Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 55: Quyển 19 - Thiên thứ 8: Kính Tăng - Thứ Hai: Phần Dẫn Chứng

PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 19

 

Thiên thứ 8: KÍNH TĂNG

Gồm có bốn phần: Thuật ý, Dẫn chứng, Lợi ích do kính Tăng. Tội lổi do bất kính.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Phàm bàn về Tăng bảo, đấy là những bậc xuất thế uy nghi, giữ mình trì giới, phát tâm siêu thoát, xa lánh cuộc đời. Quan sang không động đậy lòng, thân thích không vương vấn niệm. Hoằng pháp để báo tứ ân, dưỡng đức để nuôi tam giới, siêu việt nhân thiên, quý hơn vàng ngọc. Như thế gọi là Tăng bảo. Bởi vậy, lợi ích Tăng bảo, không thể nói hết. Kinh dạy: “có vị nào, giữ giới hay phá giới, dù lớn hay nhỏ, đều phải tôn kính, không được xem thường. Vi phạm điều này, sẽ mang tội nặng”. Nếu chờ Tử Nha làm tướng, suốt nghìn năm cũng chẳng gặp Tử Nha; nếu đợi La-Thập làm thầy, hết muôn kiếp cũng không thấy La-Thập. Đừng thấy một vị Tăng làm bậy, liền bắt tội Đức Phật, gặp một nhà phá giới, liền coi rẻ Pháp bảo. Có thể vì đạo bỏ người, vì người ấy không bằng đạo. Không thể vì người phá đạo, bởi đạo là thầy của người. Thế nên, đức Phật Thích Ca đúng là Phật bảo. Lời vàng thuyết pháp, chỉ dạy diệu quả, đúng là pháp bảo. Sa môn chứng quả, đúng là Tăng bảo. Một lần đảnh lễ chiêm quan, đủ khiến tiêu trừ muôn tội; một câu xưng dương tán thán, đủ khiến hóa giải nghìn tai. Hiềm vì chúngsinh phúc mỏng, không gặp được Đức Phật, chỉ trông vào di tích, thừa hưởng di ngôn. Vàng, đồng, trầm, nhiễu, tạo nên hình tượng, gọi là Phật bảo. Giấy, vải, lụa, tre, ghi chép lời huyền, gọi là Pháp bảo. Gọt tóc nâu sồng, ca sa bình bát, gọi là Tăng bảo. Ba phẩm quý ấy, hình thức tuy giả, nhưng biểu hiện thật tướng. Nếu biết kính trọng, sẽ thoát khỏi trầm luân; cố ý xem thường, sẽ chịu khổ sở. Như tượng gỗ chẳng phải là mẹ, chân thành lễ bái, sẽ hưởng phước nghìn năm, thân phàm chưa phải

Thánh Tăng, chí tâm cung kính, sẽ siêu thăng vạn kiếp. Cho hay, phong

trào đã nổi, xa gần đều đã tuân theo. Nhiệm mầu cứu độ chúng-sinh, uy linh không thể lường hết. Kẻ nào thiếu xót, mắc tội càng nhiều. Khi đã xuất gia, đương nhiên chừa bỏ thói xấu. Như triều Tống u mê, tin tưởng tà thuyết, khủng bố dân lành, đạo đời đều sợ. Sau đó giác ngộ, hối hận đã chuốc oán thù, bèn mở lòng kính cẩn thờ phụng. Nước Tống ở vùng Kinh Sở nhỏ nhoi, núi sông cách trở, làm sao có thể sánh nổi Trung

Quốc, lớn lao, văn hiến rực rỡ, thờ phụng trang nghiêm? Hơn nữa, kinh Lễ nói: “Kẻ mang giáp trụ võ quan, nếu không cúi bái là thất lễ”. Điều này chẳng giống với bậc xuất gia đã mang sẳn trên mình giáp trụ nhẫn nhục. Nếu phải bái lạy người phàm, hẳn nhiên không thể chấp nhận. Tam bảo vốn đã như nhau, cần phải kính trọng tất cả. Không thể kính riêng Phật, Pháp, bỏ phế Tăng ni. Bởi pháp không thể tự hoằng dương, cần thiết phải do người. Chỉ có người mới hoằng dương được Pháp, nên phải kính trọng như nhau.

Thứ hai: PHẦN DẪN CHỨNG

Như kinh Phạm Võng nói: “Kẻ xuất gia không được bái lạy nhà vua, cha mẹ, anh em, bà con, cũng như kính lạy quỷ thần”.

Lại nữa, kinh Niết-bàn nói: “Kẻ xuất gia không bái lạy người thế gian”,

Lại nữa, Luật Tứ Phần nói: “Đức Phật sai các vị Tỳ-kheo lần lượt bái lạy nhau, nhưng không được bái lạy tất cả mọi người thế gian”.

Lại nữa, kinh Phật bản hạnh nói: “Vua Du-đầu-đàn cùng quần thần thân thích lần lượt bái lạy đức Phật. Xong xuôi, đức Phật bảo rằng: “bây giờ, nên lễ bái các Tỳ-kheo như Ưu-ba-ly”. Theo lời đức Phật, nhà vua liền đứng dậy, lần lượt đảnh lễ năm trăm vị Tỳ-kheo”.

Lại nữa, kinh Tát-già-ni-kiền nói: “Kẻ nào phỉ báng giáo pháp của các vị Thanh văn, Phật Bích chi và chánh pháp đại thừa, cũng như chê bai, cản trở, đều phạm tội căn bản”.

Lại nữa, luận Thuận-chánh-lý nói: “Chư Thiên đừng nên trông mong các vị thọ ngũ giới lễ bái, các quần vương cũng đừng trông mong các vị Tỳ-kheo lễ bái, vì sẽ bị tổn hại công đức và tuổi thọ”.

Lại nữa, kinh Niết-bàn nói: “ Đức Phật bảo Ca-diếp: “Nếu có người thành lập, hộ trì chánh pháp, phải tuân hành và hy sinh tánh mạng cho họ giống như đối với ta”. Vì vậy, kinh Đại thừa có kệ nói rằng:

“Có người lo pháp vụ,
Dù lớn hay dù nhỏ
Cần phải biết phụng sự.
Cung kính và lễ bái
Như phụng sự lửa đỏ.
Các vị Bà-la-môn
Biết lo toan pháp vụ,
Dù lớn hay dù nhỏ,
Cũng phải biết phụng sự.
Cung kính và lễ bái,
Cũng giống như chư Thiên
Phụng sự Trời Đế Thích”.

Bấy giờ, Ca-diếp bạch đức Phật rằng: “Nếu có vị tôn túc giữ gìn giới luật đến tham vấn kẻ thiếu niên những điều chưa biết, tôn túc phải hành lễ thiếu niên chăng? Nếu thế, không còn là người giữ đúng giới luật. Nếu có kẻ thiếu niên giữ gìn giới luật, đến tham vấn vị tôn túc phá giới những điều chưa biết. Thiếu niên phải hành lễ vị tôn túc chăng? Lại có kẻ xuất gia đến tham vấn người tại gia những điều chưa biết, người xuất gia cần phải hành lễ người tại gia chăng?” “Đúng là người xuất gia không cần phải hành lễ người tại gia. Đúng theo Phật pháp, kẻ thiếu niên cần phải hành lễ bậc tôn túc, vì vị này đã thọ giới cụ túc và thành tựu uy nghi sớm hơn, nên kẻ thiếu niên phải tỏ lòng tôn kính và cúng dường”.

Lại nữa, kinh Trung A-Hàm nói: “Làm sao biết được người nào hơn? Các vị Tỳ-kheo biết có hai hạng người: Người có đức tin và người không có đức tin. Nếu người có đức tin hơn thì người không có đức tin không bằng được. Người có đức tin lại có hai hạng: Người thường đến tham kiến các vị Tỳ-kheo và người không đến tham kiến các vị Tỳkheo. Nếu người thường đến tham kiến các vị Tỳ-kheo hơn thì người không đến tham kiến các vị Tỳ-kheo không bằng được. Người thường đến tham kiến các vị Tỳ-kheo lại có hai hạng: Người biết lễ kính các vị Tỳ-kheo và người không biết lễ kính các vị Tỳ-kheo. Nếu người biết lễ kính các vị Tỳ-kheo hơn thì người không biết lễ kính các vị Tỳ-kheo không bằng được. Người biết lễ kính các vị Tỳ-kheo lại có hai hạng: Người hỏi kinh và người không hỏi kinh. Nếu người hỏi kinh hơn thì người không hỏi kinh không bằng được”.

Lại nữa, kinh Cựu-tạp-thí-dụ nói: “Ngày xưa, có nhà vua mỗi lần du hành, gặp vị Sa-môn, liền bước xuống xe hành lễ. Vị Sa-môn bảo: “Xin Đại vương dừng lại, đừng bước xuống xe”. Nhà vua đáp rằng: “Ta bước lên chứ không bước xuống. Bởi vì hôm nay ta bước xuống hành lễ ngài, sau này khi mạng chung ta sẽ được sinh lên Thiên giới. Do đó, ta mới nói bước lên chứ không bước xuống”.

Lại nữa, luật Thiện-kiến nói: “Vua Du-đầu-đàn-na đảnh lễ đức Phật xong, liền bạch rằng: “Tính đến nay ta đã ba lần đảnh lễ dưới chân đức Như-lai. Lần thứ nhất, khi ngài vừa giáng sinh, di mẫu nói, nếu ngài ở thế gian, sẽ làm bậc Chuyển-luân-vương, nếu ngài xuất gia học đạo, chắc chắn sẽ thành Phật. Lập tức mặt đất rung chuyển mạnh. Ta thấy được thần lực, bèn đảnh lễ. Lần thứ hai, ta du hành xem nông dân làm ruộng. Gặp Bồ-tát đang ngồi dưới gốc cây diêm-phù. Bấy giờ Trời đã về chiều, bóng cây dừng lại che nắng cho Bồ-tát, không chịu nghiêng mình. Ta thấy được thần lực, liền đảnh lễ. Lần thứ ba, hôm nay cung nghinh đức Phật về nước, ngài phóng mình lên không trung thị hiện mười tám phép biến hóa để hàng phục các ngoại đạo. Vì thế, ta liền đảnh lễ”.

Lại nữa, kinh Trung-A-hàm nói: “Bấy giờ, đức Thế-tôn bảo các Tỳ-kheo: “Vào thời quá khứ, Trời Đế-thích muốn vào vườn tham quan, liền sai người đánh xe chuẩn bị xe nghìn ngựa. Xong xuôi, liền bước xuống điện Thường thắng, chắp tay hướng về phía Đông đảnh lễ đức Phật. Người đánh xe thấy thế, giật mình kinh hãi, đến nỗi đánh rơi roi ngựa xuống đất. Trời Đế-thích trông thấy, bèn nói kệ rằng:

“Kỳ quái! Sợ đến nỗi
Roi ngựa rơi xuống đất!”

Người đánh xe ngựa nói kệ bẩm cùng Đế-thích:

“Sở dĩ sinh kinh hãi,
Roi ngựa rơi xuống đất,
Vì thấy Trời-Đế-thích,
Phu quân của Xá-chí,
Là Vua Trời Đế-thích,
Tất cả các thế giới,
Trời, người, vua lớn nhỏ,
Cùng bốn vị Thiên vương,
Chư Thiên Tam Thập Tam,
Tất cả đều đảnh lễ.
Từ đâu còn có bậc
Tôn quý hơn Đế-thích,
Đến nỗi hướng về đông,
Chắp tay kính đảnh lễ?”

Bấy giờ, Trời Đế-thích nói kệ đáp lại:

“Ta là vua trên hết,
Của các vua lớn nhỏ,
Kể cả bốn Thiên vương
Cùng Trời Tam Thập Tam.
Thế nên tất cả đều
Cung kính đảnh lễ ta.
Tuy nhiên còn có bậc
Thế gian Đẳng Chánh Giác
Gọi là Đại đạo sư
Nên ta phải đảnh lễ”.
Người đánh xe lại bạch kệ rằng:
“Đây là bậc tuyệt thế
Khiến cho Trời Đế-thích
Phải cung kính chắp tay
Hướng phía Đông đảnh lễ.
Tôi nay cũng đảnh lễ
Bậc Đế-thích đảnh lễ”.

Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo: “Trời Đế-thích ấy là vị vua tự tại, còn biết cung kính đức Phật. Các ông là Tỳ-kheo xuất gia học đạo, cũng phải biết cung kính đức Phật như thế. Trời Đế-thích ấy là phu quân của Xá-chi, còn biết cung kính, tán thán và lễ bái Pháp, Tăng. Các ông đã biết tin tưởng xuất gia học đạo, cũng cần phải biết tán thán, lễ bái Pháp, Tăng như thế”.

Bấy giờ, Trời Đế-thích từ điện Thường thắng bước xuống giữa sân, hướng về các phương, chắp tay cung kính. Người đánh xe thấy thế, vô cùng kinh hãi, bất giác lại đánh rơi roi ngựa xuống đất, bật miệng nói kệ rằng:

“ Vì sao Kiều-thi-ca
Kính trọng kẻ không nhà?
Xin hãy giải thích rõ,
Rất khao khát muốn nghe”.

Trời Đế-thích bèn nói kệ:

“Ta cung kính bậc ấy,
Vốn là kẻ không nhà.
Tự tại khắp mười phương
Không cần nơi dừng nghỉ.
Thành trì hay lãnh thổ,
Không vướng bận trong lòng.
Không để dành tiền của.
Chân đi không định hướng,
Chân đi chẳng mong cầu.
Thanh tịnh là niềm vui.
Chỉ nói lời hiền thiện.
Không nói thì nhập định.
Chư Thiên, A-tu-la
Tất cả đều lầm lổi.
Thế gian tranh cãi nhau,
Lầm lổi cũng như thế.
Chỉ có bậc xuất gia
Im lặng khi tranh cãi.
Đối với mọi chúng-sinh
Dẹp bỏ hết dao kiếm,
Xa lìa cả tài sắc.
Không say sưa trụy lạc,
Bỏ xa mọi thói xấu.
Vì thế phải kính lễ.”

Bấy giờ, người đánh xe lại nói kệ rằng:

“Vị chư Thiên kính lễ,
Đúng là bậc tuyệt thế.
Nên tôi từ hôm nay,
Kính lễ bậc xuất gia”.

Lại nữa, kinh Phổ-đạt-vương nói: “Bấy giờ, có vị Quốc vương nước Phù-Diên tên là Phổ Đạt, cai trị các tiểu quốc, được lân bang khắp bốn phương triều cống. Nhà vua thân hành thờ phụng Phật pháp rất tinh thành, nuôi từ tâm thương xót dân đen chưa biết Tam bảo. Thường trai giới lên đền cao thắp nhang, dập đầu hành lễ. Thấy thế, thần dân trong nước đều lấy làm lạ, cùng nhau bàn tán rằng: “Đức vua là bậc chí tôn, xa gần đều thần phục vâng theo, cớ sao lại hủy bỏ uy nghi, dập đầu xuống đất?” Quần thần thảo luận hoài, muốn can gián nhưng không dám. Nhà vua ra lệnh sửa soạn xa giá rồi cùng mấy nghìn thần dân rời cung lên đường. Chưa xa, bỗng gặp một vị đạo nhân, nhà vua xuống xe, cho tùy tùng dừng lại, dập đầu sát đất hành lễ đạo nhân và cúng dường cơm nước. Chuyến đi chỉ đến đó. Quần thần can gián rằng: “Đại vương là bậc chí tôn, không thể dập đầu hành lễ một đạo nhân đói khát đi khất thực bên đường. Quý nhất trên đời, chỉ có đầu. Hôm nay, đại vương là vua của một nước, không thể giống người thường.” Nhà vua không trả lời, chỉ sai đi kiếm đầu người chết và đầu bò, ngựa, heo, dê. Quần thần lục tìm khắp nơi suốt ngày mới đủ số, bèn tâu rằng: “Vâng mệnh tìm kiếm đầu người chết và đầu lục súc đã đủ số.” Nhà vua phán: “Đem ra chợ bán”. Quần thần sai người đem bán. Đầu lục súc đều bán hết, chỉ còn đầu người không bán được. Nhà vua phán: “Mắc rẻ cũng bán, nếu không, đem cho hành khất.” Suốt mấy ngày cũng không bán được, cho hành khất cũng không ai lấy. Đầu sình lớn, hôi hám không chịu nổi nhà vua giận dữ bảo quần thần: “Các khanh trước đây can gián rằng đầu người quý nhất, không thể hạ nhục, dập xuống sát đất hành lễ đạo nhân. Nay sai bán đầu lục súc đều được. Tại sao hành khất không nhận đầu người?” Lập tức, nhà vua truyền lệnh bày xa giá đi ra khỏi thành, đến chổ đồng không, sẽ có chuyện muốn hỏi. Tất cả quần thần đều sợ hãi. Đến nơi, nhà vua hỏi quần thần: “Các khanh còn nhớ dưới triều tiên vương ta có chú bé cầm lọng đứng hầu chăng?” Quần thần tâu: “Bẩm, còn nhớ rõ”. Nhà vua hỏi: “Hiện nay chú bé ở đâu?” Thưa rằng: “Đã mất mười bảy năm rồi”. Nhà vua hỏi: “Chú bé ấy là người thế nào?” Thưa rằng: “Bọn thần thấy thường hầu hạ tiên vương, trai giới sạch sẽ, trung thành cẩn thận, nói năng lễ phép”. Nhà vua hỏi: “Nay thấy chiếc áo của chú bé ấy, các khanh còn nhận ra chăng?” Thưa rằng: “Tuy đã lâu ngày, nhưng vẫn nhận ra được.” Nhà vua bảo nội thị mau quay về kho lấy chiếc áo của chú bé mang đến. Giây lát, áo được đưa lại. Nhà vua hỏi: “Phải đây chăng?” Thưa rằng: “Chính là chiếc áo này”. Nhà vua hỏi tiếp: “Nay nếu thấy người chú bé, có thể nhận ra chăng?” Quần thần im lặng một hồi rồi thưa rằng: “Bọn thần ngu tối, sợ không nhận ra”. Nhà vua toan nói rõ ngọn nguồn, chợt đạo nhân hôm trước đi đến. Nhà vua hết sức vui mừng, dập đầu xuống đất hành lễ. Quần thần đều rất hân hoan, mời đạo nhân ngồi. Nhà vua chắp tay cáo bạch, vì mối tiền duyên, hôm nay mới đưa quần thần đến đây nói rõ. Nguyện xin đạo nhân giải tỏa mê mờ, chỉ dạy chân lý giúp cho thần dân trong nước. Đạo nhân liền giải thích tiền thân của nhà vua vốn là chú bé trước đây cầm lọng theo hầu tiên vương. Thường trai giới tinh thành, không sơ suất nên sau khi mệnh chung, được sinh hạ làm con của tiên vương. Ngày nay sang quý tột bực, đều nhờ công đức của kiếp trước. Quần thần lớn nhỏ cùng bảo rằng: “Chúng tôi may mắn được gặp gỡ đạo nhân, nguyện xin ngài mở lượng Từ bi thâu nhận làm đệ tử”. Đạo nhân bảo: “Thầy của ta gọi là đức Phật, có đủ mọi tướng tốt, siêu việt, cả tam giới truyền dạy chân lý giải thoát, ở cách đây khoảng 6 nghìn dặm”. Nhấp nháy, đạo nhân phi hành đến nước Xá-vệ, bạch cùng đức Phật, xin ngài mở rộng từ tâm chỉ dạy chân đế cho vua tôi nước Phù-diên. Đức Phật hoan hỷ nhận lời. Sáng mai, ngài đến nước ấy, thuyết pháp cho Quốc vương và triều thần rằng: “Đại chúng muốn biết ngọn nguồn của Quốc vương Phổ Đạt và đạo nhân chăng?” A-nan bạch rằng: “Tôi xin nghe”. Đức Phật bảo: “Ngày xưa, vào thời đức Phật Ma-ha-văn xuất thế, Quốc vương đây là con nhà quý tộc. Phụ thân muốn cúng dường Tam bảo, sai con mình chuyền hương. Bấy giờ, có một kẻ hầu bị người con ấy khinh thường không giao cho bình hương. Vì nghiệp ác ấy, người con phải chịu quả báo, tạm làm kẻ hầu, nhưng vẫn phụng thờ chánh pháp rất tinh tiến nên nay được làm vua. Đạo nhân chính là kẻ hầu kia, đương thời, tuy không được nhận bình hương, nhưng trong lòng không nuôi chút oán hận, phát nguyện rằng: “Nếu ta đắc đạo, sẽ độ người này”. Nhờ duyên lành ấy, nên nay đến cứu độ Quốc vương và mọi thần dân. Nhà vua nghe đức Phật thuyết pháp đầy đủ ngọn ngành, bỗng nhiên giác ngộ, chứng quả-Tu-đà-hoàn, nhân dân trong nước nghe kinh, phát nguyện đều giữ gìn ngũ giới và thực hành thập thiện.

Lại nữa, kinh A-dục-vương nói: “Ngày xưa, vua A-thứ-già gặp một chú Sa-di mới bảy tuổi bên tấm bình phong, liền cúi đầu đảnh lễ và dặn rằng: “Đừng nói cho ai biết ta đảnh lễ Sa-di”. Thấy trước mặt có bình đựng nước tắm, Sa-di liền bò vào trong rồi chui ra và bảo nhà vua: “Xin đại vướng chớ nói cho ai hay Sa-di tôi đã bò vào bình rồi lại chui ra!” Nhà vua lập tức trả lời: “Ta sẽ nói cho mọi người hay, không thể giấu được”. Vì thế, các kinh đều nói rằng: “Sa-di dù nhỏ, không thể khinh dễ. Hoàng tử dù nhỏ, không thể xem thường. Bởi vì Sa-di tuy nhỏ, có thể độ người, hoàng tử tuy nhỏ, có thể giết người. Rồng con tuy nhỏ có thể làm mây, tạo ra gió mưa sấm sét. Thế nên dù gặp chuyện nhỏ, chớ nên xem thường”.

Lại nữa, Kinh Phó-pháp-tạng nói: “Ngày xưa sau khi đức Phật nhập diệt khoảng một trăm năm, có vua A-dục kính tin Tam bảo, thường tổ chức pháp hội Bát-già-vu-sắt. Đến ngày đại hội, nhà vua tắm nước trầm hương, thay áo quần mới, lên lầu cao đảnh lễ khắp bốn phương, mời hai mươi vạn chư Thánh Tăng chúng bay về tham dự. Không phân biệt Thánh phàm, lớn nhỏ, nhà vua đều kính cẩn hỏi thăm và đảnh lễ. Bấy giờ có vị quan tên là Dạ-xa, tà kiến bồng bột, không biết kính tín. Thấy nhà vua bái lạy, liền tâu rằng: “Đức vua thật thiếu sáng suốt, hạ thấp tôn quý đảnh lễ trẻ con”. Nghe xong, nhà vua ra lệnh đình thần mỗi người phải kiếm ra một đầu muông thú, riêng Dạ-xa, phải kiếm ra một đầu người rồi đem ra chợ bán. Đầu muông thú các loại đều bán được. Đầu người của Dạ-xa bị chê bai, không có ai mua. Qua mấy hôm, đầu 00 ấy sình lên và rất hôi hám. Mọi người trông thấy đều mắng nhiếc rằng: “Nhà ngươi chẳng phải là bọn Chiên-đà-la, Dạ xoa hay La-sát, tại sao lại đem bán đầu người?” Bị mắng nhiếc, Dạ-xa tâu cùng nhà vua rằng: “Tôi vâng lệnh đi bán đầu người. Bị dân chúng mắng nhiếc, không ai muốn nhìn thấy, làm sao có người mua?” Nhà vua phán: “Nếu không có người mua, hãy đem cho không.” Dạ-xa vâng lệnh, đem đầu ra chợ rao lên: “không có tiền mua, nay sẽ cho không”. Mọi người nghe xong, càng mắng nhiếc thậm tệ, không ai thèm xin. Dạ-xa vô cùng xấu hổ, trở về chắp tay tâu lên: “Đầu này thật khó bán, cho cũng không lấy, còn bị mắng nhiếc, làm sao có kẻ mua!” nhà vua hỏi Dạ-xa: “Vật gì quý nhất?” Dạ-xa buột miệng đáp: “Đầu người quý nhất”. Nhà vua phán: “Nếu quý sao chẳng ai mua?” Dạ-xa thưa rằng: “Đầu người sống mới quý, đầu người chết bị coi rẻ”. Nhà vua gặng hỏi: “Đầu ta, nếu chết, cũng bị coi rẻ như thế chăng?” Dạ-xa run rẩy sợ hãi, không dám trả lời. Nhà vua phán: “Nhà ngươi đừng sợ, cứ nói sự thật”. Dạ-xa cúi đầu lập cập trả lời: “Đầu của nhà vua, nếu chết đi, cũng sẽ như thế”. Bấy giờ, nhà vua ôn tồn phán: “Đầu ta, sau khi chết đi, cũng sẽ bị coi rẻ như thế. Tại sao khanh trách ta cúi đầu kính lễ chư Tăng? Nếu khanh đúng là bạn tốt của ta, khanh nên khuyên ta đem cái đầu mỏng mảnh này đổi lấy cái đầu kiên cường. Cớ sao khanh lại cản trở ta hành lễ chư Tăng?” Dạ-xa nghe mấy lời ấy của nhà vua, liền hết sức ăn năn, đổi lòng quy y Tam Bảo. Nhờ duyên lành này, mọi người nghe đến tên Tam bảo. Liền cảm thấy hiện hiển trước mắt, phát thành tâm cung kính đảnh lễ”.

Lại nữa, Luật Tứ phần nói: “La-hán Tân-đầu-lô nguyên là thần tử của Quốc vương Ưu-điền. Nhờ tinh thành khổ hạnh, được nhà vua cho phép xuất gia, chứng quả A-la-hán. Sau đó, nhà vua thường đến lễ bái ngài trong ngôi chùa ở cách kinh thành hai mươi dặm. Bọn nịnh thần thấy ngài không đứng dậy nghinh đón nhà vua, đem ác tâm can gián. Nhà vua nghe lời, nổi giận muốn giết ngài. Lần sau, thấy nhà vua vừa bước vào cửa, Ngài liền rời khỏi thiền sàng, đi bảy bước đón chào. Nhà vua tức giận, hỏi: “trước đây đại đức không hề nhúc nhích, tại sao hôm nay rời chổ đón ta?” Ngài ung dung đáp lời: “Bệ hạ trước đây với thiện tâm, nên bần Tăng không đứng lên nghinh đón. Hôm nay bệ hạ đến với ác tâm, nếu bần Tăng không đứng lên cung nghinh, bệ hạ sẽ giết chết mất!” nhà vua hối hận thưa rằng: Hay thay! Đệ tử ngu si. Nghe lời bọn gian nịnh, không phân biệt được Thánh phàm. Do đó, nhà vua hết sức ăn năn lổi lầm. Tuy không sa vào địa ngục, nhưng mắc phải lời ngài nói đứng lên nghinh đón, bảy ngày sau, nhà vua bị mất ngôi báu, vì lân bang kéo sang đánh, bắt được, nhà vua phải chịu cảnh cùm chân tù tội suốt mười hai năm”.

Thuật rằng:

Theo ý nghĩa trên, cần phải thận trọng, không được ngã mạn, bởi sau sẽ chịu quả báo. Thường thấy người đời, hơi có chức tước, liền sinh cao ngạo, mắng nhiếc Tăng ni, nhục mạ đủ thứ. Hoặc đứng giữa công đường, hoặc ngồi trên ghế lớn, bắt người khiêng vác, vô cớ đánh đòn. Phá hoại đạo đức, nuôi dưỡng thói xấu, ai hơn hạng này? Thật là quá quắc! Xử phạm phép nước, phải đủ chứng lý, khiến thân chịu phạt, tâm biết xấu hổ, dầu đạo hay đời, vẫn còn làm người, ở trong tam giới, chưa chứng quả Thánh, mấy ai không lổi?

Có kẻ xuất gia, không giữ đạo hạnh, đầu cạo sạch tóc, thân đắp cà-sa, thấy vẻ hiền từ, chúng-sinh cung kính. Những Tăng ni ấy, cũng hay đăng đàn, thuyết pháp đủ thứ, hóa độ chúng-sinh. Đại chúng nghe theo, giữ gìn lục độ, lần lượt thay đổi, tu tập nghiệp lành. Sau đó vãng sinh được về thiên giới. Trải qua nhiều kiếp, chứng được quả Thánh, lần lượt hóa độ, vô biên vô số, giống một đèn nhen, trăm nghìn đèn sáng, chiếu diệu bất tận. Xét công đức ấy, vô lượng vô biên, do kẻ phá giới, thuyết pháp mà thành. Dẫu được như thế, nhưng vẫn phải tránh, vì chỉ trăm nghìn vạn kẻ xuất gia, nhưng bản thân chẳng tạo được mảy may công đức, trái lại tiếng xấu càng nhiều, vang lừng bốn biển. Mai sau sẽ đọa muôn kiếp, chịu đủ tai ương. Thế nên kinh nói: “Chỉ một niệm xấu, đủ mở năm cửa chẳng lành, như sau đây sẽ nói đầy đủ.

Lại nữa, kinh Tạp-bảo tạng nói: “Quốc vương nước Nguyệt-chi tên Thiên-đàn-kế-ni-tra nghe tiếng Tôn giả A-la-hán của nước Kế-tân là Kỳ-dạ-đa, muốn sang tham kiến, liền cùng quần thần lên đường. Đi nữa chừng, nhà vua suy nghĩ: “Nay ta làm vua cả thiên hạ, mọi người đều kính phục. Nếu không có đức lớn, không thể tự do đi hành lễ cúng dường thế này được”. Nhà vua tiếp tục cuộc hành hương. Nước Kế-tân có người biết được tin ấy, đến báo cùng Tôn giả rằng: “Quốc vương Nguyệt-chi cùng quần thần đến tham kiến. Xin Tôn giả sửa soạn pháp phục ra nghinh đó”. Tôn giả đáp: “Ta nghe đức Phật dạy, kẻ xuất gia được đạo đời kính trọng, chỉ chăm lo trau dồi đức hạnh, cần gì phải sửa soạn pháp phục đón chào?” Tôn-giả vẫn điềm nhiên ngồi tịnh tọa, không ra. Quốc vương Nguyệt-chi vào tận chổ tham kiến, thấy uy dức của Tôn giả, càng sinh lòng kính tin, bước đến hành lễ rồi đứng lùi một bên. Bấy giờ, Tôn giả muốn khạc nhổ, nhà vua bước ra, nâng ống nhổ lên. Tôn giả nói: “Bần đạo hôm nay chưa tạo được công đức gì cho nhà vua. Sao nhà vua chịu hạ thấp long thể đến thế?” Quốc vương nghe nói, vô cùng hổ thẹn. Tôn giả suy nghĩ, ta vừa động niệm, nhà vua đã hay. Nếu không có Thánh đức, tâm cơ làm sao minh mẫn đến thế, bèn thuyết pháp rằng: “Nhà vua đến bằng đường lành, khi về cũng sẽ như vậy”. Nhà vua nghe xong, liền bái từ trở về nước. Đi nữa đường, quần thần oán than rằng: “Bọn thần tháp tùng đại vương đến nước xa xôi ấy, rốt cuộc chẳng nghe được chút gì, phải trở về không”. Nhà vua bảo: “Tôn giả đã thuyết pháp cho ta, khi đến bằng đường lành khi về cũng sẽ như vậy. Các khanh chẳng hiểu gì sao? Do kiếp xưa ta đã giữ giới, bố thí nhiều công đức để gieo mầm vương giả, nay mới hưởng được ngôi báu. Ta lại tiếp tục tu nhân tích đức, kiếp sau chắc chắn sẽ hưởng phúc. Vì Thế Tôn giả dạy ta rằng đến bằng đường lành, khi về cũng sẽ như vậy”. Quần thần nghe xong, cúi đầu tạ lổi: “Bọn thần ngu mê, đã hiểu sai lạc. Đại vương là bậc Thánh trí, thể hội mọi lẽ huyền vi. Nhờ trông cội phúc nên hưởng được ngôi báu”. Nói xong, quần thần bèn vui vẻ trở về nước.”

Lại nữa, Luật Thập-tụng nói: “ Bấy giờ, đức Thế-tôn nói về nhân duyên tiền kiếp, bảo các Tỳ-kheo rằng, vào thời quá khứ, gần dưới chân núi Tuyết sơn, có ba con thú sống chung là chim cưu, khỉ đột và voi. Cả ba con quen tính coi thường, không biết nể nang nhau, bỗng nhiên nghĩ ra: “Tại sao bọn ta không biết tôn trọng nhau? Nếu ai sinh trước, phải nuôi nấng, yêu quý và dạy dỗ bọn ta”. Do đó, chim cưu và khỉ đột cùng hỏi voi: “Nhà ngươi có nhớ được chuyện gì trước đây chăng?” Nhân chổ ấy có cây tất-bát to lớn, voi liền trả lời: “Hồi còn nhỏ, mỗi lần đi qua đây, cây nầy nằm trọn dưới bụng ta”. Voi và chim cưu cùng hỏi khỉ đột: “Nhà ngươi nhớ được chuyện gì?” Khỉ đột trả lời: “Ta nhớ hồi nhỏ ngồi xuống chụp ngọn cây này, kéo sát xuống mặt đất”. Voi bảo khỉ đột: “Như thế, nhà ngươi lớn tuổi hơn ta, ta phải kính nể. Hãy thuyết pháp cho ta”. Rồi voi cùng khỉ hỏi chim cưu: “Nhà ngươi nhớ ra chuyện gì?” Chim cưu đáp: “Chổ kia có cây tất-bát rất lớn, ta ăn hột của nó, đại tiện xuống đấy, nên mới mọc lên cây lớn này. Ta nhớ như thế. Khỉ đột bảo chim cưu: “Nhà ngươi lớn tuổi hơn ta. Ta sẽ cúng dường nhà ngươi và nhà ngươi phải thuyết pháp cho ta”. Liền đó, voi kính trọng khỉ đột, xin đi theo thuyết pháp rồi giảng giải lại cho các voi khác nghe. Khỉ đột cung kính chim cưu, xin đi theo thuyết pháp và giảng giải lại cho các khỉ đột khác. Chim cưu cũng thuyết pháp cho các chim cưu khác (Theo luật Tứ-phần, chim cưu cưỡi trên lưng khỉ đột, khỉ đột cưỡi trên lưng voi rồi đi thuyết pháp hóa độ khắp nơi). Ba con thú này trước đây thích giết chóc, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nay cùng dạy nhau chừa bỏ lổi lầm, khi mệnh chung đều được sinh lên cõi Trời. Bấy giờ, đức Phật bảo các Tỳkheo: “Chim cưu đương thời chính là ta, khỉ đột là Xá-lợi-phất, còn voi là Mục-liên”. Đức Phật bảo tiếp: “Loài cầm thú vô tri còn biết tôn trọng lẫn nhau, còn biết tự lợi lợi tha. Các ông là những người thành tín xuất gia, há chẳng cung kính lẫn nhau?” Rồi đức Phật nói kệ rằng:

“Nếu người chẳng kính Phật
Và đệ tử của Phật
Đời này bị nhiếc mắng,
Đời sau đọa đường Ác.
Nếu người biết biết kính Phật,
Đời này được tán thán,
Đời sau lên thượng giới”.

Khi đã tán thán phép cung kính qua các nhân-duyên ấy xong, đức Phật bảo các Tỳ-kheo: “Kể từ nay, ai thọ đại giới trước, dù sớm hơn một lát, người ấy được ngồi trước, được thọ lãnh nước uống và thức ăn trước”.

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây