Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 6: Thiên Thứ Hai - Tam Giới - Tập Hai - Chư Thiên – Thứ sáu - Phần Thân Lượng

QUYỂN 3

Thiên thứ 2: TAM GIỚI

II. CHƯ THIÊN (Tiếp theo)
Thứ sáu: PHẦN THÂN LƯỢNG

Theo luận Tạp Tâm nói: “Bảy cực vi trần thành một A nậu trì thượng trần. Trần ấy nhỏ nhất, chỉ có Thiên nhãn, Bồ tát, Luân vương mới có thể thấy được. Bảy A-nậu trần là một Đồng thượng trần. Bảy Đồng thượng trần là một Thủy thượng trần. bảy thủy thượng trần là một Thố hào thượng trần. Bảy Thố hào thượng trần là một Dương mao thượng trần. Bảy Dương mao thượng trần là một Ngưu mao thượng trần. bảy Ngưu mao thượng trần thành một Hưởng du trần. Bảy hưởng du trần thành một con muỗi. Bảy con muỗi thành một con rận. Bảy con rận thành một hạt lúa lép. Bảy hạt lúa lép thành một chỉ. Hai mươi bốn chỉ thành một chửu. Bốn chửu là một cung. Cách làng năm trăm cung là một câu lũ xá. tám câu lũ xá là một do tuần. Nên kệ nói rằng: “Bảy trần thành A nậu, Bảy Nậu thành Đồng trần. Thủy, thố, ngưu mao trần, Đến từ bảy mà ra”.

Bởi vậy, trong luận dùng Câu lũ xá này để ước lượng thân của chư Thiên, từ thân của Tứ thiên vương đến thân của A ca ni tra. Vì thế, luận Bà-sa nói: “Thân Tứ thiên vương cao một câu lưu xá một phần bốn. Nếu nói theo kinh Chánh Pháp Niệm thì thân của các Thiên vương cao thấp đều bằng nhau (luận Tỳ-đàm cũng nói giống như vậy). Còn thân của Trời Tam thập tam cao nữa câu lưu xá. Thân Đế-thích cao một câu lưu xá. Thân Trời Dạ ma cao một câu lưu xá ruỡi (nếu hỏi vì sao thân Đế-thích cao hơn thân của Trời Dạ ma, thì kinh nói vào thời quá khứ, Đế-thích chuyên tu hạnh cung kính, nên có thân cao lớn). Thân Trời Đâu suất cao một câu lưu xá, bằng thân Đế-thích. Thân Trời Hóa lạc cao một câu lưu xá một phần bốn. Thân Trời Tha hóa tự tại cao một câu lưu xá rưỡi (chư Thiên Trời Dục giới đều cao như thế).

Thứ hai là Thân lượng chư Thiên cõi sắc giới: Theo luận Tỳ-đàm nói: “Trời Phạm chúng cao nữa do diên. Trời Phạm phước lâu cao một do diên. Trời Đại phạm cao một do diên rưỡi. Trời Quang thiên cao hai do diên. Trời Vô lượng quang cao bốn do diên. Trời Quang Âm cao tám do diên. Trời Thiếu tĩnh cao mười sáu do diên. Trời Vô lượng tịnh cao ba mươi hai do diên. Trời Biến tịnh cao sáu mươi bốn do diên. Trời Phước khánh cao một trăm hai mươi lăm do diên. Trời Phước sinh cao hai trăm năm mươi do diên. Trời Quảng quả cao năm trăm do diên. Trời Vô tưởng cũng cao như thế. Trời Thiện kiến cao bốn ngàn do diên. Trời Thiện hiện cao tám ngàn do diên. Trời Sắc cứu cánh cao mười sáu ngàn do diên.

Thứ ba là Thân lượng chư Thiên cõi vô sắc giới: vì cõi này thuộc về vô hình, nên không thể nói được (theo Đại thừa thì cũng có sắc vi tế, nhưng kinh luận bỏ qua không nói đến).

Thứ bảy: PHẦN Y LƯỢNG
Hỏi: “Y phục của chư Thiên thì thế nào?”. Đáp: “Chư Thiên trong sáu Trời của cõi Lục dục đều không mặc áo trời, du hành tự tại. Xem ra như mặc lớp hào quang sống động, không thể đem vải vóc thế gian so sánh. Y phục của chư Thiên cõi sắc giới, tuy gọi là thiên y, nhưng thật ra cũng như là hào quang, càng biến chuyển, càng đẹp đẽ, không thể diễn tả nỗi. Còn kinh Khởi Thế nói: “Trời Tứ thiên vương thân cao nữa do tuần, áo dài một do tuần, rộng nữa do tuần, nặng nữa lượng. Trời Tam thập tam, thân cao một do tuần, áo dài hai do tuần, rộng một do tuần, nặng nữa lượng. Trời Dạ ma thân cao hai do tuần, áo dài bốn do tuần, rộng hai do tuần, nặng nữa lượng một phần bốn. Trời Đâu suất thân cao bốn do tuần, áo dài tám do tuần, rộng bốn do tuần, nặng nữa lượng một phần tám. Trời Hóa lạc thân cao tám do tuần, áo dài mười sáu do tuần, rộng tám do tuần, nặng nữa lượng một phần mười sáu. Trời Tha hóa tự tại thân cao mười sáu do tuần, áo dài ba mươi hai do tuần, rộng mười sáu do tuần, nặng nữa lượng một phần ba mươi hai. Chư Thiên Ma thân, thân cao ba mươi hai do tuần, áo dài sáu mươi bốn do tuần, rộng ba mươi hai do tuần, nặng nữa lượng một phần sáu mươi bốn. Từ đây trở lên, các Trời khác có thân lượng cao thấp và y phục dài ngắn đều bằng nhau, không khác biệt”. Kinh Khởi Thế còn nói: “Chư Thiên cõi Dục giới có nhiều loại áo quần trang nghiêm, không thể nói hết. Riêng hai Trời Hóa lạc và Tha hóa tự tại, áo quần ăn mặc đều tùy theo ý muốn mà thành lớn nhỏ, trọng lượng cũng thế. Chư Thiên cõi Sắc giới, không mặc y phục cũng như có mặc, chẳng có gì khác biệt. Trên đầu tuy không có tướng Đỉnh kế nhưng cũng giống như có đội mão Trời. Không phân biệt nam nữ, chỉ có một hình dáng giống nhau”. Kinh Trường A-hàm nói: “Trời Đao lợi áo nặng một thù rưỡi. Trời Hóa lạc áo nặng một thù. Trời Tha hóa tự tại áo nặng nữa thù”. Luận Thuận Chánh Lý nói: “Thiên chúng cõi Sắc giới, khi sơ sinh, thể hình tròn trịa, áo quần đầy đủ”.

Thứ tám: PHẦN THỌ LƯỢNG
Theo luận A-tỳ-đàm nói: “Thọ lượng của chư Thiên như sau: nếu nhân gian sống năm mươi năm, thì Trời Tứ thiên vương là một ngày đêm. Cứ dùng số ngày tháng năm này mà tính, thọ lượng của Trời Tứ thiên vương là năm trăm tuổi. Tính theo ngày tháng của nhân gian là chín trăm vạn năm, thì số bằng một ngày đêm ở địa ngục Đẳng hoạt. Cứ dùng số ngày tháng này mà tính, thọ lượng của địa ngục Đẳng hoạt là năm trăm tuổi. Kể nhân gian một trăm năm bằng một ngày đêm ở Trời Tam thập tam. Cứ dùng số ngày tháng năm này mà tính, thọ lượng của Trời Tam thập tam là một ngàn tuổi. Tính theo ngày tháng của nhân gian là ba ức sáu trăm vạn năm thì số này bằng một ngày đêm ở địa ngục Hắc thằng. Cứ dùng số ngày tháng năm này mà tính, thọ lượng của địa ngục Hắc thằng là một ngàn tuổi. Kể nhân gian hai trăm năm bằng một ngày đêm ở Trời Diệm ma. Cứ dùng số ngày tháng năm này mà tính, thọ lượng của Trời Diệm ma là hai ngàn tuổi. Tính theo ngày tháng của nhân gian là mười bốn ức bốn trăm vạn năm. Số này bằng một ngày đêm ở đại địa ngục Chúng hợp. Cứ dùng số ngày tháng năm này mà tính, thọ lượng của đại địa ngục Chúng hợp là hai ngàn tuổi. Kể nhân gian bốn trăm năm bằng một ngày đêm ở Trời Đâu suất đà. Cứ dùng số ngày tháng năm này mà tính, thọ lượng của Trời Đâu suất đà là bốn ngàn tuổi. Tính theo ngày tháng của nhân gian là năm mươi bảy ức sáu trăm vạn năm. Số này bằng một ngày đêm ở Hô địa ngục. Cứ dùng số ngày tháng năm này mà tính, thọ lượng của Hô địa ngục là bốn ngàn tuổi. Kể nhân gian tám trăm năm bằng một ngày đêm ở Trời Hóa lạc. Cứ dùng số ngày tháng năm này mà tính, thọ lượng của Trời Hóa lạc là tám ngàn tuổi. Tính theo ngày tháng của nhân gian là hai trăm ba mươi ức năm. Số này bằng một ngày đêm ở địa ngục Đại hô. Cứ dùng số ngày tháng năm này mà tính, thọ lượng của địa ngục Đại hô là tám ngàn tuổi. Kể nhân gian một ngàn sáu trăm năm bằng một ngày đêm ở Trời Tha hóa tự tại. Cứ dùng số ngày tháng năm này mà tính, thọ lượng của Trời Tha hóa tự tại là mười sáu ngàn tuổi. Tính theo ngày tháng của nhân gian là chín trăm hai mươi mốt ức sáu trăm vạn năm. Số này bằng một ngày đêm ở Nhiệt đại địa ngục. Cứ dùng số ngày tháng năm này mà tính, thọ lượng một kiếp của Nhiệt đại địa ngục là mười sáu ngàn tuổi. Các Nhiệt đại địa ngục khác có thọ lượng nữa kiếp trên. Đại địa ngục Vô trạch có thọ lượng một kiếp nói trên. Súc sinh thọ lâu nhất, cũng một kiếp nói trên. Như luận nói các loài Rồng Địa trì, ngạ quỷ thọ lâu nhất được năm trăm tuổi”.

Thứ hai là tính thọ lượng ở sắc giới thì dùng kiếp làm đơn vị. Trước tiên, thọ lượng của Trời Phạm chúng là nữa kiếp. Trời Phạm phước lâu một kiếp. Trời Đại phạm một kiếp rưỡi. Trời Thiểu quang bốn kiếp. Trời Quang Âm tám kiếp. Trời Thiểu tịnh 1sáu kiếp. Trời Vô lượng tịnh ba mươi hai kiếp. Trời Biến tịnh sáu mươi bốn kiếp. Trời Phước ái một trăm hai mươi lăm kiếp. Trời Phước quang hai trăm năm mươi kiếp. Trời Quảng quả năm trăm kiếp. Trời Vô tưởng cũng như thế. Trời Vô hy vọng một ngàn kiếp. Trời Vô nhiệt hai ngàn kiếp. Trời Thiện kiến bốn ngàn kiếp. Trời Sắc cứu cánh mười sáu ngàn kiếp.

Thứ ba là tính thọ lượng ở Vô sắc giới thì Trời Không xứ thọ hai vạn kiếp. Trời Thức xứ bốn vạn kiếp. Trời Vô sở hữu xứ sáu vạn kiếp. Trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ tám vạn kiếp. Tam giới đều có yểu nữa chừng, chỉ trừ Uất-đơn-việt, Bồ tát tối hậu thân ở Trời Đâu suất và Trời Vô tưởng đều có thọ lượng nhất định, không nói đến yểu nữa chừng. Các cõi còn lại đều có yểu nữa chừng. Luận Thuận Chánh Lý cũng nói như thế. Tuy vậy, người Bắc câu lô về đường Nhân đạo, vốn có phước lực mạnh nhất. Kẻ độn căn bạc trần quá ham thú khoái lạc, mang tội không biết nhiếp thọ, nhưng khi chết cũng được sinh vào thượng giới. Những người khác đều giống như đã nói trước đây. Hỏi: “Khi kiếp hỏa này nổi lên, đến cõi Sơ Thiền, tất cả đều bị thiêu rụi. Vì sao luận bảo rằng Thiên vương Đại phạm thọ được một kiếp rưỡi?”. Đáp: “Ở đây nói một kiếp rưỡi là căn cứ vào chỗ gộp sáu mươi Tiểu kiếp thành một kiếp rưỡi, chứ không căn cứ vào đại kiếp. Nếu căn cứ vào Đại kiếp thủy hỏa phong mà nói thì cũng như một kiếp hợp thành từ tám mươi Tiểu kiếp, trong đó còn thiếu hai mươi Tiểu kiếp. Đem so với lượng một kiếp rưỡi, ý nghĩa chẳng có gì sai”. “Làm thế nào biết được như thế?”. Theo luận Câu Xá cũ gọi là Biệt kiếp, luận Lật Thế A-tỳ-đàm gọi là tiểu kiếp, luận Câu Xá mới, luận Bà-sa mới gọi là trung kiếp. Ba danh từ này tuy khác nhau, nhưng thực chất chỉ là một, thì lượng cũng bằng nhau. Như kinh A-hàm nói rằng: “Từ người thọ tám vạn bốn ngàn tuổi, cứ một trăm năm giảm bớt một tuổi, đến khi chỉ còn thọ mười tuổi. Từ thọ mười tuổi lại tăng dần lên đến tám vạn bốn ngàn tuổi. Trải qua một kiếp tăng, một kiếp giảm. Ngần ấy thời gian gọi là thời lượng một trung kiếp (Biệt kiếp và Tiểu kiếp cũng y thế)”. Nếu theo luận Câu Xá thì lại nói: “Khi hết một đại vận Tam tai, bắt đầu từ khởi thủy đến chung cục của thế gian mới gọi là một đại kiếp. Theo một đại hạn Tam tai thủy hỏa phong như thế, phải trải qua tám mươi trung kiếp. Như phải trải qua một trung kiếp hoại, một trung kiếp thành, mười chín trung kiếp chúng sinh lần lượt trụ, hai mươi trung kiếp đang trụ, mười chín trung kiếp lần lượt hoại rồi không. Đấy là một trung kiếp. Vừa gặp một đại hạn Tam tai thủy hỏa phong hủy hoại khí thế gian mười chín trung kiếp, liền gặp một tiểu hạn Tam tai đói kém, bệnh dịch, binh đao hủy hoai thế giới chúng sinh”. Vì hiểu theo nghĩa nầy, nên luận Tỳ-đàm mới nói: “Cõi nào trụ sau cùng thì cõi ấy không trước tiên. Cõi chúng sinh trụ sau cùng là nói địa ngục A tỳ ở chỗ thấp nhất. Cõi nầy không sau cùng. Cõi chúng sinh trụ trước tiên không có quy tắc cố định. Nếu căn cứ vào kiếp hỏa, tức là cõi Sơ Thiền. Nếu căn cứ vào kiếp thủy, là cõi Nhị Thiền. Nếu căn cứ vào kiếp phong, là cõi Tam Thiền. Vì lập luận như thế, nên trong một đại kiếp có đủ sáu mươi trung kiếp ấy và hai mươi biệt kiếp trong không kiếp. Gộp đủ tám mươi Tiểu kiếp mới gọi là một đại kiếp. Biện luận về kiếp như thế, hiển nhiên không sai”.

Nay nói về Trời thứ nhất là Phạm chúng trong cõi Sơ Thiền có thọ lượng nữa kiếp thì phải biết dựa vào nữa kiếp gồm có hai mươi trung kiếp trong Biệt kiếp ấy mà bàn. Thứ hai là Trời Phạm phụ có thọ lượng một kiếp là điều căn cứ vào bốn mươi trung kiếp của Biệt kiếp ấy mà bàn. Theo đúng nghĩa này thì không sai được. Cõi Sơ Thiền đã như thế, từ cõi Nhị Thiền trở lên, phải biết đều căn cứ vào đại kiếp của Tam tai để minh định thọ lượng, chứ không dựa vào trung kiếp và Biệt kiếp nữa. Trong cõi Nhị Thiền thì thứ nhất là Trời Thiểu quang, có họ lượng hai kiếp. Thứ hai là Trời Vô lượng quang có thọ lượng tám kiếp. “Nếu nói thủy tai đã ngập đến cõi Nhị Thiền, chư Thiên Trời Quang Âm làm sao thọ được tám đại kiếp?”. “Nên biết rằng sau bảy trận hỏa tai ấy, mới có năm trận thủy tai nổi lên, ngập đến cõi Nhị Thiền. Vì thế, chư Thiên Trời Quang Âm thọ được tám đại kiếp”.

Trong cõi Tam Thiền thì thứ nhất là Trời Thiểu tịnh, có thọ lượng 1sáu kiếp. Thứ hai là Trời Vô lượng tịnh, có thọ lượng ba mươi hai kiếp. Thứ ba là Trời Biến tịnh, có thọ lượng sáu mươi bốn kiếp. “Nếu bảo phong tai đã thổi đến cõi Tam Thiền, làm sao chư Thiên Trời Biến tịnh thọ được sáu mươi bốn kiếp?”. “Đây cũng là điều nên biết rằng sau đại vận sáu mươi ba trận thủy hỏa tai ấy, mới có một trận phong tai nổi lên. Thế nên chư Thiên Trời Biến tịnh có thọ lượng sáu mươi bốn kiếp. Làm thế nào biết được như thế?”. Điều này, trong luận Tỳ-đàm có nói: “Sau bảy hỏa kiếp dồn dập nổi lên, mới có năm trận thủy tai nổi dậy. Như thế thì bảy bảy bốn mươi chín lượt hỏa tai nổi lên, mới có bảy trận thủy tai nổi dậy. Nói gộp lại thì có năm mươi sáu kiếp. Lại nữa, sau khi trải qua năm mươi sáu kiếp này, còn có bảy trận hỏa tai xảy đến.. Và sau bảy trận hỏa tai này, mới có năm trận phong tai nổi lên, hủy hoại tận cõi Tam Thiền. Gộp chung các kiếp nói trên thành ra sáu mươi bốn kiếp”. Theo ý nghĩa này, thì Trời Biến tịnh thọ được sáu mươi bốn kiếp. Thế nên luận Tỳ-đàm nói kệ rằng:

“Bảy hỏa lần lượt qua,
Sau đó mới một thủy.
Bốn chín hỏa, bảy thủy,
Lại bảy hỏa, sau phong”.

Hỏi: “Trời Thức xứ, trong bốn cõi Trời ở vô sắc giới này, có thọ lượng gấp đôi Trời Không xứ. Chưa rõ vì sao thọ lượng của hai Trời ở sau không nhiều gấp đôi Trời Thức xứ ở trước?.

Đáp: Như trong luận Bà-sa nói có ba Luận sư đều cùng giải thích về điều này. Thuyết của vị thứ nhất nói: “Hai coi Không xứ, Thức xứ ấy, mỗi cõi đều có vô lượng hạnh và các hạnh khác đều là xả tất cả Nhập v.v… nên thọ lượng được gấp đôi. Không xứ, nhờ có vô lượng hạnh nên thọ được một vạn kiếp. Các hạnh khác được thọ thêm một vạn kiếp. Thế nên, gộp lại có thọ lượng hai vạn kiếp. Thức xứ, nhờ có vô lượng hạnh, nên thọ được hai vạn kiếp, các hạnh khác được thọ thêm hai vạn kiếp Nhờ số này nhiều gấp đôi lần số trước, nên thọ lượng bốn vạn kiếp. Rốt lại, hai Trời ở trên, vì không có vô lượng hạnh, nên thọ lượng không thể nhiều gấp đôi”. Thuyết thứ nhất là như thế. Thuyết của Luận sư thứ hai nói: “Hai Trời Không xứ, Thức xứ, vì mỗi trời đều có hai loại huệ hạnh và định hạnh, nên thọ lượng gấp đôi. Huệ hạnh thọ được một vạn kiếp, định hạnh thọ được một vạn kiếp. Thế nên gộp lại, có thọ lượng hai vạn kiếp. Trời Thức xứ, nhờ định hạnh thọ được hai vạn kiếp, lại nhờ huệ hạnh thọ được thêm hai vạn kiếp. Do số này nhiều gấp một lần số trước, nên có thọ lượng bốn vạn kiếp. Hai cõi trên này, vì chỉ có định hạnh mà không có huệ hạnh, nên thọ lượng không thể nhiều gấp bội”. Thuyết thứ hai là như thế. Thuyết của Luận sư thứ ba cũng nói:

“Bốn cõi Vô sắc định, phần phước báo của mỗi cõi chỉ có hai vạn kiếp. Vì cớ ly dục, không ly dục nên có thọ lượng gấp đôi và không gấp đôi. Trong cõi Không xứ định, vì chưa lìa được dục của chính mình, nên chỉ thọ hai vạn kiếp. Trong cõi Thức xứ, thọ được hai vạn kiếp, chính là thọ lượng của định. Do lìa được dục của Không xứ cho nên thọ thêm được hai vạn kiếp. Nhờ số này nhiều gấp đôi số trước, nên có thọ lượng bốn vạn kiếp. Vô sở hữu xứ thọ được hai vạn kiếp, chính là thọ lượng của định. Do lìa được dục của hai cõi Không xứ, Thức xứ, nên được thọ thêm bốn vạn kiếp. Phi tưởng phi phi tưởng xứ, thọ được hai vạn kiếp, chính là thọ lượng của định. Nhờ lìa được dục của ba cõi dưới, nên có thọ lượng tám vạn kiếp”. Thuyết thứ ba là như thế, nghĩa lý đã hiển hiện ở đấy rồi vậy.

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây