Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 49: Quyển 17 - Thiên thứ 7: Kính Pháp - Thứ ba: Phần Cầu Pháp

Thứ ba: PHẦN CẦU PHÁP

Như kinh Tạp-bảo-tạng nói: “Ngày xưa có một thiếu nữ sáng láng thông minh, rất tin Tam bảo, lên chùa mời hai vị Tỳ-kheo tới nhà cúng dường. Sau đó, một vị Tỳ-kheo già tìm đến khất thực. Vị này, tuổi cao trí kém, không hiểu biết nhiều. Chờ vị này thọ trai xong, thiếu nữ thành tâm xin nghe thuyết pháp, ngồi kết già trước mặt, nhắm mắt lắng nghe. Vị Tỳ-kheo nhận thức không thể thuyết pháp, thấy thiếu nữ nhắm mắt, liền bỏ chạy về chùa. Thiếu nữ chí tâm suy niệm các phép hữu hình đều vô thường, khổ không, không thể tự tại. Trầm ngâm quán tưởng, bỗng nhiên chứng được quả Tư-đà-hoàn. Xong xuôi, thiếu nữ lên chùa tìm vị Tỳ-kheo ấy để tạ ơn. Vị Tỳ-kheo già tự thấy không biết gì, đã bỏ thiếu nữ chạy trốn, sinh lòng hổ thẹn, nên cố lánh mặt. Thiếu nữ cứ cầu khẩn mãi, vị ấy đành phải xuất hiện. Thiếu nữ bẩm rõ nhân duyên đắc Đạo và dâng lễ vật cúng dường. Vị ấy nghe xong, vô cùng hổ thẹn, tự trách rất nhiều và cũng chứng được quả Tư-đà-hoàn. Do đó, hành giả cần phải chí tâm tin thành cầu Pháp. Nếu thế, nguyện vọng chắc chắn sẽ thành tựu.”

Kinh Niết-bàn nói: “Đức Phật bảo, ta nhớ vào thời quá khứ, từng làm một Bà-la-môn tu phép khổ hạnh trong núi Tuyết sơn. Bấy giờ, không có đức Phật xuất thế và cũng chẳng có kinh điển. Trời Đế-thích quan sát thấy Bồ-tát một mình tu phép ấy giữa chổ núi non, liền hiện xuống thử lòng, biến thành hình La-sát dữ dằn đáng sợ, đứng trước mặt Bồ-tát, nói nửa bài kệ:

“Các hành vốn vô thường,
Đều là pháp sinh diệt.”

Bồ-tát nghe được, lòng rất vui mừng, đứng dậy vén tóc, nhìn quanh bốn phía, chẳng thấy ai ngoài La-sát, liền hỏi rằng: “Đại sĩ từ đâu có nửa bài kệ này? Đây là Chánh đạo của chư Phật ba đời.” La-sát đáp lời: “Nhà ngươi không nên hỏi nữa. Ta không ăn uống đã lâu ngày, tìm kiếm khắp nơi, chẳng có gì ăn. Đói khát khổ sở quá, nên buột miệng nói càn. Thật ra, chẳng hiểu gì cả!” Bồ-tát lại nói: “Nếu đại sĩ nói hết bài kệ, tôi sẽ xin làm đệ tử hầu hạ suốt đời.” La-sát trả lời: “Nhà ngươi ham biết quá nhiều, chỉ tự khổ thân. Ta bị đói khát, không thể nói nổi.” Bồ-tát lại hỏi: “Đại sĩ ăn gì?” La-sát trả lời: “Thức ăn của ta, toàn tthịt người còn ấm; đồ uống của ta, toàn máu người nóng hổi.” Nghe xong, Bồ-tát trả lời: “Nếu tôi nghe hết bài kệ, sẽ xin đem thân cúng dường đại sĩ.” Lasát trả lời: “Ai tin nổi nhà ngươi, chỉ vì tám chữ, dám hy sinh thân xác đáng yêu?” Bồ-tát dõng dạc trả lời: “Tôi nay có người làm chứng: bốn vị Thiên vương Đại-phạm và chư Phật, chư Bồ-tát làm chứng giúp tôi.” La-sát nghe xong, bằng lòng nói nửa bài kệ. Bồ-tát hớn hở vui mừng, lập tức cởi áo da hươu trải làm pháp tọa, thưa rằng: “Xin Hòa thượng ngồi lên và nói giúp cho tôi.” La-sát bèn nói rằng:
 
“Sinh diệt đã diệt xong,
Tịch diệt mới an lạc.”

La-sát nói xong, Bồ-tát trầm ngâm suy niệm, viết lên thân cây, vách đá, đoạn trèo lên ngọn cây cao, buông mình nhào xuống, chưa đụng mặt đất, bỗng nhiên giữa hư không nổi lên nhiều tiếng tán thán. Bấy giờ, La-sát hiện lại nguyên hình Đế-thích, ra tay đón lấy Bồ-tát đặt lên, ngỏ lời ăn năn, cúi đầu đảnh lễ và bay về Thiên cung. Nhờ nhân duyên ấy, Bồ-tát vượt qua mười hai đại kiếp, chứng quả Vô thượng trước đức Phật Di-lặc.”

Lại nữa, kinh Niết-bàn nói: “Đức Phật bảo, ta nhớ vào vô lượng vô biên ức kiếp trước, thế giới Ta-bà này có đức Phật xuất thế, hiệu là Thích-ca-Mâu-ni, giảng thuyết kinh Niết-bàn cho mọi chúng sinh. Bấy giờ, ta nghe các thiện hữu kể lại chuyện ấy, lòng rất vui mừng, muốn đem cúng dường. Vì nghèo không có tiền của, đành phải bán thân. Ta thật bất hạnh, chẳng có ai mua, bèn sửa sọan về nhà. Nửa đường gặp một người, ta đánh tiếng hỏi: “tôi muốn bán thân, ngài chịu mua không?” Người ấy trả lời: “Công việc của ta chẳng ai làm nổi. Ta mắc bệnh độc, thầy thuốc cho toa, hằng ngày phải ăn ba lượng thịt người. Nếu ông hằng ngày có thể cung cấp cho ta ba lượng thịt trên mình, ta sẽ tặng cho ông năm đồng tiền vàng.” Nghe xong, ta vui mừng trả lời: “Làm ơn cho tôi ba ngày thu xếp mọi chuyện, sau đó tôi sẽ xin đến nhà ngài.” Người ấy trả lời: “Chỉ cho ông một ngày.” Ta liền nhận tiền, mang đến đức Phật, đảnh lễ cúng dường và thành tâm xin nghe kinh ấy.

Ta thời ấy si độn, chỉ thọ lãnh bài kệ:

“Như Lai chứng Niết-bàn,
Đoạn tuyệt hẳn sinh tử.

Nếu ai thành khẩn nghe, Thọ lãnh xong, ta đến nhà người bệnh. Tuy hằng ngày lóc hết 3 lượng thịt, nhưng nhờ tụng niệm bài kệ ấy, nên không thấy đau đớn.

Lần lượt đủ một tháng, người ấy lành bệnh và vết thương của ta cũng lành lặng như thường. Ta bèn phát tâm Bồ-đề, cầu nguyện mai sau, khi thành Phật, cũng lấy hiệu là Thích-ca-Mâu-ni. Nhờ nhân duyên ấy, nay ta mới thành Phật.”

Lại nữa, kinh Tập-nhất-thiết-phước-đức-Tam-muội nói: “Vào vô lượng kiếp xa xưa, có vị tiên nhân tên Tối Thắng, đầy đủ năm phép thần thông, hay làm chuyện Từ bi, sau đó suy nghĩ: “Lòng Từ bi chưa đủ cứu độ chúng snh, phải gom góp trí tuệ mới có thể tiêu diệt phiền não, giúp đỡ chúng sinh đổi tà kiến thành Chánh kiến.” Nghĩ xong, bèn đi khắp xóm làng thành thị tìm Đạ sư thuyết pháp. Bấy giờ, có Thiên ma đến bảo tiên nhân: “Nay ta có bài kệ do đức Phật nói ra. Nếu người chịu lột da làm giấy, chích máu làm mực, chẻ xương làm bút ghi chép bài kệ ấy, ta sẽ nói cho ngươi nghe.” Tiên nhân tâm niệm: “Trong trăm nghìn vô lượng kiếp, ta đã từng cắt xẻo thân thể bố thí cho người khác, chịu đau đớn vô cùng, nhưngchẳng đem lại lợi ích gì cả. Nay ta phải hy sinh thể xác mỏng manh để đổi lấy Chánh pháp chân thật.” Nghĩ xong, tiên nhân vui mừng hớn hở, lấy dao bén lột da làm giấy, chính huyết làm mực và chẻ xương làm bút, rồi chắp tay hướng về Thiên ma xin nghe bài kệ của đức Phật. Thiên ma thấy thế, héo hắt buồn rầu, lẫn tránh đi mất. Tiên nhân biết được, liền nói lớn rằng: “Ta nay vì Pháp, không tiếc sinh mạng. Đã lột da làm giấy, chích huyết làm mực, chẻ xương làm bút để giúp chúng sinh. Thành tâm chẳng dối. Các thế giới khác, nếu có vị đại Từ bi, biết thuyết pháp xin hiện ra trước mắt!” Vừa dứt lời, từ phương Đông cách xa ba mươi hai quốc độ, có thế giới tên Phổ Vô Cấu, ở đó có đức Phật hiệu là Tịnh Danh Vương bỗng hiện ra, phóng hào quang lớn chiếu lên mình tiên nhân, giúp tiêu tan mọi đau đớn được bình phục như cũ. Đức Phật bèn thuyết pháp rộng rãi về phép Tam-muội gom góp tất cả mọi phước đức. Tiên nhân nghe xong, chứng được quả biện luận vô ngại. Đức Phật liền biến mất. Nhờ quả ấy, tiên nhân giảng giải Chánh pháp nhiệm mầu cho tất cả chúng sinh đều an trụ ở Đạo quả Tam thừa. Một nghìn năm sau, tiên nhân mệnh chung, sinh vào nước Phổ Vô Cấu của đức Phật Tịnh Danh vương. Nhờ nhân duyên kính Pháp, nay đã thành Phật.” Đức Phật bảo Tịnh Uy: “Tiên nhân Tối Thắng ngày xưa chính là ta hôm nay.” Bởi thế, nếu có người biết kính cẩn cầu Pháp, chư Phật sẽ vì người ấy, chưa nhập Niết-bàn. Pháp cũng chẳng mất. Dẫu ở quốc độ khác, mắt vẫn thường thấy đức Phật, tai vẫn nghe Chánh pháp.”

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây