Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 60: Quyển 20 - Thiên thứ 9: Trí Kính - Thứ ba: Phần Phổ Kính

Thứ ba: PHẦN PHỔ KÍNH

Kính nghĩ: Pháp thân vô tướng, ứng hiện mười phương, nghĩa là bốn phương, bốn góc và trên dưới, nho gia chỉ nói về thế giới này, các thế giới khác, xưa nay chưa đề cập đến. Dựa theo Phật pháp, vũ trụ thông suốt vô cùng rộng khắp mười phương, bao quát mọi thế giới. Nói theo Phật pháp, thế giới Ta-bà là đại thiên thế giới, có hàng vạn ức mặt Trời mặt trăng bao quanh bốn lớp. Đây là quốc độ do đức Phật ThíchCa hóa thân làm chủ tể. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm nói rằng: “Quốc độ do báo thân của đức Phật Lô-xá-na làm chủ tể còn vượt quá độ lớn này, đến khắp cả mười phương, kẻ phàm không thể nhận thức nổi. Thế nên, kinh Phạm-võng có kệ nói rằng:

“Lô-xá-na ta nay,
An nhiên trên tòa sen
Trên nghìn hoa chung quanh
Lại hiện nghìn Thích-Ca
Mỗi hoa trăm muôn nước,
Mỗi nước một Thích-ca
Ngồi dưới cội Bồ-đề,
Cùng chứng quả thành Phật”.

Điều trong kinh nói, nghìn hoa nghìn Phật, tức một cánh hoa là một bông hoa, cho nên một bông hoa nghìn cánh có nghìn đức Phật hiện ra.

Lại nữa, kinh Phổ-Hiền Quán nói: “Quốc độ do đức Phật Tỳ-lôxá-na làm chủ tể ở khắp mọi nơi. Chổ ngài thường gọi là Thường tịnh quang”. Dựa vào đoạn kinh này, đã hiểu rõ ý nghĩa chư Phật trụ vô sở trụ để tiếp dẫn chúng-sinh, khiến cho tất cả đều kính ngưỡng. Bàn luận đến cùng, chư Phật không thường trụ một chổ nhất định. Như thế, chư Phật ở vô lượng thế giới khắp mười phương đã không ngừng hóa độ chúng-sinh suốt thờ quá khứ, hiện tại đến tương lai. Hẹn với chúngsinh ra đời hóa độ rồi nhập Niết-bàn. Dựa vào hóa độ mà bàn, y theo hiển giáo chánh pháp lưu hành mãi mãi, công đức hóa độ bao la, sánh đầy pháp giới, không hạn chế vào bất cứ thế gian và không gian nào cả. Căn cứ vào cuộc đời giáo hóa của đức Phật Thích-Ca, nay thuật lại sơ lược, ngài tạm đầu thai xuống thế, trải qua 8 tướng thành đạo, làm lợi cho chúng-sinh có căn cơ thấp kém, đều dần dần hiểu thông chánh pháp. Đến nỗi phụ vương, mẫu hậu, hoàng gia và các bậc tôn trưởng đều cúi đầu đảnh lễ trước ngài, huống hồ những kẻ phàm phu lại chẳng biết kính tin?

Lại nữa, kinh Phật thuyết-thập-nhị-Phật-danh-thần-chú-trừchướng-diệt-tội nói rằng: “Bấy giờ, đức Thế-tôn bảo Bồ-tát Di-lặc rằng: “Di-lặc! Cách quốc độ này về phía đông có mười quốc độ của chư Phật, số lượng nhiều không thể nói gồm hàng ức trăm nghìn thế giới nhỏ bé như hạt vi trần. Qua khỏi mười quốc độ này, có một quốc độ tên là giải thoát Chủ thế giới. Trong đó có đức Phật tên là Hư-không công đức Thanh tịnh vi trần Đẳng Mục Đoan Chính công đức tướng Quang Minh Hoa Ba Đầu Ma Lưu Ly Quang Bảo Thể Hương tối thượng hương cúng dường ngật chủng chủng trang nghiêm đỉnh kế vô lượng vô biên nhật nguyệt quang minh nguyện lực trang nghiêm biến hóa trang nghiêm pháp giới xuất sinh vô chướng ngại vương Như-lai. Thiên nam tử, thiện nữ nhân nào phạm tội tứ trọng ngũ nghịch, phỉ báng Tam bảo và bốn tội ba-la-di, đáng ra phải đền tội suốt vô lượng vô biên vô số kiếp, nếu niệm một lần danh hiệu của đức Phật ấy, lạy một lạy, tất cả mọi tội nghiệp sẽ được tiêu trừ. Nếu đêm ngày đọc tụng, tưởng niệm không quên, công đức sẽ trở nên vô lượng, trong quốc độ của đức Phật ấy có Bồ-tát tên là Vô Tỷ Vô chướng ngại vương Như-lai. Nếu được Bồ-tát này thọ ký, sẽ thành Phật tên là Hào Tướng Nhật Nguyệt Quang Minh Diễm Bảo Liên Hoa Kiên Như Kim Cương Thân Như Tỳ-Lô-giá-na vô chướng ngại viên mãn thập phương phóng Quang Chiếu Nhất Thiết Phật Sát Tướng Vương Như-lai . Phương Đông của quốc độ ấy có đức Phật tên là Nhất Thiết Trang Nghiêm Vô Cấu Quang Như-lai. Phương Nam của quốc độ ấy có đức Phật tên là Biện tài Anh Lạc Tư Niệm Như-lai. Phương Tây của quốc độ ấy có đức Phật tên là Vô Cấu Nguyệt Tướng Vương Danh Xưng Như-lai. Phương Bắc của quốc độ ấy có đức Phật tên là Hoa Trang Nghiêm Tác Quang minh Như-lai. Phương Đông nam của quốc độ ấy có đức Phật tên là Tác Đăng Minh Như-lai. Phương Tây nam của quốc độ có đức Phật tên là Bảo Thượng Tướng Danh Xưng Như-lai.

Phương Tây bắc của quốc độ ấy có đức Phật tên là Vô úy Quán Như-lai. Phương Đông bắc của quốc độ ấy có đức Phật tên là Vô Úy Vô Khiếp Mao Khổng Bất Thụ Danh Xưng Như-lai. Phía dưới của quốc độ ấy có đức Phật tên là Sư tử Phấn Tấn Căn Như-lai. Phía trên của quốc độ ấy có đức Phật tên là Kim Quang Uy Vương Tương Tự Như-lai.

Bấy giờ, đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc rằng: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào tụng niệm danh hiệu mười hai đức Phật này suốt mười ngày, sám hối tất cả tội lổi, tùy hỷ công đức của tất cả chúngsinh, cầu sinh chư Phật xuất thế lâu dài với chúng-sinh và đem tất cả mọi nhân lành này hồi hướng khắp pháp giới, kẻ ấy sẽ tiêu trừ hết mọi tội lổi thanh tịnh, tất cả mọi nghiệp chướng, lập tức làm trang nghiêm đầy đủ mọi quốc độ, đầy đủ vô úy, đầy đủ thân tướng, đầy đủ các Bồtát thân cận chung quanh, đầy đủ vô lượng Tam-muội, đầy đủ quốc độ trang nghiêm như ý và chứng được quả A-nậu-Bồ-đề. Bấy giờ, đức Phật nói kệ rằng:

“Nếu có thiện nam tử
Hay là thiện nữ nhân
Niệm danh hiệu Phật ấy,
Đời đời sinh các nước,
Được mọi người kính mến,
Có hào quang rực rỡ.
Đời này được tôn kính,
Đời sau sẽ thành Phật”.

Lại nữa, kinh Thi-ca-la-việt-lục-hướng-bái nói rằng: “Khi đức Phật còn tại thế, có con của vị Trưởng giả tên Thi-ca-la-việt dậy sớm, tắm rửa, thay áo xong, hướng về sáu phương lạy bốn lạy. Đức Phật vào thành vương xá, Việt đã nhìn thấy từ đằng xa. Đức Phật đến nhà, hỏi rằng: “Tại sao con hướng về sáu phương hành lễ? Điều ấy có ý nghĩa gì?” Việt thưa rằng: “Từ thuở sinh thời, cha con đã dạy như thế, con chẳng hiểu vì sao”. Đức Phật bảo rằng: “Cha con dạy khi hành lễ, không lạy bằng thân”. Việt bèn quỳ xuống thưa rằng: “Xin đức Phật giải thích ý nghĩa giúp cho”. Đức Phật bảo rằng: “Con hãy nghe đây! Nếu có bậc Trưởng giả hiền nhân biết giữ gìn, không phạm bốn giới cấm, đời này sẽ được mọi người kính nể, đời sau sẽ được sinh lên cõi Trời. Thứ nhất là không sát sinh, thứ hai là không trộm cắp, thứ ba là không tà dâm, thứ tư là không nói dối điêu ngoa. Kẻ tham lam ngu muội không chế ngự được bốn điều xấu ấy, gọi là trăng mờ. Giống như khi mặt trăng sắp lặn, ánh sáng mờ dần. Người chế ngự được các điều xấu xa, giống như trăng mới mọc, ánh sáng tỏ dần. Đến ngày rằm sẽ tròn đầy sáng láng”. Đức Phật bảo tiếp: “Lạy về phương Đông, nghĩa là con đối với cha mẹ, cần có năm điều:

  1. Cần lo liệu sinh kế cho gia đình.

  2. Dậy sớm, sai người giúp việc nấu nướng thức ăn

  3. Không để cha mẹ ưu phiền.

  4. Cần tưởng nhớ công ơn sâu nặng của cha mẹ.

  5. Cha mẹ đau ốm, cần lo lắng, chạy chữa thuốc thang

Cha mẹ đối với con cái cũng cần có năm điều:

  1. Cần nghĩ cách dạy con cái bỏ ác hướng thiện.

  2. Cần dạy con cái biết tính toán, viết lách.

  3. Cần dạy con cái tụng kinh giữ giới.

  4. Cần lo cưới vợ cho con cái

  5. Cần phân chia tài sản cho con cái.

Lạy về phương Nam, nghĩa là học trò đối với thầy cần có năm điều:

  1. Cần kính trọng thầy.

  2. Cần nhớ đến ơn thầy.

  3. Cần tuân theo lời thầy dạy.

  4. Cần suy nghĩ miên man về lời Phật dạy.

  5. Cần ca tụng sau lưng thầy.

Thầy đối với học trò cũng cần có năm điều:

  1. Cần dạy học trò nhớ đừng quên.

  2. Cần vượt bực học trò của thầy khác.

  3. Cần dạy sao cho nhớ mãi những điều đã học.

  4. Cần giải thích tường tận những chổ mập mờ khó hiểu.

  5. Mong cho học trò sau này vượt xa mình.

Lạy về Phương Tây, nghĩa là vợ đối với chồng, cần có năm điều:

  1. Chồng đi đâu về, nên đứng dậy chào hỏi.

  2. Khi chồng đi khỏi, nên quét dọn, nấu nướng, đợi chồng về.

  3. Không nên có ý tà dâm ngoại tình. Chồng trách mắng, không được giận dữ mắng lại.

  4. Nên nghe lời chồng dạy bảo, không được cất giấu của cải.

  5. Khi chồng yên giấc nên dọn dẹp tươm tất rồi mới đi nằm.

Chồng đối với vợ cũng cần có năm điều:

  1. Khi ra vào nên quý trọng vợ.

  2. Nên lo liệu quần áo cho vợ.

  3. Nên chia xẻ vàng bạc châu báu cho vợ.

  4. Tài sản trong nhà, nên giao cho vợ.

  5. Chớ nên ham chơi rong ruỗi bên ngoài.

Lạy về phương Bắc, nghĩa là đối với thân thuộc bạn bè, cần có năm điều:

  1. Thấy họ làm việc ác, phải đưa đến chổ kín đáo, can ngăn trách cứ.

  2. Gặp chuyện khó khăn nguy cấp, nên đến giúp đỡ,

  3. Chuyện tâm sự riêng tư, không nên nói cho người khác biết.

  4. Nên tôn trọng lẫn nhau.

  5. Có các đồ quý đẹp, nên chia cho ít nhiều.

Lạy xuống đất, nghĩa là chủ nhà đối với người giúp việc, cần có năm điều:

  1. Nên cho ăn uống, áo quần đúng lúc.

  2. Khi đau ốm, nên mời thầy chữa trị.

  3. Không nên đánh đập vô cớ.

  4. Không được chiếm đoạt tiền bạc của người giúp việc.

  5. Nên phân phát đồ vật công bằng.

Người giúp việc đối với chủ nhà cũng cần có năm điều:

  1. Nên dậy sớm, không để chủ nhà kêu.

  2. Nên làm chu đáo công việc của mình.

  3. Nên chú trọng của cải của chủ nhà.

  4. Khi chủ nhà đi về, nên đón tiếp chào hỏi.

  5. Nên khen ngợi điều tốt của chủ nhà, không được nói ra điều xấu.

Lạy lên Trời, nghĩa là đối với Sa-môn đạo sĩ, cần có năm điều:

  1. Nên đem lòng thiện đối xử.

  2. Lựa lời tốt đẹp thưa gửi với các ngài

  3. Nghiêng mình cung kính.

  4. Nên sùng mộ các ngài

  5. Sa-môn đạo sĩ là những bậc siêu xuất thế gian, nên cung kính phụng sự, hỏi phép xuất thế.

Các bậc Sa-môn đạo sĩ cũng cần đem sáu nghĩa lý chỉ dạy tín đồ:

  1. Dạy phép bố thí, không bủn xỉn keo kiết.

  2. Dạy phép giữ giới không vi phạm

  3. Dạy hạnh nhẫn nhục, không sân hận.

  4. Dạy hạnh siêng năng, không được lười biếng.

  5. Dạy hạnh chuyên tâm, không được phóng túng.

  6. Dạy hạnh sáng suốt, không bị ngu si.

Đức Phật bảo rằng: “Đây là ý nghĩa hướng về sáu phương hành lễ mà cha con đã dạy cho lúc sinh tiền. Con hãy theo đó thực hành, lo gì chẳng được giàu sang?” Thi-ca-la-việt nghe xong, cung kính xin thọ trì năm giới lui ra”.

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây