Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 51: Quyển 17 - Thiên thứ 7: Kính Pháp - Thứ năm: Phần Pháp Sư

Thứ năm: PHẦN PHÁP SƯ

Như kinh Thắng-Thiên-vương nói: “Nếu nơi nào có pháp sư lưu hành kinh này, nơi ấy sẽ có Như Lai đi đến. Đối với Pháp sư, phải sinh lòng tôn sư trọng Đạo như đối với Như Lai. Gặp pháp sư ấy, phải cung kính hoan hỷ, tôn trọng tán thán.” Kinh ấy còn nói: “Dẫu ta trụ thế một kiếp hay chưa đầy một kiếp, để nói công đức của pháp sư lưu hành kinh này, cũng không thể nói hết. Nếu pháp sư ấy đến đâu, các thiện nam tử, các thiện nữ nhân nên chích máu vẩy lên mặt đất, khiến bụi bặm đừng nổi lên. Dẫu cúng dường đến thế cũng chưa đủ, vì rất khó thọ trì Chánh pháp của Như Lai.”

Lại nữa, kinh Hoa-nghiêm nói: “Giống như chim kim-sí chúa bay lượn rồi dừng lại giữa từng không, lấy hai mắt sáng quắc quan sát long cung dưới đáy đại hải, vận dụng thần lực quạt hai cánh rẽ đôi nước biển, thấy đàn rồng nam nữ có con nào tận số liền bắt lấy, chim kim-sí chúa Như Lai Ưng cúng Đẳng Chánh giác cũng an trụ tự tại giữa tầng không, đưa đôi mắt thanh tịnh quan sát mọi chúng sinh trong các cung điện khắp giới. Nếu có ai thiện căn đã chín muồi, liền cổ động đôi cánh Chỉ quán thập toàn dũng mãnh, mở rộng nước biển ái sinh tử, đáp ứng nguyện vọng muốn vượt khỏi biển sinh tử ấy, phá tan mọi vọng tưởng đảo điên, giúp kẻ ấy đứng vững trên đường thanh thản của Như Lai.”

Lại nữa, kinh Niết-bàn nói: “Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe tên kinh này, bị đọa vào Bốn đường ác, chắc chắn không có điều ấy. Nếu chúng sinh nào chỉ một lần nghe tên kinh này, có thể tiêu trừ mọi tội nghiệp vô gián.” Kinh ấy còn nói: “Nếu chúng sinh nào chỉ một lần nghe tên kinh này, suốt bảy kiếp về sau sẽ không đọa vào Đường ác.” Nếu chúng sinh nào biết được Như Lai thường trụ bất biến, hoặc chỉ một lần nghe âm thanh hai tiếng thường trụ, sẽ được sinh lên Thiên giới. Sau này,, khi giải thoát, sẽ chứng được quả thường trụ bất biến của Như Lai.”

Lại nữa, kinh Hoa-nghiêm nói: “Nếu nghe một câu Pháp chưa từng nghe, còn hơn được châu báu khắp Ba nghìn đại thiên thế giới. Vị Bồ-tát nghe một câu kệ chánh pháp, sinh lòng siêu thoát, còn hơn được ngôi báu Chuyển-luân-vương.”

Lại nữa, kinh Pháp-hoa nói: “Nếu thiện nam tử, Thiên nữ nhân nào thọ trì kinh Pháp-hoa này, hoặc đọc hoặc tụng, hoặc giải thích hoặc sao chép, người ấy sẽ hưởng được tám trăm công đức thuộc về mắt, một ngàn hai trăm công đức thuộc về tai, tám trăm công đức thuộc về mũi, một ngàn hai trăm công đức thuộc về lưỡi, tám trăm công đức thuộc về thân và một ngàn hai trăm công đức thuộc về ý.”

Lại nữa, kinh Niết-bàn nói: “Sau khi ta nhập diệt, nếu có chúng sinh nào nghe được kinh điển Đại thừa vi diệu này, sinh lòng kính tin, phải biết rằng người ấy, vào hằng trăm nghìn ức kiếp sau, sẽ không đọa vào Đường ác.”

Kinh ấy còn nói: “Nếu phát tâm ở một hà sa chư Phật, sau đó mới không thể phỉ báng Pháp này trong thời hung ác. Yêu quý kinh này, nhưng không thể nói lại rõ ràng cho kẻ khác. Nếu phát tâm ở hai hà sa chư Phật, sau đó mới không thể phỉ báng Pháp này trong thời hung ác. Biết kính tin, thọ trì đọc tụng, nhưng không thể nói lại rõ ràng cho kẻ khác. Nếu phát tâm ở ba hà sa chư Phật, sau đó mới không thể phỉ báng Pháp này trong thời hung ác. Thậm chí sao chép kinh điển, nói lại cho kẻ khác, nhưng chưa thể hiểu được ý nghiã cao thâm. Nếu phát tâm ở bốn hà sa chư Phật, sau đó mới không thể phỉ báng Pháp này trong thời hung ác. Thậm chí sao chép kinh điển, nói lại rõ ràng cho kẻ khác, chỉ được một phần mười sáu ý nghiã. Nếu phát tâm ở năm hà sa chư Phật, thậm chí trong thời hung ác, đem nói lại rõ ràng cho kẻ khác nghe, cũng chỉ được tám phần mười sáu ý nghiã. Nếu phát tâm ở sáu hà sa chư Phật, thậm chí trong thời hung ác, đem nói lại rõ ràng cho kẻ khác nghe, cũng chỉ được mười hai phần mười sáu ý nghiã. Nếu phát tâm ở bảy hà sa chư Phật, thậm chí trong thời hung ác, đem nói lại rõ ràng cho kẻ khác nghe, cũng chỉ được mười bốn phần mười sáu ý nghiã. Nếu phát tâm ở tám hà sa chư Phật, thậm chí trong thời hung ác, sao chép kinh này, hay khuyên kẻ khác sao chép, tự mình nghe lấy hay khuyên kẻ khác nghe theo, đúng như Chánh pháp tu hành, như thế mới hiểu hết ý nghiã thâm thúy.”

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây