chuyên chở,

Ta sẽ chia cho pháp vi diệu,

Đền đáp công ấy, quyết chẳng sai.

Thứ ba: Phần Thích Phát.

Kinh Phật Bản Hạnh nói: Bấy giờ, Thái Tử lấy lại cây dao có chuỗi trang sức bằng thất bảo xen lẫn Châu Ma Ni đeo bên hông Xa Nặc. Tự dùng tay phải nắm chuôi dao rút ra khỏi vỏ.

Lập tức dùng tay trái nắm búi tóc có màu xanh tía của hoa Ưu Bát La, tay phải đưa dao bén ấy cắt đứt và thuận tay liệng vào không trung. Trời Đế Thích lấy làm kỳ lạ, hết sức vui mừng, hứng ngay búi tóc, không cho rơi xuống, dùng áo Trời tuyệt đẹp đỡ lấy, bọc lại.

Chư Thiên đem các phẩm vật quý báu nhất trên các Cõi Trời ấy cúng dường cho Thái Tử. Khi ấy, Thiên Chúng Trời Tĩnh Cư ở cách Thái Tử, không gần không xa. Có một tràng hoa tên Tuman na, hoa từ tràng này rơi xuống, hóa thành một người hớt tóc cầm dao cạo sắc bén đứng chờ.

Thái Tử nói với người ấy rằng: Ông có thể hớt tóc cho ta không?

Người ấy trả lời: Được lắm chứ.

Rồi dùng dao ấy cạo tóc cho Thái Tử. Bấy giờ, Trời Đế Thích lấy làm kỳ lạ, tóc vừa cạo xong, không để một sợi nào rơi xuống đất, từng sợi một, đều dùng áo Trời hứng lấy và cúng dường lại cho Chư Thiên Tam Thập Tam. Búi tóc, mũ, lược của Bồ Tát đến nay vẫn còn nguyên vẹn.

Theo sách Cảm ứng ký của Luật Sư đạo Tuyên nói rằng: Thiên Nhân trả lời Luật Sư khi vừa thành đạo cho đến mười ba năm sau, Đức Như Lai ở tại Tịnh Xá Kỳ Hoàn. Bấy giờ, Thiên Vương Đại Phạm mời Đức Phật Thuyết Pháp. Hằng trăm ức Chư Phật Mười Phương đều đến tụ họp. Các Bồ Tát, Thanh Văn, Bát Bộ Long Thần trong Đại Thiên Thế Giới cũng tề tựu ở Kỳ Hoàn.

Khi ấy, Thích Đề Hoàn Nhân bạch Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn, tôi thấy Thiên Vương Đại Phạm mời Đức Phật Thuyết Pháp. Bây giờ tôi muốn tắm cho Đức Phật, kính xin Ngài bằng lòng. Đức Phật liền bằng lòng. Lập tức có hành cung bằng thất bảo và các loại nước nóng ướp hoa thơm để tắm cho Đức Phật.

Đức Phật bảo A Nan: Ông hãy đến toà kim cương dưới cây Bồ Đề ở phía Tây Tháp lấy cây dao thất bảo và bồn tắm kim cương của ta. Ta sắp sửa cạo tóc.

A Nan vâng lời, đi lấy đem về chỗ Đức Phật.

Đức Phật nhận dao xong, bảo khắp đại chúng rằng: Từ khi thành đạo Đến nay, ta chưa từng nói với các ông về nhân duyên của dao này. Hôm nay các ông hãy nghe kỹ, khi ta mới ra khỏi thành, xa cung điện của Phụ Vương chừng sáu mươi dặm, Xa Nặc bạch ta rằng, bây giờ tôi hơi mệt, xin dừng chân nghỉ ngơi một lát. Ta nghe lời, dừng lại.

Ngay chỗ nghỉ chân, có một hồ Đại Long, chu vi rộng bốn mươi dặm. Hồ có nhiều hoa sen ngũ sắc, bốn bề hoa cỏ xanh tươi khiến người ta ưa thích. Ta đến bên hồ, vốc nước rửa mặt. Bỗng nhiên có hai thiếu niên đi đến bên ta, hỏi ta đi đâu. Ta đáp, đi tìm đạo Bồ Đề. Thiếu niên ấy bảo, tôi là Long Vương của hồ này.

Từ khi thư tịch Vi Đà ghi chép, có nghìn Phật sẽ xuất thế trong hiền kiếp này, tôi làm thân rồng đến nay đã trải qua mười đại kiếp, mấy lần thấy các Thế Tôn thành đạo và nhập Niết Bàn.

Khi Đức Phật Câu Lưu Tôn nhập diệt, đã đem giao phó cho tôi một bồn tắm kim cương, trong đựng thế đao. Kể từ ba vị Phật xuất thế trong hiền kiếp đến nay, thế đao và bồn kim cương đã được lần lượt giao phó. Hôm nay, tôi muốn mời Ngài xuống Long Cung để sửa sọan cúng dường chút ít lễ vật.

Không biết Ngài có nhận lời chăng?

Ta liền đi theo xuống đến Long Cung thọ lãnh cúng dường. Rồi thiếu niên đem thế đao bằng thất bảo dâng cho ta và nói, hôm nay ngày tu đạo, sẽ có nhiều ma quỷ quấy nhiễu.

Mỗi khi muốn tĩnh tư, nên đem dao này để yên trên gối phải. Dao này sẽ phóng hào quang chiếu sáng khắp thân Ngài, hóa thành nghìn vạn trượng. Từ hào quang ấy, hiện nên một tấm màn che phủ thân Ngài.

Trên tấm màn ấy, có hằng trăm nghìn lực sĩ cầm dao, uy nghi ngoài sức tưởng tượng. Ma quỷ thấy được, sẽ kinh sợ, không nổi ác tâm phá phách.

Đợi đến khi Ngài thành đạo, sắp sửa gọt tóc râu, tôi sẽ đem bồn tắm kim cương ấy đến chỗ Ngài. Khi ta vừa thanh đạo, xuống sông tắm rửa, Long Thần ấy liền mang bồn đến cho ta.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Phạm Vương: Ông hãy mang dao quý bay lên Thiên Cung.

Và bảo các Thổ Thần Kiên Lao: Từ cõi kim cương, hãy tạo nên đài kim cương cao bảy mươi do tuần cho Đức Như Lai ngồi lên.

Lại bảo Long Vương Ta Kiệt: Ông hãy hóa thân thành tám vạn bốn nghìn hình rồng vàng. Đầu bằng thất bảo, mình bằng vàng ròng. Từ đỉnh núi Tu Di, phun nước tám công đức tưới xuống đỉnh đầu Đức Thế Tôn.

Lại bảo Trời Phạm ma: Ông hãy gội đầu tóc cho Đức Thế Tôn.

Ra lệnh cho Thích Đề Hoàn Nhân: Ông hãy cầm bồn kim cương hứng tóc cho Đức Thế Tôn. Khi ấy, Thiên Vương Hóa Lạc biến thành tán bạc che mát đỉnh đầu của Đức Như Lai.

Chư Phật Mười Phương đều đến bên ta, cùng ngồi lên đài kim cương và tay cầm dao thất bảo. Chư Phật đưa bàn tay óng ánh sắc vàng lần lượt xoa lên đỉnh đầu ta. Khi được xoa xong, ta có đủ trăm nghìn phép Tam Muội.

Chư Phật bảo Thiên Vương Đại Phạm: Ông hãy cầm dao gọt tóc cho Đức Như Lai. Khi Thiên Vương ấy cầm dao sử sọan gọt tóc, liền không thấy đỉnh đầu của Đức Như Lai.

Tìm lên búi tóc trên đỉnh, cũng chẳng thấy.

Đức Phật bảo Phạm Vương: Ta thấy Chư Phật đời quá khứ đều tự gọt tóc. Tất cả phàm Thánh đều không thể thấy được đỉnh tướng của ta. Ta bèn tự tay gọt tóc. Râu tóc đều sạch, chỉ còn hai râu mép, dù đã gọt, vẫn không chịu rụng. Gọt xong, ta xuống sông tắm gội. Bấy giờ, các Phạm Vương, Đế Thích, Long Vương đều tranh nhau lấy tóc của ta.

Đức Phật bảo đại chúng: Hãy giao cho Phạm Vương, Đế Thích, Phạm mas và Long Vương mỗi người chút ít tóc râu. Cũng giao cho Nhà Vua Tịnh Phạn chút ít.

Chư Phật Mười Phương lại bảo ta rằng: Thiên Vương Đại Phạm này chính là vị thí chủ lớn hàng đầu của Ngài. Ngài hãy hiện đỉnh tướng cho Phạm Vương ấy cầm dao gọt lại tóc râu. Ta nghe lời này, bèn hiện đỉnh tướng ra. Ta cầm dao này giao cho Phạm Vương. Mặt đất vì thế, chấn động đủ sáu cách.

Dao phóng hào quang chiếu sáng hằng trăm ức Quốc Độ của Chư Phật. Ta tuy đã hiện ra đỉnh tướng, nhưng chỉ lên đến Sắc Giới đỉnh. Bấy giờ, Phạm Vương liền bay lên đến đỉnh tướng mới gọt được tóc cho ta. Sau đó, gọt hai râu mép.

Khi râu mép rơi xuống, phóng ra hào quang lớn, rơi xuống đến Diêm Phù Đề, hóa thành hai toà bảo Tháp, cao đến đỉnh tướng, đầy đủ mọi thứ trang nghiêm. Từ lúc ta thành Phật đến nay, hai bảo Tháp này có mặt trước hết.

Chư Phật Mười Phương đồng thời bảo ta: Hãy đem hai bảo Tháp râu mép này giao cho Phạm Vương giữ gìn. Sai thổ thần Kiên Lao tạo Tháp kim cương nhỏ để đựng thế đao và bồn vàng này.

Chúng tôi thấy Chư Phật đời quá khứ, khi mới thành Chánh Giác, đều cầm dao này gọt tóc và nói xong Đến thật là hay. Thì râu tóc đã rụng xuống. Nay Ngài đã thành đạo, hãy cầm dao này đến Lộc uyển thế độ cho năm người giống như Chư Phật đời quá khứ. Ta nghe lời ấy, liền đến Lộc uyển thế độ cho năm vị Bà La Môn. Từ đó về sau đều gọi họ là Thiên Lai hay Yết Ma.

Lại bảo Tu Bồ Đề: Từ giới đàn, hãy phóng lửa chiếu sáng để triệu tập hằng trăm ức Chư Phật và các vị hóa Phật của ta đến tụ họp tại giới đàn. Tu Bồ Đề vâng lời, đi triệu tập xong xuôi.

Từ giảng đường, Đức Như Lai cầm thế đao, A Nan bưng bồn bồn vàng, cùng đại chúng Trời người đi đến giới đàn, vòng quanh ba lượt, rồi theo phía Bắc bước lên đàn, bảo Thiên Vương Đại Phạm:

Ông hãy bố thí thợ thuyền và vàng sắt trên Trời để ta chế tạo thế đao.

Lại bảo Thổ Thần Kiên Lao: Ông hãy bố thí kim cương, ta sắp chế tạo Tháp nhỏ đựng thế đao này.

Lại bảo Long Vương Ta Kiệt: Thợ rồng của ông giỏi nhất, có thể chế tạo hộp đựng dao quý cho ta. Các Thiên Nhân vâng lời, bố thí đủ mọi thứ. Nhờ thần lực của Đức Như Lai, chỉ trong khoảng thời gian một bửa ăn, cả ba loại đều hoàn thành. Dao quý chế tạo được tám vạn bốn nghìn cái, đem cho vào hộp và đựng trong Tháp kim cương.

Lại bảo Chư Phật Mười Phương đều cúng dường dao và Tháp, số lượng lên đến tám mươi ức cái. Tất cả đều được giao cho Văn Thù và Phổ Hiền.

Đức Phật bảo Phổ Hiền: Sau khi ta nhập Niết Bàn, hãy đem các Tháp cúng dường này an trí khắp tám mươi vạn ức nước lớn trong Đại Thiên Thế Giới, mỗi nước một Tháp. Cõi Diêm Phù Đề có tám vạn bốn nghìn món phiền não, đều mong ước được giải thoát. Hãy giúp cho họ được Xuất Gia, siêu độ khỏi vòng sinh tử luân hồi. Lớp lớp công đức lợi sinh ấy nhiều không thể nói hết.

Đức Phật bảo Văn Thù: Qua năm sau, ông mang dao, Tháp sang an trí trong động kim cương ở núi Thanh lương bên Chấn đán Trung Quốc.

Đức Phật bảo A Nan: Ông hãy về cung của Phụ Vương lấy tóc của ta, đem đến đây giao cho Đế Thích. A Nan vâng lời, đi lấy về giao xong.

Đức Phật bảo Đế Thích: Ông tính tóc ta tạo ra bao nhiêu bảo Tháp?

Đế thích thưa rằng: Tôi tuỳ theo số tóc của Đức Như Lai, mỗi sợi tóc xoắn sẽ tạo ra một bảo Tháp.

Đức Phật bảo Long Vương: Hãy sai thợ chế tạo bình mã não, hộp vàng ròng giao cho Đế Thích để đựng tóc xoắn. Bấy giơ, Đế Thích sai thợ Trời chế tạo, tính toán phải mất ba mươi bảy ngày mới hoàn thành.

Đức Như Lai dùng thần lực, nên chỉ trong khoảng thời gian một bửa ăn, Tháp đựng tóc đã hoàn thành. Số lượng lớn đến hai mươi sáu vạn cái.

Đức Phật bảo Đế Thích: Ông hãy lưu lại ba trăm bảo Tháp cất giữ trên Trời. Số lượng còn lại, sau khi ta nhập Niết Bàn, hãy đem tám vạn bốn nghìn cái giao cho Văn Thù Sư Lợi an trí ở Diêm Phù Đề cũng như ở các nước trên Trời để Chánh Pháp của ta được loan truyền rộng rãi thuận lợi khắp nơi.

Đức Phật lại bảo A Nan: Ông về cung của Phụ Vương lấy râu mép của ta. Tổng cọng có sáu mươi bốn sợi. Hai sợi đã cúng dường cho Phụ Vương. Số còn lại, hãy đem về đây. Ta sắp sửa tạo Tháp.

A Nan vâng lời, đi lấy về giao cho Đức Thế Tôn.

Bấy giờ, Đức Phật bảo bọn La Sát: Ta bố thí cho các ngươi hai sợi râu mép này. Các ngươi phải chế tạo hộp thất bảo và Tháp trầm hương đựng râu mép được cúng dường này. Nhờ uy đức của râu, khiến cho bọn ngươi có đủ mọi thứ ăn uống.

La Sát bạch Phật rằng: Nhờ Đức Thế Tôn bố thí râu mép, sai tạo ra bảo Tháp.

Không biết Tháp phải cao bao nhiêu?

Đức Phật bảo: Cao chừng bốn mươi do tuần. Số lượng râu còn lại cũng nên tạo nên hộp và Tháp cao chừng ba trượng. Các La Sát vâng lời, tạo Tháp và đều hết sức vui mừng.

Đức Phật lại bảo các La Sát: Các ngươi nên cố gắng giữ gìn, đừng để các ngoại đạo, người xấu, ma quỷ, rồng dữ phá hủy Bảo Tháp của ta. Tháp này là tính mạng của các ngươi.

Nhờ giữ gìn Bảo Tháp, nên các thứ ăn uống đều có đủ hằng ngày. Mỗi năm, Tháp này sẽ phóng hào quang ba lượt, chiếu sáng thân thể các ngươi. Thường mưa xuống các thứ gạo cơm, đường mật, rau quả đầy đủ theo nhu cầu.

Nếu nuôi lòng ác, hào quang sẽ không xuất hiện, lương thực đều biến mất. Nếu thấy xảy ra các tai họa này, các ngươi phải được hết đám La Sát đến trước Tháp ăn năng sám hối hết sức, thì hào quang lại phóng ra, lương thực lại có đầy đủ.

Sáu mươi Tháp đựng râu mép còn lại, khi Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, đem giao lại cho Bồ Tát Vô Ngôn, sai giữ gìn hơn nữa, đừng để các Vua ác phá hủy. Trong sáu mươi nước lớn có chữ nghĩa học hành ở Diêm Phù Đề, mỗi nước an trí một bảo Tháp. Sai thổ thần Kiên Lao lấy kim cương làm Tháp, cao chừng ba trượng để đựng hộp râu.

Chọn lựa các danh sơn trong sáu mươi nước lớn ấy, đục đá làm khám rồi đựng Bảo Tháp vào trong. Cửa khám phải khóa chặt, không cho các Vua ác sau này mở ra phá huỷ, không giữ được lâu dài.

Thứ bốn: Phần Cụ Phục.

Kinh Phật Bản Hạnh nói: Bấy giờ, Thái Tử đã gọt tóc xong, Trời Tĩnh Cư lại biến thành người thợ săn, mình mặc áo Cà Sa nhuộm đúng màu, tay câm cung tên.

Thấy được, Thái Tử bảo rằng: Ông có thể cho tôi chiếc áo Cà Sa này chăng?

Tôi sẽ tặng ông chiếc áo Ca Thy có giá trị hằng trăm ngàn ức vàng, lại được ướp đủ loại hương trầm ngào ngạt.

Và nói kệ rằng:

Chiếc áo giải thoát của Thánh Nhân,

Người mang cung tên mặc không hợp.

Xin ông hoan hỷ tặng cho tôi,

Đừng tiếc cùng tôi đổi áo Trời.

Người thợ săn đáp lại rằng:

Hay thay!

Tôi thật không hề tiếc.

Khi ấy, chiếc áo do Trời Tĩnh Cư hóa phép lọt vào tay Bồ Tát, chiếc áo Ca Thy tuyệt đẹp của Trời bay lên không trung. Chỉ trong khoảnh khắc một niệm, đã trở về lại Phạm Thiên.

Do thành tâm muốn tặng chiếc áo tuyệt đẹp, nên khi đã thấy thế, Bồ Tát hết sức vui mừng. Bấy giờ, Bồ Tát đã gọt tóc xong, thân lại mặc áo Cà Sa, hình dung đổi khác, uy nghi đầy đủ.

Miệng Ngài bèn phát ra lời thệ nguyện lớn lao: Hôm nay ta mới thật sự là người Xuất Gia.

Thứ năm: Phần Sử Hoàn.

Kinh Phật Bản Hạnh nói: Bấy giờ, Xa Nặc và ngựa chúa đau buồn rơi lệ, giả từ Thái Tử.

Nhân thế, nói kệ rằng:

Bồ Tát ra đi vào giữa khuya,

Xa Nặc giả từ, dắt Kiền Trắc.

Vì quá khổ sở, thân tơi tả,

Mất hết tám ngày mới trở về.

Xa Nặc và ngựa chúa về đến thành xong, thấy kinh thành vắng vẻ, trống không, nước mắt tuôn ra như mưa, cùng dắt nhau vào thành. Ngựa Kiền Trắc đứng ngoài cửa, nôn nao muốn vào trong cung nhìn lại chỗ Thái Tử đi đứng, nằm ngồi. Không thấy Thái Tử, nước mắt rơi xuống ròng ròng như suối.

Mọi người và cung quyến chỉ thấy Xa Nặc cùng ngựa Kiền Trắc nhập cung, đều giơ tay lên Trời, kêu gào khóc lớn, lệ tuôn chan hòa đầy mặt và nói kệ rằng:

Lòng các thể nữ đau như cắt,

Khao khát trong mong Thái Tử về.

Bỗng thấy Xa Nặc, ngựa về không.

Lệ tuôn đầy mặt, oà lên khóc,

Bứt sạch anh lạc, y phục đẹp,

Xoã cả đầu tóc, thân gầy guộc.

Chới với giơ tay, thế là hết.

Kêu khóc đến sáng, không hề ngủ.

Bấy giờ, hoàng gia trong cung đau buôn không thể tả.

Đại Phu Nhân Da Du Đà La nhìn Xa Nặc nói rằng: Nếu ta là người đàn bà không chồng thì dẫu thế nào, cũng cam lòng chịu đựng.

Trái lại, Thái Tử bỏ ta để Xuất Gia ở chốn núi rừng, bắt ta phải chịu cảnh phòng đơn gối chiếc, làm sao khiến lòng không tan nát được?

Và nói kệ rằng:

Thân tâm ta nay đã cứng lì,

Sánh cùng sắt đá khác xa chi?

Chủ nhân lên núi, cung hoang lạnh,

Sao lòng lại chẳng nát tan đi?

Bấy giờ, Vua Tịnh Phạn vì nhớ thương Thái Tử, đau đớn xé lòng, mê man té xuống đất, không còn hay biết gì nữa và nói kệ rằng:

Vua nghe Bồ Tát thề nguyện nặng,

Lại thấy Xa Nặc, Kiền Trắc về.

Bỗng nhiên mê sảng, đấm vào ngực,

Cũng tựa Đế Thích gãy Hỷ tràng.

Khi Nhà Vua tỉnh lại, liền nói kệ rằng:

Kiền Trắc mày ơi, hãy chạy nhanh.

Đưa ta đến đó chở con về.

Ta đã mất con, không sống nổi.

Như người bệnh nặng, thuốc thang chi.

Lại nữa, Kinh Phổ Diệu nói: Bấy giờ, Bồ Tát vừa ra khỏi thành, tất cả dân chúng Ca Duy La Vệ đều biết Thái Tử đã ra đi, cùng nhau bàn tán và lấy làm vui mừng. Sáng hôm sau, Câu Di thức dậy, nghe tiếng xôn xao, mới biết Thái Tử đã đi rồi.

Về phần Nhà Vua, nghe âm thanh vang dội thật lớn, không thấy Bồ Tát, Xa Nặc và ngựa, lòng Nhà Vua đau đớn tan nát, té nhào xuống đất, cất tiếng thở than:

Niềm hy vọng của ta đã tiêu tan vỉnh viễn, còn biết trông cậy vào ai nữa đây?

Câu Di từ giường lăn xuống đất, vò bứt đầu tóc, giật đứt chuỗi anh lạc: Sao khổ đến thế này. 

Ngài là người dẫn dắt, là chỗ nương tựa như Trời.

Vậy mà đành bỏ thiếp để ra đi.

Thiếp còn sống nữa để làm gì?

Ân ái chưa được bao lâu, nay lại chịu cảnh biệt ly.

Rồi lại khóc lóc, nước mắt rơi xuống như mưa, không cầm lại được. Không thấy Bồ Tát, chẳng ai là không đau lòng. Cây cối trong vườn từ từ xơ xác tiêu điều, không còn hoa quả.

Mặt đất sạch sẽ, bỗng dưng nổi đầy bụi bặm. Nhà Vua nghe đồn, cùng đình thần, hoàng tộc đi theo hộ vệ, đến thăm vườn. Thấy vậy, lại càng đau đớn. Cù Di nuôi lòng hy vọng Thái Tử sẽ trở về.

Xa Nặc vào thưa rằng: Bồ Tát bẩm lại với Nhà Vua và Xá di, phải thành đạo xong, mới trở về gặp mặt.

Nhà Vua nhìn lại, chỉ thấy có áo quý, Xa Nặc và ngựa Kiền Trắc trở về, không thấy Thái Tử, liến gieo mình xuống đất:

Than ôi.

Con ta hiểu rành Kinh Điển, học thuật kỳ diệu đều thông suốt. Nay đi đến đó, bỏ nước vạn dân.

Xa Nặc nói đi.

Bồ Tát con ta đến chỗ nào?

Ai mở giúp cửa?

Chư Thiên cúng dường ra sao?

Xa Nặc thưa rằng: Xin Đại Vương nghe cho, tôi đang nằm ngủ yên ổn ở chỗ mọi ngày. Cửa thành đã đóng. Khi ấy, Bồ Tát bảo tôi chuẩn bị ngựa.

Trong thành, vạn dân đều ngủ, chẳng có ai hay. Đế Thích mở cửa. Bốn Thiên Vương ra lệnh cho bốn thần nhân bồng chân ngựa. Có hằng trăm nghìn Thiên Vương, Đế Thích, Phạm Vương hộ tống Bồ Tát, sửa soạn đường sá, phóng hào quang chiếu sáng, rải hoa đốt hương.

Các nhạc công trên Trời cùng lúc cử hành âm nhạc, ca múa giữa không trung. Thiên Chúng bao bọc chung quanh để hộ tống Bồ Tát. Khi đã đi khỏi thành rất xa, Bồ Tát cởi áo, chuỗi anh lạc và ngựa giao cho tôi đem về bẩm với Đại Vương và từ biệt Phu Nhân, phải thành được Phật, mới trở về gặp mặt. Xin chớ ưu sầu.

Bấy giờ, Phu Nhân nghe Xa Nặc nói, lại càng thêm đau đớn, ôm lấy đầu ngựa trắng và than rằng: Thái Tử cưỡi mày đi, sao mày lại trở về một mình?

Dung mạo tuyệt đẹp như vầng Trăng đầy, tướng hảo trang nghiêm đã giã biệt ra đi.

Xa gần than tiếc, ai chẳng đau lòng?

Sao đi một mình, có ai theo đâu?

Xa Nặc vô tích sự, chỉ làm gai mắt ta.

Khi ấy, Xa Nặc thấy Nhà Vua và Cù Di đem lời trách móc chua cay, lòng thêm buồn tủi, rơi nước mắt, bèn đem kể lại chuyện con gián thống thiết trước đây. Tuy nhiên, hành động của Thái Tử đều phù hợp với đạo lý, xin Nhà Vua và Phu Nhân đừng đau buồn nữa.

Thứ sáu: Phần Gián Tử.

Như Kinh Phật Bản Hạnh nói: Vua Tịnh Phạn sai hai người lên núi khuyên can Thái Tử trở về và nói kệ rằng:

Đầu gai nhọn hoắc được ai mài?

Đầu chim sặc sỡ do ai vẽ?

Mỗi loài tuỳ nghiệp chuyển xoay nên, Thế Gian chẳng có người làm nổi.

Bấy giờ, Thái Tử trình bày cặn kẽ cùng sứ giả, xin Nhà Vua tin tưởng sâu sắc vào lý nhân quả tự nhiên lời lẽ rất nhiều, không thể nói hết ra đây.

Lại nữa, Kinh Phổ Diệu nói: Phụ Vương nghe tin Thái Tử Xuất Gia, đau buồn khóc lóc và hỏi rằng:

Vì lý tưởng nào?

Khi nào sẽ trở về?

Phải lập lời thề với trẫm. Trẫm nay tuổi tác già nua, nước nhà không có người nối dõi.

Thái Tử bèn lựa cơ hội trả lời rằng: Nếu thỏa được bốn điều ước nguyện, sẽ không Xuất Gia nữa.

Một là không già.

Hai là đến hết đời không bệnh.

Ba là không chết.

Bốn là thường tồn, không khác.

Thần tiên tuy có ngũ thông, dẫu thọ một kiếp, cuối cùng cũng không thoát được cái chết. Nhà Vua nghe xong, hết sức đau buồn. Bốn điều ước nguyện ấy, xưa nay chưa từng có được. Mấy ai thoát khỏi nó đâu.

Thứ bảy: Phần Sai Thị.

Kinh Phật Bản Hạnh nói:

Bấy giờ, Vua Thâu đầu đàn bảo con cái họ Thích rằng: Bọn họ Thích các ngươi, nếu biết thời cơ, một nhà chỉ cần một người Xuất Gia. Nếu nhà họ Thích có năm anh em, cho phép ba người Xuất Gia hai người Tại Gia. Nếu có bốn anh em, hai người được Xuất Gia, hai người Tại Gia. Nếu có ba anh em, hai người Xuất Gia, một người Tại Gia. Nếu chỉ có một người, không được Xuất Gia.

Tại sao?

Vì không thể để cho dòng họ Thích bị đoạn tuyệt.

Thứ tám: Phần Phật Phát.

Như Kinh Quán Phật Tam Muội nói: Trên đầu của Đức Như Lai có tám vạn bốn nghìn sợi tóc đều rẽ hai bên và mọc xoắn về phía phải. Các sợi tóc bằng nhau và mỗi sợi vuông vức bốn cạnh. Mỗi một sợi phát ra hào quang ngũ sắc, hòa chung với mười bốn sắc hào quang nói trên.

Trước đây, khi ta còn ở trong cung, nhũ mẫu gội đầu cho ta.

Bấy giờ, vì quá yêu thương, nhũ mẫu đến bên ta và bảo rằng: Khi Tất Đạt sinh ra, đã có nhiều chuyện kỳ lạ.

Nếu có người hỏi nhũ mẫu, tóc của cháu người dài ngắn ra sao, nhũ mẫu biết trả lời thế nào đây?

Nay nên lường để biết tóc của cháu dài ngắn bao nhiêu. Nói xong, liền bảo ta xổ tóc ra. Nhũ mẫu lấy thước đo thử, dài một trượng ba thước năm tấc. Xổ xong, tóc xoắn lại thành búi như vỏ ốc, hướng về phía phải.

Khi ta sắp nạp phi, lại đo tóc, dài một trượng ba thước năm tấc. Khi ta Xuất Gia, được Thiên Thần bồng đi, tóc cũng dài, một trượng ba thước năm tấc. Hôm nay, Phụ Vương hãy xem tóc của Như Lai.

Nói xong, Đức Phật bèn lấy tay xổ ra, tuôn dài từ Tinh Xá Ni Câu Lâu đà đến cung của Phụ Vương, rồi quấn bảy vòng quanh kinh thành, óng ánh xanh tía như lưu ly.

Đại chúng đều chứng kiến những màu sắc như thế trong tóc của Đức Phật, kỳ diệu không thể tả nổi. Đức Phật lại thâu tóc, tắt hào quang. Tóc uyển chuyển xoay trở về phía phải ở trên đỉnh đầu, thành búi hình trôn ốc.

Lại nữa, luật Tăng chi bảo: Khi Đức Phật còn tại thế, cứ bốn tháng cạo tóc một lần.

Theo luận Tát Bà Đa: Tuy bốn tháng cạo tóc một lần, nhưng cũng giống người phàm bảy ngày cạo tóc một lần vậy.

Lại nữa, Kinh Văn Thù Sư Lợi Vấn nói: Tóc người phàm dài hai lóng tay thì nên cạo. Đôi khi qua hai tháng, nếu tóc còn ngắn mà vẫn cạo, ấy là hạng Bồ Tát Vô học. Nếu dài hơn hai lóng tay mới cạo, cũng la hạng Bồ Tát Vô học. Móng tay không được để dài. Chỉ được phép bằng hột thóc năm ngang.

Vì sao?

Vì để gãi ngứa.

Lại nữa, Luật Tứ Phần nói: Phật bảo, cho phép các Tỳ Kheo cắt móng tay sát đến da. Nếu dài nhất, chỉ bằng hạt lúa tẻ. Phải cạo tóc, nửa tháng một lần. Tóc dài nhất, chỉ được bằng hai lóng tay. Hoặc hai tháng cạo một lần theo lịch pháp cổ Ấn Độ, hai tháng ở đây, kể từ tuần Trăng sáng và tối. Mỗi tuần có mười năm ngày. Như thế, thời gian ba mươi ngày này là hai tháng vậy.

Lại nữa, Kinh Tỳ Ni Mẫu nói: Đức Phật bảo đại chúng, không được dùng áo cũ, bình cũ đựng lấy tóc này, phải dùng vật mới. Có Hoàng Tử con Vua Cù ba la đi theo xin tóc của Đức Thế Tôn. Đức Phật bảo, phải dùng bình thất bảo đựng lấy.

Lại nữa, Luật Tứ Phần nói: Bấy giờ, A Nan mang bình cũ thu thập tóc của Đức Thế Tôn. Đức Phật bảo, không được dùng bình cũ đựng tóc của Như Lai. Phải dùng bình mới, áo mới, lụa màu dày như thế để đựng lấy tóc và gói bọc lại. Khi ấy, có Hoàng Tử Cù ba ly làm tướng quân, sắp sửa đi chinh phạt bốn phương, đến xin tóc của Đức Thế Tôn. Đức Phật bảo, hãy cho ông ấy.

Được tóc xong, không biết an trí chỗ nào. Đưc Phật bảo, cho phép an trí trong Tháp vàng, hoặc trong Tháp bạc, hoặc trong Tháp Thất Bảo, hoặc dùng lụa màu gói bọc lại.

Chẳng biết nên giữ gìn thế nào?

Đức Phật bảo, cho phép mang trên đầu trên vai khi ngồi lên xe ngựa, bành voi. Hoàng Tử mang tóc của Đức Thế Tôn đi chinh phạt, đắc thắng trở về, bèn xây Tháp tôn trí tóc ấy. Cũng cho phép các Tỳ Kheo mang tóc của Ngài đi và an trí theo cách đã nói trên.

Kẻ ấy không rửa ráy sạch sẽ khi đại tiểu tiện mà vẫn mang Tháp của Đức Thế Tôn?

Đức Phật bảo, không được làm như thế. Phải nhờ người sạch sẽ giữ lấy và an trí Tháp của Như Lai.

Nếu an trí Tháp vào trong phòng không tốt, mình lại ở trong phòng rất tốt phía trên?

Đức Phật bảo, không được làm như thế. Phải an trí Tháp của Như Lai vào trong phòng rất tốt phía trên, mình ở trong phòng không tốt.

Kẻ ấy an trí Tháp của Đức Thế Tôn vào phòng phía dưới, mình lại ở phòng trên?

Đức Phật bảo, không được làm như thế, phải tôn trí Tháp của Như Lai ở phòng trên, mình ở phòng dưới. Người ấy ở chung phòng với Tháp của Đức Thế Tôn?

Đức Phật bảo, không được làm như thế.

Người ấy vì bảo vệ chặt chẽ, nhưng sợ sệt, cẩn trọng, không dám ở chung?

Đức Phật bảo, cho phép an trí trên đầu cọc. Nếu đã an trí trên đầu cọc, hoặc để bên đầu nằm, vì lý do bảo vệ Tháp, cho phép ở lại trong Tháp. Cũng như vì lý do bảo vệ chặt chẽ bảo vật trong Tháp, cho phép ở chung.

Người ấy mang giày da đi xộc vào trong Tháp?

Đức Phật bảo, không được làm như thế. Đức Phật bảo tiếp, cho phép ngồi ăn phía dưới Tháp, không được là ô uế dơ bẩn Tháp. Nếu có đồ dơ uế, gom lại bên chân. Khi ăn xong, phải mang đi chỗ khác.

Đoạn này văn pháp rất uẩn xúc, khó hiểu.

Có lẽ ở đây có hai loại Tháp: Tháp nhỏ để an trí tóc của Đức Phật và Tháp lớn để thờ cúng. Các câu cuối chỉ cho Tháp lớn.

Thứ chín: Phần Thời Tiết.

Như các Kinh Thập Nhị Du và Tăng Nhất A Hàm đều bảo: Hai mươi chín tuổi Xuất Gia, hai mươi năm ở trong hàng ngũ ngoại đạo. Nay suy luận theo đại thể, Đức Như Lai tại thế bảy mươi chín năm. Nếu hai mươi chín tuổi Xuất Gia, ba mươi lăm tuổi thành đạo, thời gian hành đạo là bốn mươi lăm năm.

Nhưng Kinh Thiền Yếu bảo: Đức Phật Thích Ca một thân giáo hóa chúng sinh ba mươi chín năm. Phần nhiều các Kinh nói Ngài Xuất Gia năm mười chín tuổi thì có vẽ đúng hơn.

Thế nên, kinh Vị Tăng Hữu nói: Phu Nhân Da Du Đà La bảo, Đức Như Lai cưới ta chưa quá ba năm.

Kinh Thụy Ứng có nói: Thái Tử lên mười bảy tuổi nạp phi. Như thế, chứng tỏ chuyện Ngài Xuất Gia năm mười chín tuổi là đúng. Như chuyện hai mươi chín tuổi Xuất Gia, ba mươi lăm tuổi thành đạo thì trong các Kinh ít nói đến.

Vã lại, bảo Ngài ở trong hàng ngũ ngoại Đạo Học hỏi hai mươi năm, thì đến năm mươi tuổi mới thành đạo. Điều ấy đủ tỏ sai lầm. Chẳng qua, do căn cơ của chúng sinh không giống nhau, nên kiến giải có chỗ dị đồng vậy.

Thứ mười: Phần Hội Đồng.

Thuật rằng: Do nhiều thế hệ cách xa, ngôn ngữ Ấn Hoa dị biệt, người dịch trình độ không giống, nên lời văn danh từ sinh ra khác nhau. Dẫu muốn nhất nhất tuân theo, chẳng có tiêu chuẩn cố định. Xét rằng sách vở một đời, anh tài đua nhau mô phỏng, khiến cho hợi thỉ đổi từ, lỗ ngư biến vận.

Huống chi đất nước gồm có trong ngoài, Thư Pháp lại càng nhiều thể. Vì thế, dù cố tìm tòi, cũng khó thống nhất. Như chuyện Hoàng Đế ba mặt, nhạc quan một chân, lời dù không phải Ấn Hoa, chuyện thành đầu Ngô Minh Sở. Hơn nữa, tà đạo dễ nghe, Chánh Pháp khó hiểu.

Lời có chính phụ, đắp đổi viết ra, đến khi thẳm định, há chẳng sinh ra dị thuyết hay sao?

***

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây