Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 40: Quyển 15 - Thiên thứ 6: Kính Phật - Đức Phật A Di Đà

PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Giảng giải: Pháp Sư Đạo Thế, Đời Đường
 

THIÊN THỨ SÁU

KÍNH PHẬT 
 

TẬP NĂM

ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ
 

Gồm có sáu tiết: Thuật Ý, Hội Danh, Biện Xứ, Năng Kiến, Nghiệp Nhân, Dẫn Chứng.

Thứ nhất: Thuật Ý.

Than ôi!

Tránh khổ cầu vui là thường tình của vạn vật, thích trong ghét đục là thông lệ của chúng sinh. Tuy nhiên, độ có tinh thô, hạnh gồm thiện ác. Ngũ trược Ta Bà, do chất ác hóa gò hang, Tịnh Độ thất bảo, nhân tập thiện thành tươi sáng. Ba bậc nghiệp nhân, chín phẩm quả báo.

Cung vàng điện ngọc, bởi thiện niệm hóa cao vời, ao báu hồ châu, nhờ thiện tâm nên trong sạch. Sen vàng nở khép, chứng từ phụ chẳng sai lời, sóng dậy triều dâng, nghe pháp ngôn còn văng vẳng.

Nếu công chẳng tinh chuyên, chí chẳng kiên cố, hạnh chẳng đủ đầy, nhân chẳng viên mãn, liệu có thể theo nghìn tâm ngự giữa kim đài, nương Thập Thiện bước lên cực lạc?

Thứ hai: Hội Danh.

Thuật rằng:  Thế Giới trong sạch gọi là Tịnh. Đến an trụ ở Thế Giới trong sạch ấy gọi là độ.

Thế nên, Luận Nhiếp Đại Thừa nói: Chổ độ an trụ không còn ngũ trược, trong sạch như các loài pha lê gọi là độ thanh tịnh.

Luận Pháp hoa nói: Chổ không còn chúng sinh phiền não cư trụ gọi là Tịnh Độ.

Tịnh Độ không giống nhau, có bốn loại:

1. Pháp Tịnh Độ: Lấy chân như làm bản thể, nên Luận Nhiếp Đại Thừa bản dịch đời Lương nói: Dùng hoa sen Chúa làm chỗ dựa cho Tịnh Độ. Bởi vì xem Pháp Giới chân như là thể nương tựa của Tịnh Độ.

2. Thật Báo Độ, theo Luận Nhiếp Đại Thừa nói: Lấy Nhị không làm cửa, Tam Tuệ làm đường, chỉ quán làm xe, lấy căn bản vô phân biệt trí làm công dụng. Ấy là nói sơ lược công đức của phước báo, biện luận xuất thể của Tịnh Độ.

3. Sự Tịnh Độ: Cho thất bảo tuyệt diệu là ngũ trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, là hình tướng của Tịnh Độ.

Thế nên, Luận Nhiếp Đại Thừa nói: Chung quanh Đức Phật đầy dẫy thất bảo sáng láng.

Lại nữa, Kinh Hoa Nghiêm nói: Trong cảnh giới của Chư Phật xen lẫn đủ thứ trang sức.

Vì thế, luận Tịnh Độ nói: Trang sức đầy đủ các loại châu báu.

Lại nữa, Kinh Tân phiên Đại Bồ Tát tạng nói: Giả sử Thế Giới trên Trời bị hoả tai phừng phừng cháy suốt, trong đó Như Lai vẫn an nhàn đi thư giản hay đứng hoặc nằm. Ở đó tự nhiên có dòng nước tám công đức phun lên tràn lan mặt đất.

4. Hóa Tịnh Độ: Đấy là cõi được Đức Phật biến thất bảo ngũ trần thành thể của Tịnh Độ.

Vì thế, Kinh Niết Bàn nói: Nhờ thần lực của Chư Phật, đất đều mềm mại mượt mà, không còn gò hang, đất cát hay sỏi đá, đến nỗi giống như cảnh giới của Đức Phật Vô Lượng Thọ ở Tây Phương.

Lại nữa, Luận Đại trang nghiêm nói: Nhờ trí lực tự tại, tùy theo ước muốn, có thể hiện ra Thế Giới thanh tịnh bằng các loại thủy tinh và lưu ly.

Lại nữa, Kinh Duy Ma nói: Đức Phật lấy ngón chân mặt đất, hiện ra các sự kiện thanh tịnh.

Lại nữa, Kinh Thập Địa còn nói: Vì theo ước vọng của chúng sinh nên Chư Phật mới thị hiện ra. Những điều các Kinh nói rõ trên đây đều trình bày sơ lược về Hóa Tịnh Độ, vốn do thần lực của Chư Phật thị hiện mà có, thu lại thành không, nên gọi là Hóa Độ.

Thứ ba: Biện Xứ.

Thuật rằng: phần trên, tuy nói rõ độ có bốn loại, nhưng quan trọng thì chỉ có hai là Báo Độ và Hóa Độ. Hai loại này là hai độ nắm trên mặt lý và sự. Báo Độ nghĩa là Đức Phật xuất thế, các thiện thể đều vô lậu, không lệ thuộc vào Tam Giới.

Thế nên, luận Tịnh Độ nói: Xem các tướng của Thế Giới này, hơn hẳn đạo ở trong Tam Giới.

Lại nữa, Luận Trí độ nói: Có Tịnh Độ tuyệt diệu, siêu việt ngoài Tam Giới. Thế nhưng Đức Phật an trụ ở cảnh giới vô xứ làm xứ, vượt ra ngoài các Thế Giới Mười Phương, hoặc nương theo Pháp Thân để an trụ trong Tịnh Độ.

Thế nên, luận nói rằng: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có Thế Giới thanh tịnh như Quốc Độ của Đức Phật A Di Đà cũng có Thế Giới rất thanh tịnh và rất không thanh tịnh như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Lại nữa, Kinh Niết Bàn nói: Ta thật chẳng ra khỏi cõi Diêm Phù Đề.

Lại nữa, Kinh Pháp Hoa có kệ nói rằng:

Thường tại núi Linh Thứu

Và ở các chỗ khác.

chúng sinh bị kiếp tận

Hỏa tai lớn thiêu rụi.

Cõi ta đây An Lạc,

Thiên Nhân luôn đông đúc.

Hoa viên và lầu gác

Đủ thất bảo trang sức.

Lại nữa, Kinh Hoa Nghiêm nói: Cõi Tịnh Độ của Như Lai, hoặc ở tại mũ báu của Như Lai, hoặc ở bông tai, hoặc ở chuỗi ngọc, hoặc tại nếp áo, hoặc tại lổ chân lông. Lổ chân lông nhỏ bé như thế cũng chứa đựng đủ cả Thế Giới.

Thế nên, luận Thập Trụ nói: Đức Phật cất một bước, sẽ vượt qua hằng hà sa số Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới.

Thứ bốn: Năng Kiến.

Nếu các phàm phu Nhị Thừa thấy Đức Phật Di Đà từ trong Uế độ, các vị Bồ Tát sẽ thấy Đức Phật Di Đà từ trong Tịnh Độ. Dựa vào hai thuyết này, Báo Độ thuần tịnh một mạch, Ứng Độ có nhiễm có tịnh.

Bởi thế, luận Tịnh Độ nói độ có năm loại:

1. Độ tịnh thuần túy: Chỉ ở quả Phật.

2. Độ tịnh uế:Ấy là độ tịnh nhiều uế ít, tức là từ địa thứ tám trở lên.

3. Độ tịnh uế bằng nhau: Ấy là từ địa thứ nhất đến địa thứ bảy.

4. Độ uế tịnh: Nghĩa là uế nhiều tịnh ít, tức là địa tiền tính địa.

5. Độ tạp uế: Ấy là địa chưa nhập. Trong độ thứ năm, người chỉ thấy độ thứ nhất ở sau, không thấy độ thứ tư ở trước. Trong độ thứ tư, người chỉ thấy độ thứ hai ở sau, không thấy độ thứ ba ở trước.

Trong độ thứ hai, người chỉ thấy độ thứ tư ở sau, không thấy độ thứ nhất ở trước. Trong độ thứ nhất, Đức Phật đều thấy thấu suốt tất cả năm độ dưới trên.

Thứ năm: Nghiệp Nhân.

Thuật rằng: Dẫn chứng khắp các Kinh Luận, có đến mười thuyết chẳng giống nhau:

1. Có người bảo tu một hạnh được sinh về Tịnh Độ.

Như Kinh Niết Bàn nói: Quốc Vương nhân đức tên Tỳ Kheo Giác Đức vì có nhân duyên Hộ Pháp, được sinh về nước bất động.

Lại nữa, Kinh Duy Ma nói: Tâm ngay thẳng là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sinh không nịnh hót đến sinh vào Quốc Độ của Ngài.

2. Có người bảo tu hai hạnh được sinh về Tịnh Độ.

Như luận Nhiếp Đại Thừa bản dịch đời Lương nói: Thiên pháp xuất thế là thiện căn sinh ra từ và hậu đắc trí vô phân biệt trí. Vì nhân duyên danh tướng của thiện pháp xuất thế, đôi khi dùng định hay tuệ làm phương tiện.

3. Có người bảo tu ba hạnh được sinh vào Tịnh Độ.

Như Kinh Niết Bàn nói: Tư duy ba loại Tam Muội không vô tác vô tướng, liền được sinhh về Tịnh Độ.

Lại nữa, Kinh Quán Phật Tam Muội nói: Khiến cho tất cả phàm phu trong kiếp vị lai được sinh về nước Cực Lạc, phải tu ba nghiệp.

Thứ nhất là hiếu thảo nuôi dưỡng Cha Mẹ, thờ Thầy, không sát sinh, tu mười nghiệp lành.

Thứ hai là thọ trì Tam Quy, giữ gìn đầy đủ các giới, không vi phạm uy nghi.

Thứ ba là phát tâm Bồ Đề, vững tin nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến khích kẻ tu hành. Như ba việc này, gọi là tịnh nghiệp.

4. Có người bảo tu bốn hạnh được sinh về Tịnh Độ.

Như Kinh Duy ma nói: Thực hành bốn tâm vô lượng là Tịnh Độ của bậc Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, có các chúng sinh từ bi hỷ xả đến sinh vào Quốc Độ của Ngài. Hoặc thực hành bốn nhiếp pháp là Tịnh Độ của bậc Bồ Tát.

Ấy là Bố Thí lời thương yêu, đem lại lợi ích cho đồng bạn là Tịnh Độ của bậc Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, có các chúng sinh giải thoát mọi ràng buộc đến sinh vào Quốc Độ của Ngài.

5. Có người bảo tu năm hạnh được sinh về Tịnh Độ.

Như Luận Tịnh Độ nói: Thứ nhất là lễ bái, thứ hai là tán thán, thứ ba là phát nguyện, thứ tư là quan sát, thứ năm là hồi hướng.

6. Có người bảo tu sáuhạnh được sinh về Tịnh Độ.

Như Kinh Duy Ma nói: Bố Thí là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, tất cả chúng sinh Từ Bi Hỷ Xả đến sinh vào Quốc Độ của Ngài. Thậm chí, trí tuệ là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, tất cả chúng sinh có trí tuệ đều đến sinh vào Quốc Độ của Ngài.

7. Có người bảo tu bảy hạnh được sinh về Tịnh Độ.

Như Kinh Duy Ma nói: Trưng hoa đủ bảy đức thanh tịnh, tắm gọi cho người không bợn dơ.

Thứ nhất là giới tịnh.

Thứ hai là định tịnh.

Thứ ba là kiến tịnh.

Thứ tư là độ nghi tịnh.

Thứ năm là đạo phi đại tịnh.

Thứ sáu là hành tịnh.

Thứ bảy là hành đoạn trí tịnh.

Hai loại tịnh đầu tiên là phương tiện đạo, ba loại tịnh kế tiếp là kiến đạo, loại tịnh kế tiếp là tu đạo, loại sau cùng là vô học đạo. Nhờ bảy loại tịnh ấy, thành tựu được bốn đạo. Bốn đạo đã thành, nên được phước báo ở Tịnh Độ vậy.

8. Có người bảo tu tám hạnh được sinh về Tịnh Độ.

Như Kinh Duy Ma nói:

Hỏi: Bồ Tát thành tựu được bao nhiêu hạnh không bợn dơ ở thế gian này để được sinh về Tịnh Độ?

Đáp: Thành tựu tám hạnh để sinh về Tịnh Độ.

Thứ nhất là làm lợi ích cho chúng sinh nhưng không mong cầu báo đáp và thay thế chúng sinh chịu khổ não.

Thứ hai là tất cả công đức tạo nên đều đem bố thí cho chúng sinh.

Thứ ba là bình đẳng với chúng sinh, khiêm nhường vô ngại.

Thứ tư là đối với các Bồ Tát, đều xem như Chư Phật.

Thứ năm là đối với các Kinh chưa nghe, khi nghe không chút nghi ngờ.

Thứ sáu là không trái ý các Thanh Văn.

Thứ bảy là không ganh tị khi thấy các vị ấy được cúng dường, không lấy phần nhiều hơn và trong đó, luôn luôn chế ngự tâm mình.

Thứ tám là tự vấn lổi mình, không phê bình khuyết điểm của người khác. Thường chuyên tâm tìm tòi công đức.

9. Có người bảo tu chín hạnh được sinh về Tịnh Độ.

Như Kinh Vô Lượng Thọ nói: Nói gọn thì có ba bậc, nói đủ thì có chín phẩm.

10. Có người bảo tu mười hạnh được sinh về Tịnh Độ.

Như Kinh Duy Ma nói: Thập tiên là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, thọ mạng lâu dài, giàu có phạm hạnh, lời thành chân lý, thường hay dịu dàng, không lìa quyến thuộc, hòa giải trang cãi, nói có lợi ích, không giận không hờn. Chúng sinh có chánh kiến đến sinh vào Quốc Độ của Ngài.

Lại nữa, Kinh Di Lặc Phát Vấn nói: Nếu muốn sinh về nước An Dưỡng, phải tu mười niệm, liền được Vãng Sinh.

Ấy là mười niệm nào?

1. Đối với tất cả chúng sinh, thường sinh từ tâm.

2. Đối với tất cả chúng sinh, không phá hoại đức hạnh.

3. Đối với tất cả chúng sinh, phát khởi bi tâm.

4. Phát Tâm Hộ Pháp, không tiếc sinh mạng. Đối với tất cả các pháp, không sinh tâm phỉ báng.

5. Trong pháp nhẫn nhục, sinh tâm cương quyết.

6. Thân tâm thanh tịnh, không nhiễm lợi danh.

7. Phát tâm nhất thiết chủng trí. Hằng ngày ghi nhớ, không thể bỏ quên.

8. Đối với tất cả chúng sinh, thường sinh lòng tôn trọng, trừ bỏ tâm ngã mạn, nói năng khiêm tốn.

9. Đối với các lời đàm luận, không sinh nhiễm trước, tâm gần với giác ngộ. Phát khởi sâu sắc các nhân duyên thiện căn, không sinh tâm xôn xao tán loạn.

10. Thường nhớ quán Phật, trừ khử mọi vọng tưởng. Di Lặc nên biết rằng trong mười niệm này, đều theo thứ tự, phát khởi liên tục. Nếu thế, chẳng sinh vào Quốc Độ ấy, không thể được đâu.

Hoặc có người bảo tu ba mươi bảy phẩm là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, tâm niệm chuyên cần, thần lực hùng dũng. chúng sinh giác ngộ đến sinh vào Quốc Độ của Ngài.

Như Kinh Vô Lượng Thọ nói: Phát bốn mươi tám lời đại nguyện được sinh về Tịnh Độ.

Luận Ưu Bà Đề Xá có kệ nói rằng:

Xem tướng Thế Giới ấy,

Hơn hẳn cả Tam Giới.

Cứu cánh như hư vô,

Vĩ đại không bờ bến.

Chánh đạo đại từ bi.

Xuất thế sinh thiện căn.

Thanh tịnh sáng láng quá,

Như vầng gương nhật nguyệt.

Thuật rằng: Nếu muốn tựa vào Thật Báo Tịnh Độ, cần phải tu tập chánh nhân vô lậu, đồng thời cùng hoàn thành lý và hạnh mới được Vãng Sinh.

Như kẻ phàm phu thấp kém, vốn chẳng có chánh nghiệp, mới phát khởi một hạnh, đến khi lâm chung, thập niệm tuy thành, cũng chỉ được sinh về hóa độ, không thể hưởng được Báo Độ. Điều này có nói rõ tại Đại Tiểu Thừa Thiền môn thập quyển.

Thứ sáu: Dẫn chứng.

Kinh A Di Đà Cổ Âm Thanh Vương Đà La Ni nói:

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo rằng: Hiện nay, ở Thế Giới An Lạc tại phương Tây có Đức Phật Hiệu A Di Đà. Nếu tứ chúng biết thọ trì danh hiệu của Đức Phật ấy, đến khi sắp mạng chung, Đức Phật A Di Đà sẽ cùng đại chúng đến bên người ấy được gặp, xong xuôi sẽ sinh lòng mừng rỡ, càng tăng thêm công đức.

Nhờ nhân duyên này, được sinh vào chỗ xa lìa vĩnh viễn hình tướng bào thai uế dục, tự nhiên hóa sinh vào trong đóa hoa sen quý đẹp đẽ tốt tươi.

Có đầy đủ sáu phép thần thông sáng láng oai vệ. Đức Phật A Di Đà và các Thanh Văn đều là các bậc Như Lai Ứng Cúng Chánh biến tri. Quốc hiệu của Ngài là Thanh Thái.

Quốc Độ của Ngài ngang dọc rộng mười ngàn do tuần. Trong đó đầy đủ dòng dõi qúy tộc. Phụ hoàng của ngày là Chuyển Luân Thánh Vương Nguyệt Thượng. Mẫu hậu của Ngài là Thù Thắng Diệu Nhan. Con của Ngài là Nguyệt Minh. Đệ tử hầu cận là Vô Cấu Xưng. Đệ tử thông thái là Hiền Quang.

Đệ tử tài ba là Đại Hóa. Bấy giờ có Ma Vương tên là Vô Thắng và Đề Bà Đạt Đa tên là Tịch Tịnh.

Lại nữa, Kinh Vô Lượng Thọ nói Đức Phật bảo Di Lặc: Giả sử Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới nổi lửa lớn, nhờ niệm Danh Hiệu Đức Phật A Di Đà, dù ở trong đó, cũng sẽ vượt qua, không hề bị nạn.

Lại nữa, Kinh Hoa Nghiêm nói Bấy giờ, Bồ Tát Ma Ha Tát Tâm Vương bảo các Bồ Tát rằng:

Phật Tử!

Một kiếp ở Quốc Độ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại Thế Giới Ta Bà này bằng một ngày đêm ở Quốc Độ của Đức Phật A Di Đà tại Thế Giới An Lạc.

Một kiếp ở Thế Giới An Lạc bằng một ngày đêm ở Quốc Độ của Đức Phật Kim Cương tại Thế Giới Thánh phục tràng.

Một kiếp ở Thế Giới Thánh phục tràng bằng một ngày đêm ở Quốc Độ của Đức Phật Thiện Lạc Quang Minh Thanh tịnh Khai Phu tại Thế Giới Bất thối chuyển âm thanh luân.

Một ngày ở Thế Giới Bất thối chuyển âm thanh luân bằng một ngày đêm ở Quốc Độ của Đức Phật Pháp Tràng tại Thế Giới Ly Cấu.

Một kiếp ở Thế Giới Ly Cấu bằng một ngày đêm ở Quốc Độ của Đức Phật Sư Tử tại Thế Giới Thiện Đăng.

Một kiếp ở Thế Giới Thiện Đăng bằng một ngày đêm ở Quốc Độ của Đức Phật Lô Xá Na tạng tại Thế Giới Thiện Quang Minh.

Một kiếp ở Thế Giới Thiện quang minh bằng một ngày đêm ở Quốc Độ của Đức Phật Pháp Quang Minh Thanh tịnh Khai Phu Liên Hoa tại Thế Giới Siêu Xuất.

Một kiếp ở Thế Giới Siêu xuất bằng một ngày đêm ở Quốc Độ của Đức Phật Nhất Thiết Quang Minh tại Thế Giới Trang Nghiêm Tuệ.

Một kiếp ở Thế Giới Trang nghiêm tuệ bằng một ngày đêm ở Quốc Độ của Đức Phật Giác Nguyệt tại Thế Giới Kính Quang Minh.

Phật Tử!

Lần lượt như thế cho đến hằng trăm vạn Thế Giới không thể tính nổi, đến một kiếp của Thế Giới cuối cùng chỉ bằng một ngày đêm ở Quốc Độ của Đức Phật Hiền Thủ tại Thế Giới Thắng Liên Hoa. Bồ Tát Phổ Hiền cùng các Đại Bồ Tát an trụ đầy khắp trong Thế Giới đó.

Lại nữa, Kinh A Di Đà Phật nói Đức Phật bảo các Tỳ Kheo Tăng: Thái Tử của Vua A Xà Thế này cùng con trai của năm trăm Trưởng Giả qua vô số kiếp sẽ thành Phật, giống như Đức Phật A Di Đà.

Đức Phật bảo: Thái Tử của Vua A Xà Thế này cùng con trai của năm trăm Trưởng Giả, từ khi an trụ ở vị Bồ Tát đến nay, đã trải qua vô số kiếp, mỗi người đều đã cúng dường bốn trăm ức Đức Phật xong xuôi, nay lại đến cúng dường ta.

Thái Tử của Vua A xàthế cùng con trai của năm trăm Trưởng Giả, vào thời tiền kiếp của Đức Phật Ca Diếp, đã từng làm đệ tử của ta. Hôm nay lại đến tụ họp, thế là cùng nhau gặp gỡ vậy.

Nhân Duyên Cảm Ứng lược thuật mười chuyện linh nghiệm:

1. Đời Tống, Sa Môn Thích Tăng Lượng ở Chùa Trường Sa Tại Giang Lăng, giới hạnh kiên trinh, chí khí cứng cỏi, thường mơ ước Vãng Sinh và phát nguyện đúc pho Tượng Phật Vô Lượng Thọ cao một trượng sáu. Công trình ấy thật lớn lao, nên đã nhiều năm qua chưa thực hiện nổi.

Sa Môn nghe đồn Miếu Sơn Thần ở Cố Khê tại Tương Châu có nhiều đồ thờ tự bằng đồng, muốn đến đó hóa đạo Quỷ Thần và quyên góp về hoàn thành Phật Sự.

Liền yết kiến thứ sử Trương Thiệu, thổ lộ sự tình, xin cấp phát vài chiếc thuyền cùng một trăm dũng sĩ.

Họ Trương bảo: Miếu ấy rất linh thiêng, kẻ nào xâm phạm ắt phải chết. Lại còn thổ dân giữ Miếu. Chuyện này sợ khó thành công.

Sa Môn đáp: Gặp phước, nguyện sẽ chia xẻ cùng Ngài. Chết thì một mình bần Tăng gánh chịu. Thứ sử liền ưng cấp người và thuyền đủ số.

Chưa quá một đêm, thần đã hay biết mọi chuyện. Gió cuộn mây mờ, chim kêu vượn hú. Một lát sau, đoàn thuyền của Sa Môn vừa ghé bến. Mặt Trời ló dạng sương mù tan dần.

Cách Miếu chưa đầy hai mươi bước, có cặp vạc đồng, mỗi chiếc đựng khoảng mấy trăm hộc. Một con rắn lớn, dài hơn mười trượng, từ trong vạc ấy bò ra, vươn mình chắn lấy lối đi. Cả trăm tùy tùng đều hốt hoảng, bỏ chạy tháo lui.

Sa Môn sửa lại pháp phục bước lên, dộng Thiền trượng dõng dạc bảo: Nhà ngươi kiếp trước đã tạo nên nghiệp ác, nên phải làm rắn.

Nếu chẳng nghe lời Tam Bảo, làm sao giải thoát được?

Nay ta phát nguyện đúc Tượng Đức Phật Vô Lượng Thọ cao một trượng sáu, nghe ở đây có nhiều đồng, nên mới lặn lội tìm đến. Hãy mở đường cho ta bước tới. Rắn cất đầu nhìn Sa Môn rồi duỗi thân bò đi. Sa Môn thân đốc thúc mọi người kéo lấy đồng.

Chỉ còn ống nhổ lớn trên đầu giường khoảng bốn thăng, có một con tắc kè dài hơn hai thước nhảy ra nhảy vào như có ý níu lại, đành để lại, không lấy đi mà thôi. Những đồ đồng thờ tự trọng đại trong Miếu hoàn toàn để lại nguyên vẹn mười mươi, cốt lựa những vật nhỏ bé chứa đầy thuyền rồi chở về.

Bọn thổ dân giữ Miếu cũng chẳng dám chống cự. Sa Môn chở về châu đúc Tượng, đến năm nguyên gia thứ chín đời Tống thì hoàn thành. Tượng có nghi dung hùng vĩ tôn nghiêm, phát hào quang chiếu diệu sáng láng. Nhân duyên đúc chế ly kỳ đồn đến kinh thành.

Tống Văn Hoàng Đế cho cung nghinh về. Vì chưa có vòng hào quang, Nhà Vua ban sắc chế tạo màn vàng cùng vòng hào quang và muốn tôn trí vào Chùa An Lạc. Quần thần đều tâu rằng tên của bảo Tháp Bành thành vốn trùng với lãnh địa cũ của Nhà Vua, đồng thời bảo Tháp đứng trấn sừng sững trước cửa kinh thành.

Vì thế, nên cung nghinh Tượng đến đó. Đầu niên hiệu Minh Đế, Nhà Vua sửa sang phủ cũ thành Chùa rồi rước Tượng về. Bao đời qua, Tượng vẫn ở tại Tương cung. Chuyện trên rút từ Lương Cao Tăng Truyện.

2. Đời Tống, Cát Tế Chi ở Câu dung, là con cháu của Cát Trĩ Xuyên. Vợ họ Kỷ, người cùng quận. Dáng dấp thanh nhã, rất có đức hạnh.

Tế Chi vốn theo tiên thuật, vợ cũng thế, nhưng lòng riêng sùng kính Phật Pháp, thường giữ thành tâm không hề thay đổi. Năm Nguyên gia thứ mười ba, kỷ thị đang dệt vải, bỗng thấy mây lành vén mở, Mặt Trời lộ ra, bầu Trời sáng rực, liền bỏ ngang khung cửi, ném thoi vào giỏ, ngước nhìn lên bốn phía.

Thấy từ phương Tây có chân thân Đức Phật và tràng phan bảo cái huy hoàng che rợp bầu Trời.

Lòng mừng rỡ, tự bảo: Kinh nói Đức Phật Vô Lượng Thọ, phải chăng là Ngài đây?

Rồi dập đầu hành lễ. Tế Chi vốn rất yêu kính vợ, thấy thế, liền bước đến bên. Kỷ thị cầm tay chồng chỉ lên Đức Phật. Tế Chi cũng thấy được bán thân của Ngài và các thứ tràng phan. Giây lát liền biến mất. Rồi mây và Mặt Trời sáng rực màu ngũ sắc óng ánh.

Tất cả họ hàng làng xóm cùng được chứng kiến, trong khoảng thời gian chừng vài bữa ăn mới dần dần lặn hết. Từ đó, chốn hương thôn đa số Quy Y Phật Pháp.

3. Đời Tống, Ni Cô Tuệ Mộc vốn họ Phó, giữ giới Tiểu Thừa, Xuất Gia năm lên mười một tuổi ở Chùa làng Trúc Dặc thuộc Lương quận. Mới đầu, trì Kinh Đại Phẩm Bát Nhã, mỗi ngày tụng hai quyển.

Bấy giờ, Sa Môn Tuệ Siêu dựng lên giảng đường, Ni Cô đến chiêm bái, bỗng thấy trong góc Đông bắc có một vị Sa Môn mình óng ánh sắc vàng, mặc pháp phục màu đen, chân đi không đụng đất.

Nửa đêm, Ni Cô đang Tụng Kinh, lại mơ thấy đến cõi Tây Phương, gặp một hồ tắm nở đầy hoa phù dung. Các người được hóa sinh ngồi chen chúc bên trong. Còn một đóa hoa lớn chưa có người ngồi. Ni Cô muốn bước lên, có sức vin kéo. Không ngờ tiếng Tụng Kinh nổi lên cao quá.

Mẹ của Ni Cô cho là con mình ngủ mơ, giật mình thức giấc, lên tiếng gọi con. Bà cụ già cả, miệng không còn răng. Ni Cô thường nhai cơm đút cho mẹ. Nghĩ rằng đã lỡ ngậm thức ăn trong miệng, không thể súc sạch, nên đến tuổi trưởng thành, Ni Cô vẫn chưa dám thọ đại giới. Sau khi mẹ mất, Ni Cô tự dọn cỏ lập đàn mời Sa Môn đến truyền giới.

Tại đó, bỗng dưng thấy Trời Đất sáng láng một màu vàng ánh. Ngước nhìn về phía Tây nam, Ni Cô thấy một Thiên Nhân mặc áo màu đỏ pha vàng, có đường viền, đi cách Ni Cô, khi gần khi xa, rồi biến mất. Chứng kiến các điềm linh dị ấy, Ni Cô thường giấu kín, không nói cho ai hay.

Anh của Ni Cô cũng Xuất Gia, nghe đồn đãi, muốn biết hư thực, bèn giả vờ dụ dỗ Ni Cô rằng: Cô học đạo nhiều năm, rốt cuộc chẳng thấy hiểu gì. Vậy hãy để tóc lại mà lấy chồng. Ni Cô nghe anh nói, hết sực sợ hãi, cho là sự thật, phải đem kể sơ lược mọi chuyện linh ứng cho anh nghe. Chỉ có Ni Cô Tịnh Xưng nghe danh đạo hạnh, tìm đến làm quen và lựa lời dò hỏi. Ni Cô bèn thuật lại mọi điều linh dị cho nghe.

Về sau, Ni Cô cùng đồng bạn đến đảnh lễ Tượng Đức Phật Vô Lượng Thọ rồi qùy mọp dưới đất, không đứng dậy. Đồng bạn cho là Ni Cô ngủ quên, lấy chân đá vào và lên tiếng gọi. Ni Cô nín thinh không trả lời.

Sau đó, Ni Cô Tịnh Xưng năn nỉ hỏi mãi, Ni Cô mới chịu trả lời rằng: Khi đang nằm mọp, mơ đi đến nuớc An Lạc, gặp Đức Phật giảng cho nghe Kinh Tiểu phẩm Bát Nhã, được bốn quyển thì bị đá vào mình, phải thức dậy. Thật hết sức ân hận. Vào niên hiệu nguyên gia thứ mười bốn, Ni Cô Tuệ Mộc được sáu mươi chín tuổi.

4. Ngụy Thế Tử đời Tống là người Lương quận, tinh tiến giữ gìn Chánh Pháp. Con gái ông thành kính tu hành. Chỉ có người vợ mê muội, không tin Phật Pháp. Đầu niên hiệu Nguyên gia, con gái lên mười tuổi, bị bệnh chết.

bảy ngày sau sống lại, bảo rằng: Cần lập giảng tòa và tôn trí Kinh Vô Lượng Thọ. Thế Tử lập tức bày biện đầy đủ. Trước tiên, cô gái trai giới lễ bái rồi ngồi vào giảng tòa, dù trước đây chưa từng xem qua Kinh Sách, và bắt đầu tụng kih, âm thanh trong trẻo lanh lợi.

Xong xuôi, bước xuống thưa với Cha Mẹ rằng: Con vừa chết, liền đến nước Vô Lượng Thọ, thấy cha, anh và con, tất cả ba người, sau này sẽ hóa sinh trên đóa hoa phù dung to lớn có sẳn trong hồ. Chỉ một mình mẹ là không. Không chịu được nỗi khổ tâm, nên phải trở về báo lại. Nói xong, liền tắt thở. Từ đó, người mẹ thành tâm Quy Y Tam Bảo.

5. Hà Đàm Viễn đời Tống là người ở Lô giang. Phụ thân là Vạn Tho, làm ngự sử trung thừa. Họ Đàm tinh tiến thọ trì Chánh Pháp, giữ giới Bồ Tát.

Năm lên mười tám tuổi, nhằm niên hiệu nguyên gia thứ chín, chịu tang cha. Đau khổ đến nỗi lâm bệnh nặng, cơ hồ sắp chết. Ngoài chuyện khóc thương, chỉ chuyên tâm tu hành Tịnh Độ, ước mong sao được linh nghiệm. Họ Đàm thường mời Chư Tăng đến mấy vị.

Đại Sư Tăng Hàm cũng ở trong số này. Họ Đàm thường sám hối tội lỗi cùng Đại Sư, sợ rằng tuy có nhân duyên, nhưng cuối cùng chẳng được thấu tỏ. Đại Sư hay khen ngợi, khuyên nhủ đừng chán nản.

Qua năm sau, vào giữa canh tư đêm mười sáu tháng hai, vừa Tụng Kinh xong, Chư Tăng đều ngủ yên, họ Đàm bỗng nhiên la lớn ca tụng. Ca tụng.

Đại Sư giật mình hỏi nguyên do.

Họ Đàm thưa: Thấy Đức Phật óng ánh sắc vàng. Hình tướng trang nghiêm như các pho Tượng đang thờ phụng hiện nay. Hào quang chiếu diệu khắp thân hơn một trượng. Có tràng phan theo hầu đầy chật trên Trời. Đẹp đẽ rực rỡ không thể tả nổi.

Bấy giờ, họ Đàm đang ở trong chái phía Tây, bỗng nhiên nói lên rằng: Đức Phật từ phương Tây đến. Chuyển thân hướng về phương Tây. Phải đứng lên để đợi Ngài. Ngài bảo nên đi thật mau. Bình thường, họ Đàm ốm yếu, hơi thở khò khè. Đêm ấy mạnh mẽ, tươi tắn hẳn lên, đứng dậy rửa tay.

Đại Sư Hàm cầm hương trong tay và hái hoa trong vườn để cúng dường Đức Phật.

Thân mẫu của họ Đàm bảo rằng: Nay con ra đi, liệu không còn nhớ mẹ nữa chăng?

Họ Đàm lặng thinh không trả lời. Giây lát, bỗng ngồi xuống. Gia đình vốn rất kính tín, nghe được chuyện linh ứng này, đều rất vui mừng, không quá bi thương. Bước sang canh năm, họ Đàm liền mạng chung. Khắp nhà tỏa mùi hương thơm ngát đến mấy ngày mới hết. Bốn chuyện trên đây rút từ sách Minh tường ký.

6. Đại Sư Thích Pháp Duyệt ở Chùa Chánh Giác tại kinh thành đời Lương là vị Sa Môn giữ gìn giới hạnh thanh tịnh. Trước đây, vào cuối đời Tề, Ngài là sư trưởng Chùa Chánh Giác, chuyên tu phước nghiệp, được đồ chúng ngưỡng mộ.

Ngài nghe đồn ở Chùa Tống vương tại Bành thành có pho kim Tượng cao một trượng tám, do xa kỵ tướng quân Vương Trọng Đức làm thứ sử Từ châu đúc nên vào đời Tống.

Tượng ấy có vòng hào quang tuyệt đẹp, đứng đầu vùng Giang Đông. Mỗi lần trong châu có tai họa hay Tăng Ni bị vạ lây, Tượng liền đổ mồ hôi báo điềm.

Xem mồ hôi nhiều ít, có thể đóan họa họan lớn nhỏ. Đầu niên hiệu Thái thủy đời Tống, Bành thành chịu lệ thuộc vào bọn giặc ở phương Bắc. Chúng muốn cướp Tượng kéo về, đã huy động lực lượng đông đến hàng vạn, nhưng không nhúc nhích nổi. Qua đầu đời Tề, mấy quận trong châu muốn nổi dậy theo phe phương Nam và ép buộc Chư Tăng sung quân chống giữ thành trì.

Bấy giờ, chỉ huy quân giặc là Lan lăng công vây thành thắng lợi, bắt được một số Tu Sĩ tham chiến. Do đó, trói nhốt tất cả kẻ tu hành khắp hai châu trong hoa viên, rồi dâng biểu tâu lên Vua Ngụy, ghép vào tội giúp phe làm loạn. Tượng đổ mồ hôi đầm đìa, ướt cả Đại Điện.

Bấy giờ, Lương vương Khiêm của Bắc Ngụy đang trấn giữ Bành Thành, vốn có chút ít đức tin, thân hành đến trước Tượng, sai người lấy khăn lau. Vừa lau xong, mồ hôi lại đổ ra, không thể nào khô được.

Vương thắp nhang lễ bái, thành khẩn phát thệ rằng: Chư Tăng vô tội, đệ tử xin đem tính mạng che chở khỏi vòng tai ương. Nếu linh thiêng chứng giám cho tâm lòng thành, xin tự lau xong, lập tực khô ráo. Rồi vương tự tay lau lấy.

Kỳ lạ thay, Tượng liền khô ngay. Vương bèn dâng biểu tâu rõ mọi chuyện. Chư Tăng đều được ân xá. Nghe danh Thánh Tượng linh thiêng đến thế, Đại Sư phát nguyện hành hương chiêm bái. Vì đường sá bị cấm cản, không thể đi được. Hơn nữa, ngày xưa Vua Tống Minh Đế từng đúc pho Kim Tượng cao một trượng tám thước, đổ đồng đến lần thứ tư vẫn không xong, đành phải đổi nhỏ lại một trượng bốn thước.

Đại Sư bèn cùng Sa Môn Trí Tịnh ở Chùa Bạch Mã và các đồng đạo hữu duyên muốn sửa lại thành pho Tượng Phật Vô Lượng Thọ cao một trượng tám để thỏa mãn tâm nguyện, liền lo thu thập đồng vàng. Gặp cơn loạn lạc cuối đời Tề, đành phải bỏ dở. Qua đầu đời Lương, Đại Sư đem nguyện vọng tâu lên, Nhà Vua ban sắc chấp thuận và đúc giúp vòng hào quang.

Mọi vật liệu cùng thợ giỏi cần đến, đều được chi viện. Pho Tượng Phật Vô Lượng Thọ này được đúc tại Chùa Trang nghiêm vào ngày mồng ba tháng năm Thiên giám thứ tám đời Lương.

Bốn vạn cân đồng đã nấu hết, nhưng Tượng chưa đổ đến bụng. Dân chúng cũng cúng dường nhiều vô số, đều được đưa vào lò, nhưng cũng không đầy khung như trướng, đành phải cấp tốc tâu lên.

Nhà Vua ban sắc cúng dường ba ngàn cân đồng. Trong kho vừa cân xong, chuẩn bị đưa đi, ở chỗ đúc đã thấy ngự xa tuyên chiếu chở đồng đến. Lập tức kéo bễ nấu đồng, đem đổ vào khuôn thì đầy.

Vừa xong, xe và ngựa đều biến mất. Khi xe trong kho đến nơi, mới biết xe trước vốn của thần linh. Thợ đúc vui mừng, nhảy nhót reo hò, đại chúng hân hoan ca tụng.

Đo lại, Tượng lớn một trượng chín thước, nhưng vòng hào quang vẫn vừa vặn, lại có thêm hai đồng tiền lớn dính vào vạt áo, không nấu chảy. Chẳng ai hiểu được tại sao. Trước đây, ước lượng bốn vạn cân chắc sẽ còn dư, sau đó thêm vào ba ngàn cân vẫn sợ còn thiếu. Thế nhưng điềm linh ứng hiện, vượt ngoài dự liệu của mọi người.

Mới biết thần cơ huyền diệu, khác hẳn ước lượng thế gian. Tượng đã đúc xong, Tỳ Kheo Đạo Chiêu hằng đêm lễ sám, bỗng thấy ánh sáng chiếu diệu ở khe hở. Nhìn kỹ, đúng là hào quang kỳ lạ phát ra.

Ba hôm sau, trước lúc tháo khuôn, Thiền Sư đạo độ, vốn là vị Cao Tăng Thanh tịnh, phát nguyện xin cúng dường Cà Sa bảy mảnh, hổ trợ vào phí tổn tháo phần khuôn trên đầu Tượng.

Một lát sau, từ xa, thấy hai vị Tăng qùy xuống tháo phần khuôn ở búi tóc. Khi bước vội đến nhìn thì đều biến mất. Bấy giờ, các Đại Sư Pháp Duyệt và Trí Tịnh lần lượt Viên Tịch.

Nhà Vua ban sắc giao cho Sa Môn Tăng Hựu ở Chùa định lâm tiếp tục lo liệu việc chỉnh trang linh Tượng. Chọn ngày mười sáu tháng chín năm ấy cung nghinh Tượng về Chùa Quang trạch. Tháng ấy không mưa, lại có hơi bụi bặm, hôm sau là ngày dời Tượng.

Đến đêm, Trời hơi nổi mây và mưa Thu lất phất. Sa Môn Tăng Hựu đang đi tán bộ gần Tượng, tâm trí mãi lo lắng về thời tiết, bỗng thấy bên Tượng Phật hào quang sáng trưng như đèn đuốc và nghe tiếng thúc giục đi lễ sám. Sa Môn bước vào nhìn kỹ, thấy đèn đã được thắp lên đầy đủ. Người giữ Chùa Tưởng Hiếu Tôn cũng tận mắt chứng kiến.

Bấy giờ, các thương nhân vùng Hoài trung cũng đều nghe như có tiếng khoảng mấy trăm người thôi thúc sửa cầu tàu dưới các ghe thuyền lớn. Mới biết rằng linh Tượng rất nặng, chỉ sức người không đủ nâng lên thuyền lớn được.

Sau đó, khi đúc thêm vòng hào quang và tòa sen, cũng có điềm gió đưa hương thơm thoang thoảng. Từ vùng Thông hà trở về Đông, đây là tuyệt tác đứng đầu trong các linh Tượng. Chuyện trên rút từ LươngCao Tăng Truyện.

7. Đời Tùy, Tượng vẽ Đức Phật A Di Đà và năm mươi vị Bồ Tát cùng ngồi trên tòa sen vốn là bản sao linh Tượng từ nước Thiên Trúc bên Tây Vực.

Tương truyền xưa kia, Bồ Tát Ngũ Thông ở Chùa Kê đầu ma tại Thiên Trúc đi lên nước An Lạc, thỉnh cầu cùng Đức Phật A Di Đà rằng: Chúng sinh ở Thế Giới Ta Bà mong ước được sinh về Tịnh Độ, nhưng không có hình Tượng của Đức Phật, nên không biết trông cậy vào đâu. Kính xin Đức Phật ban ơn xuống cho.

Đức Phật dạy: Con hãy về tước, hình Tượng sẽ ứng hiện liền ở bên ấy. Khi Bồ Tát vừa về tới, Tượng của Ngài đã đến trước rồi. Đó là Tượng Đức Phật và năm mươi vị Bồ Tát cùng ngồi tòa sen ở vòm lá trên ngọn cây.

Bồ Tát liền hái lá cây ấy vẽ lại và đem lưu hành khắp gần xa. Lúc Vua Hán Minh Đế mơ thấy hình của Đức Phật, sai sứ đi tìm, rước được các Ngài Ca Diếp và Ma đằng về ở Lạc Dương. Sau đó, con của chị Ngài Ma đằng Xuất Gia làm Sa Môn, mang pho Tượng này sang Trung Quốc.

Chẳng bao lâu lại mang về Tây Vực, nên Tượng ấy không được lưu truyền nhiều. Từ đời Ngụy và Tấn đến nay, trải qua nhiều năm tháng, lại bị nạn tiêu diệt Phật Pháp, nên kinh Tượng bị phá hủy. Linh Tượng này hầu như không thấy nữa.

Khi Vua Tùy Văn Đế mở mang Chánh Pháp, Sa Môn Minh Hiến gặp được bức Tượng vẽ này tại Chùa của một vị Pháp Sư ở Bắc Tề, được Pháp Sư giảng giải nguồn gốc và truyền lại mật chú, bèn sao lại để lưu hành khắp nước.

Bấy giờ, nhà danh họa Tào Trọng Đức vốn người nước Tào, cư ngụ ở Bắc Tề, lãnh hội thấu đáo nghệ thuật vẽ Tượng Phật, đã sao lại linh Tượng ấy, từ kinh thành đến chỗ thôn quê đều rất hâm mộ.

Thế nên hiện nay, các Tượng vẽ trên vách phía Nam Chùa ấy đều là bút tích thật sự của nhà danh họa cả. Chuyện trên rút từ Tây Vực truyện ký.

8. Sa Môn Thích Tuệ Hải ở Chùa An Lạc Tại Giang đô, vốn họ Trương, người đất Vũ thành thuộc Thanh hà. Thông hiểu Kinh Luận nhưng lại chuyên Tu Tịnh Độ, mong được ứng nghiệm.

Bỗng đâu Sa Môn đạo Thuyên ở Tề châu mang đến pho Tượng Đức Phật Vô Lượng Thọ và bảo rằng: Đây chính là bức Tượng do Bồ Tát Ngũ Thông ở Chùa Ke đầu ma bên Thiên Trúc bay lên Thế Giới An Lạc vẽ lại chân tướng của Đức Phật A Di Đà. Thấy hợp với tâm nguyện, Sa Môn Chân Thành lễ bái. Tượng liền phóng hào quang chiếu diệu, thật là hy hữu. Do đó, Sa Môn cố công sao lại để tâm niệm suốt đời, cầu mong được Vãng Sinh về Cõi Tịnh Độ.

Tháng năm năm Tùy Đại nghiệp thứ năm, Sa Môn lâm bệnh nhẹ. Đến đêm bỗng nhiên tỉnh dậy, hướng về phía Tây ngồi kếtgià như thường lệ, vừa sáng thì Viên Tịch. Thần sắc thanh thản tự tại như người còn sống. Sa Môn thọ được sáu mươi chín tuổi.

9. Đời Đường, Sa Môn Thích đạo Ngang ở Chùa trên núi Hàn Lăng tại Tương châu, vốn người Ngụy quận, chưa biết rõ họ tên. Đạo Hạnh nêu cao, cốt cách thanh thoát. Giữ gìn tiết tháo. Siêu việt thế gian. Tuệ căn sớm phát, chẳng đợi khai thông. Nuôi chí Tịnh Độ, nguyện về Tây Phương. Khi biết thọ mạng sắp hết. Sa Môn chuẩn bị dặn dò đệ tử. Đến đầu tháng tám, là lúc ra đi.

Thời cơ đã tới, Sa Môn không chút lo âu, hỏi đệ tử: Sắp sửa thọ trai chưa?

Vừa đúng giờ ngọ, liền bước lên giảng tòa. Thân phát tướng lạ, lò tỏa hương lành. Sa Môn hướng dẫn đệ tử thọ Bồ Tát giới. Lời lẽ tha thiết, khiến các đệ tử chạnh lòng. Bấy giờ, Đại Chúng đứng chung quanh, nghe lời căn dặn.

Sa Môn ngước mắt nhìn lên, thấy nhiều Thiên Chúng, đàn sáo dặt dìu.

Có tiếng trong trẻo đượm vẻ não nùng.

Thiên Chúng cất tiếng với đệ tử: Thiên nhạc trên Trời Đâu Suất giáng hạ cung nghinh.

Sa Môn bảo rằng: Chuyện sống chết xưa nay không theo ước muốn. Luôn luôn thành tâm cầu xin Vãng Sinh, cuối cùng sẽ được toại nguyện. Sa Môn vừa dứt lời, liền thấy Thiên nhạc bắt đầu bay lên, giây lát biến mất. Rồi lại thấy rất nhiều hương hoa, ca nhạc của Thế Giới Tây Phương bay xuống, như đám mây vần vũ trên đầu.

Sa Môn bảo tiếp: Đại chúng hãy an lòng. Hôm nay, các điềm linh ứng bên Tây Phương đến đón, ta phải ra đi. Vừa dứt lời, lò hương đã rời khỏi bàn tay.

Bấy giờ, Sa Môn Viên Tịch tại giảng tòa ở Chùa Báo ứng, thọ được sáu mươi chín tuổi, nhằm tháng tám năm Trinh Quan thứ bảy. Đại chúng đông đảo như núi tận mắt chứng kiến đều xúc động khóc òa. Khi mang di thân tẫn liệm, thấy dưới bàn chân hiện lên mấy chữ Phổ quang đường.

Sau đó, lại rước di thân về núi Hàn Lăng, xẻ động tôn trí. Qua nhiều năm tháng vẫn y nhiên như lúc còn sống, không hề hư hao. Có một đêm đúng vào kỳ giảng, quang cảnh tối tăm, không có đèn đuốc. Sa Môn giơ tay lên cao, phát ra một đạo hào quang chiếu sáng rực khắp đại điện.

Đệ tử lấy làm lạ, không biết hào quang ấy phát ra từ đâu.

Sa Môn cất tiếng bảo: Đừng lấy làm lạ.

Trong tay ta luôn luôn có ánh hào quang này.

Thử hỏi, nếu đạo chẳng hợp với linh kinh, hạnh chẳng gần với Thánh Chúng, sao có thể thị hiện uy linh cai siêu đến thế?

10. Sa Môn Thích Thiện Trụ ở Chùa Tịnh Ảnh tại Trường An là người Doanh Châu. Tinh thông Kinh Luận, nhất là Kinh Niết Bàn. Đàm luận cơ duyên đốn ngộ, đứng đầu khắp nước. Năm lên bảy mươi mốt tuổi, mới bệnh đã lâm chung.

Ngài bảo đệ tử: Suốt cả đời ta, luôn giữ chánh tín. Giáo pháp của Đức Phật, chẳng dám xao lãng. Lo gì không được Vãng Sinh. Rồi sai dọn dẹp phòng ốc, thắp nhang kính đợi. Bệnh kéo nhiều ngày, nằm không dậy nổi.

Bỗng nhiên Sa Môn ngồi lên, chắp tay bảo đệ tử: Đức Phật cho phép ngồi dậy.

Lại bảo: Đức Phật đến rồi.

Trụ con nay xin ăn năn sám hối.

Cứ thế rất lâu, Sa Môn lại bảo: Đức Phật về rồi. Và cung kính cúi đầu như đưa tiễn.

Xong xuôi, Sa Môn nằm xuống bảo: Vừa rồi, Đức Phật A Di Đà đã giáng lâm, các con thấy chăng?

Lát nữa, ta sẽ ra đi. Ngài nói xong một lúc thì Viên Tịch. Ba chuyện trên đây rút từ Đường Cao Tăng Truyện.

***

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây