Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 54: Quyển 18 - Thiên thứ 7: Kính Pháp - Nhân Duyên Cảm Ứng - Phần 2

23.Giữa niên hiệu Đại Nghiệp đời Tùy, có vị du Tăng đến miếu Thái sơn xin tá túc. Thủ từ bảo: “Ở đây không sẵn nhà cửa, chỉ có mái hiên dưới miếu có thể ngủ được, nhưng gần đây, những kẻ ngủ nhờ đều chết đột ngột.” Du Tăng đáp: “Đừng lo chuyện ấy!” Thủ từ đành phải nghe lời, đặt giường dướimái hiên. Đến đêm, du Tăng ngồi ngay ngắn tụng kinh. Khoảng canh một, nghe trong miếu có tiếng châu ngọc đeo trên áo đeo leng keng. Giây lát, linh thần hiện ra hành lễ. Du Tăng hỏi: “Nghe nói người nào đến đây ngủ nhờ đều bị thí chủ sát hại. Xin hãy che chở họ.” Linh thần đáp: “Những kẻ sắp chết đến đây, đa số nghe tên của đệ tử, vì sợ quá nền chết mất. Đệ tử chẳng hề giết họ. Xin đại sư an tâm.” Du Tăng mời ngồi, nói chuyện một lúc rồi hỏi rằng: “Nghe nói linh thần Thái sơn đây cai quản cõi âm, phải thế chăng?” Linh thần đáp: “Đệ tử phước mỏng nên phải chuyên lo việc ấy. Phải chăng đại sư muốn gặp thân nhân đã mất?” Du Tăng đáp: “Có hai vị đồng học mất sớm, muốn xin gặp họ.” Linh thần hỏi tên họ xong, trả lời rằng: “một vị đã đầu thai làm người, một vị còn ở địa ngục. Vì tội nặng, không thể gọi lên đây. Đại sư có thể đến đó thăm hỏi.” Du Tăng nghe nói rất mừng, liền đứng lên đi. Tới một chổ không xa, có nhiều nhà ngục lửa cháy sáng rực. Linh thần dắt du Tăng bước vào một tòa nhà. Xa xa thấy có một người trong đóng lửa đang rên la, chẳng nói nên lời, hình dáng biến đổi, không thể nnhận ra. Huyết thịt cháy khét, rất đáng thương tâm. Linh thần nói: “Đây là vị ấy. Đại sư không muốn đi xem nữa chăng?” Du Tăng quá đau buồn, xin đưa về. Thấp thoáng đã đến miếu, bèn cùng linh thần ngồi xuống, hỏi rằng: “Muốn cứu vị đồng học, có cách gì chăng?” Linh thần đáp: “Có cách. Nếu chép giúp một bộ kinh Pháphoa, vị ấy sẽ được tha ngay.” Trời sắp sáng, linh thần Từ biệt, đi vào trong miếu. Sáng mai, thủ từ lấy làm lạ vì du Tăng không chết. Du Tăng đem mọi chuyện kể lại cho nghe. Sau đó, du Tăng chép một bộ kinh Pháp-hoa, đóng bìa xong, mang đến miếu xin ở lại. Đem ấy, linh thần hiện ra, hoan hỷ hành lễ, hỏi thăm lý do. Du Tăng trình bày xong, linh thần nói: “Đệ tử đã biết chuyện này. Khi đại sư chép kinh, vừa đề tên, vị ấy liền được tha tội. Nay đã đầu thai lên nhân gian. Chổ này không tinh khiết, không tiện tôn trí kinh điển. Xin đại sư mang lại về chùa.” Rồi cùng nói chuyện rất lâu, đến khi sắp sáng, du Tăng mới Từ biệt, mang kinh về chùa. Biệt giá Hàng châu là Trương Đức Ngôn, trước đây từng làm việc ở Duyện châu, biết rõ chuyện này.

24. Sa-môn Thích Trí Uyển ở U châu đời Đường, tinh tiến, có kiến thức. Trước đây, giữa niên hiệu Đại Nghiệp đời Tùy, ngài phát nguyện khắc Đại tạng trên đá, đề phòng Chánh pháp bị hủy diệt. Vì thế, ngài đã tạc núi Tây sơn tại U châu thành thạch thất, mài vách bốn phía để khắc kinh rồi chọn các khối đá vuông vắn khắc kinh lên, sắp xếp vào thạch thất. Khi đầy, lấy đá lấp kín cửa, nấu sắt hàn chặt. Đương thời, vua Dang đế đến thăm Trác quận, thị lang nội sử Tiêu Vũ là em của hoàng hậu, vốn hâmmộ Phật pháp, đem chuyện bẩm rõ. Hoàng hậu cúng dường một ngàn tấm lụa cùng tiền của, Tiêu Vũ cúng dường năm trăm tấm. Khắp nước nghe tin, tranh nhau cúng dường. Nhờ thế, Phật sự được thành tựu. Ngài thấy nhân công làm việc càng nhiều, tín đồ lên về tấp nập, muốn dựng điện pjhật, trai đường và nhà ở bằng cây phía trước động, nhưng nghĩ khó kiếm ngói gỗ, hao tốn chi phí khắc kinh, nên chưa thực hiện. Một đêm mưa to gió lớn, sấm sét vang rền, chấn động núi non. Sáng mai Trời tạnh, bỗng thấy hằng nghìn vạn cây tùng bách bị nước cuốn tấp đầy đường. vùng Sơn đông xưa nay ít cây cối nhất là tùng bách. Mọi người kinh hãi, chẳng biết góc gác ở đâu. Dò tìm tung tích, mới hay là do núi lở bờ tan từ phương Tây xa lắc, kéo nhau trôi đến. Do đó, xa gần đều thán phục. Nếu không nhờ phước đức, làm sao được thần lực hổ trợ đến thế? Ngài tập họp nhân công chọn lựa, phần còn lại phân phát cho cư dân tại địa phương. Mọi người hân hoan góp sức xây dựng. Một thời gian ngắn, tất cả đều hoàn thành đúng ước nguyện. Thấm thoát, ngài đã tạo xong bảy thạch thất đựng kinh. Năm Trinh Quan thứ mười ba, ngài viên tịch, các đệ tử vẫn tiếp tục sự nghiệp. Điện trung thừa tướng Lý Huyền Tưởng, đại lý thừa biện Tuyên Minh kể cho Lâm tôi nghe chuyện này. Năm Trinh Quan thứ mười chín, Lâm tôi theo hầu xa giá đến U châu, hỏi han dân chúng địa phương, mọi người đều thuật lại đúng như thế. (3 chuyện trên đây rút từ Minh-báo-ký)*

25. Đầu niên hiệu Trinh Quan đời Đường, Sa-môn Thích Đạo Tích** ở chùa Phúc Thành tại ích châu, tụng thông kinh Niết-bàn. Quen lệ thay áo, tắm rửa trước khi trì tụng. Nuôi mối từ tâm sâu sắc cứu độ muôn loài. Ngài viên tịch vào tháng năm giữa mùa Hạ, thời tiết nóng bức, nhưng di thân vẫn không hư hủy. Hơn một trăm ngày, ngài vẫn ngôi kết già ngay ngắn như lúc sinh thời, khiến Đạo đời đều cung kính chiêm ngưỡng.

26. Sa-môn Thích Đạo Dụ*** đời Đường, không rõ quê quán, thường vân du vùng núi Lễ Tuyền, chuyên tụng kinh Pháp-hoa đến mấy nghìn biến. Đến niên hiệu Trinh Quan, lâm bệnh sắp viên tịch, ngài dặn pháp lữ là thiền sư Tuệ Khuếch rằng: “Lâu nay tụng kinh, ý muốn được linh nghiệm. Như ta vãng sinh vào Đường thiện, lưỡi sẽ không tiêu tan. Vậy sau khi ta mệnh chung, Hãy đem an táng. Mười năm sau lại đào lên. Nếu lưỡi tiêu tan thì tụng kinh chẳng có công đức gì. Nếu lưỡi y nguyên như lúc còn sống, hãy dựng tháp để thế gian biết sinh lòng kính tin Tam bảo.” Nói xong, ngài viên tịch. Năm Trinh Quan thứ mười một, đại chúng nhớ lời, khai quật lên. Di thân đều hư hoại, duy lưỡi vẫn y nguyên. Nam nữ tín chủ trong huyện đều kính ngưỡng, đem đặt vào hộp và dựng tháp phụng thờ trên bờ Cam cốc.

27.**** Đời Đường, phía Nam sông Phúc thủy thuộc Giao nam có Sử Ha Thệ ở thôn Sử tụng kinh Pháp-hoa nổi tiếng. Ông thường đi bộ, không ngồi xe do gia súc kéo, vì nghe kinh dạy phải thương xót muôn loài. Khi mệnh chung, hương tỏa thơm ngát khắp thôn. Mọi người đều lấy làm lạ, nhưng chẳng hiểu nguyên do. 10 năm sau, vợ ông cũng qua đời, bèn đào lên để hợp táng, thấy lưỡi ông vẫn còn nguyên như lúc sinh thời, liền đem hợp táng bên nhau. Người đến chiêm quan tán thán rất đông.

28. Niên hiệu Trinh Quan thứ năm đời Đường, Lệnh hồ Nguyên Quỹ làm huyện lịnh Ba Tây thuộc Long châu, kính tin Phật pháp. Ông chép các kinh Pháp-hoa, Kim-cương-bát-nhã và Niết-bàn, nhưng không thể kiểm tra lại, phải nhờ Thiền sư Kháng tại địa phương. Thiền sư đem về chùa, trai giới tinh khiết, xem xét lại xong, chế giùm túi gấm, viết tên kinh rồi giao lại cho ông mang về tôn trí tại gia trang ở Kỳ châu cùng bộ Lão tử năm ngàn chữ. Thình lình gặp hoả tai, nhà cửa lợp lá đều bốc cháy. Bấy giờ, ông đang làm huyện lịnh Bằng dực, sai người nhà bới tìm. Lạ thay, các quyển kinh vẫn còn nguyên, màu mực không đổi. Hòm, bìa đều cháy thành tro, kể cả bộ Lão tử. Mọi người xa gần kéo đến mở xem, hết sức kinh dị. Riêng đầu đề quyển kinh Kim-cươngbát-nhã bị cháy nám đen. Hỏi lại nguyên do, đương thời trong châu có vị quan viết chữ tốt, tính háu ăn, lại gấp đi, không giữ tinh khiết, cố viết xong để đi liền. Vì thế mới bị cháy sém. Huyện lịnh ấy hiện còn sống, các quyển kinh vẫn còn. Trụ trì chùa Tây Minh ở kinh thành là đại sư Trần Thái***** đã tận mắt kiểm nghiệm và thuật lại chuyện này.

29. Thiền sư Thích Đàm Vân đời Đường, vốn người Định châu, vân du đến Thấp châu, tuổi khoảng bảy mươi. Trước đây, vào cuối đời Tùy loạn lạc, ngài ẩn cư tại Thiên sơn thuộc phía Bắc Ly thạch, chuyên tụng kinh Pháp-hoa. Đã nhiều năm, ngài muốn chép kinh này, nhưng

không có người hổ trợ. Bỗng dưng một thư sinh, không biết từ đâu đến bảo rằng: “Mọi nghi thức tinh khiết cần thiết khi chép kinh đều giữ được.” Từ đó, sáng sớm ăn cháo, tắm rửa thay áo, giữ đúng tám giới xong, thư sinh bước vào tịnh thất. Miệng ngậm trầm hương, đốt nhang treo phướn lên rồi bắt đầu ngồi lặng lẽ chép kinh đến chiều mới bước ra. Sáng mai lại y như thế, không hề kêu than mệt mỏi. Khi chép xong, ngài cúng dường hậu hĩ và tiễn chân khỏi chùa. Nhấp nháy, thư sinh liền biến mất. Ngài đóng bìa, may túi rất trang nghiêm. Mỗi lần trì tụng, ngài kính cẩn rửa tay mở túi, không dám xao lãng. Sau gặp nạn giặc Hồ, ngài đựng kinh vào hòm, đem giấu trên nóc động. Khi yên giặc, tìm lại nhưng không thấy. Lục mãi khắp nơi, mới gặp dưới động. Hòm và vải bọc đều hư, kinh vẫn y nguyên xinh xắn. Năm Trinh Quan thứ mười một, luật sư Đạo Tuyên ở chùa Tây Minh có đến đây, thấy được kinh và thuật lại chuyện này.

30. Đời Đường, làng Vương lý nằm cách phía Tây huyện Tân phồn thuộc Ích Châu khoảng bốn mươi dặm. Vào đời Tùy, có thư sinh họ Tuân mở trường dạy học tại đây. Ông viết chữ tuyệt khéo nhưng không được nổi danh. Người đến xin chữ năn nỉ hoài, không chịu ra về, đuổi cũng không đi! Ông ra phía Đông làng, phóng bút viết kinh Kim-cương-bátnhã khắp bốn phía hư không suốt mấy hôm rồi nói: “Kinh này viết cho chư Thiên đọc.” Mới đầu chẳng ai biết kinh ấy linh ứng. Sau gặp cơn mưa như trút, bọn chăn trâu tình cờ đứng trong chổ viết kinh, không bị ướt át. Khoảng một trượng chung quanh vẫn khô ráo. Trời tạnh, mọi người đều lấy làm lạ. Do đó, mỗi khi Trời mưa, trẻ con thường tụ tập chổ ấy, vì áo quần không ướt át. Niên hiệu Vũ Đức, có vị thần Tăng bảo rằng: “Giữa Trời tại đây có Kim-cương-bát-nhã, dân làng đừng để ô uế. Chư Thiên cầm lọng quý che giúp phía trên. Chớ nên khinh thường.” Dân làng bèn làm hàng rào che chắn bốn phía, không cho gia súc xâm nhập. Hiện nay Trời mưa, chổ ấy vẫn khô ráo. Đến kỳ trai lễ, dân chúng xa gần đổ về cúng tế. Thường nghe tiếng nhạc Trời dìu dặt vang tai. (6 chuyện trên đây rút từ Tam-bảo-cảm-thông-ký)

31. Đời Đường, phu nhân của Trần Công, vốn thuộc dòng dõi họ Đậu Lô, là chị của Nhuế Công Khoan. Phu nhân tin tưởng vào phước đức, thường tụng kinh Kim-cương-bát-nhã. Lâu nay, còn bỏ dở trang cuối chưa tụng xong. Một hôm Trời tối, phu nhân bị nhức đầu, trong người không khoẻ. Đêm nằm xuống càng thấy khó chịu, phu nhân sợ chết đột ngột, kinh chưa tụng hết, nên muốn ngồi dậy gắng tụng cho xong. Trong nhà đèn đuốc đều tắt, phu nhân kêu tỳ nữ thắp đèn, nhưng bếp đã dập lửa, bèn mở cửa sang phòng người nhà lấy lửa, cũng chẳng còn. Phu nhân rất bực mình. Bỗng nhiên từ dưới bếp có ánh lửa thắp sáng lên, theo bậc thềm vào phòng, đến ngay trước giường, lơ lửng cách mặt đất chừng ba thước. Không thấy người cầm vẫn sáng rực như ban ngày. Phu nhân vừa mừng vừa sợ, đầu cũng hết nhức, thanh thản cầm kinh tụng niệm. Một lát, người nhà nhen lửa thắp đuốc mang vào, liền tắt mất. Nhờ thế, phu nhân tụng hết kinh. Từ đó, phu nhân theo lệ tụng năm biến mỗi ngày. Khi Nhuế Công lâm chung, phu nhân đến thăm, Nhuế Công bảo: “Nhờ công đức tụng kinh, chị sẽ thọ hằng trăm tuổi, được sinh vào cõi tốt lành.” Đến tám mươi tuổi, phu nhân qua đời thanh thản tại nhà.

32. Giữa niên hiệu Vũ Đức đời Đường, đô thủy sứ giả Tô Trường được thăng làm thứ sử Ba châu, bèn đưa gia đình đến nhiệm sở. Vừa qua nửa sông Giang Lăng, gió lớn bỗng nổi lên, lật chìm thuyền. Nam nữ toàn nhà hơn sáu mươi người đều bị chết đuối. Chỉ có người thiếp thường tụng kinh Pháp-hoa, thấy nước tràn vào, liền đội hòm kinh lên đầu, nguyện chết theo kinh, nhưng không chìm xuống, cứ theo sóng gió nổi trôi một hồi rồi tấp vào bờ. Mở hòm ra xem, kinh không chút ướt át. Nay người thiếp ấy vẫn còn, đã lấy chồng khác và rất mộ Đạo.

33. Đời Đường, tư mã Hình châu là Liễu Kiệm, từng làm cung giám ở Kỳ dương thuộc Kỳ châu vào năm Đại Ngiệp thứ mười. Đến năm Nghiã Ninh nguyên niên, vì liên can vào chuyện Lý Mật, bị bắt nhốt vào đại lao. Ông thường tụng kinh Kim-cương-bát-nhã, còn hai trang cuối chưa tụng xong. Đang mơ màng ngủ, ông thấy vị Tăng Bàla-môn đến bảo: “Thí chủ mau tụng hết kinh, sẽ được thoát khỏi.” Ông liền thức dậy, chuyên chú tụng hết kinh. Trưa hôm sau có sắc bảo thả ra, đưa đến triều đình tha bổng. Vào lúc khác, đang tụng kinh đêm, đến canh ba, lại nghe phảng phất mùi hương lạ, ông tìm kiếm khắp nơi và hỏi thử người nhà nhưng chẳng ai biết ở đâu. Ong tinh tiến trì tụng suốt đêm ngày, đến lúc lâm chung, tính được hơn năm ngàn biến.

34. Triệu văn Tính, người Toại châu đời Đường, chết đột ngột vào năm Trinh Quan thứ nhất. Ba hôm sau sống lại, bảo rằng: “Khi mới chết, bị người lôi kéo đưa đi một đoàn gồm mười người đến điện vua Diêm la, trong đó có một vị Tăng. Trước tiên, nhà vua gọi vị Tăng, hỏi rằng: “Suốt đời, đại sư tu tập công đức gì?” Vị Tăng đáp: “Bần đạo xưa nay chỉ tụng kinh Kim-cương-bát-nhã.”Nhà vua nghe mấy lời ấy, giật mình đứng dậy, chắp tay tán thán: “Hay thay, hay thay! Đại sư chuyên tụng kinh Kim-cương-bát-nhã, phải được siêu thoát lên Thiên giới, tại sao lại xuống nhầm nơi đây?” Nhà vua chưa nói hết lời, bỗng có sứ giả xuống tới, dẫn vị Tăng bay lên Trời. sau đó, nhà vua gọi người ở Toại châu bước tới: “Suốt đời, nhà ngươi tu tập công đức gì?” “Một đời, tôi chưa tu tập kinh Phật, chỉ thích sưu tầm văn chương của Dũ Tín.” Nhà vua phán: “Dũ Tín là kẻ có tội nặng, hiện đang chịu khổ ở đây. Nhà ngươi quen biết với y chăng?” Người ấy đáp rằng: “Tuy đọc văn chương, nhưng chưa quen biết.”Nhà vua sai người dẫn Dũ Tín ra cho người ấy xem. Lập tức thấy một con rùa lớn hơn cái đầu. Con rùa bò vào. Một lát sau, hiện hình thành người bảo rằng: “Ta là Dũ Tín, suốt đời thích làm văn chương, thường đem kinh Phật so sánh bậy với sách thế gian, che bai Chánh pháp, cho rằng thua xa Khổng Lão, nên nay phải chịu quả báo làm thân rùa khổ sở.” Người ấy sống lại, kể rõ mọi chuyện cùng thân nhân. Xứ Toại châu phần đông thích săn thú bắt cá, nghe được, liền ùng nhau bỏ hẳn nghiệp sát sinh, phat tâm trì tụng kinh Kim-cương-bát-nhã, đến nay hãy còn.

35. Niên hiệu Trinh Quan nguyên niên, Lưu Bật làm huyện thừa ở Nghi Long thuộc Bồng châu. Trước đây, khi còn làm huyện úy tại Giang nam, bỗng dưng có con chim kêu trên cây ngay trước phòng của ông. Người địa phương bảo rằng: “Đó là tiếng kêu của loài chim dữ. Nhà nào gặp chim ấy, giết ngay không ngại tay.” Ông nghe nói, đâm ra lo sợ, muốn làm công đức để được bình an, nhưng ông chưa biết chọn cách nào tốt nhất. Đem nằm mơ thấy vị Tăng tụng kinh Kim-cươngbát-nhã và khuyên ông tụng đủ một trăm biến. Ông theo lời tụng xong, thình lình một cơn gió lớn từ hướng Đông bắc thổi đến, nhổ phăng thân cây có chim dữ ấy liệng xa ngoài ngõ, bày ra một hố sâu hơn trượng rưởi. Lạ nhất, khi luồng gió đi qua, cây cỏ cùng rạp xuống, sau đó lại vươn lên như cũ, không hề bị tổn hại. Mới hay Thần lực của kinh ấy thật không thể nghĩ bàn.

36. Giả Đạo Tiện đời Đường học rộng biết nhiều, rất hâm mộ kinh Phật. Năm Trinh Quan thứ tư, làm tham quan tư hộ tại thanh châu. Vì nhà công quán chật hẹp, không đủ chổ tôn trí kinh điển, ông lấy dây thừng buộc 2 chân án thứ treo lên giữa phòng, trên đạt 60 bộ kinh. Ông nằm phía dưới, đọc tụng không biết mệt mỏi. Lây ngày dây mục, đứt mất một đầu, nhưng án thứ vẫn nằm yên không rơi xuống, cũng chẳng lung lay. Một lúc thật lâu, mọi người mới tiếp tay đỡ xuống. Chính con ông làm tư hộ ở Thấp châu kể lại như thế.

37. Năm Trinh Quan thứ hai mươi chín, nhà ông Lục Hoài Tố ở Ngô quận bị hoả hoạn. Phòng ốc cháy rụi, Tinh xá cũng theo khói lửa thành tro, chỉ còn lại một quyển kinh Kim-cương-bát-nhã. Hòm đựng, túi bọc, trục cuốn đều tiêu tan, nhưng chữ nghiã vẫn y nguyên không suy suyển. Mọingười nghe nói hết sức kinh ngạc. Lục Hoài Tố là anh vợ trước của Hứa Nhân Tắc ở Cao dương. Đương thời, Hứa Nhân Tắc đã tận mắt chứng kiến và thuật lại. (7chuyện trên đây rút từ Minh-báoký).

38. Đời Đường, Tư mã Kiều Khanh vốn người Hà nội, trước đây từng làm tư trực ở đại lý tự. Bẩm tính thuần hậu trang nghiêm, có đức độ. Giữa niên hiệu Vĩnh Huy, ông chịu tang mẹ, khổ sở khô héo, lấy huyết trên tim chép thành bộ Kim-cương-bát-nhã. Một thời gia trên nóc nhà mọc lên 2 tai nấm linh chi. Mới chín ngày đã cao một thước tám tấc. Tai đỏ, thân xanh. Mỗi ngày giọt xuống một bát nước. Nếm thử, vị ngọt như mật. Nhổ bỏ lại mọc lên, cứ thế đến bốn lượt. Các đồng liêu của ông đều thuật lại chuyện này cho Dư Lịnh tôi nghe, hơn nữa, nhiều sĩ phu cũng biết rõ.

39. Giữa niên hiệu Hiển Khánh đời Đường, tại Bình châu có người tên Tôn Thọ đi săn bắt ở vùng duyên hải. Gặp nạn cháy đồng dữ dội, cây cối đều bị thiêu sạch, chỉ còn một l2m cỏ rậm vẫn y nguyên. Nghi trong đó có thú rừng lẩn trốn, ông bước vào tìm, bỗng phát hiện một hòm kinh Kim-cương-bát-nhã đặt bên cạnh di thân của vị Tăng đã nhập diệt, thần sắc không hề thay đổi. Sở dĩ lửa chẳng lan đến, là vì thế. Mới hay kinh tượng vốn rất hiển linh, kẻ phàm phu không thể hiểu nổi. Chuyện này do chính Tôn Thọ thuật lại.

40. Lý Kiền Quán đời Đường vốn ở Lũng tây, hiện cư ngụ tại Trịnh châu. Năm Hiển Khánh thứ năm, chịu tang cha, ông chích máu chép thành những bộ kinh Kim-cương-bát-nhã, Bát-nhã-tâm-kinh và Tùy-nguyện-vãng-sinh, mỗi bộ một quyển. Mỗi lần vào thư phòng đều tắm rửa sạchh sẽ. Về sau, bỗng nghe trong nhà tỏa mùi hương lạ rất thơm. Láng giềng đến xem đều kinh ngạc tán thán. Lang Dư Lịnh tôi ở Trung sơn từng đi qua Trịnh châu, gặp thân hữu của ông ấy thuật lại cho nghe chuyện này.

41. Đời Đường, có ngôi Tinh xá cất trong làng nằm cách phía Tây huyện Tế âm thuộc Tào châu hai mươi dặm. Năm Long sóc thứ hai, nạn cháy đồng bỗng nổilên mãnh liệt, tràn đến Tinh xá rồi vượt qua. Các phòng Tăng, nhà lá đều bị thiêu rụi, chỉ còn lại quyển kinh Kimcương-bát-nhã y nguyên như cũ. Viên tham quân coi việc học hành lễ nghi ở Tào châu thuật lại chuyện này.( chuyện trên đây rút từ Minhbáo-thập-di)

Chú thích:

1. Minh báo ký do Đường Lâm đời Đường soạn, chủ trương chúng sinh đều có thức, thức sinh hành, hành có thiện có ác. Tuỳ theo thiện ác chịu lấy quả báo. Vì thế, từ ngữ “Lâm tôi” là lời tác giả tự xưng.

2. Có bản chép là Trách (sâu xa, ẩn áo)

3. Có bản chép là Di Tục. Như ở đây, phần tiêu đề là Di Tục, phần chuyện kể là Đạo Dụ. Có lẽ tên sau thích hợp hơn.

– Hai chuyện 27 và 28 có đảo lộn ở phần tiêu đề và câu chuyện. Có thể do sao chép lẫn lộn. Phần tiêu đề chuyện 27 nói về Lệnh hồ Nguyên Quỹ, chuyện 28 nói về Sử Ha Thệ. Cốt truyện ghi 27 nói về Sử Ha Thệ và 28 nói về Lệnh hồ Nfguyên Quỹ. Riêng chuyện Lệnh hồ Nguyên Quỹ, tiêu đề ghi là Lệnh hồ Nguyên Quỹ ở Long châu. Cốt chuyện chép thiếu một chữ lệnh, ghi là “Long châu Ba tây huyuện lịnh Hồ Nguyên Quy”. Lệnh hồ là họ kép, vậy phải chép là Long châu Ba tây huyện lệnh hồ Nguyên Quỹ. Người dịch châm chước, suy đoán dịch cho phù họp trước sau.

– Trong bản văn, chép là Thần Tế (cúng tế). Có bản chép là Thần Sát (xem xét). Tra trong sử, có đại sư Thần Thái (lớn, thịnh vượng) từng làm tự chủ chùa Tây Minh. Vậy chọn chữ Thần Thái là đúng hơn cả.

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây