Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 25: Quyển 9 - Thiên thứ 5: Nghìn Phật - Bộ Thứ Tám: Du Học

PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Giảng giải: Pháp Sư Đạo Thế, Đời Đường
 

THIÊN THỨ NĂM

NGHÌN PHẬT
 

TẬP CHÍN

BỘ THỨ TÁM

DU HỌC

 

Gồm có bốn phần: Thuật ý, Triệu sư, Giác lực, Giáo lượng.

Thứ nhất: Phần Thuật Ý.

Trộm nghe: Đức Nhất Thiết chủng trí, hiệu là Tất Đạt Đa, xuất hiện từ đầu ba Đại kiếp, độc tôn vào cuối trăm đời sau. Tóm trọn Pháp Giới để làm thành trí, thu hết Vũ Trụ để tạo nên hình. Bởi thế, hình hiện hữu khắp nơi, tầm vĩ đại vượt ngoài quy củ, trí tạo ra tất cả, mức hành động dứt khỏi nghĩ suy.

Không thể đem chuyện nhân gian ước lượng, há được phép lấy nơi chốn luận bàn?

Nếu muốn mở tung nhận thức cho đám ngu mê, phải đề cao linh tích của bậc Đại Thánh. Đôi khi ở trong hàng ngọai đạo, đôi khi mang lấy lốt ấu thơ. Tùy cơ ứng hiện giữa đồng loại để dạy dỗ phàm phu, đi cạnh khác giới nhằm hóa độ muôn vật.

Như thế mới xứng là Vô Thượng Sĩ, gọi là Trời của Trời. Bởi do ngu trí làu thông, Thánh phàm khó đoán. Đạo Đức cao cả không thể nghĩ suy, công lao vĩ đại chẳng ai sánh nổi!

Thứ hai: Phần Triệu Sư.

Như Kinh Phật Bản Hạnh nói: Khi Vua Tịnh Phạn biết Thái Tử con mình đã lên tám tuổi Kinh Nhân Quả nói lên bảy tuổi, liền triệu tập Tể Tướng, quần thần đến và phán rằng:

Các khanh nên biết, nay trong lãnh thổ của chúng ta, ai là người có tài năng giỏi nhất có thể làm Thầy dạy dỗ cho Thái Tử?

Các quan tâu rằng: Xin Đại Vương biết cho, nay có Tỳ Xa Bà Mật Đa La rất tinh thông các bộ luận cao siêu nhất. Vị ại sư này có thể dạy dỗ Thái Tử được.

Nhà Vua triệu Đại Sư đến và phán rằng: Tôn Giả Đại Sư có thể dạy cho Thái Tử của ta tất cả các môn khoa học và triết lý chăng?

Bấy giờ Mật Đa tâu rằng: Thưa Đại Vương, thần xin tuân mệnh. Hôm nay, thần cảm thấy rất vui mừng. Nhà Vua bèn ra lệnh cho năm trăm Đồng Tử dòng họ Thích hộ vệ bốn bên. Ngoài ra, còn có vô số đồng nam đồng nữ theo hầu Thái Tử đến trường học.

Khi nhìn thấy Thái Tử từ xa, do uy đức của Ngài, Đại Sư không thể dằn nổi, phải đứng lên kỏi chỗ, quỳ mọp đảnh lễ dưới chân Ngài. Hành lễ xong, Đại Sư đứng lên, nhìn quanh bốn phía và cảm thấy rất xấu hỗ.

Bấy giờ, từ giữa Hư Không, có một Thiên Tử tên là Tĩnh Diệu, cùng vô lượng vô biên Thiên Chúng cao cấp nhất giáng hạ Từ Thiên Cung Đâu Suất để thường xuyên hộ trì Thái Tử.

Thiên Tử ẩn mình giữa Hư Không và nói kệ rằng:

Các Khoa Học thế gian

Và các môn triết lý,

Vị này đều biết rành

Và dạy được người khác.

Đó là vị giỏi nhất,

Vì thương xót chúng sinh,

Từ xưa đã thường đến.

Nay lại theo Thầy học!

Tất cả trí xuất thế,

Chân lý và sức mạnh,

Nhân duyên sinh các pháp,

Sinh ra rồi diệt vong,

Nhất niệm biết tất cả.

Pháp hữu tướng, vô tướng,

Còn chứng biết được hết,

Huống chi là chữ nghĩa!

Khi Thiên Tử nói xong bài kệ này, liền lấy hoa rải lên mình Thái Tử rồi trở về Thiên Cung. Bấy giờ, Thái Tử bắt đầu đi học. Ngài lấy loại trầm hương tốt nhất từ đầu bò thần làm bìa tập.

Dùng toàn thất bảo trang trí chung quanh bìa và chọn các mùi hương tự nhiên và đặc biệt xức lên sau bìa rồi mang đến chỗ của giáo thọ Tỳ Xa Mật Đa La và nói rằng:

Tôn Giả Đại Sư định dạy cho ta sách gì đây?

Có sách của Phạm Thiên diễn giảng.

Sách của Đại Tiên Khư Lô Sắt Tra.

Sách của Tiên Nhân Phú Sa Ca La diễn giảng.

Sách A Ca La về toán học.

Sách Mộng Già La điềm lành.

Sách Da Mị Ni nước Đại Tần.

Sách Ương Cù Lê.

Sách Da Na Ni Ca lạc đà.

Sách Ta Già La nuôi bò cái.

Sách Ba La Bà Ni cây lá.

Sách Ba Lưu Sa lời rủa.

Sách Phụ Dữ.

Sách Tỳ Da Trà.

Sách Đà Tỳ Trà Quốc Nam Thiên Trúc.

Sách Chi La Để hình người.

Sách Độ Kỳ Sai Na Bà Da.

Sách Tỳ Da Mị Xa La tạp loại.

Sách A Đà La Đa vườn chim bên núi.

Sách Tây Cù Da Ni.

Sách Kha Sa.

Sách Chi Na quốc Đại Đường.

Sách Ma Na khoa đẩu văn.

Sách Mạt Trà Xoa La.

Sách Tỳ Đa Tất Để thước.

Sách Phú Số Ba hoa.

Sách Đề Bà Trời.

Sách Na Già Rồng.

Sách Dạ Xoa.

Sách Càn Thát Bà thần âm nhạc.

Sách A Tu La.

Sách Ca Lâu La chim Kim Sí.

Sách Khẩn Na La Phi nhân.

Sách Ma Hầu La Già rắn lớn.

Sách Di Già Già Ca tiếng thú.

Sách Ca Ca Lâu Đa tiếng chim.

Sách Phù Ma Đề Bà Địa Cư Thiên.

Sách An Đa Lê Xoa Đề Bà Xử không Thiên.

Sách Tước Đa La Cầu Lô phía Bắc núi Tu Di.

Sách Bô Lâu Bà Tỳ Đề Ha phía Đông núi Tu Di.

Sách Ô Sai Bà đưa lên.

Sách Nị Sai Bà ném.

Sách Ta Già La.

Sách Bạt Xà La kim cương.

Sách Lê Già Ba La để lê già đi lại.

Sách Tỳ Khí Đa quỷ ăn đồ thừa.

Sách A Nậu Phù Đa chưa từng có.

Sách Xa Ta Đa La Bạt Đa.

Sách Già Na Na Bạt Đa cùng chuyển.

Sách Ưu Sai Ba Bạt Đa.

Sách Ni Sai Ba Bạt Đa.

Sách Ba Đà Lê khư chân.

Sách Tỳ Câu Đa La Ba Dà Na Dịa Câu từ hai tăng lên.

Sách Da Bà Đà Thâu Đa La chín tăng mười câu trở lên.

Sách Mạt Trà Bà Sẩn Ni trung lưu.

Sách Lê Sa Da Bà Đa Ba Xỉ Tỳ Đa các khổ hạnh trên núi.

Sách Đà La Ni Tỳ Xoa Lê xem đất.

Sách Già Già Na Tỳ Lê Xoa Ni xem Hư Không.

Sách Tát Bồ Sa Địa Ni Sơn Đà mục lục tất cả dược thảo.

Sách Sa La Tăng Già Hà Ni tổng lãm.

Sách Tát Bà Lâu Đa tất cả các loại âm thanh. Nghĩa của sáu mươi bốn quyển sách này trong bảy văn có cho chú thích và có chỗ không, nhiều lời chú thích không rõ ràng lắm, nên không thể cho vào. Đáng tiếc là những từ điển chuyên môn ngày nay cũng ít thấy giải nghĩa. Chờ các người về sau tra cứu lại thôi.

Khi Thái Tử kể xong những tên sách này, lại hỏi giáo thọ Mật Đa rằng: Trong tất cả sáu mươi bốn quyển sách này, không biết Tôn Giả định dạy cho ta sách nào đây?

Bấy giờ, Đa La nghe Thái Tử kể tên những sách ấy xong, trong lòng vui mừng thanh thản, giấu kín thẹn thùng, dẹp bỏ lòng kiêu căng ngã mạn, hướng về Thái Tử và nói kệ rằng:

Hiếm thấy bậc trí tuệ thanh tịnh,

Tùy thuận các pháp ở thế gian.

Tự mình tinh thông mọi sách luận,

Lại chịu đến học hỏi cùng ta.

Tên những sách này ta chửa biết,

Ngài đã cầm tay đọc làu làu.

Là bậc chí tôn trong Trời người,

Nay còn muốn tìm Thầy học hỏi.

Thuật rằng:

Than ôi! Nghiã lý huyền diệu chẳng có âm thanh, nhờ ngôn ngữ để diễn tả ý tưởng, ngôn ngữ đa đoan không có dấu tích, mượn văn tự để ghi chép âm thanh.

Thế nên, văn tự là phương tiện diễn tả ngôn ngữ, ngôn ngữ là phương tiện diễn tả nghĩa lý. Âm nghĩa phải thật xứng hợp, không thể thiên lệch quá độ. Do đó, công dụng của văn tự bao la đầy Vũ Trụ.

Ngày xưa, có ba nhân vật chính tạo ra văn tự. Lớn nhất là Phạm Thiên, văn tự ấy viết về phía phải. Kế đến là Khư Lô, văn tự ấy viết về phía trái. Nhỏ nhất là Thương Hiệt, văn tự ấy viết xuống phía dưới.

Phạm Thiên và Khư Lô đều ở bên Thiên Trúc. Sử thần Thương Hiệt của Hoàng Đế sống tại Trung Hoa. Phạm Thiên và Khư Lô bắt chước phép tắc của Trời Tĩnh Cư, Thương Hiệt mô phỏng văn vẻ dấu chân các loại chim chóc. Dẫu văn tự và Thư Pháp thật sự khác xa nhau, nhưng mục đích diễn tả nghĩa lý vẫn chỉ là một.

Kính xét lời dạy của tiên hiền, có sáu mươi bốn bộ sách. Lưu truyền chốc lát, biến đổi chi ly. Quỷ rồng tám bộ, kiểu chữ trăm hình. Tựu trung vẫn chấp nhận Phạm Thiên và Khư Lô là văn tự hoàn bị nhất trên Thế Giới.

Vì vậy, các nước bên Thiên Trúc mới gọi là sách Trời và các nước ở Tây Phương ghi chép Kinh Điển đều noi theo Phạm văn ấy. Tuy thế, trong ba mươi sáu nước, thỉnh thoảng vẫn có chỗ khác biệt.

Liệu cũng giống Trung Quốc có các biến thể triện lệ đó chăng?

Xét cổ thể của Thương Hiệt, thấy đã biến đổi qua các đời. Cổ thể chuyển thành trứu. Trứu dời thành triện. Triện đổi thành lệ. Quá trình biến đởi cũng rất nhiều. Đến như tám thể sinh thêm thì có tiên, rồng, mây, cỏ.

Hai mươi bốn lối viết thì có khải, thảo, châm, thù. Tên gọi và thể loại tuy nhiều, nhưng công dụng lại càng ít ỏi. Như thế, theo định nghĩa nguyên sơ, Thư Pháp có đầy đủ sáu lối. Trong đó, hợp thời và nhanh chóng nhất là lối triện. Qua đây, nguồn gốc của Thư Pháp Trung Quốc và An Độ có thể biết được sơ lược.

Lại nữa, Kinh Phật Bản Hạnh nói:

Bấy giờ, Vua Tịnh Phạn lại triệu tập quần thần, phán rằng: Ở đâu có Thầy giỏi vũ thuật nhất có thể dạy cho Thái Tử của ta?

Các quan tâu rằng: Tại đây có người họ Thích tên Thiện Giác và con của ông ấy tên là Sàn đề Đề Bà Nhẫn Thiên có thể dạy cho Thái Tử võ nghệ và binh pháp. Hai cha con bọn họ biết tất cả hai mươi chín môn kỹ thuật tài giỏi và điêu luyện nhất.

Nhẫn Thiên được triệu đến, tâu với Nhà Vua rằng: Thần có thể dạy dỗ Thái Tử. Vì Thái Tử ham thích đi chơi, Nhà Vua lập ra một vườn lớn tên là Cần Cù để Thái Tử vào ngao du hay sai xoa bóp.

Lúc ấy, năm trăm đình thần thuộc dòng họ Thích đều ra tay lo liệu cho con của họ. Tất cả những tác phẩm cổ điển đem dạy cho Thái Tử cũng đều được dạy cho con họ học.

Lại nữa, người đời chồng chất tháng ngày học tập, đôi khi cũng không thành tựu được. Thái Tử và các Đồng Tử họ Thích chỉ mất bốn năm học tập, tất cả đều đã hoàn thành, thông suốt mọi thứ, thanh thản vô ngại.

Nhẫn Thiên thấy thế, làm bài kệ cho Thái Tử rằng:

Ngài vào tuổi niên thiếu,

Đến trường vui học tập.

Không mất nhiều công sức,

Nháy mắt hiểu ra ngay.

Học trong thời gian ngắn,

Hơn người học rất lâu.

Tuyệt học thu hoạch được,

Kết quả vượt xa người.

Bấy giờ, Thái Tử sinh trưởng giữa chốn Vương Cung. Khi còn nhỏ bé, rong chơi chưa học. Khi lên tám tuổi, chất vấn giáo thụ, rồi đến học đường theo học bên cạnh hai Tôn Giả Mật Đa và Nhẫn Thiên. Đọc những sách triết lý và tất cả các kỹ thuật binh pháp khác.

Trải qua bốn năm, đến khi lên mười hai tuổi đã tinh thông các môn học thuật. Sau đó, tuỳ thuận thế gian, cho vui mắt thích tai, có lần Thái Tử đã đến vườn Cần Cù dạo chơi bắn đùa. Những Đồng Tử họ Thích cũng đều vui chơi ở vườn mình. Khi ấy, có bầy nhạn bay thành hàng giữa không trung. Đồng Tử Đề Bà Đạt Đa giương cung lên bắn, trúng được một con. Con nhạn bị bắn phải, mang lấy mũi tên rơi vào vườn của Thái Tử.

Thấy thế, Thái Tử đưa hai tay nâng nhẹ lên, ngồi xếp bằng và đặt nó lên đùi rồi lấy tay trái lẹ làng giữ lại. Tay phải rút tên và dùng sữ mật băng bó dùm vết thương.

Đề Bà sai người sang nói với Thái Tử rằng: Ta bắn trúng một con nhạn, rơi vào vườn của Thái Tử, xin Thái Tử mau mau giao trả, không được giữ lại.

Thái Tử bảo người ấy rằng: Nếu con nhạn chết, ta sẽ trả lại cho ngươi. Nếu nhạn còn sống, không thể trả được.

Nghe xong, Đề Bà Đạt Đa lại sai người ấy sang nói với Thái Tử: Dù sống hay chết, đều phải trả lại. Chính tay ta đã bắn trúng trước.

Tại sao liều lĩnh giữ lại?

Thái Tử đáp rằng: Ta đã bắt được con nhạn này trứơc, nên phải như thế. Vả lại, từ khi ta phát tâm Bồ Đề đến nay, ta đều phải giữ gìn tất cả mọi chúng sinh.

Huống gì con nhạn nhỏ bé này lại không thuộc về ta chăng?

Vì chuyện này, hai bên liền nổi lên tranh giành, phải tụ họp các Trưởng Lão họ Thích khôn ngoan nhờ phân xử.

Bấy giờ, có vị Trời Tĩnh Cư biến thành một Trưởng Lão già cả chen vào đám đông, nói lên rằng: Người nào có công chăm sóc nhạn thì được giữ lại. Người nào bắn trúng thì phải thả ra.

Các vị Trưởng Lão họ Thích đều khen phải, liền nói lớn lên rằng: Phải đấy, phải đấy. Nên theo lời của vị nhân đức này. Đây là nhân duyên cấu kết thù oán đầu tiên giữa Đồng Tử Đề Bà Đạt Đa và Thái Tử.

Thứ ba: Phần Giác Lực

Như Kinh Nhân Quả nói: Khi lên mười tuổi, Thái Tử đấu sức với anh em, nên cùng hàng vạn thân thích sửa soạn ra khỏi thành. Bấy giờ, có một con voi lớn đứng chận trước cửa thành.

Không ai dám xong lên. Đề Bà Đạt Đa vung tay đánh mạnh vào đầu, voi liền nhào xuống đất. Nan Đà lấy ngón chân gạt văng ra bên đường. Thái Tử giơ tay xách voi lên, liệng ra khỏi thành, rồi lấy tay hứng lấy, không cho bị thương. Nhờ thế, voi được sống lại.

Mọi người hoan hô chưa từng có, cảm thấy hết sức lạ lùng. Từ bốn phương xa xôi, hằng trăm nghìn vạn ức cùng kéo đến xem. Trong vườn đặt bảy lớp trống vàng, trống bạc, trống thau, trống đồng, trống sắt.

Mỗi thứ đều có bảy cái. Đề Bà Đạt Đa ra tay bắn trước, xuyên thủng ba trống vàng. Kế tiếp, Nan Đà cũng bắn xuyên ba cái. Thái Tử che cung yếu, sai chọn một cây cung tốt của tổ vương cất trong kho, không ai giương nổi.

Thái Tử đang ngồi, lấy tay gảy dây cung. Tiếng ngân nghe vang dội khắp trong thành. Hằng trăm vạn người xem và các Thiên Tử giữa Hư Không đều cất tiếng ca tụng. Thái Tử giương cung bắn ra một phát. Mũi tên xuyên qua tất cả bảy lớp trống, ăn xuống đất, nước vọt lên thành suối, rồi lại xuyên qua núi Đại Thiết Vi.

Lại nữa, Kinh Phật Bản Hạnh nói:

Bấy giờ, Chúa Trời Đế Thích cầm mũi tên do Thái Tử bắn ra, bay về Trời Tam Thập Tam. Xong xuôi, đặt ra lễ tên trong Trời ấy để kỷ niệm. Thường chọn ngày lành, tụ tập Chư Thiên, đem các loại hương hoa cúng dường mũi tên ấy.

Đến nay, Chư Thiên còn giữ ngày lễ kỷ niệm mũi tên ấy. Lại nữa, Thái Tử cầm tên bắn ra một phát, xuyên thủng bảy con heo sắt, rồi ăn xuống suối vàng. Chỗ đất do tên ăn xuống, biến thành một miệng giếng. Đến nay, mọi người thường gọi là Giếng tên.

Lại nữa, Thái Tử cùng anh em họ Thích đánh nhau. Tất cả đều té nhào xuống đất nhưng không bị thương. Anh em họ Thích cùng nhau xúm lại đánh Thái Tử. Thái Tử vung tay húc vào. Tất cả đều ngả vật xuống. Bấy giờ, bọn họ Thích và quần chúng đi xem đều cả thấy lạ lùng.

Từ giữa Hư Không, vô lượng Thiên Chúng cùng lên tiếng nói kệ rằng:

Tất cả những lực sĩ hùng mạnh

Trong các Thế Giới khắp mười phương

Đều có sức lực như Điều Đạt,

Không bằng cọng lông của Thái Tử.

Thánh Nhân uy đức sức vô biên,

Vừa lấy tay đụng đã té nhào.

Thánh Nhân thần lực rất lớn lao,

Bọn ngươi sao dám cùng Ngài đấu?

Như núi Tu Di sừng sững kia,

Thiết Vi lớn nhỏ rất kiên cố

Và các ngọn núi khắp mười phương,

Vừa đụng một cái, nát thành bụi!

Kim cương châu cứng như thép nguội,

Cho đến các loại châu báu khác,

Thần lực Thánh Nhân bóp nát tan.

Huống gì đánh bọn ít sức ấy!

Khi Chư Thiên nói xong bài kệ này, liền lấy đủ loại hoa Trời rải lên mình Thái Tử và ẩn mình giữa Hư Không, không chịu xuất hiện.

Bấy giờ, Vua Tịnh Phạn biết được Thái Tử của Ngài có tài năng xuất chúng, thắng hết tất cả mọi người. Tận mắt chứng kiến, Nhà Vua vô cùng hớn hở vui mừng, ra lệnh trang sức chuỗi anh lạc cho con voi trắng để Thái Tử cưỡi vào thành. Khi con voi trắng vừa ra cửa thành, gặp Đề Bà từ ngoài đi vào.

Thấy vậy, liền chận hỏi: Voi này dành cho ai?

Dắt đi đâu?

Nài voi trả lời: Dắt ra khỏi thành để Thái Tử Tất Đạt Đa cưỡi về đại nội. Vì ganh tị, Đề Bà Đạt Đa vương tay trái chụp lấy vòi voi, tay phải thộp lấy trán, lật nhào xuống đất, xoay vòng ba lượt. Voi liền chết mất. Xác voi nằm nghẻn cửa thành. Mọi người qua lại không thông thương.

Đường sá ùn tắc, không thể đi lại được. Đồng Tử Nan Đà bước đến, hỏi rõ cớ sự, liền lấy tay phải nắm đuôi voi kéo ra khỏi thành được chừng bảy bước.

Thái Tử lại hỏi: Ai kéo voi ra khỏi thành?

Mọi người đều đáp: Chính tay Nan Đà.

Thái Tử khen: Hay thay Nan Đà.

Ra tay giỏi thật!

Thái Tử nghĩ rằng: Hai người ấy tuy biết thể hiện sức lực của họ, nhưng xác con voi này to lớn quá. Sau này, thối rữa, mùi hôi sẽ xong lên khắp thành.

Vì vậy, Thái Tử lấy tay trái giở voi lên, tay phải đỡ lấy rồi liệng vào giữa không trung, vượt qua bảy lớp tường cao, bảy lớp hào sâu, văng ra khỏi thành khoảng một câu lô xa mới rơi xuống đất, biến thành một hố sâu. Đến nay, mọi người còn truyền tụng và gọi chỗ ấy là Hố voi rơi, chính là nơi này vậy.

Bấy giờ, vô số người, đông đến hằng trăm nghìn, cùng nói lớn rằng: Thật là hy hữu lạ lùng! Chưa từng chứng kiến.

Rồi cùng nói kệ rằng:

Điều Đạt quật chết voi trắng xong,

Nan Đà kéo đi được bảy bước.

Thái Tử vung tay liệng giữa Trời,

Giống hệt hòn đất văng khỏi thành!

Kinh Tập nhất thiết phước đức Tam Muội nói: Bấy giờ, đại thành Tỳ Da Ly có một đại lực sĩ tên là Tĩnh Uy Đức luyện tập được sức mạnh lớn lao đến nổi tất cả mọi chúng sinh trong cõi Diêm Phù Đề đều không thể sánh kịp.

Nghe đồn Sa Môn Cù Đàm thành tựu công lực bằng mười đại lực sĩ, bèn suy nghĩ: Ta phải đến xem Sa Môn Cù Đàm so với ta như thế nào. Nghĩ xong, tìm đến chỗ Đức Phật. vừa gặp Đức Phật, đã cảm thấy hết sức tin yêu. Quỳ lạy dưới chân và chú tâm quan sát.

Đức Phật biết hết, nhưng muốn thâu phục đại lực sĩ này, liền bảo Mục Liên: Ông hãy đi lấy mũi tên hồi ta còn làm Bồ Tát đã bắn thi cùng anh em quý tộc của dòng họ Thích.

Mục Liên bạch Phật: Tôi không biết nằm ở chỗ nào. Khi ấy, từ tay phải, Đức Phật phóng hào quang lớn chiếu xuyên suốt đến dưới tầng đại kim cương của ba nghìn Thế Giới, thấy rõ mũi tên găm chặt vào đó.

Đức Phật bảo Mục Liên: Ông thấy mũi tên rồi chăng?

Mục Liên bạch rằng: Tôi đã thấy rồi.

Đức Phật bảo Mục Liên: Ông hãy đi lấy mang về đây!

Mục Liên lập tức xuống đó lấy về, nhanh như một cái co duỗi cánh tay. Tất cả đại chúng đều chứng kiến Mục Liên vừa đi xuống, liền mang mũi tên về cho Đức Phật.

Đức Phật bảo: Đây chỉ là sức do Cha Mẹ sinh ra, chưa phải là thần lực. Nếu hồi đó ta dùng đến thần lực, mũi tên này đã xuyên qua vô lượng vô biên Thế Giới của Chư Phật!

Thứ tư: Phần Giảo Lượng.

Như Kinh Tập Nhất Thiết Chư Công Đức Tam Muội nói: Đức Phật bảo Mục Liên:

Như sức của tất cả Thiên Tử trong tất cả bốn Thiên Vương bằng sức một Thiên Vương.

Sức mười Thiên Vương bằng sức một Thiên Tử trong Trời Tam Thập Tam.

Sức của tất cả các Thiên Tử trong Trời Tam Thập Tam bằng sức một Đế Thích.

Sức mười Đế Thích bằng sức một Thiên Tử trong Trời Diệm Ma.

Sức của tất cả các Thiên Tử trong Trời Diệm Ma bằng sức một Thiên Tử trong Trời Đâu Suất Đà.

Sức của tất cả các Thiên Tử trong Trời Đâu Suất Đà bằng sức một Thiên Vương trong Trời Đâu Suất Đà.

Sức mười Thiên Vương trong Trời Đâu Suất Đà bằng sức một Thiên Tử trong Trời Hóa Lạc.

Sức của tất cả các Thiên Tử trong Trời Hóa Lạc bằng sức một Thiên Vương trong Trời Hóa Lạc.

Sức mười Thiên Vương trong Trời Hóa Lạc bằng sức một Thiên Tử trong Trời Tha Hóa Tự Tại.

Sức của tất cả các Thiên Tử trong Trời Tha Hóa Tự Tại bằng sức một Thiên Vương trong Trời Tha Hóa Tự Tại.

Sức mười Thiên Vương trong Trời Tha Hóa Tự Tại bằng sức của một Thiên Tử trong Trời Ma Thiên.

Sức của tất cả các Thiên Tử trong Trời Ma Thiên bằng sức một Ma Vương.

Sức mười Ma Vương bằng sức nửa lực sĩ.

Sức mười lực sĩ bằng sức một đại lực sĩ.

Sức mười đại lực sĩ bằng sức một Bồ Tát tu hành một trăm kiếp.

Sức mười Bồ Tát tu hành một trăm kiếp bằng sức một Bồ Tát tu hành một ngàn kiếp. Cứ thế mà tính, lần lượt tăng thêm mười lần, cho đến sức của mười Bồ Tát tu hành nghìn nghìn nghìn vạn kiếp mới bằng sức một Bồ Tát Vô sinh pháp nhẫn.

Sức mười Bồ Tát Vô sinh pháp nhẫn bằng sức một Bồ Tát Thập Địa.

Sức mười Bồ Tát Thập Địa bằng sức một Bồ Tát Tối hậu thân.

Này, Mục Liên!

Vì Bồ Tát thành tựu sức được như thế, nên vừa sinh ra đã đi bảy bước.

Thế Giới này, nếu Phật không trì giữ lại, thì đã hủy hoại không còn.

Tại sao thế?

Vì khi Bồ Tát sinh ra xong, bước đi bảy bước, Thế Giới này vốn rộng sáu mươi nghìn do tuần. Khi Bồ Tát hạ chân xuống, mặt đất sẽ lún sâu hằng trăm nghìn do tuần.

Khi Bồ Tát giở chân lên, mặt đất sẽ trồi lên hằng trăm nghìn do tuần. Nhờ Phật giữ lại, khiến Thế Giới này không bị chấn động hủy hoại, chúng sinh không bị khổ sở. Khi Bồ Tát Tối hậu thân vừa sinh ra, đã có đầy đủ sức như thế.

Giả sử tất cả chúng sinh trong Thế Giới đều thành tựu đầy đủ sức của Bồ Tát sắp thành Đạo Bồ Đề, đem bổ túc vào trí lực xứ Phi Xứ của Như Lai, cũng sẽ không bằng được một phần trong trăm nghìn vạn ức phần. Đến nỗi dùng tóan số thí dụ cũng không tính được. Nếu thành tựu được mười loại sức như thế, mới gọi là Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Giác. Ở đây, chưa nói đến thần lực của Bồ Tát.

Nếu dùng đến thần lực, có thể đem hằng sa Thế Giới đặt lên đầu một cọng lông ở ngón chân, hất tung qua vô lượng hằng sa Thế Giới. Cứ thế hất qua lại, cũng không làm cho chúng sinh khổ sở. Thần lực này không thể đo lường tính tóan nổi.

Nếu Như Lai thị hiên đầy đủ thần lực này, hàng ngũ Thanh Văn các ông còn chưa đủ sức tin nổi, huống chi các chúng sinh khác?

Khi đại lực sĩ Tĩnh Uy Đức nghe Đức Phật nói đến sức do Phụ Mẫu sinh ra của Bồ Tát xong, lòng vô cùng kinh hoàng sảng sốt, đến nỗi tóc lông đều dựng đứng, lấy làm hy hữu lạ lùng. Kiêu căng ngã mạn đều tiêu, xin Quy Y Tam Bảo, phát tâm Vô Thượng Bồ Đề.

***

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây